Tối nay (17.5), sẽ diễn ra Lễ bế mạc Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32, nhưng từ hôm qua, các nội dung thi đấu đã chính thức khép lại. Với riêng thể thao Việt Nam, Đại hội lần này nhiều thành công hơn mong đợi.
Chiến thắng những trở ngại
Có thể nói, thể thao Việt Nam đến SEA Games 32 với quá nhiều trở ngại, bắt đầu từ áp lực huy chương sau kì SEA Games thành công rực rỡ trên sân nhà vào năm ngoái.
Các vận động viên Việt Nam không còn lợi thế sân nhà ở SEA Games năm nay nữa, trong bối cảnh các quốc gia có nền thể thao mạnh như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia đầy tham vọng và đều có sự chuẩn bị tốt.
Bên cạnh đó là ẩn số mang tên chủ nhà Campuchia, từ việc điều chỉnh, cắt giảm, nội dung các môn thi đấu, đưa vào những môn “lạ” trong khi nhiều môn Olympic không có trong chương trình thi đấu. Campuchia cũng tham dự với số lượng vận động viên đông đảo.
Chưa kể xu hướng nhập tịch vận động viên ở một số quốc gia…
Thế nhưng, bằng sự chuẩn bị kĩ lưỡng, cùng nỗ lực và ý chí, thể thao Việt Nam đã ghi dấu ấn thực sự tại SEA Games 32. Điểm nhấn là thành công ở các môn Olympic.
Chiến thắng ở những môn Olympic
Đó là tấm huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử SEA Games ở môn Bóng rổ (đội tuyển 3x3 nữ), là huy chương vàng đầu tiên ở môn Golf khi người chiến thắng là Lê Khánh Hưng chỉ mới 15 tuổi. Đó là niềm vui vỡ òa vào ngày 15.5, khi cặp Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc kết thúc cơn khát 26 năm giành huy chương vàng sau 26 năm chờ đợi ở môn Bóng bàn.
Trong số các môn Olympic, Điền kinh (12 huy chương vàng) và Bơi (7) rất được quan tâm. Về thành tích, chỉ tiêu huy chương không đạt được như dự kiến nhưng cũng có những lí do khách quan. Dẫu vậy, thể thao Việt Nam có nhiều vận động viên đạt huy chương vàng rất đẳng cấp như Nguyễn Thị Oanh (Điền kinh), Trần Hưng Nguyên, Thanh Bảo (Bơi)…
Đội tuyển Judo mang về 8 huy chương vàng (chỉ tiêu 4 huy chương), trong đó, ấn tượng đọng lại trong chiến thắng của Nguyễn Thị Thanh Thuỷ trước vận động viên Campuchia nhập tịch người Nhật Bản, hay của Lê Anh Tài trước đối thủ người Thái Lan nhưng sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản.
Đội Cử tạ cũng vượt chỉ tiêu huy chương (4), đồng thời phá 4 kỉ lục SEA Games – riêng đô cử Nguyễn Quốc Toàn có 3 kỉ lục ở hạng dưới 89kg.
Tất nhiên, rất nhiều cảm xúc thăng hoa trong 10 ngày tranh tài chính thức để không thể kể hết ra đây, nhưng rõ ràng, dấu ấn ở các môn Olympic có thể khiến thể thao Việt Nam tự hào.
Theo ông Ngô Ích Quân – Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao II – Tổng cục Thể dục thể thao, thành tích của thể thao Việt Nam tại SEA Games này đến từ quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng, lâu dài và bài bản với bước đà là SEA Games 31.
Nhóm các môn Olympic đã được đầu tư trọng điểm, đi tập huấn nước ngoài. Nhóm các môn SEA Games và Asian Games cũng có sự chuẩn bị kĩ càng, chuyển hướng linh hoạt. Nhiều môn trong chương trình thi đấu của SEA Games và Asian Games như Karate vượt chỉ tiêu hay như Aerobic giành trọn vẹn 5 huy chương vàng của đại hội.
SEA Games trên sân khách thành công nhất
Với 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc, 114 huy chương đồng, đây là kì SEA Games thành công nhất trong lịch sử khi thể thao Việt Nam thi đấu ở nước ngoài. Trước SEA Games 32, thể thao Việt Nam chưa từng giành số huy chương vàng ở mức 3 con số - nhiều nhất là ở Indonesia năm 2011 (96).
Ông Hoàng Quốc Vinh – Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I, khẳng định: “Đây là nỗ lực chung của toàn thể vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia và các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam”.
Thành công về số lượng, chất lượng của các tấm huy chương tại SEA Games này đã cho thấy thể thao Việt Nam có lực lượng tương đối dày và toàn diện ở các nhóm môn Olympic, Asian Games và SEA Games. Vì thế số huy chương vàng rải đều ở các môn tham dự.
Vẫn còn những thất bại, những kết quả đáng tiếc khiến thể thao Việt Nam trượt huy chương vàng, nhưng hẳn nhiên, khó có thể đòi hỏi sự hoàn hảo. Chính những thất bại và sự đáng tiếc đó là động lực cho thể thao Việt Nam tiếp tục điều chỉnh, thay đổi, cải thiện để hoàn thiện hơn cho các sự kiện trong tương lai…