Ảnh bìa là hình ảnh đối tượng đã ném chai nước vào ô tô di chuyển trên đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng vào đêm 15.2 mà BQL Dự án đường cao tốc cung cấp cho báo chí.
Một thanh niên 18 tuổi, buổi tối lên cầu vượt km89+340 chơi với đám bạn và vui tay ném hai chai nước vào ô tô đang lưu thông phía dưới và không có động cơ mục đích gì.
Hãy để ý đến hai chi tiết. Dẫu chỉ là một chai nước bằng nhựa (còn một nửa lượng nước) nhưng sự va chạm với ô tô đang đi với tốc độ cao khiến kính chắn gió rạn nứt. Chẳng hề ngoa khi có người đã so sánh một viên đá ném vào kính ô tô đang chạy với vận tốc 100-120km/h chẳng khác gì một viên đạn và những phản xạ của người lái sau vụ va chạm ấy, rất cao, có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Nhưng cái đáng để bàn hơn, chính vì đó là hành vi không có động cơ mục đích gì, hay, như trong các vụ việc tương tự là chỉ để “cho vui” đang cho thấy sự thiếu hiểu biết về an toàn giao thông, những kiến thức, hiểu biết tối thiểu đáng lẽ một đứa bé phải được dạy từ trong trường học.
Có gì là vui khi sau những cú ném ấy là sức khỏe, tính mạng của những người khác?
Tháng 9.2014 ông Trương Triệu Lương (57 tuổi, ngụ quận 6, TP HCM) khi đang ngồi trên xe khách từ Gia Lai về TP HCM, đã trúng đá vào mắt từ một nhóm thanh thiếu niên địa phương. Bị kính, đá đâm vào mắt, ông Lương đã bị vỡ nhãn cầu mắt trái, gãy sống mũi. Vết thương quá nặng buộc các bác sĩ phải bỏ mắt trái.
Trong phiên tòa 8 tháng sau đó, TAND Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt bị cáo Bùi Viết Tuấn (17 tuổi) mức án 4 năm tù. 3 đồng phạm còn lại không bị truy tố bởi thời điểm phạm lỗi còn chưa đủ tuổi phải truy cứu TNHS.
Đây là vụ việc hiếm hoi có thể xử lý hình sự.
Nhưng việc phạt tiền, phổ biến trong hầu hết các vụ, và có khi chỉ vài trăm ngàn, chỉ là xử lý phần ngọn nếu nó không trở thành những bài học cho những gì thuộc về kiến thức, về đạo đức làm người.
Chúng ta vẫn nghe “Cái lý” của việc phạt tiền là do “chưa gây ra hậu quả”, là bởi “quy định của pháp luật”.
Chẳng lẽ phải chờ đến lúc có TNGT nghiêm trọng, có bị thương, có chết người? Huống chi pháp luật, do con người tạo ra, để bảo vệ chính con người. Nếu quy định pháp luật còn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe thì nó cần phải sửa chứ không thể vin “quy định của pháp luật” mà xử phạt cho những hành vi không khác gì giết người như vậy.