Từ ngày 1.1.2020, quy định cấm, mà dân gian tóm tắt rất thông minh và dễ nhớ “Đã uống rượu bia - không lái xe” chính thức có hiệu lực. Vấn đề còn lại chỉ là cách thực hiện quy định này, để nó trở thành văn hóa, thành lối sống.
Hôm qua, có một câu hỏi được đặt ra: Cảnh sát có nên “tống giam” ngay tắp lự những “ma men” sau tay lái, khi luật có hiệu lực? khi mà “Một người lái xe trong tình trạng say rượu có nguy cơ gây TNGT gấp 13 lần so với bình thường”.
Tỉ lệ nguy cơ gấp 13 lần nói trên được các nhà kinh tế học đưa ra trong cuốn Siêu kinh tế học hài hước, dựa trên những số liệu cụ thể.
Và, ở rất nhiều nơi trên thế giới áp dụng quy định cấm, cảnh sát sẽ lập tức “tống giam” khi phát hiện có cồn trong hơi thở.
Tống giam, theo nghĩa tạm giữ, ngăn “ma men”- từ nguy cơ trở thành thủ phạm cho một TNGT thảm khốc. Có thành ngữ đại ý: Đối với ma men, biển chỉ tới gối.
Ở Việt Nam, ma men, hay những người uống bia rượu ngồi sau tay lái sẽ được xử lý như thế nào?
Câu trả lời là chưa có câu trả lời. Bởi ngay trước ngày luật có hiệu lực, việc sửa đổi nghị định 46/2016 vẫn chưa hề nhúc nhích. Mà ở ta, muốn luật đi vào cuộc sống, còn cần có nghị định hướng dẫn. Nghị định xong, lại cần có thông tư.
Năm 2019, dù được đánh giá là có mức giảm số người chết sâu nhất kể từ năm 2014 đến nay, nhưng toàn quốc xảy ra trên 17.000 vụ TNGT, làm chết trên 7.600 người và bị thương trên 13.000 người, gây phí tổn và đau thương xã hội rất lớn.
Trong lễ ra quân Năm An toàn Giao thông 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đặt ra mục tiêu: Năm 2020 sẽ giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và bị thương so với 2019. Điều đó có thể thực hiện và phải thực hiện.
Nếu năm xưa, chúng ta cũng từng nhận vô số chỉ trích, phản đối, gặp không ít khó khăn khi quy định buộc đội mũ bảo hiểm đối với những người tham gia giao thông... thì năm nay, đã có sự đồng thuận rất lớn từ phía người dân với quy định “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Một tiền đề quan trọng để quy định trở thành văn hóa.
Con đường hướng tới văn minh và an toàn, có lẽ còn cần có thời gian và không ít trắc trở để các quy định ấy trở thành văn hóa, thành lối sống.
Nhưng miễn đó đừng là sự chậm trễ thường niên, chẳng hạn đã có luật nhưng chưa thể thi hành vì thiếu hướng dẫn. Bởi sự chậm trễ ấy, có thể, sẽ có giá là rất nhiều mạng người. Nhất là khi Tết đang tới. Và nguy cơ tai nạn mỗi dịp Tết, thật khủng khiếp, luôn tỉ lệ thuận với thói quen sử dụng bia rượu.