Vựa rau Bàu Tròn chỉ còn mỗi màu đất

Thùy Trang |

Ngày cuối năm, vựa rau lớn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, người nông dân vẫn đang trông đứng trông ngồi nhìn trời. “Mưa nữa cũng chết mà nắng lên cũng chết. Người nông dân cả đời gắn với ruộng. Nay đồng trắng nước, trắng đất thì chúng tôi cũng chỉ còn xác khô như cây thôi”, ông Thành, lão nông buông tiếng thở dài trong sự bất lực không riêng ông mà của hàng nghìn người nông dân khác trước thời tiết và hậu quả quá nặng nề trước mắt.
Trắng nước, trắng đồng

Những ngày cuối năm mà theo lịch nông nghiệp của bà con huyện Đại Lộc (Quảng Nam) thì những vựa cây màu đã túc tắc thu hái, bỏ đi các chợ cho đến tận Tết. Thế nhưng ruộng đồng những xã Đại An, Đại Nghĩa, Đại Hồng, … nay lại trắng một màu đất sau những ngày đồng trắng nước lũ.  Đón liên tiết 2 cơn lũ lớn bất thường, trái mùa, lại là lúc những ruộng khổ qua, dưa leo, đu đủ đã xuống giống được hơn 1 tháng hay đang vào vụ sai trái thì tất cả lại bị lũ cuốn, người nông dân bỗng chốc trắng tay trong sự ngỡ ngàng.

Quảng Nam trong đợt lũ vừa qua đã có 823 ha lúa bị thiệt hại nặng, 3.696 ha hoa màu bị gãy đổ nghiêm trọng. Từng ấy số liệu là hàng nghìn đôi mắt thẫn thờ của bà con nông dân. Xã Đại An thiệt hại hơn 200 ha hoa màu đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, phục vụ thị trường Tết cho TP Đà Nẵng và những vùng lân cận. Đó gần như tất cả tài sản của người nông dân Đại An vào những ngày cuối năm.

Thời tiết bất thường đang đẩy người nông dân đến cái Tết buồn khi trắng tay vụ mùa. Ảnh Mỹ Linh

Anh Lê Trọng Quốc, giám đốc hợp tác xã Đại An cho hay, “Chỉ trong vòng 1 tháng bà con nông dân hứng chịu 2 đợt lũ bất thường hoa màu bị ngâm trong nước cả tuần đến hơn mươi ngày, người còn không chịu nổi huống gì là rau cỏ”. Anh Quốc kể, nhiều hộ còn thiệt hại nặng gấp đôi, gấp ba vì cứ nghĩ đợt lũ đầu tháng 12 là đợt cuối nên xuống giống thêm, chạy cho kịp vụ Tết, nhưng nào ngờ, chỉ mươi ngày sau cơn lũ tiếp theo ập đến cuốn sạch mọi thứ. Mỗi sào ruộng có nhà đầu tư 3 đến 4 triệu đồng. Mùa màng thuận lợi mọi năm thu về 10 đến 15 triệu một sào. Thế nhưng giờ đây, chỉ tay về hướng đồng ruộng, anh Quốc nhắc đi nhắc lại câu: “Nước lũ gần như cuốn sạch. Có còn lại cũng chỉ nhọc công bà con nhổ bỏ chứ chẳng mót lượm được bao nhiêu”.

Vùng rau Bàu Tròn vốn nổi tiếng bấy lâu là nơi cung cấp rau Tết cho nhiều địa phương. Cũng vì vậy mà bao năm qua, người nông dân nơi đây cũng dồn sức cho vụ cuối để có cái tết sung túc. Nhưng giờ họ trắng tay. Gặp ông Thành khi vợ chồng ông đang gieo lại sào đậu, dù vẫn cười nói nhưng sự xót xa hiện rõ trong lời kể: “Khổ qua mọi năm giờ này đã bắt đầu thu hoạch cho đến tận tết. Năm nào cũng năng suất cao, mỗi bao tải bán 50.000 đồng vẫn có lãi. Thế mà giờ một kí khổ qua lên tới 30.000 đồng mà vùng Bàu Tròn này chẳng còn ai có mà bán”. Câu chuyện được giá mất mùa, được mùa mất giá luôn là quy luật bấy lâu nhưng sao nay với người nông dân lại có phần cay đắng nhiều quá.

