Vụ vỡ hầm dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2: Phải đảm bảo an toàn cho vùng hạ du

THANH HẢI |

Đường hầm dẫn dòng ở thủy điện Sông Bung 2, tại xã biên giới La ÊÊ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) với đường kính hơn 14m đã bị bục vỡ, khiến 28 triệu mét khối nước trong lòng hồ đổ ập xuống hạ du trong tích tắc. Trận cuồng lũ xuất hiện sau bão số 4 này đã khiến 2 công nhân cùng 10 phương tiện cơ giới thi công tại công trình trôi mất tích; hơn 100 người dân địa phương chạy tan tác, lạc trắng đêm trong rừng giữa mưa bão. Nhưng nghiêm trọng hơn, hàng triệu người dân vùng hạ du của hệ thống 5 thủy điện bậc thang trên sông Bung này đã hốt hoảng, cuống cuồng chạy lũ vì sợ vỡ đập thủy điện dây chuyền. Thêm một lần nữa, sự cố thủy điện tại địa bàn Quảng Nam đã giáng một đòn chí tử vào người dân hạ du...

Chạy loạn vì tin đồn vỡ đập thủy điện

Chiều 13.9, khi bão số 4 vừa tan trên đất liền, những cơn mưa “dội bùn” (mưa sau bão - lũ) bắt đầu ập xuống miền Trung thì thông tin vỡ đập thủy điện Sông Bung 2 trên thượng nguồn dội về. Hàng vạn dân vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn - nơi có gần chục nhà máy thủy điện trên thượng nguồn lại hốt hoảng bỏ của chạy thục mạng để phòng tránh lũ. Ven tuyến QL 14B, đoạn qua huyện Đại Lộc, người dân đã dắt díu nhau sơ tán lên đường cao với tâm lý hoang mang tột độ. Hàng vạn người khác ở ven sông Thu Bồn như huyện Điện Bàn, TP. Hội An cũng tính chuyện sơ tán. Dân chúng, cán bộ điện thoại nhau rộn khẩn.

Sự cố bục, vỡ đường hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 xảy ra lúc 4 giờ chiều 13.9, tuy nhiên do nước ở thượng nguồn đổ về dữ dội như sóng thần, kèm theo tin khẩn báo có hàng chục người mất tích đã khiến thông tin vỡ đập bị đồn đoán càng đáng tin. Đến 7 giờ tối cùng ngày, khi ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang lên đến hiện trường thì thông tin xác tín không vỡ đập mới chắc chắn để trình báo cho UBND tỉnh Quảng Nam, Văn phòng Chính phủ.

Ngay trong đêm tối, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Khánh Toàn cùng lãnh đạo Sở Công Thương, BCH Quân sự, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tức tốc lên đường, vượt hơn 200km, trong đó có đến 50km đường rừng để có mặt tại hiện trường lúc 0 giờ 14.9, kịp xử lý tình huống. Dẫu vậy, khi thông tin chính thức được phát đi thì hàng triệu người dân vùng hạ du đã một phen khiếp vía, hết đêm không ngủ.

Người dân lo ngại là hoàn toàn chính đáng, vì thủy điện Sông Bung 2 là một trong 5 thủy điện bậc thang trên dòng sông Bung, được xây dựng ở thượng cùng, giáp với huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông, CHDCND Lào. Với dung tích từ 100 triệu hơn 500m3 nước mỗi hồ của 5 thủy điện bậc thang, nếu chẳng may có sự cố vỡ thì nguy cơ vỡ dây chuyền là rất lớn, và thảm họa sẽ khó lường cho hạ du.

Hiện trường sự cố thủy điện sông Bung 2. Ảnh: THANH HẢI 

Người dân hạ du Quảng Nam dao động, nghi ngờ sự an toàn của các hồ thủy điện ở thượng nguồn cũng vì nhiều lần bị lũ thủy điện gây chồng lũ, dâng nước đột ngột, gây thiệt hại chưa tiền lệ. Ngoài ra, sự cố động đất, nứt gãy ở thủy điện Sông Tranh 2 đã từng khiến người dân bất an nhiều năm liền. Bây giờ, sự cố vỡ hầm dẫn dòng, chỉ 28 triệu m3 nước (trong số hàng trăm triệu từ các hồ chứa thủy điện) đổ về xuôi cũng khiến dân chúng hốt hoảng, lo ngại. Bất an là chính đáng.

