“Vua tàu” Quảng Ngãi và chuyện “bỏ” hàng trăm triệu đồng để cứu người dưng trên biển

Hữu Nhân |

Ở Quảng Ngãi, ông Mai Xuân Thủy được mệnh danh là “Vua tàu” với đội tàu có lúc lên đến 14 chiếc vươn khơi đánh bắt hải sản, đồng thời là những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, ông Thủy từng nhiều lần bỏ cả chuyến biển, chấp nhận lỗ hàng trăm triệu đồng để cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển với quan niệm mạng người quan trọng hơn tiền bạc...

Ước mơ cơm trắng

Thuở trước, Phổ Châu có tên là Đồng Phó với đất cát bạc màu ven biển. Cuộc sống của người dân khốn khó với bữa cơm chủ yếu là khoai sắn. Vì thế dân gian có câu vè nghe nhói lòng: “Người dân Đồng Phó có tài/Nấu một lon gạo nồi hai cũng đầy”. (Nồi hai đúc bằng đồng dùng để nấu cơm với sức chứa 13 lon gạo. Vì nghèo khó nên người dân phải nấu một lon gạo, phần còn lại độn khoai, sắn).

Ước mơ được ăn cơm trắng luôn ám ảnh bao kiếp người nơi đây. Cụ nội và cha của ông Thủy nối tiếp bám biển mưu sinh trên chiếc thuyền nan đánh bắt ven bờ. Mớ tôm, cá vụn góp nhặt cùng khoai sắn giúp gia đình ông vượt qua cơn đói. 19 tuổi, ông rời quê vào Nha Trang (Khánh Hòa) làm thuê trên tàu cá của người bà con trong họ.

Những ngày đầu, ông say sóng nôn đến lả cả người nhưng vẫn gắng sức bám trụ dù tâm trí luôn mơ màng vì chưa quen sóng nước biển khơi. Nỗi cơ cực của ông đã giúp gia đình có thêm những hạt gạo trắng trong nồi, bốn em thơ được cắp sách đến trường. “Cứ nghĩ cảnh gia đình được ăn cơm trắng là tôi quên hết mệt nhọc” – ông tâm sự.

Cuộc sống càng thêm cơ cực khi người cha qua đời do bom Mỹ vương vãi sau chiến tranh. “Lộc biển” vẫn cứ vơi, đầy sau những lần buông lưới. Những chuyến trở về với khoang thuyền rỗng, trong lòng ông Thủy lại hiện lên ánh mắt buồn của mẹ già, người vợ trẻ cùng đàn em thơ dại.

Đau thương tiếp nối ập đến khi đứa con đầu của vợ chồng ông chưa tròn hai tuổi qua đời do bị sốc sau khi tiêm thuốc. Ông nén nỗi đau vào lòng, động viên người vợ trẻ gắng vượt qua bi thương. “Là con cả nên tôi phải ráng xoay xở lo cho gia đình. Có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua nhưng nếu tôi không gắng sức thì lấy ai lo?”.

Thỏa chí vươn khơi

16 năm bám biển làm thuê, ông Thủy vẫn “hai bàn tay trắng”. Nhưng ông vẫn mơ được làm chủ tàu cá để thỏa sức vẫy vùng giữa biển khơi. Câu hỏi “tiền đâu” luôn ám ảnh ông trong những giấc ngủ chập chờn khi tàu lắc lư trên sóng nước.

Ông bàn với vợ vay mượn 2 lượng vàng hùn vốn cùng hai người bạn mua chiếc tàu cá công suất 33CV hành nghề lưới cản. Sở hữu được 1/3 chiếc tàu nhỏ, ông mừng đến chảy nước mắt. Ông cùng với bạn và 7 thuyền viên lao động suốt đêm ngày mặc cho nắng gió biển khơi đốt cháy làn da đen bóng. Biển cả đã ban tặng cho họ những mẻ lưới đầy khoang. “Tàu nhỏ nên chỉ đánh bắt cách bờ khoảng 100 hải lý với thời gian từ 5 – 7 ngày. Khi ấy cá nhiều lắm nên mỗi lần cập bến cũng được dăm bảy tấn. Dù giá rẻ, nhưng kể từ đó gia đình tôi không còn phải ăn cơm độn với khoai sắn”.

2 năm sau, ông tiếp tục vay mượn 8 lượng vàng để mua chiếc tàu cá cho riêng mình với công suất 33CV. Gia đình ông cùng với bạn chài bắt đầu cuộc sống no đủ. Sau những chuyến vào bờ đầy ắp cá, mực, ông lần lượt đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi xa. 

