Thu nhập của một bộ phận công nhân chưa đủ sống, học hành của con cái, chỗ ở của công nhân còn nhiều khó khăn hay hình ảnh những công nhân xanh xao, gầy gò.
“Đó là nỗi trăn trở của tất cả chúng ta, của Thủ tướng Chính phủ đối với giai cấp công nhân Việt Nam”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ những lời rất chân thành trong buổi làm việc ngày hôm qua (24.12) với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.
Đó cũng là một thực tế mà một bộ phận không hề nhỏ của giai cấp công nhân, người lao động cho dù đóng góp hằng năm của giai cấp công nhân cho đất nước chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách nhà nước. Báo Lao Động mới đây dẫn ra câu chuyện về Nguyễn Gia Vinh (SN 1988, quê ở Nghệ An), làm công nhân tại một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Lương của Vinh vẻn vẹn 5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cho cuộc sống nhà trọ nơi đất khách quê người. Sau khoảng thời gian “cắm mặt” làm ca, Vinh phải nhận thêm công việc giao nhận hàng Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh… Với mỗi ngày làm tổng cộng tới 14-15 tiếng, đều đặn như vắt tranh, không khó để hình dung Vinh là một người “xanh xao, gày gò”.
Nhưng suy cho cùng, Vinh là một người may mắn. Ít ra, anh còn có công việc làm thêm. Báo cáo của Tổng cục Thống kê hết quý III/2020 cho biết: Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đảng, Nhà nước cùng với tổ chức Công đoàn đã có nhiều chính sách, giải pháp để nâng cao mức sống cho công nhân, lao động. 5 năm qua, số việc làm tăng 26%, mức lương tối thiểu tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35%; điều kiện làm việc đã được cải thiện nhiều.
Đó là những con số rất ấn tượng, nhưng để bắt kịp với tốc độ phát triển, bắt kịp với yêu cầu thực tế của mỗi người lao động thì cần phải cải thiện nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa.
“Chúng ta cùng bắt tay nhau lo cuộc sống tốt hơn cho công nhân trong thời gian tới” không chỉ là lời nhắn gửi mà còn mang bóng dáng một mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ.
“Chúng ta” ở đây là Nhà nước, các đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp và cả chính người lao động cũng phải nỗ lực học tập nắm bắt tri thức, công nghệ để tự nâng cao năng suất cá nhân.
Để có một Việt Nam hùng cường thì cần phải có lực lượng lao động mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần, được chăm lo đầy đủ về cuộc sống. Phải làm điều đó ngay từ bây giờ, để thay đổi một bộ phận công nhân lao động thoát khỏi hình ảnh cứ “xanh xao, gày gò”.