Không vỡ đập, nhưng hồ cũng trơ đáy

Dù không phải vỡ đập chính, song sự cố bục vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 cũng đã vét cạn hồ thủy điện với 28 triệu m3 nước. Ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc Công ty phát điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), chủ đầu tư thuỷ điện Sông Bung 2, giải thích: Hầm dẫn dòng thủy điện ở Sông Bung 2 cao 14m, rộng 12m và dài 400m, được đào sâu, vuông góc dưới thân đập chính nhằm đảm bảo thi công. Cao trình hầm thấp hơn đáy hồ (cao trình 514m, còn đáy hồ ở cao trình 565m - so mực nước biển). Theo quy trình, sau khi chặn dòng, tích nước (hôm 3.9.2016), đường hầm này sẽ được đổ bêtông suốt chiều dài 40m - đoạn qua thân đập để chôn vĩnh viễn. Tuy nhiên, sau khi mới tích nước được 10 ngày, với dung tích 28 triệu m3 (trong số gần 100 triệu m3) nước thì bị sự cố bục vỡ ở cửa van số 2. Cũng theo ông Hải, nguyên nhân ban đầu được xác định là do hậu quả của bão số 4, lưu lượng nước về quá lớn, gây thêm áp lực, khiến van bít nắm hầm đường dẫn dòng không chịu nổi, bị bục vỡ.

Hiện trường sự cố thủy điện sông Bung 2. Ảnh: THANH HẢI 

Tuy nhiên, lý giải này của ông Hải không thuyết phục, bởi hồ thủy điện Sông Bung 2 đã được tích nước tròn 10 ngày, dung tích đạt 28 triệu m3, mặt hồ đã rộng hàng kilômét, điều này đã góp phần làm giảm áp lực lũ về rất lớn. Mặt khác, đường hầm dẫn dòng này được thiết kế, chịu áp lực với dung tích hồ gần 100 triệu m3, sẽ lấp vĩnh viễn để cùng thân đập đảm nhiệm việc chặn dòng, tích nước. Nhưng hồ nước chỉ mới tích 1/3 so với thiết kế đã bị bục, vỡ. Rõ ràng chất lượng thi công công trình đã đặt nghi vấn lên hàng đầu. Có phải vì vội vàng tích nước trước mùa mưu lũ để tranh thủ phát điện đúng dịp 20.11.2016 mà các đơn vị thi công đã xem nhẹ khâu thẩm định? Ông Hải không thừa nhận câu nghi vấn này. Ông Hải cho rằng, việc thi công có giám sát, thẩm định và thực hiện đúng quy trình. Trả lời câu hỏi sự cố vỡ đường hầm chạy ngầm, ngang sâu qua thân đập liệu có hiệu ứng “tổ mối”, đe dọa đến sự an toàn thân đập, ông Hải khẳng định, sự cố sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng công trình cũng như an toàn thân đập. Tuy vậy, lời hứa ấy của nhà đầu tư chưa thể an dân.

Theo ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Không chỉ làm chết người, đe dọa hàng triệu người khác ở hạ du mà còn gây mất trị an ở địa phương. Sự cố theo nhà thầu là không quá nghiêm trọng, nhưng theo tôi, với 28 triệu m3 nước đột ngột đổ ập về hạ du như lần này, nếu thời điểm xảy ra khi hồ thủy điện Sông Bung 4 - liền kề đã tích đủ 500 triệu m3 nước thì nguy cơ vỡ đập dây chuyền là rất lớn. Vì vậy, cần nghiêm túc xem xét tính an toàn trước khi cho thi công tiếp”.

Đêm trắng A Dinh

Sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 chấn động người dân Quảng Nam, nhưng với cư dân 4 xã hạ lưu liền kề thân đập là khủng khiếp nhất. Đặc biệt, với người dân làng A Dinh, xã Cha Val - nơi có 60 con dân của họ mất tích trong đêm xảy ra sự cố là một dư chấn khủng khiếp nhất từ trước nay.

