Vượt lũ đến trường

XUÂN HÙNG - QUÁCH DU |

Thanh Hoá là địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi trận mưa lũ từ ngày 28.8 đến 2.9. Có tới 9 người chết, 3 người mất tích; 283 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn; hơn 13 nghìn ngôi nhà bị ngập nước; 40 điểm trường bị ngập; 303 phòng ở bán trú, phòng chức năng, nhà công vụ cho giáo viên bị ngập… 

Nhiều bản làng ở huyện Quan Hóa đến nay vẫn bị cô lập. Vượt qua tất cả, hàng nghìn học sinh vẫn vượt lũ, lội bùn đến trường.

Chung tay vượt qua khó khăn

Sáng 5.9, chị Nguyễn Mai Loan (tổ 1, thị trấn Cẩm Thuỷ, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) dậy thật sớm dọn dẹp nhà cửa và chạy lên nhà nghỉ cách đó khoảng 1km để đánh thức 2 con Vi Nguyễn Bảo Đang và Vi Nguyễn Bảo Đan dậy đi khai giảng. Từ hôm nhà bị ngập (28.8) đến nay, nhà chị phải di chuyển lên nhà nghỉ ở trung tâm phố huyện. Chị Loan không muốn các con nhìn thấy đống đổ nát, bùn đất ở nhà và không muốn các con bị bệnh sau lũ. 2 vợ chồng chị thay nhau chạy lên với các con và về nhà đẩy bùn, dọn lũ.

Tất cả những gì còn lại được vợ chồng chi Loan phơi hết ngoài sân trong cái nắng gay gắt sau mưa lũ. Khoảng sân nắng nhất và sạch nhất được chị dùng phơi… sách của Bảo Đang lớp 5 và Bảo Đan lớp 2. “Với tất cả tình yêu, tôi đã mua cho các con đầy đủ bộ sách, mới chỉ mang lên cho cô chủ nhiệm xem rồi mang về, vậy mà lũ ngâm nước cả. Tôi đã rất cẩn thận cất kỹ sách vở của các con nhưng không ngờ năm nay lũ lên cao như thế”.

Năm nay, Trường THCS thị trấn Cẩm Thuỷ tổ chức khai giảng trang trọng hơn. Với sự tài trợ của một số tập đoàn kinh tế, ngôi trường mới khang trang với đầy đủ trang thiết bị trị giá hơn 45 tỉ đồng được khánh thành đúng ngày khai giảng. Thầy trò nhà trường rất hân hoan phấn khởi nhưng không ít bạn suy tư.

Em Nguyễn Trung Hiếu (học sinh lớp 6 ở tổ 1, thị trấn Cẩm Thuỷ) cho hay: “Hầu hết sách vở chuẩn bị đi học đã trôi, còn lại cuốn nào thì ướt hết, giờ chẳng còn có thể dùng lại cái nào, sách bố mẹ đã mua lại cho rồi nhưng vở thì vẫn chưa có, cháu rất thương bố mẹ, chẳng dám nói, cháu biết rồi bố mẹ cũng mua cho thôi, cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt”.

Em Nguyễn Phương Thuý, nhà cũng ở tổ 1 thị trấn cho hay: “Nhà cháu ngập đến nóc nhà, cả nhà di chuyển lên nhà bà cô còn cháu lên nhà bà nội ở, tất cả các đồ sinh hoạt trong nhà trôi mất hết, cả sách vở của cháu cũng trôi cả, may mà quần áo bố mẹ để lên gác nên không bị trôi”…

Hầu hết các bạn học sinh ở các xã Cẩm Phong, Cẩm Sơn, Cẩm Lương và một số tổ dân phố ở thị trấn cùng cảnh ngộ. Sách vở dù đã được bố mẹ chắt chiu dành dụm chuẩn bị nhưng lũ về quá đột ngột đã cuốn phăng tất cả. Bạn nào còn sách vở do bố mẹ nhanh tay gác lên mái nhà thì ướt sũng, phải mang ra phơi…

Cũng như ở Cẩm Thuỷ, học sinh ở huyện vùng cao Quan Hoá cũng rất vất vả đến ngày khai trường. Rất nhiều học sinh phải đi thuyền đến dự khai giảng. Cậu học trò tên Kiệt học sinh lớp 7 (ở bản Sa Lắng, xã Thanh Quân, Quan Hoá) nói: “Cháu rất mong đến trường nhưng hôm nay đi khai giảng vất vả vì sợ đi qua sông, nó to và nó chảy xiết nữa”.

