Lần đầu tiên Hải Phòng ban hành văn bản quyết liệt yêu cầu bổ sung lãnh đạo trẻ. Đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo quận, huyện dưới 35 tuổi.
Yêu cầu này xuất phát từ một thực tế ở Hải Phòng, được nêu trong Kết luận của Thường vụ Thành uỷ là đội ngũ lãnh đạo là không đảm bảo tính kế thừa, tỉ lệ cán bộ trẻ, đặc biệt là cán bộ trẻ dưới 35 tuổi thấp.
Thành uỷ Hải Phòng đưa ra mục tiêu cục thể: Trong năm 2021, phấn đấu 40-60% quận, huyện có cán bộ trẻ giữ chức vụ phó bí thư, phó chủ tịch UBND. Đến năm 2024, bố trí cho các quận, huyện còn lại và bố trí tăng thêm cho những nơi có điều kiện.
Rõ ràng đây là quan điểm mang tính sáng tạo và đột phá, mạnh dạn trao cơ hội cho lớp trẻ.
Thực tế thiếu cán bộ trẻ, đặc biệt là lãnh đạo dưới 35 không chỉ ở Hải Phòng. Thế nhưng, việc trao quyền cho người trẻ thường tạo ra những dư luận trái chiều.
Ở vế thứ nhất, dư luận có xu hướng nhận định tiêu cực khi có một người quá trẻ được bổ nhiệm nhất là quá trình bổ nhiệm "thần tốc" và là "người thân" của lãnh đạo cao hơn.
Đã có rất nhiều ví dụ về những "hạt giống đỏ", những "con ông cháu cha" đã bị "chín ép", ngồi nhầm chỗ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Thậm chí chín rụng, mất hết cơ đồ, sự nghiệp.
Ở vế thứ hai, tại nhiều địa phương, ngay cả những người trẻ có năng lực, muốn cống hiến nhưng cũng khó được cân nhắc vì tư duy "khôn đâu đến trẻ" và quan trọng là tâm lý chưa sẵn sàng nhường ghế, nhường nhiệm vụ cho lớp trẻ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa ra quan điểm chỉ đạo: "Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo".
Để người trẻ được trọng dụng, phát huy tài năng, tăng cường đổi mới sáng tạo thì trong bổ nhiệm, đầu tư cán bộ phải có sự bảo đảm cơ hội công bằng cho tất cả các tài năng trẻ, đánh giá dựa trên năng lực thực tế.
Đây chính là yếu tố quan trọng nhất để thay đổi những bức xúc bấy lâu nay như “con ông cháu cha” hay “bổ nhiệm người nhà hơn là người tài”, “bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn không đúng người”.
Công cuộc phát triển đất nước cần người trẻ, người trẻ cũng cần có những cơ hội để khẳng định bản thân.
Thực tế thì không nên coi 35 tuổi là còn quá trẻ đối với một bí thư hay chủ tịch cấp quận. Thậm chí, nhiều người ở vị trí cao hơn, tuổi đời trẻ hơn vẫn làm được việc hiệu quả và có thực tài.
Nếu địa phương nào cũng sẵn sàng bổ nhiệm lãnh đạo trẻ trên nguyên tắc công bằng, đúng người, đúng việc trong lĩnh vực quản lý công thì sẽ hạn chế được tình trạng chảy máu nhân tài, còn người được chọn thì "chín ép" và "ngồi nhầm ghế".
Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC (1)