Xưởng may đặc biệt bên dòng Gianh

HÀN NGUYÊN |

Trước mặt xưởng may của chị Luyện, là dòng sông Gianh quanh năm luôn ăm ắp nước. Gọi xưởng may cho sang trọng chút, chứ thực tế chỉ là ngôi nhà thuê cũ kỹ. Ở đây  có đến 10 người khuyết tật câm điếc và số còn lại là hộ nghèo “rớt mùng tơi”, kể cả người phụ nữ là chủ của xưởng cũng không mấy khá khẩm. Chị Luyện gọi đây là những “số phận chắp vá”, không lành lặn về vật chất lẫn tinh thần, nhưng từ khi bước vào xưởng may bên dòng sông Gianh này, ai cũng tìm thấy niềm vui và động lực sống…

Lá rách ít đùm lá rách… toạc

Trời đã sang xuân, mưa lăn phăn kèm rét biến mất nhường cho những ngày hanh hao, đi dọc dòng sông Gianh bây giờ, Tết đã đến rất gần. Chúng tôi ghé xưởng may Hồng Luyện nằm ở thôn Phú Trịch (xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) vào giữa trưa, khi những chiếc máy may ngừng hoạt động, các thành viên trong xưởng ngồi ở chiếc chiếu trải giữa nền nhà với bữa cơm được dọn sẵn.

Chị Phạm Thị Luyện (38 tuổi) – chủ xưởng may mời khách vào, tay không ngừng nghỉ thực hiện những ký hiệu với sáu thành viên, nhằm giới thiệu khách mới đến. Những thành viên có mặt ở bữa cơm của gia đình chị Luyện, là người bị câm điếc, họ đến đây học và làm nghề may. Chị Luyện vốn chẳng giàu có, cuộc đời cũng như sự nghiệp đã trải qua nhiều khó khăn, nhiều lúc tay trắng. Vì vậy, đến lúc tự thấy mình có chút cơ sở để lo được chuyện “bao đồng” như nhiều người nói, chị đã vơ vào mình.

Trước kia, chị Luyện làm thợ may, rồi vào thành phố làm cho một công ty may xuất khẩu. Làm được vài năm thì công ty giải thể, cũng thời gian này gia đình chị lục đục dẫn đến ly thân, chị một mình nuôi hai người con. Trở về quê với hai bàn tay trắng, chị Luyện mở quán kinh doanh nhưng thất bại, rồi chị trở lại điểm xuất phát là nghề may tại nhà.

May vá được một thời gian, từ số tiền dành dụm được, chị Luyện mua thêm ba máy may, rồi thuê một số chị em tại địa phương là hộ nghèo biết nghề may vá, đến gia công mặt hàng may mặc cho một công ty xuất khẩu ở miền Nam. Thợ làm quen tay, hàng làm ra được đánh giá tốt và đầu ra ổn định, nên đến giữa năm 2016 chị Luyện sắm thêm bốn chiếc máy may và làm ổn định, có đồng ra đồng vào.

Cũng trong thời gian này, chị Luyện tham gia và làm Chủ nhiệm câu lạc bộ thanh niên khuyết tật thị xã Ba Đồn. Trong những lần đi đến các địa bàn để vận động người khuyết tật gia nhập câu lạc bộ, chị Luyện đã ứa nước mắt trước những số phận cùng cực, không lối thoát. Chị cảm thông với họ vì đồng cảnh ngộ, bởi gia đình chị cũng có một chị gái, một em trai bị khuyết tật nặng, không có khả năng làm bất cứ việc gì.

Bên trong xưởng may Hồng Luyện. Ảnh: Hàn Nguyên.
Bên trong xưởng may Hồng Luyện. Ảnh: Hàn Nguyên.

Thế rồi, chị đi đến quyết định táo bạo là mở rộng thêm xưởng may, rồi đem những người khuyết tật còn có khả năng lao động về đào tạo nghề. “Mình nghĩ làm được như vậy không chỉ giúp họ thấy có ích cho đời, mà còn làm giảm gánh nặng cho những gia đình nông dân nghèo có hoàn cảnh không may” – chị Luyện, tâm sự. 