“Một kí ớt từ 20.000 đồng giờ tăng lên 120.000 đồng, nghe mà xót lắm, cả vùng này giờ chẳng ai mót ra được kí ớt nào đâu. Mấy cây còn sống được rồi chắc cũng nhổ bỏ chứ dễ gì đậu quả nữa. Người Đại Lộc giờ phải nhập rau về, nhưng rồi tiền bạc đâu để mua rau ăn?”, ông Thành thở dài tự đặt câu hỏi. Xót xa là phải, bởi thời điểm trước khi lũ về, nhiều ruộng khổ qua đã bắt đầu ra trái, chỉ độ mươi ngày nữa là có thể hái bán nhưng giờ thì đã trôi theo nước lũ.  Những ngày đó nhìn ra ruộng Bàu Tròn chỉ thấy nước trắng đồng, vài trăm gốc đu đủ chỉ thấy ngọn cây.

Gặp ông Trái ở ruộng đu đủ với hơn 200 cây đã 2 năm tuổi, đang mùa sai trái nhưng ông phải đào gốc vứt bỏ. “Thối gốc, trái xanh nhưng bị ngâm nước cũng mềm nhũn, chúng tôi cố lượm lặt được bao nhiêu đem bán vớt. Nhổ bỏ vài trăm gốc này tiếc đứt ruột nhưng để làm gì nữa”. Vợ ông Trái vừa đi nhặt những quả đu đủ còn cứng vừa tiếc, “Không có lũ ngập thì nửa tháng nữa bán hàng tết được giá lắm. Chăm sóc cả năm dồn cả vào vụ này mà giờ phải đi lượm từng quả vầy đây”.

Quay lại câu chuyên ông Thành, ngày nước rút, ra đồng nhìn 8 sào ruộng chỉ còn lại bãi đất trống, ông Thành cũng im lặng ngoái nhìn lại chỗ ruộng nhà: “Chẳng những ngập mà nước lũ còn cuốn hết, cuốn phăng cả mấy sào cây trái đã lên dàn, bứng gốc bứng dàn trôi dạt về phía cuối đồng kia kìa”. Men theo con đường đất xuống ruộng, chúng tôi đi qua những tấm lưới, những dàn cây, rồi thậm chí là thân cây đu đủ, khổ qua bị lũ cuốn dạt vào bờ ruộng. Thay vì một màu xanh cây trái thì nay Bàu Tròn chỉ còn mỗi màu đất. Hỏi đường băng qua những đồng ruộng, ai cũng chỉ: “Đi đường nào cũng được, ruộng có còn cây gì đâu mà sợ giẫm phải. Nước lũ dọn hết cả rồi!”.

Tết buồn của người nông dân

Ghé thăm xã Đại Hồng, một trong những xã bị thiệt hại nặng của huyện Đại Lộc, nằm sát bên bờ sông Vu Gia, cũng chẳng có một màu xanh nào còn sót lại. Hơn 400 ha hoa màu của bà con bị thiệt hại gần như là 100%. Anh Từ Thanh Thẩm, phó chủ tịch xã cho hay, người dân chẳng dám gieo trồng gì vì nhìn trời và nghe dự báo mấy hôm nữa lại có mưa. “Nếu lại mưa lớn thì công làm đất của bà con lại mất trắng nữa. Mất một vụ này nhiều người bảo cứ trồng lại là được nhưng còn phải tính toán cho thời gian kịp vụ sau chứ không mất cả năm như chơi”.

Nhiều nông dân Đại Hồng được hỏi Tết nay sẽ ra sao, họ chỉ vào ruộng “Nhìn đây là đủ no rồi!”. Chúng tôi hiểu cái ý no của họ là nỗi buồn và sự bế tắc đang án ngự trong lòng, trước sự thay đổi khó hiểu của thời tiết. Tất cả choáng hết tâm trí họ, nên chẳng ai màng đến Tết đang cận kề. Thế nhưng không chỉ mỗi người nông dân khốn đốn, đến người bán giống cây, người bán hàng ở xã cũng buồn chung. “Chúng tôi buôn bán nhờ người dân, nay dân mất mùa thì chúng tôi cũng chẳng bán được cho ai. Họ khổ thì chúng tôi cũng khổ. Tết nay cả xã này chắc buồn lắm”, cô Hoa (Đại An) chia sẻ.

Anh Nguyễn Trọng Quốc nói đùa, nhiều người bảo năm nay người Đại Lộc mới được ăn tết thực sự, bởi họ chẳng còn phải ra đồng đến tận 30 tết hay mùng 2 phải lục đục đi thu hoạch rau trái. Thế nhưng cười nói với câu đùa rồi anh Quốc hay những người nông dân chúng tôi gặp đều lặng thinh. “Nói vậy mà xót trong lòng. Người nông dân sống cả đời nhờ vào ruộng đồng, nay đến ngày Tết lại chỉ biết nhìn đồng ruộng hết trắng nước đến trắng đất thì vui gì cho cam!”.