Trong đêm 13.9, cơ quan chức năng Quảng Nam chỉ nhận thông tin 13 người mất tích, trong đó ngoài 2 công nhân thi công tại hiện trường còn có 12 người dân khác ở xã Zuooil, Laêê chưa liên lạc được. Nhưng hơn 60 người dân khác ở làng A Dinh bị lũ thủy điện sông Bung 2 đánh tan tác trong rừng sâu lại hoàn toàn không được hay biết. Từ chiều tối 13.9, khi thấy lũ cuồn cuộn đổ về mà người thân bặt tăm tích, cả làng A Dinh như có đám tang. Đàn ông, già làng hốt hoảng, thắp đuốc, tụ tập trai tráng, phân công nhau kéo vào rừng đi tìm người thân. Đàn bà, trẻ con khóc thét, chạy ra bờ sông Bung ai oán. Nhiều người ngất xỉu khi đến đêm khuya mà vẫn không liên lạc được với chồng, con mình.

Trong khi đó, 60 người dân của làng A Dinh đang đi trồng cây thuê cho dự án trồng rừng phòng hộ chính các thủy điện rên sông Bung này đã thành nạn nhân của sự cố vỡ đường hầm dẫn dòng thủy điện ở trên cùng. Già Zơ Râm Pong kể lại: “Cả làng khi đêm như có chiến tranh, phần thì nước nổ như bom, cuộn đỏ đổ về, phần đàn bà trẻ con khóc thét, chúng tôi tưởng 60 người dân đã không thoát nạn. Dù vậy, tôi đã tập hợp thanh niên còn lại, thắp đuốc vào rừng ngay giữa đêm đen. Khi vào đến nơi dân thường trồng rừng thì đã nửa đêm, nhưng nước lũ còn mênh mông trắng xóa. Chỉ biết hú gọi nhau để kiểm đếm số người sống sót, rồi chúng tôi kết bè cây, bơi sang sông để dìu những người vừa thoát từ dòng nước dữ, gom lại, đốt lửa, sưởi ấm cho họ.

A Rất Linh, 22 tuổi một trong số hơn 20 phụ nữ trong toán người vừa thoát nạn, ra khỏi bìa rừng chiều 14.9 kể lại: “Đến bây giờ em còn run quá. Không chỉ sợ chết mà quá lo vì không còn gặp lại chồng và con nhỏ. Lúc đó, khoảng 6 giờ tối, bọn em vừa làm xong, tắm rửa và chuẩn bị nấu ăn, thì bỗng đâu nghe tiếng sấm đùng đùng dội từ phía thượng nguồn. Nước đổ ập xuống từng cột lớn, nhảy cóc giống như chảy ngược. Theo bản năng, bọn em cứ núi dốc mà bò lên để thoát thân. Lán trại, áo quần, vật dụng đến xe máy bị trôi sạch. 60 người thất lạc nhau. Đến 3 giờ sáng thì mới hú tìm, gom lại được 5 nhóm. Bọn em đốt lửa, ngồi chờ trời sáng. Trắng đêm không ngủ, nhịn đói, nhưng ai cũng mừng vui khi đến sáng tìm được hết 60 người.

Ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, rất may số thương vong về người là rất ít, bởi bình thường có cả trăm người dân tứ xứ đến đào vàng, người dân bản địa thì đi đánh bắt cá, hái rau, hái hoa chuối... ven suối. Lần này nhờ có trận bão số 4, gây mưa lớn nên nhiều người đã không ở dưới sông và họ đã thoát được hiểm họa thủy thần. Tuy vậy, sự cố đã gây cô lập 2 thôn Pà Oi và Pà Lang, xã Laêê chiều 13.9. Nếu không có sự ứng cứu, sơ tán kịp thời của Đồn Biên phòng Laêê, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 207 đóng chân trên địa bàn huyện thì gần 400 hộ dân ở đây nguy to rồi. Tuy nhiên cũng có 3 ngôi nhà bị cuốn trôi. Nhưng nghiêm trọng nhất là sự cố đã đánh mất niềm tin của dân hạ du dưới các thủy điện bậc thang này. Nếu không có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt thì nguy cơ tái diễn sẽ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chính quyền tỉnh Quảng Nam khẩn trương có ngay các giải pháp khắc phục sự cố, không để mất an toàn cho người và công trình vùng hạ lưu; đồng thời khẩn trương xác định nguyên nhân, thực hiện ngay các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động trong khu vực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.9.2016.

