Từ 1.1.2020, Luật ‘cấm rượu bia khi lái xe’ có hiệu lực. Đây là quy định được người dân ủng hộ, bởi vì mạng sống của con người là trên hết. Hãy ghi nhớ nằm lòng, đã uống rượu thì không lái xe, lái xe thì không uống rượu.
Cũng có ý kiến cho rằng, cấm tuyệt đối là “cực đoan”, bởi vì có khi lễ lạt, đám giỗ, đám cưới, cũng có chút men, mà cấm lái xe thì bất tiện.
Nhưng với tình hình tai nạn giao thông tại Việt Nam, quy định này không phải là cực đoan mà cần thiết, phù hợp.
Còn quá nhiều vụ tai nạn giao thông khác có nguyên nhân từ tài xế say xỉn, bao nhiêu mất mát, đau khổ của nhiều gia đình bị đánh đổi vì chén rượu.
Công dân Việt Nam phải thay đổi nhận thức, tuyệt đối chấp hành dù là xe đạp cũng không được uống một giọt bia rượu. Hãy xác định rằng, cấm tuyệt đối là đúng.
Nếu ai đó còn cho rằng, lái ôtô mới bị cảnh sát xử phạt, vì ôtô nguy hiểm, còn xe máy thì cứ vô tư, nghĩ như vậy là sai lầm, thống kê của 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy, có tới 70% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển môtô, xe máy gây ra, gần 90% nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là người đi xe máy. Năm 2019, tỉ lệ vụ tai nạn giao thông do hành vi vi phạm của người đi xe máy cũng không khác.
Và kể cả người đi xe đạp, say xỉn là rất nguy hiểm, không ai tông mình thì mình cũng lao đầu vào ôtô hoặc tự ngã. Cũng không ít trường hợp, người lái ôtô hoặc xe máy vì tránh người đi xe đạp mà gây ra tai nạn.
Cho nên, cảnh sát giao thông không chỉ xử phạt người lái ôtô uống rượu bia, mà phải kiểm tra người lái xe máy, xe đạp và xử phạt thật nghiêm. Chỉ có áp dụng và thực thi pháp luật mới thay đổi được nhận thức của người dân.
Một đất nước có 10.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm thì không phải là quốc gia văn minh. Và tất nhiên, gia đình, xã hội đều bị hệ luỵ từ những tổn thất này.
Hãy chấp hành luật vì chính bản thân mình và vì quốc gia, dân tộc.