Diện tích mặt nước của Hà Nội giảm nhanh chóng
Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Các sông hồ có vai trò quan trọng trong điều tiết nước mưa, điều hòa không khí, hỗ trợ hệ thống thoát nước trong đô thị, giải quyết vấn đề ngập úng cục bộ.
GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho rằng, diện tích mặt nước, hồ trong một đô thị ở Đồng bằng Bắc Bộ tối thiểu phải ở mức 4-5% diện tích tổng thể. Tuy nhiên thực tế, ở Hà Nội hiện nay, diện tích này chỉ khoảng dưới 1%.
"Như vậy, sự phấn đấu để đảm bảo diện tích mặt nước hồ trong đô thị của thủ đô là rất khó. Đó là một áp lực lớn đến các nhà quy hoạch đô thị", nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho biết.
Trong khi diện tích mặt nước của Thủ đô liên tục giảm sâu, giới chuyên gia cho biết, việc quản lý hồ trên địa bàn cũng đang có sự chồng chéo giữa các sở, ngành, gây khó khăn cho sự phát triển bền vững, đồng bộ.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, hồ của Hà Nội do rất nhiều đơn vị quản lý.
"Thoát nước thì do Công ty thoát nước thuộc Sở Xây dựng quản lý. Cảnh quan môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Nuôi cá thì do Sở Nông nghiệp quản lý... Bờ xung quanh hồ lại do Công ty cây xanh quản lý.
Vì là hồ chung, sở hữu toàn dân nên sẽ dẫn đến tình trạng người quản lý nào cũng làm tốt vai trò của mình nhưng khi kết hợp lại với nhau thì hồ đó "chết", bà Lý nói.
Nhiều hồ tự nhiên lọt tầm ngắm san lấp
Trong khi loạt hồ tự nhiên dần "chết yểu" do thiếu nước, không có dòng chảy, khả năng tự làm sạch giảm... thì những năm qua, nhiều hồ tự nhiên đứng trước nguy cơ bị san lấp trong quá trình đô thị hóa.
Trong đó, hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31.687,936 m2.
Hồ nước gần BV điều trị người bệnh COVID-19 sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án xây dựng KĐT Tân Hoàng Mai của Tân Hoàng Minh tại quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 50.361,210 m2.
Một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3.611,697 m2. Khu vực hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam cũng đã được đưa vào kế hoạch thu hồi một phần, san lấp xây dựng dự án nhà ở với diện tích khoảng 9.954,277 m2.
Hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm được đưa vào kế hoạch sử dụng để làm đường đi giữa tòa chung cư và trường THCS Thanh Trì. Phần hồ nước bị lấp có diện tích khoảng 14.271,339 m2...
Trước thông tin loạt hồ tự nhiên bị "khai tử" hoặc đứng trước nguy cơ san lấp một phần, nhiều người dân bày tỏ sự tiếc nuối, lo lắng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Vũ Thị Vân (Khu tái định cư X2B, Yên Sở) nói: "Có hồ nước thì cả khu vực sẽ rất thoáng mát, nó giống như lá phổi xanh vậy. Thế nhưng hiện tại ở đây có dự án xây dựng, tôi biết được là sẽ xây chung cư. Tôi rất tiếc nuối.
Hiện tại, khu vực này đã quá tải, tốc độ xây dựng quá nhanh nên thường xuyên tắc đường và ô nhiễm. Nếu xây dựng thêm thì những vấn đề trên sẽ trầm trọng hơn. Người dân chúng tôi sống quanh đây ai cũng mong đừng lấp hồ, đừng xây dựng thêm nhà cửa nữa".
Mới đây nhất, gần 100 hộ dân tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) thậm chí đã treo băng rôn phản đối, xin giữ lại hai hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy khi hai hồ này đứng trước nguy cơ "bị san lấp lấy mặt bằng để phân lô bán nền".
Cụ thể phản ánh đến Báo Lao Động, các hộ dân tại đây cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất công, không gian xanh ngày càng thu hẹp vì đô thị hóa, hồ tự nhiên càng trở nên quý giá, giúp cân bằng sinh thái cho các khu dân cư. Việc đánh đổi hồ nước, công viên, cây xanh để lấy mặt bằng làm khu đô thị, dự án thương mại hay việc lấp hồ tự nhiên cũ làm hồ mới đang khiến người dân cảm thấy bức xúc.