Xuất hiện trong bộ váy dân tộc truyền thống, trong một hội nghị về Digital 4.0, chị Tẩn Thị Shu (dân tộc Mông) đã nói về một “cánh cửa” để cộng đồng người dân tộc thiểu số đưa sản phẩm của họ bước ra thế giới.
Câu chuyện đơn giản, Tẩn Thị Shu tham gia một khóa học Digital 4.0 và khởi sự đưa thương hiệu Sapa O’ Châu của mình lên Google maps quảng bá ở phạm vi toàn cầu.
Trở thành giảng viên Digital 4.0, Tẩn Thị Shu sau đó hướng dẫn cho những người đồng bào kỹ năng cơ bản nhất: Mở hòm thư điện tử, lập trang cá nhân, cách đưa thông tin, hình ảnh lên internet, học tiếng Anh với các tình nguyện viên nước ngoài,... 210 hộ kinh doanh lưu trú tại gia và kinh doanh du lịch tham gia lớp học Digital 4.0 này.
"Một doanh nghiệp (DN) tham gia quảng bá, giới thiệu trên trang điện tử sẽ phát triển hiệu quả gấp 2 lần so với DN không làm điều đó”- phát biểu của Giám đốc Điều hành Google tại Việt Nam Nitin Gajria.
Chúng ta đã nói quá nhiều về cách mạng 4.0 rồi. Và có lẽ, những lớp học như Digital 4.0 cần phải coi là những khởi đầu để mỗi một cá nhân có thể là một phần, là “tác giả” trong cuộc cách mạng ấy.
Theo báo cáo Nielsen, tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh so với số lượng những người sử dụng điện thoại thông thường chiếm 84% vào năm 2017, tăng với tốc độ “hai con số” so với chỉ một năm trước (78%). Ngay khu vực nông thôn, trong khi 89% dân số sử dụng điện thoại di động, thì 68% trong số đó sở hữu smartphone.
Wifi có sóng khắp nơi, cước 3G, 4G thuộc top rẻ nhất thế giới, hạ tầng công nghệ của các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT,... trong 15 – 20 năm qua đã tạo ra “một thị trường không thể dễ hơn” để làm công nghệ - nhận định của Giám đốc chiến lược Tập đoàn VNPT Nguyễn Hữu Thái Hòa.
Có nghĩa rằng, tiền đề cả hạ tầng công nghệ, sự sẵn sàng của dân cư lẫn trình độ dân trí đều đã đạt đến mức độ hoàn hảo cho cách mạng 4.0.
Và vấn đề chỉ là sự tham gia, không chỉ từ phía nhà nước mà của từng cá nhân, đặc biệt là 98% doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang thu hút 64% nhân lực nhưng chỉ đóng góp được 45% GDP.
Vấn đề là sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là trong việc các hành lang pháp lý, việc kiểm soát, hỗ trợ khởi nghiệp...để không bỏ phí những yếu tố quá thuận lợi có sẵn.
Có thể, hôm nay chúng ta mỉm cười trước chiếc máy rút xăm cửa chùa, nhưng chi tiết ấy chỉ xác thực rằng cách mạng 4.0 đã thực sự diễn ra chứ không chỉ ở trên giấy nữa.