Đến cuối ngày 14.9, sự cố xảy ra cuốn trôi 10 xe cơ giới, xe đào, máy xúc cùng một số thiết bị thi công và mất tích 2 công nhân vận hành máy đào của nhà thầu HYCO4. 2 nạn nhân là Đặng Văn Tuyền, sinh năm 1979, quê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và Nguyễn Minh Luân, sinh năm 1992, quê tỉnh Phú Thọ đến cuối ngày 14.9 vẫn chưa tìm thấy thi thể.                                     T.H - K.V

Khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn 2 công nhân bị cuốn trôi

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 14.9, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: Thủy điện Sông Bung 2 trên thượng nguồn sông Vu Gia thuộc xã Laêê và ZuôiH, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bị sự cố cửa van cống dẫn dòng khi đang đắp đê quây hạ lưu và bơm thoát nước để đổ bêtông hoành triệt hầm dẫn dòng. Đến thời điểm này, các lực lượng chức năng đang nỗ lực để cứu 2 công nhân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận định của lực lượng cứu hộ dự đoán 1 công nhân hiện đang bị mắc kẹt trong máy múc, lực lượng chức năng đang triển khai để trục máy múc đưa công nhân này ra ngoài; còn 1 công nhân khác có khả năng đã bị cuốn trôi ra ngoài sông.

Về thông tin 21 người khác bị cho là mất tích, đến nay lực lượng chức năng đã liên lạc và khẳng định: 21 công nhân này đã an toàn, đã có phản hồi lại thông tin của lực lượng tìm kiếm.

“Rất may do người dân sống ở khu vực cao, thủy điện Sông Bung 2 lại ở xa nguồn sông, khá xa khu dân cư, khu vực xung quanh người dân không trồng hoa màu mà chủ yếu trồng rừng,… nên thiệt hại của người dân hầu như không có. Tuy nhiên, để đề phòng mọi sự cố có thể xảy ra, các lực lượng chức năng như: Quân đội, cảnh sát, dân phòng, cứu hộ cứu nạn, các chuyên gia về thủy điện, môi trường… đã triển khai lực lượng, khuyến cáo đến người dân, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra” - Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa cho biết thêm.

Chiều tối ngày 14.9, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đang có mặt tại hiện trường - cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng - thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công thương có mặt tại công trường. Cùng tham dự có Tổng cục Năng lượng và Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chỉ đạo các đơn vị tham gia cứu hộ, cứu nạn trước mắt tập trung tìm kiếm 2 công nhân còn đang bị mất tích, hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị ảnh hưởng; chủ đầu tư công trình là Tập đoàn Điện lực VN (EVN), đại diện là Ban QLDA thủy điện Sông Bung 2 và nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 tiếp tục có các biện pháp khắc phục, xử lý tình trạng vỡ đập, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du trong mùa mưa lũ.

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, đoàn công tác của Bộ Công Thương cho biết, cửa van dẫn dòng có khối lượng 120 tấn, đường kính 14m của hầm dẫn dòng đã bị nước lũ cuốn trôi về hạ lưu. Hiện lòng hồ đã được tháo cạn nước thông qua hầm dẫn dòng để về hạ lưu. Tất cả các hạng mục công trình chính hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn.

Theo ông Trần Văn Lượng, công trình tuyến đầu mối (đập, hầm dẫn dòng) do nhà thầu TCty Xây dựng Thủy lợi 4 thi công và chỉ bị ảnh hưởng trôi cửa van dẫn dòng, không liên quan đến thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Theo dự kiến, công trình sẽ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 10 và hoàn thiện cả 2 tổ máy vào tháng 12 năm nay, tuy nhiên, với sự cố này, tiến độ phát điện của công trình có thể sẽ bị chậm lại.                                                                                 KHÁNH VŨ - HỒNG QUÂN

 

THANH HẢI
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng yêu cầu giám định nguyên nhân vỡ thủy điện sông Bung 2

V.N |

Thủ tướng Chính phủ vừa ra công điện về khắc phục sự cố công trình thủy điện Sông Bung 2, trong đó yêu cầu xác minh cụ thể thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, giám định nguyên nhân sự cố và có biện pháp khắc phục hậu quả.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

Thủ tướng yêu cầu giám định nguyên nhân vỡ thủy điện sông Bung 2

V.N |

Thủ tướng Chính phủ vừa ra công điện về khắc phục sự cố công trình thủy điện Sông Bung 2, trong đó yêu cầu xác minh cụ thể thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, giám định nguyên nhân sự cố và có biện pháp khắc phục hậu quả.