“Tết rồi, tôi xuống phường, tôi hỏi bí thư, chủ tịch phường khi một công dân chết, anh mang giấy báo tử cho họ và có chính sách hỗ trợ không?”. Thủ tướng nói: Nếu khai tử mà cũng phải đi mấy vòng để làm giấy báo tử thì làm sao dân tin vào một chính quyền như vậy”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải làm sao cho người dân, doanh nghiệp làm thủ tục thuận lợi “chứ không phải dân đến gặp ông chuyên viên, ông chuyên viên trình ông phó phòng, ông phó phòng trình ông trưởng phòng, ông trưởng phòng trình vụ phó, vụ phó trình vụ trưởng, ông vụ trưởng trình ông thứ trưởng…
Cảm ơn Thủ tướng đã thấu hiểu cho nỗi khổ của dân mà sự “đi mấy vòng” để làm kể cả một cái giấy chứng tử chỉ là một ví dụ, cho góc khuất trong nền hành chính mà bất cứ người dân nào, doanh nghiệp nào cũng biết, cũng thấy.
Tham nhũng vặt, gắn kèm sách nhiễu, hay nói đúng hơn, sách nhiễu để đòi tiền trong một tình trạng Thủ tướng gọi rõ tên là “tham nhũng vặt”, chính là “chi phí không chính thức” đang đè nặng doanh nghiệp, chính là thủ phạm những nhức nhối, bức xúc xã hội,
Vài triệu đồng, vài trăm đồng, và có khi chỉ vài chục ngàn đồng “lót tay” đúng là không lớn nhưng hậu quả mà nó gây ra thì lại quá lớn, nhất là “hậu quả niềm tin” của người dân với chính quyền, với bộ máy nhà nước.
Nhớ chỉ vừa tuần trước, Chủ tịch TPHCM cũng vừa nhắc tới việc ông “không dám ký vì xấu hổ” khi hồ sơ một doanh nghiệp xin “kích cầu” bị ngâm tới một năm rưỡi, chuyển lòng vòng qua đủ mọi phòng ban mới tới được tay Chủ tịch thành phố.
Nhưng câu chốt của ông Chủ tịch mới là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Tôi kể chuyện đó để suy nghĩ về trách nhiệm, để rút kinh nghiệm”.
Thủ tướng nói đúng. Muốn dẹp nạn tham nhũng vặt, sách nhiễu doanh nghiệp, người dân, muốn xóa bỏ cái gọi là “chi phí không chính thức” thì cần “lên án trong toàn xã hội”, cần “công khai, minh bạch” mọi quy trình, thủ tục, cần tạo điều kiện để người dân giám sát. Nhưng có lẽ cần cả việc loại bỏ kiểu “suy nghĩ”, “rút kinh nghiệm” đối với cả những cá nhân hoặc không làm tròn trách nhiệm, hoặc để quá mọi thời hạn hành chính, nhất là những cá nhân hành hạ, sách nhiễu người dân.
“Ngâm hồ sơ” tới một năm rưỡi và rồi “rút kinh nghiệm”, đó không phải là biện pháp hành chính và như thế thì có lẽ còn phải rút kinh nghiệm dài dài.