Trong “Hồi ức Phú Nhuận”, tác giả Phạm Công Luận cố gắng ghi nhận dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và viết lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân Phú Nhuận qua các thế hệ.
Trong những bài viết của “Hồi ức Phú Nhuận”, tinh thần Phú Nhuận xưa hiện lên rõ nét qua những câu chuyện hoài niệm về các con đường ngày xưa, có con đường từng trải qua 7 lần thay tên (đường Nguyễn Văn Trỗi), có con đường từng đi ngang quán xá và trại lính (đường Võ Tánh ngày xưa, nay là Hoàng Văn Thụ); là những quán ăn, tiệm cà phê mà tác giả luôn mong “lớn nhanh để đĩnh đạc bước vào” nhưng “không bao giờ có cơ hội đó nữa vì tất cả đều đã đóng cửa qua thời gian”...
Chính vì những lẽ đó, “Hồi ức Phú Nhuận” tuy là ký ức riêng của tác giả nhưng lại bắt được dòng hơi thở chung của đời sống đô thị Sài Gòn xưa và nay.

Với 60 bài viết về Phú Nhuận theo trục thời gian trải dài từ xưa đến nay, bao quát đủ mọi mặt trong đời sống của quận đô thị này, được tác giả chia thành 9 phần gồm: “Mấy nẻo đường quen”, “Nơi chốn đi về”, “Dưới mái trường xưa”, “La cà quán xá”, “Giải trí và rèn luyện thân thể”, “Cơ sở làm ăn”, “Dập dìu tài tử giai nhân”, “Ôn chuyện xưa” và phần Phụ lục điểm qua 6 giai đoạn hình thành và phát triển của Phú Nhuận.
Tùy bút vốn là thể loại để người viết có thể tự do tung hứng theo cảm xúc nhưng ở “Hồi ức Phú Nhuận”, Phạm Công Luận đã viết không chỉ dựa vào cảm xúc đơn thuần mà còn có sự nghiên cứu, phóng chiếu với những tư liệu thực tế đúng như thao tác thường thấy ở một nhà báo chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, “Hồi ức Phú Nhuận” cũng được tác giả cung cấp những thông tin thú vị mà nhiều khi chính người Phú Nhuận chưa hẳn đã biết như: Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sống ở Phú Nhuận những năm cuối đời, sau khi ông mất, con đường có ngôi nhà ông ở (trước đây vốn là con hẻm), đã được đặt lại theo tên ông, trở thành đường Hồ Biểu Chánh như ngày nay; tiệm phở Bắc Huỳnh thuộc hàng cao cấp, dù chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng rất tiếng tăm trước khi bất ngờ đóng cửa năm 1982 đã khiến nhiều người vô cùng tiếc nuối; đầu thế kỷ 20, nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận là “nhà bào chế và kinh doanh thuốc Đông dược có tiếng trên toàn cõi Đông Dương”…
Khi nhắc đến một vùng đất, không thể không đề cập đến những con người đã và đang gắn bó ở đó. Chính vì vậy, trong “Hồi ức Phú Nhuận”, Phạm Công Luận dành hẳn hai phần để viết về những người đã chọn Phú Nhuận làm nơi an cư: “Dập dìu tài tử giai nhân” dành cho giới nghệ sĩ và “Ôn chuyện xưa” dành cho những người Phú Nhuận trong ký ức tác giả.
Cuốn sách còn có phần tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm, Trương Ánh Mai cùng ảnh tư liệu phong phú từ nhiều nguồn khác nhau. Sự kết hợp hài hòa giữa những trang viết đa chiều, giàu cảm xúc và phần hình ảnh được đầu tư chăm chút khiến “Hồi ức Phú Nhuận” thực sự là món quà quý để người đọc tìm về di sản văn hóa của Phú Nhuận, để hòa điệu, tri ân những độc giả luôn nặng lòng với quận đô thị này.