Cả nước đã mất 186 triệu USD để nhập gà. Trong đó, cả cánh gà, đùi gà, thậm chí cả chân gà... những loại thịt thứ phẩm, như đồ bỏ đi.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thì chỉ tính đến hết tháng 9, cả nước đã nhập khẩu tổng cộng 215.700 tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD. Con số này tăng gần 50% về lượng và 46% về kim ngạch.
Có một số liệu cũng không thể không nhắc tới: Giá “gà Mỹ” nhập khẩu lại chỉ có giá 18.000 đồng/kg?
Cái giá quá bèo này từng được một quan chức Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT lý giải: Các mặt hàng nhập khẩu như đùi, cổ, cánh không được coi là hàng chính phẩm mà chỉ là thứ phẩm tại Mỹ.
Bởi vậy, mặt hàng này được xuất khẩu ra các thị trường, trong đó có Việt Nam với mức giá rẻ.
Và phân khúc tiêu thụ của nó là “các quán ăn bán chân gà, cổ, cánh nướng... hoặc phục vụ các bếp ăn công nghiệp”.
Tóm lại, rẻ bèo bởi thứ chúng ta nhập là loại “thường để chế biến bột thịt xương cho chăn nuôi”, vì nó là phần thứ phẩm trong thịt gà không tốt cho sức khỏe, hay ngắn gọn hơn, đó là một thứ “rác thực phẩm”.
Câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ Việt Nam thiếu “đầu cổ cánh”?
Có lẽ, phải nhắc lại cái giá bèo 18.000 đồng/kg. Cái giá bèo này cho thấy một thực tế là chi phí sản xuất tại Mỹ quá cạnh tranh.
Một kg thịt gà hơi tại Mỹ có giá thành sản xuất khoảng 15.000-16.000 đồng/kg, trong khi ở Việt Nam, con số này là hơn 20.000 đồng/kg. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Mỹ rẻ hơn Việt Nam khá nhiều. Ví dụ như, giá đậu tương tại Mỹ là 9.000 đồng/kg thì tại Việt Nam lên tới 16.000 đồng/kg. Trong khi đó, khô đậu tương chiếm tới 15% khẩu phần thức ăn chăn nuôi... Hệ số chuyển đổi thức ăn trong chăn nuôi gà của Việt Nam là 1.6, nghĩa là mất 1,6kg thức ăn thì cho ra 1kg tăng trọng gà. Hệ số này tại Mỹ chỉ là 1.4 và 1.2.
Và giá cạnh tranh đến mức tính hết cả các loại thuế phí nhập khẩu, giá vẫn thấp hơn rất nhiều so với... giá thành sản xuất ở Việt Nam. Chúng ta đang đứng trước một nguy cơ rằng, nhập khẩu thịt giá rẻ cho một phân khúc thị hiếu vừa khiến nguồn ngoại tệ chảy máu trong khi gây áp lực rất lớn cho sản xuất trong nước. Bởi nhập khẩu thịt, dù phục vụ phân khúc nào, thật ra là nhập phục vụ cho “nhu cầu cái mồm”. Nó không hề có ý nghĩa trong phát triển sản xuất, nếu như không nói là ngược lại.
186 triệu USD nhập thịt gà, chủ yếu đầu cổ cánh cho ăn nhậu. Đúng là rất khó nghe.