Ông Thủy trên tàu cá của gia đình

Cứ thế, số lượng tàu cá của ông Thủy ngày càng tăng và được mệnh danh “Vua tàu” với 14 chiếc vào năm 2008. Ông Nguyễn Ngọc Châu, nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Phổ Châu cho biết: “Ông Thủy có nhiều kinh nghiệm đi biển nên những chiếc tàu công suất lớn do ổng tự thiết kế, lựa chọn gỗ và mua thiết bị rồi kêu thợ đóng. Những chiếc tàu của ông Thủy vững chắc, đủ sức bám biển dài ngày”.

“Đi biển nhiều cũng phải gặp bão giông”. Ông Thủy đã nhiều lần cùng với bạn chài kiên cường vượt qua những cơn cuồng nộ của đại dương. Phong ba không thể ngăn cản đội tàu của ông tiếp tục ra khơi.

Nhưng tai họa bất ngờ ập đến khi một tàu cá của ông trị giá hơn 3 tỷ đồng bị tàu nước ngoài đâm chìm vào cuối năm 2012. May mắn là 12 thuyền viên được đội tàu của ông hoạt động gần đó chạy đến cứu vớt kịp thời. Không nhụt chí, ông động viên em trai cùng với các con và bạn chài bám biển đến cùng.

Rời biển sau 40 năm nhọc nhằn trên sóng nước, ông Thủy vẫn cần mẫn làm việc dù đã qua tuổi 65. Ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà máy đá lạnh với sản lượng mỗi ngày hơn 800 cây, mua 2 chiếc xe tải chuyên dùng chở đá và hải sản khi tàu cập bến.

Ông vẫn dõi theo đội tàu ngoài khơi xa qua hệ thống máy Icom để nắm bắt thông tin, nghe tiếng sóng vỗ vào thân tàu cho vơi nỗi nhớ biển. “Những năm gần đây thiếu bạn chài nên tôi bán bớt tàu cá, chỉ giữ lại 7 chiếc với công suất từ 300 – 590CV. Tới đây, tôi sẽ giữ nguyên đội tàu và tiếp tục nâng công suất mỗi chiếc lên 750 – 800CV để bám biển dài ngày hơn”.

Chấp nhận lỗ hàng trăm triệu đồng để cứu người

Giờ ông Thủy đang sở hữu tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn giữ tính cách dân dã, ăn vận đơn giản và rất kiệm lời khi nói về mình. Ồng vui vẻ móc hầu bao cho ngư dân mượn vốn để góp phần tham gia đánh bắt, cho gia đình họ mượn tiền khi gặp khó khăn.

Những người vợ của bạn chài có thêm nguồn thu nhập từ việc vá lưới hỏng sau mỗi chuyến biển. “Sau khi nghỉ việc ở xã, tôi có tham gia đánh bắt trên tàu cá của ông Thủy. Ổng chia tiền lời rất sòng phẳng với bạn chài nên được mọi người tin tưởng. Khi nghe tin ngư dân bị nạn, ổng liền đưa tàu đến cứu giúp, lai dắt vào bờ nhưng nhất quyết không nhận tiền phí thiệt hại vì bỏ cả chuyến biển. Sau đó, ổng còn bỏ tiền túi và huy động mọi người chung tay giúp đỡ.

Những gia đình có đám tang, ổng đều xắn tay áo giúp đỡ tận tình. Ổng vừa tự nguyện hiến hơn 200m2 đất và đốn hạ cây xanh để mở đường giao thông. Ông Thủy sống mẫu mực và chân tình nên ở đây ai cũng quý mến, con và em của ổng luôn hòa thuận” – ông Châu cho biết. “Cứu người bị nạn là việc làm cần thiết, không tính toán thiệt hơn”. Đó là cách hành xử của ông Thủy và ông luôn nhắc nhở em trai cùng với các con phải cứu người dù phải gánh chịu phí tổn. 

Có khi phải bỏ cả chuyến biển, lỗ hàng trăm triệu đồng để cứu người nhưng ông Thủy vẫn vui vẻ 

Năm 2009, giữa đêm khuya ông giật mình tỉnh giấc khi tín hiệu vang trong máy Icom. Bên kia, con trai ông là Mai Trung Tý thông báo tàu câu mực của ngư dân Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị chìm, 14 người đang trôi dạt trên vùng biển Trường Sa.

Ông “lệnh” cho đội tàu tập trung cứu vớt những ngư dân bị nạn và đưa họ vào bờ. Ngay sáng hôm sau, ông bắt xe khách vào TP Nha Trang thăm hỏi những ngư dân bị nạn và biếu họ 6 triệu đồng làm lộ phí về quê.

Hơn 10 năm trước, em trai ông Thủy là Mai Xuân Trang điều khiển tàu cá đánh bắt trên vùng biển phía Bắc. Nhận được tín hiệu cấp cứu, ông Trang liền đưa tàu cá đến cứu vớt 6 ngư dân quê ở Thanh Hóa khi họ sắp chìm vào lòng đại dương.

Về đến quê, họ ngỏ ý được bù lỗ phí tổn nhưng ông Trang nhất quyết từ chối. Những ngư dân này liền bắt xe khách đưa cả gia đình vượt chặng đường hơn 700km tìm đến tận nhà anh em ông Thủy để tạ ơn cứu mạng.

Họ xin được kết bái anh em và nhận cha mẹ ông Thủy là cha mẹ nuôi (cha ông Thủy đã qua đời trước đó). “Tôi có biết mấy ông ở ngoài Thanh Hóa vì thỉnh thoảng họ thuê xe đưa cả gia đình vào trong này thăm viếng. Những bữa ấy, ông Thủy luôn mời tôi sang dự. Họ và gia đình ông Thủy quý mến nhau lắm”- ông Châu xác nhận.

Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Thủy, bộc bạch: “Chồng tôi tâm niệm là phải ráng sức làm việc để lo cho gia đình và sẵn sàng cứu giúp người gặp hoạn nạn. Nhiều lúc bỏ cả chuyến biển, lỗ hàng trăm triệu đồng, tôi cũng tiếc lắm, nhưng ổng bảo mạng người hơn cả tiền bạc nên không thể làm ngơ. Có lẽ nhờ thế nên trời thương mà cả gia đình tôi ngày càng làm ăn khấm khá…”. 

Hữu Nhân
TIN LIÊN QUAN

Ở nơi bác sĩ đưa phong bì cho... bệnh nhân

Khương Quỳnh - Minh Quân |

Trong khi bệnh nhân phải bỏ phong bì cho bác sĩ khi khám chữa bệnh đã trở thành thông lệ, đương nhiên của toàn xã hội thì ở xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) lại có chuyện trái ngược: Bác sĩ phải bỏ phong bì cho… bệnh nhân khi khám chữa bệnh!

Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước: Xin báo chí hãy dừng lại, đừng làm xã hội đau thêm

Linh Trần |

Vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) đã được công an khép lại với “không còn nghi phạm thứ 3”. Ngay lập tức, truyền thông và mạng xã hội lại chuyển sang hướng săn tìm thân nhân của hai nghi can, nhằm mục đích câu “viu” và thỏa sự hiếu kỳ của đám đông.

Rổ rá ráp lại và chuyện tình đẹp ứa nước mắt của hai bệnh nhân phong bị gia đình ruồng bỏ

Xuân Nhàn |

Một chuyện tình, chuyện đời cảm động và đẹp đến ứa nước mắt của hai bệnh nhân phong bị gia đình, người thân ruồng bỏ ở Trại phong Quy Hòa một lần nữa minh chứng: Hạnh phúc lắm khi thật giản đơn và lạ lùng đến nỗi nó thừa khả năng đề kháng đói nghèo, éo le, tật bệnh. Hạnh phúc đôi khi chỉ cần một tấm lòng, chỉ cần biết nhớ thương nhau, biết vị tha, buông bỏ...

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Ở nơi bác sĩ đưa phong bì cho... bệnh nhân

Khương Quỳnh - Minh Quân |

Trong khi bệnh nhân phải bỏ phong bì cho bác sĩ khi khám chữa bệnh đã trở thành thông lệ, đương nhiên của toàn xã hội thì ở xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) lại có chuyện trái ngược: Bác sĩ phải bỏ phong bì cho… bệnh nhân khi khám chữa bệnh!

Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước: Xin báo chí hãy dừng lại, đừng làm xã hội đau thêm

Linh Trần |

Vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) đã được công an khép lại với “không còn nghi phạm thứ 3”. Ngay lập tức, truyền thông và mạng xã hội lại chuyển sang hướng săn tìm thân nhân của hai nghi can, nhằm mục đích câu “viu” và thỏa sự hiếu kỳ của đám đông.

Rổ rá ráp lại và chuyện tình đẹp ứa nước mắt của hai bệnh nhân phong bị gia đình ruồng bỏ

Xuân Nhàn |

Một chuyện tình, chuyện đời cảm động và đẹp đến ứa nước mắt của hai bệnh nhân phong bị gia đình, người thân ruồng bỏ ở Trại phong Quy Hòa một lần nữa minh chứng: Hạnh phúc lắm khi thật giản đơn và lạ lùng đến nỗi nó thừa khả năng đề kháng đói nghèo, éo le, tật bệnh. Hạnh phúc đôi khi chỉ cần một tấm lòng, chỉ cần biết nhớ thương nhau, biết vị tha, buông bỏ...