3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 1.947 tài xế vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử phạt. Đó mới chỉ là những người bị phát hiện, còn bao nhiêu người uống bia- rượu nhưng vẫn lái xe ra đường thì không thể đếm hết.
Và cũng dịp này, là một câu chuyện được báo Lao Động đăng tải khiến người ta giật mình: một thanh niên quê An Giang bị lực lượng công an giữ lại tại nút giao cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh (P.Tân Thuận Tây, Q.7, TPHCM). Anh này nói rằng do chia tay vợ nên 3 ngày 3 đêm uống rượu, tổng cộng đến 5 lít rượu và 50 lon bia. Kiểm tra nồng độ cồn thì công an đo được 1,164mg/lít khí thở.
Nên nhớ rằng theo Luật, chỉ cần quá 0,4mg/lít khí thở đã bị phạt ở khung cao nhất: bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng, tước bằng 22 đến 24 tháng, giữ xe 7 ngày.
Dù bất kỳ lý do gì, uống từng đó rượu lao xe máy ra đường có thể ngay lập tức gây ra tai nạn. Người thanh niên kia nói rằng: “Chia tay vợ tôi buồn nên tôi muốn đi tự tử. Tôi không muốn ra đường gây tai nạn làm liên luỵ người khác nên cố tình chạy lại đây cho các anh bắt xe giữ làm kỷ niệm”. Đó là sự bao biện.
Và cũng rất nhiều sự bao biện nhuốm mùi men khác rằng: chỉ một lon bia, chỉ một cuộc vui, ngày Tết uống một chút có sao đâu… Nhưng chỉ khi xảy ra tai nạn thì "một chút" ấy gây hoạ cho bao nhiêu người.
3 ngày Tết Dương lịch đã có hơn 40 người ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông tức là đã cao hơn con số 35 người chết vì liên quan đến COVID-19 ở Việt Nam trong cả năm 2020.
Hạn chế những “ma men” lang thang ngoài đường sẵn sàng gây hoạ cho người khác thì cần phải những chế tài nặng hơn, mang tính răn đe chứ không thể xử phạt xong thì hồ sơ lái xe lại như mới.
Ở nhiều quốc gia, việc sử dụng rượu kia khi điều khiển phương tiện giao thông ngoài phạt tiền sẽ phải ngồi tù, lao động công ích, huỷ bằng lái. Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự quy định phạt tù người sử dụng rượu- bia như một tình tiết tăng nặng khi đã gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước mắt vẫn còn là chặng nghỉ tết Nguyên đán với vô vàn những cuộc vui, tất niên, tổng kết cuối năm. Cần ngăn chặn để các ma men không còn dám ra đường. Cụ thể luật hoá để có thể xử lý hình sự cả những người có nồng độ cồn trong máu và khí thở vượt ngưỡng điều khiển phương tiện giao thông kể cả khi chưa gây hậu quả, chứ không phải chỉ phạt là… xong.