Bộ Công an cũng làm rất quyết liệt, giảm 6 tổng cục; giảm 60 đơn vị cấp cục và tương đương xuống còn hơn 50 cục; giảm gần 300 đơn vị cấp phòng, 20 Sở CS PCCC sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố. Công an cấp tỉnh giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và giảm 1.000 đơn vị ở cấp đội.
Mới đây, Lào Cai tiên phong sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành.
Đơn cử 3 đơn vị trên để thấy rằng, vấn đề là có quyết định, quyết tâm, quyết liệt hay không, còn khi đã quyết thì không có gì là không thể.
Giảm các tổng cục, cục hay sáp nhập sở, giảm biên chế là đụng đến con người. Chưa kể, có những người đang giữ chức vụ lãnh đạo của các tổng cục, cục hay sở, phòng, họ sẽ mất đi quyền lợi trực tiếp, cho nên không dễ dàng gì để dẹp bỏ, tinh giản.
Ai cũng có lý do để giữ mình lại, ai cũng cho mình làm việc tốt, sẽ không mấy ai tự cho rằng đơn vị của mình là dư thừa. Tự cắt giảm đơn vị của mình mới đáng trọng, làm được như vậy mới là người có thực tâm, thực lòng với đất nước.
Trên thực tế, sự xung đột lợi ích của cá nhân với lợi ích chung luôn tồn tại. Chính vì lẽ đó nên cần phải có người đứng đầu công tâm và mạnh mẽ trong cải cách. Thấy việc đúng, có lợi cho dân cho nước là làm.
Nhưng cả nước mới chỉ có một vài đơn vị cải cách thì không ổn. Cùng với Bộ Công an, trước đó có Bộ Công Thương, Bộ Y tế sắp xếp, sáp nhập, loại bỏ một số đơn vị, còn lại thì chưa thấy tiến hành.
Nếu cả nước đồng loạt thực hiện cải cách, tinh gọn bộ máy, thì sẽ giảm đáng kể biên chế, loại dần những kẻ “sáng vác ô đi tối vác về”, giảm được gánh nặng ngân sách cho quốc gia. Còn nhớ Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch từng cảnh báo: “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”.
Mỗi địa phương, bộ ngành giảm từ vài trăm đến vài ngàn người thì bộ máy tinh gọn, giảm chi tiêu ngân sách. Và với bộ máy tinh gọn, được đào tạo bài bản, ứng dụng công nghệ mới vào quản lý điều hành, thì sẽ có một nền hành chính hiện đại, hạn chế tối đa tiêu cực...
Các bộ, ngành, địa phương khác hãy làm gấp, đừng chần chờ nữa.