Tin rất dở khóc dở mếu là tuyến cáp quang AAG còn chưa sửa xong thì tuyến APG lại bị “cá mập cắn”.
“Cá mập cắn cáp” là cách gọi vui, hài hước và cũng không ít mỉa mai của “dân mạng” trước tình trạng phập phù của cáp quang biển Việt Nam.
Tuyến AAG vừa gặp sự cố vào tối 22.10, gây mất toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế. Đơn vị quản lý đầu tiên đưa ra thời hạn “giữa tháng 12” để sửa xong. Nhưng rồi lùi lại đến ngày 23.12 ở hướng đi Singapore. Còn hướng đi Hong Kong (Trung Quốc), dự kiến đến ngày 3.1.2022 mới sửa xong.
AAG chưa xong thì APG đã lại trục trặc. Mà APG chỉ vừa được sửa xong vào cuối tháng 11. Tức là chỉ được đâu đó cỡ... 2 tuần.
Còn trước đó, ngay sau lễ khai giảng năm học mới, 23 triệu học sinh sinh viên cả nước học online chứng kiến “đứt cái phựt” khi cùng lúc cả 2 tuyến cáp AAG và AAE-1 bị “cá mập cắn”.
Tính cả tuyến SMW3 chuẩn bị bán đồng nát, tính cả 2 tuyến “sắp” xong, chúng ta mới có 7 tuyến cáp quang biển. Tính trung bình gần 14 triệu dân mới có một tuyến cáp quang biển. Thấp nhất, kém xa so với các nước trong khu vực. (Tại Singapore, 200.000 dân sử dụng một tuyến cáp. Malaysia là 1,5 triệu dân/tuyến và Thái Lan là 7 triệu dân/tuyến)
Ít là một nhẽ. Cái “nhẽ” nữa là nó suốt ngày bị “cá mập cắn”. Tính trong 5 năm qua, các tuyến cáp quang này đứt trung bình 10 lần mỗi năm. Và mỗi lần, sương sương khoảng... 1 tháng.
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, mạng internet 5G, băng thông rộng cố định nói riêng, hạ tầng viễn thông nói chung sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi nó sẽ trở thành hạ tầng số, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội số.
2025 cũng là năm mục tiêu Việt Nam lọt top 30 thế giới về hạ tầng số. Nói như Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Phạm Đức Long: Phải đạt được tiêu chí mỗi người dân một smartphone, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang…Đó là cơ sở để thực hiện chuyển đổi số. Bởi “Nếu chúng ta phát triển, xây dựng các ứng dụng số, nền tảng số mà không có kết nối số cho người dân thì việc xây dựng và phát triển kinh tế số trở nên vô nghĩa”.
Dường như đã đến lúc chúng ta cần có những “xa lộ cáp quang”, cần nhìn cáp quang như nhìn đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cả ở giác độ đầu tư hạ tầng, cả ở giác độ... bảo vệ.
Có câu chuyện thực tế là tuyến cáp TVH từng bị “đứt”. Nguyên nhân là vì 11km cáp, nặng 100 tấn, trị giá khoảng 6,8 triệu USD đã bị người dân cắt để... bán phế liệu.