Thiên tai bất thường, hậu quả khôn lường

Sự thẫn thờ của người dân trong câu chuyện này không chỉ là mất mát mà câu chuyện về thời tiết kỳ lạ. Người dân Đại Lộc bao đời nay sống chung với lũ, mà nói lũ nuôi bà con cũng chẳng sai. Bởi lũ xưa nay là mang phù sa về đồng ruộng. Người nông dân nơi đây có câu “Ông tha, bà không tha. Đánh cho một trận hai ba tháng mười”, ý chỉ mưa lũ gì rồi sau ngày 23 tháng 10 âm lịch hàng năm cũng sẽ kết thúc. Bà con tính toán nghỉ đồng, đợi phù sa về. Đến đầu tháng 11 thì xuống giống cho vụ Tết được sung túc.

Ông Thành (xã Đại An) bên đồng ruộng bị mất trắng sau trận lũ vừa qua. Ảnh: Mỹ Linh

Nhiều người Đại Lộc vẫn kể với nhau, lũ ngày xưa nước có thể lớn nhưng dâng lên từ từ, rồi rút xuống nhanh trong ngày, thiệt hại của bà con không nhiều vì đã quen với việc chạy lũ như vậy, cây màu cũng không bị trôi. Lũ bây giờ có khi không lớn bằng nhưng cứ lên là ngâm cả tuần, dòng chảy lại lớn, hết đợt này đến đợt khác chứ không như quy luật xưa. Con người cũng vì vậy mà phải căng mắt nhìn đoán để thoát thân chứ nói gì đến cứu cây. Vậy nên, “Người tính trăm năm đâu bằng trời tính một ngày. Cả đời tôi làm ruộng nay mới thấy cái sự trái khoáy như vậy. Rồi chẳng biết năm sao phải tính làm sao đây?”, ông Tín, ông Thành trăn trở. Và thật,  người làm nông chỉ biết trông trời trông đất, nếu chẳng thuận hòa thì đời người nông dân cũng bấp bênh.

TS. Quách Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Bền vững, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội TP Đà Nẵng chia sẻ một phần câu chuyện về sự bất thường của thời tiết vừa qua. Bà cho haynăm 2015 chúng ta có lũ xuất hiện tháng 3. Năm 2016, lũ xuất hiện tháng 12 và mưa lớn vẫn đang tiếp diễn. Đó là những hiện tượng thời tiết bất thường do sự biến đổi khí hậu trên thế giới đang diễn ra càng ngày phức tạp. Mà nguyên nhân sâu xa chính là do con người đang tác động quá nhiều vào tự nhiên. Điển hình tại Quảng Nam là việc xây dựng nhiều đập thủy điện trên cùng một hệ thống sông, làm chuyển dòng nước, rừng đầu nguồn bị mất càng nhiều, rừng phục hồi thì không đảm bảo chất lượng, thậm chí là trồng chưa đủ. “Tất cả khiến thời tiết càng bất thường và hậu quả cũng sẽ khôn lường. Chúng ta thậm chí không đoán biết được năm sau liệu có lũ không, sẽ có những bất thường nào nữa xảy ra hay không. Đó mới là điều nguy hiểm”.

Như vậy, khi tác động vượt quá giới hạn, thiên nhiên đang tác động ngược trở lại lên cuộc sống của con người. Những người nông dân không trực tiếp tạo nên sự biến đổi này nhưng họ đang chịu hậu quả nặng nề nhất. Lũ không còn theo quy luật tự nhiên, vậy nên câu trả lời của nhiều nông dân vào vụ mùa năm sau vẫn đang bị bỏ ngỏ. Tết buồn này chẳng ai biết có phải là duy nhất hay không...