Còn cô học sinh lớp 8B Trường THCS bán trú dân tộc Thanh Xuân, nói: “Đi bằng thuyền để đến trường, con đường đến trường vất vả và nguy hiểm, nước chảy xiết, cháu rất sợ nhưng cháu vẫn muốn đến trường đi học”.

Tại đây, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ân cần thăm hỏi, động viên thầy cô và học trò nhà trường cùng chung tay vượt qua khó khăn tổ chức dạy và học thật tốt. Tiếng trống trường ngày khai giảng vẫn vang lên khắp vùng lũ Thanh Hoá…

Chị Nguyễn Mai Loan chăm chút phơi lại sách cho con sau lũ. Ảnh: X.H
Chị Nguyễn Mai Loan chăm chút phơi lại sách cho con sau lũ. Ảnh: X.H

Lũ năm nay rất bất thường

Cẩm Thuỷ là huyện ven sông Mã - là địa phương bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ. 5 người chết, hơn 260 phòng học, nhà công vụ, nhà bán trú cho học sinh bị ngập nặng. Các đơn vị bị ngập nặng trong lũ là xã Cẩm Lương, xã Cẩm Phong, Cẩm Sơn và một số tổ dân phố ven sông của thị trấn Cẩm Thuỷ. Cuộc sống người dân đến ngày 5.9 vẫn còn bộn bề gian khó.

PV Lao Động đã vào nhiều thôn bản, cùng lội bùn dọn dẹp với người dân. Vất vả, mệt mỏi và cả chán nản hiện rõ trong khuôn mặt từng người dân lam lũ. Nhưng còn một điều nữa, ai cũng nói về nguyên nhân sao lũ lên nhanh quá…

Nhà ông Trần Văn Lực (thôn Phong Ý, xã Cẩm Phong, Cẩm Thuỷ) vẫn còn ngập trong bùn. Ông đang chờ lực lượng chức năng mà chủ yếu là bộ đội vào giúp ông một tay, vợ chồng ông đã làm hết sức mấy ngày qua mà chỉ được một góc. Trong khi đó, hàng trăm chiến sĩ bộ đội và công an không quản vất vả đang đánh vật với đống bùn dày đến đầu gối trên các đường trong thôn.

Nhà ông Lực nước lũ lên tới tận mấp mé bàn thờ treo tường, khoảng hơn 2m. “Nước lên nhanh quá, không chạy kịp, chỉ chạy được người với con bò còn lại hơn 30 con gà và 2 con lợn bị trôi đi cả, cái tủ thì lũ trôi mất một bên, có cái tivi thì bị ngâm nước mất, gạo và mấy tạ lúa tôi để chắc trong nhà mà trôi mất không còn một hạt”. Ông Lực cố gạt đống bùn trong sân, vừa gạt vừa thắc mắc: “Lũ lên nhanh chỉ là vì mấy cái anh thuỷ điện đầu nguồn”.

Cùng suy nghĩ như ông Lực, hầu hết người dân được phỏng vấn đều “đổ tội” cho mấy cái đập thuỷ điện trên Thường Xuân, Quan Sơn… Chị Cao Thị Oanh (51 tuổi thôn Phong Ý, xã Cẩm Phong) quê gốc miền biển Nam Định cả người lấm lem bùn đất, hồng hộc đẩy xe rùa chở bùn ra khỏi nhà. Chị Oanh than: “Tôi quê miền biển cũng chả thấy lũ thế này bao giờ, lấy chồng miền núi lại bị lũ khiếp thế!”.

Chị Oanh kể, nước lũ lên nhanh quá, cả nhà chỉ kịp chuyển một số đồ đạc đến nhà người quen, khi trở về nước đã dần lên. Chỉ trong mấy tiếng nước dâng đến tận nóc nhà. “Nhà mái tôn, thục không được tưởng bất lực nhưng mãi mới thục được mái. Cũng đã xác định chết rồi nhưng may quá trèo lên được mái nhà. Nhưng lên mái nhà rồi thì nước nó cứ lên mãi, cũng xác định chết rồi nhưng may mà nước chững lại rồi rút, có các chú bộ đội với lãnh đạo chính quyền đi cứu trợ”.

