Bối cảnh của phát ngôn là Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi hôm 7.3.
Hiện tại, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang trở thành nỗi sợ hãi của nông dân.
Năm ngoái, ở Bắc Ninh đã từng xảy chuyện một doanh nghiệp phân lô bán nền hơn 8 ha đất với giá hàng chục triệu đồng/m2, ngay cả khi hàng chục hộ dân chưa hề nhận tiền đền bù.
Lao Động khi đó đã ghi nhận những bức xúc đến uất ức của dân. Bà Nguyễn Thị Tấn ở Long Châu, Yên Phong chẳng hạn. Bà Tấn có sinh kế là 2 sào ruộng bị thu hồi. Bà không nhận đền bù vì “không đồng thuận với quyết định của xã”, vì “Nếu xã thu hồi để làm các công trình công ích chung như điện, đường, trường, trạm... thì người dân sẽ vui vẻ bàn giao. Nhưng thu hồi xong lại giao cho tư nhân phân lô, bán nền nên chúng tôi rất bức xúc”.
Nhưng đó không phải là một trường hợp cá biệt.
Hôm qua, bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội đã đề cập đến tình trạng: Thu hồi đất để làm dự án thương mại, dịch vụ với giá đền bù thấp nhưng khi giá sau khi xây dựng hạ tầng thì rất cao, gấp 5 - 7 lần với giá thu hồi, khiến các nhà đầu tư lợi đơn lợi kép, trong khi người thu hồi đất thiệt đơn thiệt kép, gây bức xúc trong nhân dân và xã hội.
Thực tiễn thu hồi đất thật sự là đang rất “có vấn đề”. Thu hồi nhà cửa ruộng vườn ảnh hưởng rất lớn sinh kế của dân, nhưng có nơi 1m2 đất nông nghiệp chỉ được đền bù với giá bằng bát phở. Nhà đầu tư sau đó thì hoặc bán với giá trên trời, hoặc bỏ hoang, thậm chí hàng chục năm.
GS Trần Đình Long (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) khi góp ý cho Luật Đất đai - đã nói đúng: Trong vấn đề thu hồi đất nông nghiệp, người nông dân luôn là đối tượng “cực khổ” nhất.
Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này đang được tiến hành trên tinh thần rất cầu thị, lắng nghe.
Và “nỗi sợ” hay cơn ác mộng đối với dân chỉ thật sự chấm dứt nếu như giải được bài toán cân bằng lợi ích mà Phó Thủ tướng đã đề cập.
Bài toán ấy cũng không có gì là bất khả thi. Chính Chủ tịch Hội nông dân Hà Nội vừa kiến nghị rồi: Thu hồi đất cho các dự án mang tính thương mại, dịch vụ thì giá đất phải có thỏa thuận với người bị thu hồi đất.
Chỉ nằm trong đúng 2 chữ “thoả thuận” thôi.