Thùy Trang
TIN LIÊN QUAN

Những "Tấm lòng vàng" kịp thời tiếp sức cho người vùng lũ

Hoàng Văn Minh |

Hơn 1,2 tỷ đồng – con số tạm thời - của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đến với người dân Bình Định trong dịp này cũng không phải là ít, nhưng vẫn chỉ là muối bỏ bể so với những mất mát và khó khăn mà người dân ở đây đã và đang chịu đựng. Sẽ là một mùa Tết đói kém của người dân vùng rốn lũ Bình Định và miền Trung. Nhưng có thể, sắp tới sẽ là một mùa Tết ấm áp và hạnh phúc nếu có nhiều hơn những “tấm lòng vàng”, nhiều hơn những tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước…

Những "thiệt hại" không đáng có ở rốn lũ

Hoàng Văn Minh |

Những ngày cuối năm, bất ngờ miền Trung nước dâng đều từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận do mưa lớn, các hồ thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả lũ. Và Bình Định cũng bất ngờ thành rốn lũ, “rốn tan hoang, thiệt hại” với 41 người chết, hàng chục người bị thương… Nhưng ám ảnh chúng tôi là phần lớn, đó là những cái chết thuộc loại… vô lý, chết không đáng chết và đúng ra là không chết. Họ để lại những ưu tư, trăn trở cho người sống với những nếu như, giá như… đã được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần suốt bao nhiêu năm nay.

Lũ lớn về quá nhanh, dân không kịp ứng phó

NHIỆT BĂNG - THANH THÚY |

Dù Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa đã phát công điện cảnh báo tình hình mưa lũ từ ngày 12.12 nhưng người dân tỉnh Khánh Hòa gần như bị động ứng phó vì lũ lớn đổ về quá nhanh. Chỉ trong một đêm, người dân đã hứng thiệt hại nặng nề.

Dòng xe nối nhau trở về Hà Nội, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài

Phương Anh |

Từ chiều đến khuya mùng 4 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do lượng lớn các phương tiện đổ dồn về thủ đô sau kỳ nghỉ Tết khiến cho giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liên tục ùn tắc kéo dài hàng cây số.

Thiên đường của loài mèo

Thanh Hà |

Trong thành phố cổ từng do các sultan và hoàng đế cai trị, đế vương thực sự là những con mèo khiêm nhường đang lang thang khắp mọi hang cùng, ngõ hẻm.

Quảng Ninh: Khởi đầu cho mục tiêu 12,5 triệu khách du lịch năm 2023

Đoàn Hưng |

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhờ dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát và thời tiết thuận lợi, các điểm đến của Quảng Ninh tiếp tục ghi nhận lượng khách tăng mạnh.

Áp lực lạm phát đè nặng trong năm 2023

Hương Nguyễn |

Bài toán lạm phát tiếp tục là câu chuyện khó đối với những nhà điều hành chính sách tiền tệ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhận định gì về lạm phát trong năm 2023.

Chưa hết Tết, giao thông cửa ngõ Thủ đô đã căng thẳng

Nhóm PV |

Ngày 25.1 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán), dù chưa hết kỳ nghỉ Tết nhưng lượng người đổ về trung tâm Hà Nội tăng đột biến khiến các cửa ngõ nhiều điểm ùn tắc cục bộ.

Những "Tấm lòng vàng" kịp thời tiếp sức cho người vùng lũ

Hoàng Văn Minh |

Hơn 1,2 tỷ đồng – con số tạm thời - của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đến với người dân Bình Định trong dịp này cũng không phải là ít, nhưng vẫn chỉ là muối bỏ bể so với những mất mát và khó khăn mà người dân ở đây đã và đang chịu đựng. Sẽ là một mùa Tết đói kém của người dân vùng rốn lũ Bình Định và miền Trung. Nhưng có thể, sắp tới sẽ là một mùa Tết ấm áp và hạnh phúc nếu có nhiều hơn những “tấm lòng vàng”, nhiều hơn những tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước…

Những "thiệt hại" không đáng có ở rốn lũ

Hoàng Văn Minh |

Những ngày cuối năm, bất ngờ miền Trung nước dâng đều từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận do mưa lớn, các hồ thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả lũ. Và Bình Định cũng bất ngờ thành rốn lũ, “rốn tan hoang, thiệt hại” với 41 người chết, hàng chục người bị thương… Nhưng ám ảnh chúng tôi là phần lớn, đó là những cái chết thuộc loại… vô lý, chết không đáng chết và đúng ra là không chết. Họ để lại những ưu tư, trăn trở cho người sống với những nếu như, giá như… đã được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần suốt bao nhiêu năm nay.

Lũ lớn về quá nhanh, dân không kịp ứng phó

NHIỆT BĂNG - THANH THÚY |

Dù Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa đã phát công điện cảnh báo tình hình mưa lũ từ ngày 12.12 nhưng người dân tỉnh Khánh Hòa gần như bị động ứng phó vì lũ lớn đổ về quá nhanh. Chỉ trong một đêm, người dân đã hứng thiệt hại nặng nề.