Nhật Bản đang xem xét có khởi kiện Mỹ hay không, trong khi Trung Quốc mới chỉ đề cập đến xa gần. Việc lôi Mỹ ra WTO đi cùng với những biện pháp trả đũa của các đối tác này đối với sản phẩm hàng hoá của Mỹ xuất khẩu vào thị trường của họ.
Trong khi các biện pháp trả đũa Mỹ trực tiếp bằng áp thuế quan bảo hộ mậu dịch có tác dụng ngay trên thực tế thì việc kiện tụng Mỹ ở WTO lại là quá trình dài với đơn vị để tính thời gian là năm chứ không phải tháng.
Cũng đã từng có những lần WTO xử lý chuyện kiện tụng về xung khắc thương mại chưa xong thì các bên liên quan đã tự dàn xếp được ổn thoả với nhau. Riêng đối với Mỹ, các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ đến nay đã có được bài học kinh nghiệm từ những lần tranh chấp thương mại với Mỹ đã xảy ra là chỉ sau khi bị thua kiện ở WTO thì phía Mỹ mới chịu nhượng bộ.
Nhưng đấy là chuyện ở thời những người tiền nhiệm của ông Donald Trump trị vì nước Mỹ. Với tính cách cá nhân và quan điểm chính sách theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”, ông Donald Trump nhiều khả năng rồi sẽ bất chấp cả mọi phán quyết của WTO bất lợi cho Mỹ.
Dù vậy, các đối tác nói trên của Mỹ vẫn khởi kiện Mỹ ở WTO bởi trước hết chắc chắn giành về thắng lợi cho dù muộn mằn. Chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Donald Trump hoàn toàn trái ngược với tôn chỉ mục đích, nguyên tắc và tiêu chí của WTO nên phía Mỹ hoàn toàn không có cơ hội thắng trong lần bị kiện tụng này.
Khởi kiện Mỹ ở WTO là cuộc đấu của các đối tác với Mỹ về chính trị và pháp lý quốc tế. Tác động và ý nghĩa của chiến thắng ở WTO về chính trị và pháp lý trong mọi trường hợp vẫn vô cùng quan trọng đối với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ.