"Em lôi đầu con Trần Thị Ngọc Dung - công nhân công ty em ra trả nợ cho anh. Anh lôi đầu nó không được, anh lôi đầu cả dòng họ và người thân của em ra. Không chỉ vậy anh còn lôi đầu tất cả cán bộ nhân sự công ty em".
Trên đây là lời của đối tượng đòi nợ cho vay "tín dụng đen" đe dọa cán bộ nhân sự ở Chơn Thành, Bình Phước. Người bị gọi điện khủng bố là cán bộ nhân sự của một doanh nghiệp.
Thời gian qua, trong các công ty, có một số công nhân gặp khó khăn, cùng đường phải vay tín dụng đen. Các đối tượng đòi nợ tìm các mối quan hệ của người vay để khủng bố, uy hiếp để đòi nợ.
Đối với trường hợp trên, các đối tượng đòi nợ thuê còn yêu cầu đuổi việc công nhân đã vay tiền.
Một trường hợp khác, ngày 9.5, chị T.T.T - cán bộ công đoàn làm việc tại KCN Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước - bị các đối tượng đòi nợ vay nặng lãi yêu cầu chị T báo công nhân trả tiền cho họ. Để uy hiếp chị T, người đòi nợ chửi bới đe dọa, đọc ngày tháng năm sinh và tên người thân chị T.T.T.
Đáng sợ hơn, đối tượng đòi nợ đe dọa giết chồng, giết con của nữ cán bộ công đoàn. Các băng nhóm tín dụng đen ngày càng coi thường chính quyền, thách thức luật pháp.
Công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong trường hợp một cán bộ công đoàn đang bị kẻ xấu khủng bố, ai đứng ra bảo vệ. Được biết, Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước cũng báo cơ quan công an đề nghị bảo vệ nữ cán bộ công đoàn T.T.T. Đồng thời, đề nghị công an vào cuộc điều tra xử lý nghiêm vụ việc.
Đối với những băng nhóm tín dụng đen, tổ chức công đoàn không thể can thiệp xử lý, mà là việc của công an, của chính quyền.
Trong bài "Phải dẹp các băng nhóm chuyên doạ nạt, "khủng bố" để cưỡng đoạt tiền" trên Lao Động ngày 10.5, chúng tôi đã nêu quan điểm, các băng nhóm tìm cách bịa đặt, vu khống người khác là con nợ để cưỡng đoạt tiền, hành vi này còn nguy hiểm hơn cho vay nặng lãi.
Tình trạng cho vay khủng bố đòi tiền xảy ra, rất phổ biến, cho nên phải xem đây là một loại tội phạm, một hình thức cưỡng đoạt tài sản.
Để các tổ chức tín dụng đen hoạt động, đòi nợ, uy hiếp người dân là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.