Nhà chị Oanh kinh doanh giết mổ gia súc gia cầm. 12 con lợn và mấy tạ gà, ngan mới nhập về trôi không còn con nào. Nhà chị Hoa, tài sản lớn nhất là cái tủ để tivi thì bị lũ cuốn ra sông, may mấy cánh cửa còn đi nhặt được về; nhà anh Hùng thì tất cả đồ đạc nổi lềnh phềnh, cái trôi mất, cái mắc lại. 2 ngày anh nhịn đói ngồi nóc nhà kéo đồ đạc lại không bị trôi khỏi ngõ…

Ông Nguyễn Hữu Phong (thôn Nghĩa Dũng, xã Cẩm Phong), chỉ tay vào bức tường ghi rõ sự kiện lũ năm 2007 và năm nay, ông kết luận: Nước lũ năm nay cao hơn năm 2007 tới 34 - 40cm. “Một tháng mà có tới 2 trận lũ thế này thì dân sao sống nổi?” - ông Phong hỏi. Nước sông Mã lên rất nhanh, bất thường và khác nhiều so với các sông khác trong tỉnh là điều tất cả người dân được hỏi đều băn khoăn. Ông Phong đã lau chùi, cất kỹ cái bàn gạt bùn vào một nơi cẩn thận phòng lũ tới.

XUÂN HÙNG - QUÁCH DU
TIN LIÊN QUAN

Chùm ảnh: Thanh Hoá "vật lộn" với bùn sau lũ

Xuân Hùng |

Đợt mưa lũ vừa qua, Cẩm Thuỷ là một trong những huyện bị ảnh hưởng nặng nề: 5 người chết, hơn 260 phòng học, nhà công vụ, nhà bán trú cho học sinh bị ngập nặng. Các đơn vị bị ngập nặng trong lũ là xã Cẩm Lương, xã Cẩm Phong, Cẩm Sơn và một số tổ dân phố ven sông của thị trấn Cẩm Thuỷ.

Mưa lớn vùi lấp nhiều phòng học tại huyện vùng cao Thanh Hoá

Trần Lâm |

Trong 2 ngày qua, mưa lớn liên tục khiến tình trạng sạt lở đất, vùi lấp nhiều nhà ở, phòng học trên địa bàn huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa).

Thanh Hoá: Hoàn lưu bão số 4 kết hợp với xả thủy điện, cả xã bị cô lập

Đình Lâm |

Trưa 17.8, mực nước trên sông Mã bất ngờ dâng cao khiến nhiều huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa chìm trong trận lụt lớn nhất 10 năm qua. Nhiều người dân phải đưa gia súc và tài sản đi tránh bão.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Chùm ảnh: Thanh Hoá "vật lộn" với bùn sau lũ

Xuân Hùng |

Đợt mưa lũ vừa qua, Cẩm Thuỷ là một trong những huyện bị ảnh hưởng nặng nề: 5 người chết, hơn 260 phòng học, nhà công vụ, nhà bán trú cho học sinh bị ngập nặng. Các đơn vị bị ngập nặng trong lũ là xã Cẩm Lương, xã Cẩm Phong, Cẩm Sơn và một số tổ dân phố ven sông của thị trấn Cẩm Thuỷ.

Mưa lớn vùi lấp nhiều phòng học tại huyện vùng cao Thanh Hoá

Trần Lâm |

Trong 2 ngày qua, mưa lớn liên tục khiến tình trạng sạt lở đất, vùi lấp nhiều nhà ở, phòng học trên địa bàn huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa).

Thanh Hoá: Hoàn lưu bão số 4 kết hợp với xả thủy điện, cả xã bị cô lập

Đình Lâm |

Trưa 17.8, mực nước trên sông Mã bất ngờ dâng cao khiến nhiều huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa chìm trong trận lụt lớn nhất 10 năm qua. Nhiều người dân phải đưa gia súc và tài sản đi tránh bão.