Niềm vui từ tháng lương đầu tiên

Trong số mười người khuyết tật ở xưởng may Hồng Luyện, ba chị em Trần Thị Lan (SN 1995), Trần Thị Hương (SN 1997) và Trần Thị Thương (SN 2001) là những người có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bốn tháng trước, trong một chuyến đi đến xã Quảng Tiên, chị Luyện tiếp xúc với gia đình ông Trần Văn Phượng có ba người con bị khuyết tật câm điếc.

Các con đã không lành lặn như bao người khác, thì số phận lại kéo ông Phượng – người đàn ông trụ cột của gia đình xuống sát đất với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. “Thấy hoàn cảnh của gia đình ông Phượng quá khó khăn, mình đề nghị được đưa ba chị em về nhà để dạy nghề và chăm sóc cho các em” – chị Luyện kể.

Nghe vậy, ông Phượng không tin, nghĩ đến chuyện chị Luyện có mục đích gì đấy, chứ ai lại vơ vất vả về phía mình. Nhưng cuộc sống không còn lối thoát, ông Phượng đồng ý gửi gắm cả ba đứa con gái cho chị Luyện.

Ngày đón ba người con của ông Phượng về nhà, một núi công việc đổ ập lên đầu chị Luyện. Ngoài khuyết tật câm điếc, riêng Hương còn bị bệnh tiểu đường nặng, hằng ngày phải tiêm thuốc để điều trị. Trong lúc nhà của ba chị em cách xưởng 11km, nên chị Luyện phải sắp xếp lại xưởng để dành chỗ ở cho cả ba người.

Ở với gia đình chị Luyện được một thời gian thì Lan phải trở về nhà vì bệnh tình của ông Phượng quá nặng, hai chị em Hương và Thương hằng ngày được chị Luyện dạy cho cách may vá. Để làm được điều này, chị Luyện phải tự mày mò học cách nói chuyện bằng cử chỉ. “Nhiều lúc mình nói nhưng các em không hiểu, ngược lại các em diễn tả mình cũng không rõ là gì, nên sinh ra bực bội. Nhưng rồi từ từ thành quen, ai cũng chịu khó nên mọi việc dần dần đi vào quỹ đạo. Bây giờ thì dễ dàng hơn rồi” – chị Luyện nói với nụ cười tươi.

Cũng trùng hợp, hôm chúng tôi đến là ngày chị Luyện thông báo tin mừng, hai chị em Hương và Thương được nhận tháng lương đầu tiên sau một thời gian học việc. Mỗi người chị Luyện trả cho 2 triệu đồng/tháng, khi cầm số tiền trên tay, Hương và Thương ôm chầm lấy chị chủ, mắt rơm rớm. Hỏi Hương rằng tiền sẽ dùng vào việc gì, Hương ra dấu, đại ý tháng lương đầu tiên hai chị em sẽ gửi về nhà để mua thêm ít thuốc cho bố và sắm sửa trong nhà để đón tết.

Trước Hương và Thương, chị Luyện đã nhận một người khuyết tật câm điếc là Đức (SN 1994, trú tại phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn). Nhờ đã được đào tạo nghề từ trước, nên Đức sớm hòa nhập công việc, chỉ sau một tháng Đức được chị Luyện trả 2 triệu đồng tiền lương.

Tháng này, lương của Đức tăng lên 3 triệu đồng, nên Đức bàn với Hương và Thương góp mỗi người ít tiền, chạy ra chợ mua ít trái cây về khao mọi người. Vì vậy, bữa trưa hôm ấy có thêm dĩa trái cây của các học viên là người khuyết tật, ai cũng vui vẻ, không khí ấm áp dù tiếng nói, tiếng cười không rộn ràng, thay vào đó là những cử chỉ, động tác thể hiện niềm hạnh phúc. Ai cũng mừng cho các bạn đã được hưởng lương xứng đáng với thành quả gặt hái được.

Bữa cơm trưa tại xưởng may diễn ra với những cử chỉ, lời nói bằng tay và nụ cười bằng mắt. Ảnh: Hàn Nguyên.
Bữa cơm trưa tại xưởng may diễn ra với những cử chỉ, lời nói bằng tay và nụ cười bằng mắt. Ảnh: Hàn Nguyên.

Cuối buổi chiều hôm đó, chị Luyện thông báo từ mai xưởng may nghỉ việc, mọi người sẽ trở về nhà để đón Tết cổ truyền. Sau đó, chị chuyền tận tay cho mọi người những phần quà, trong đó là nhu yếu phẩm gọi là thưởng tết. Chị Luyện chia sẻ, thấy các em tại xưởng ngày càng tiến bộ cả tay nghề và ý thức, chị rất mừng.

