Những nỗ lực của Chính phủ trong nhiều năm qua đã đi đến việc ký kết Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA).
Hiệp định này chứng minh VN ngày càng có vị trí cao trên trường quốc tế, hội nhập sâu rộng và có hiệu quả với các nền kinh tế của thế giới.
Chính phủ sẽ tiếp tục kiến tạo những chính sách phù hợp nhằm khai thác tối đa lợi thế cho doanh nghiệp trong nước trong quá trình làm ăn với thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, về phía DN, phải đổi mới, phải trưởng thành để tham gia vào một sân chơi đẳng cấp.
Thị trường EU ai cũng biết là rất khó tính với hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt. Muốn vượt qua được hàng rào đó thì DN Việt phải có bản lĩnh, có cùng trình độ và đẳng cấp như họ. Ưu đãi thuế quan là một lợi thế nhưng chia đều cho cả hai bên, vấn đề còn lại là chất lượng sản phẩm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích rằng: “Hàng rào thuế quan không phải là tất cả, mà chính là việc đáp ứng các yêu cầu chuẩn mực của thị trường này về vệ sinh an toàn thực phẩm; về hàng rào kiểm dịch động vật, thực vật; về những yêu cầu trong chương trình phát triển bền vững… Đồng thời đòi hỏi các sản phẩm của VN phải đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường lao động... Đây mới chính là khó khăn và thách thức của chúng ta”.
Trước hết là vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xuất khẩu hàng hóa thực phẩm sang EU thì đừng để họ trả về. Chưa kể, phải cạnh tranh với họ ngay trên sân nhà mình. Thịt từ Châu Âu sang VN không chỉ giá rẻ mà còn hấp dẫn người tiêu dùng về an toàn vệ sinh. DN Việt không nâng cao những tiêu chuẩn này thì thua ngay trên sân nhà, nói gì đến sân khách.
Đáp ứng yêu cầu trong chương trình phát triển bền vững nói ra chỉ một dòng nhưng là một vấn đề rất lớn. Đó là công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên... Các sản phẩm không thân thiện với môi trường không thể tồn tại.
Điều kiện lao động và môi trường lao động cũng là một phần của phát triển bền vững, vì liên quan đến sức khỏe của người lao động. Công nhân trong nhà máy phải được thụ hưởng một môi trường làm việc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều kiện lao động tốt, với máy móc hiện đại, năng suất cao và đặc biệt là an toàn. Với những tiêu chí này, bắt buộc DN Việt phải có một cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật, cách mạng công nghiệp.
Có lẽ, quy luật cạnh tranh bắt buộc phải thay đổi quyết liệt chính là hiệu quả to lớn nhất mà Hiệp định mang lại. Nói như ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: “Đây chính là cơ hội tổng thể để nâng cấp nền kinh tế VN”.