“Nhiều người đinh ninh rằng, những người khuyết tật sẽ kéo xưởng may của mình ngày càng đi xuống. Nhưng không phải, đúng là mình vất vả và tốn thời gian đôi chút, nhưng các em tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau vài tháng, Hương, Đức, Thương và nhiều bạn khác đã vững tay nghề, làm ra sản phẩm để có thể tự nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình. Chắc chắn rằng, không lâu nữa, khi các học viên khuyết tật thành thạo mọi việc, lúc đó các mặt hàng làm ra sẽ chất lượng hơn, quy mô cũng được mở rộng và thu nhập của mọi người sẽ cao hơn” – chị Luyện nói.

Chúng tôi không rõ, những học viên đặc biệt của chị Luyện có hiểu hết từng lời của chị hay không, nhưng ai cũng cười bằng ánh mắt. Chị làm cử chỉ bàn tay thành hình ngôi nhà, tiếp đó là hình trái tim – nghĩa là chúc mọi người trở về nhà đón tết thật ấm áp, khiến ai cũng gật đầu. Rồi chị Luyện hướng mắt nhìn ra dòng sông trước mặt. Dòng Gianh này luôn ăm ắp nước suốt 4 mùa, cũng như tấm lòng của chị vậy.

HÀN NGUYÊN
TIN LIÊN QUAN

Ngồi xe lăn mang hàng thủ công của người khuyết tật ra thế giới

Hà Liên |

Nhờ lần tình cờ lạc bước vào thế giới thú nhồi bông đầy sắc màu tại một quầy hàng đồ lưu niệm trên phố đi bộ Hà Nội mà tôi tìm đến “xưởng” sản xuất trong căn phòng nhỏ chừng 40m2 ở Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) - nơi có những câu chuyện dành cho chương trình “Điều ước thứ 7”.

Người khuyết tật được “phù phép” đi xuất khẩu lao động rồi tử vong: Ai chịu trách nhiệm?

QUANG ĐẠI - VIỆT LÂM |

Cho đến nay, người lao động giúp việc ở Saudi Arabia tử vong đã được 1 năm, nhưng thi hài vẫn bị mắc kẹt ở nước ngoài và không ai đứng ra chịu trách nhiệm về vụ việc.

Đôi vợ chồng công nhân khuyết tật vượt lên nghịch cảnh

HÀ ANH CHIẾN |

Hai vợ chồng có chung “hoàn cảnh” - bị tật nguyền từ nhỏ. Và họ đã vượt lên nghịch cảnh, trở thành những công dân có ích trong xã hội. Đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Tuấn Minh (33 tuổi) và Nguyễn Thị Phương (30 tuổi) - công nhân Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) - trong năm 2017 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho gia đình công nhân tiêu biểu.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Ngồi xe lăn mang hàng thủ công của người khuyết tật ra thế giới

Hà Liên |

Nhờ lần tình cờ lạc bước vào thế giới thú nhồi bông đầy sắc màu tại một quầy hàng đồ lưu niệm trên phố đi bộ Hà Nội mà tôi tìm đến “xưởng” sản xuất trong căn phòng nhỏ chừng 40m2 ở Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) - nơi có những câu chuyện dành cho chương trình “Điều ước thứ 7”.

Người khuyết tật được “phù phép” đi xuất khẩu lao động rồi tử vong: Ai chịu trách nhiệm?

QUANG ĐẠI - VIỆT LÂM |

Cho đến nay, người lao động giúp việc ở Saudi Arabia tử vong đã được 1 năm, nhưng thi hài vẫn bị mắc kẹt ở nước ngoài và không ai đứng ra chịu trách nhiệm về vụ việc.

Đôi vợ chồng công nhân khuyết tật vượt lên nghịch cảnh

HÀ ANH CHIẾN |

Hai vợ chồng có chung “hoàn cảnh” - bị tật nguyền từ nhỏ. Và họ đã vượt lên nghịch cảnh, trở thành những công dân có ích trong xã hội. Đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Tuấn Minh (33 tuổi) và Nguyễn Thị Phương (30 tuổi) - công nhân Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) - trong năm 2017 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho gia đình công nhân tiêu biểu.