Cán bộ gom đất tư lợi, dân khiếu kiện tập thể

Vụ bê bối đất đai Bình Nghi (Tây Sơn, Bình Định):

Xuân Nhàn |

Tháng 5 oi bức, hàng chục cuộc gọi, tin nhắn gửi đến P.V Lao Động từ người dân xã Bình Nghi (Tây Sơn, Bình Định): Chỉ dựa vào chân “chức việc” làng nhàng cấp thôn, cấp xã, nhiều công bộc của dân đã ngang nhiên bao chiếm hàng chục hécta đất rừng, đất sản xuất. Câu chuyện hơn một thập niên, mà tới nay, dư âm hãy còn sôi sục... Những bản scan chi chít 2 mặt chứng minh nhân dân, lá đơn nêm chặt 118 chữ ký kèm phần thuyết minh rằng đã gửi huyện, tỉnh từ ngày 5.5. Lần thứ 2, sau thời điểm công bố kết luận thanh tra (12.4), phản ứng tập thể của người dân được viết lên bằng mực đen giấy trắng.

Đất chung, đất riêng

Ông Nguyễn Chớ ở thôn Thủ Thiện Hạ lập cập trèo lên xe máy. Ông già dễ chừng trên dưới 80 nhất quyết không chịu nhường công việc dẫn đường cho nhóm người trẻ tuổi. Cầm cương một gia đình đông con, từng khai vỡ 8ha ở Hóc Lác, Hóc Giếng, Đồng Lớn, Đồng Kho để rồi bị mất sạch, ông Chớ nói, chỉ khi sức tàn lực kiệt, ông mới thôi tìm kiếm lẽ công bằng. Rẽ quốc lộ 19, chúng tôi trực chỉ hướng núi. Đập vào mắt là bạt ngàn rừng trồng, nhấp nhô, mờ mịt. Đang mùa khai thác, vài chuyến xe ỳ ạch chở gỗ trườn qua. Có khoảnh rừng mới cưa hạ hơn tuần mà cành lá cong queo, khô khốc. Ông Chớ đột ngột phất tay, báo hiệu dừng lại. Sau làn bụi đỏ, dưới cây bạch đàn rộng tán, thấp thoáng bóng người ngồi quạt nắng. Phải mất dăm phút lom lom thăm dò, thủ thế, song phương mới dè dặt làm quen. “Chỗ này tục danh gọi Hóc Bé, tới chút nữa là Hóc Lác...”, ông Chớ nhận lãnh phần hành một hướng dẫn viên. Bên kia, bà Bùi Thị Lệ ngần ngừ xác nhận: “Đất ông Thanh (ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Thôn trưởng thôn 4 - chú thích của tác giả). Chỗ này cùng 4 khoảnh khác rải rác gần đây, tôi trả 340 triệu đồng nhưng ổng không bán. Giá thực tế chắc chắn cao hơn”. Bà Lê, đến từ Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, kiếm sống bằng nghề mua bán sản phẩm rừng trồng, bảo không cách nào tường tận hết đất cát người ta. Cụ Chớ vùng vằng: “Tui đây còn... chịu chết nữa là. Mênh mông bể sở, mình dễ gì biết được. Như ông Thãi đó”.

 

Cuộc gặp ở Hóc Bé. Vợ chồng người lái buôn (trái) sợ bị vạ miệng 

Ông Trần Văn Thãi - nguyên là cán bộ địa chính xã Bình Nghi, năm 2002 được UBND huyện Tây Sơn giao 16ha đất tại tiểu khu 308 (Hố Thị) để trồng rừng. Tháng 9.2002, phần đất trên được cấp giấy chứng nhận (số hiệu 03045/QSDĐ/H15), thời hạn sử dụng đến tháng 9.2052. Tháng 12.2010, vẫn đất Hố Thị, ông Thãi cùng vợ là bà Trần Thị Thu được chính quyền Tây Sơn “cấp đổi theo hiện trạng” ra 3 giấy chứng nhận, sử dụng đến tháng 10.2060. Có điều, làm một phép cộng thông thường, thì tổng diện tích đã không còn là 16ha (160.000m2) nữa mà đã phình ra thành 251.750m2! Ông Thãi cùng người nhà còn “đính” tên nhiều khu đất khác ở khu vực Đồng Lớn dưới chân núi Đá Đen, Hóc Tre, Lọ Trã, Đập Ông Bền... Riêng bên Hóc Lác (thuộc Thủ Thiện Hạ), sự “thần thông” của ông thể hiện ở chỗ, chỉ trong ngày 15.12.2010 (trùng ngày cấp đổi 3 giấy chứng nhận Hố Thị), đã cấp tập lấy được chữ ký của lãnh đạo huyện Tây Sơn cho 89.530m2 “đất rừng sản xuất”. Kỳ thực, hơn 60.000m2 trong số đó, theo hồ sơ địa chính xã Bình Nghi, rành rành là đất công ích!

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Nghi Văn Ngọc Thạch còn... bạo hơn. Năm 2010, dưới chân núi Tháp, hộ ông Thạch được cấp quyền sử dụng cho 2 khu đất có tổng diện tích 369.396m2. Việc xén quỹ đất do Hợp tác xã nông nghiệp Bình Nghi quản lý, sử dụng trao tay cá nhân lãnh đạo đương nhiệm, đến đầu năm 2015, dưới áp lực khiếu kiện của người dân, được UBND Tây Sơn thừa nhận là sai. Chỉ là thừa nhận mà thôi, bởi diễn biến tiếp theo cho thấy, quy trình sửa sai không hề được theo đuổi rốt ráo. Thay vì ra một quyết định có đầy đủ quyền năng pháp lý, ngày 17.4.2015, UBND huyện Tây Sơn, thông qua văn phòng, chỉ phát hành văn bản 235/TB-UBND thông báo ý kiến Phó Chủ tịch Đỗ Văn Sỹ về việc thu hồi hai thửa đất của ông Thạch. Có phải vì lừng khừng thế mà hơn 1 năm qua, chỉ đạo từ ông Sỹ (nay đã là chủ tịch) cứ lặng lẽ trôi qua, trôi qua? Dĩ nhiên, núi Tháp chỉ mới là một... ví dụ. Đất đai dưới quyền sinh sát gia đình ông Thạch còn nghênh ngang ở Đồng Cẩm, Hố Thị, núi An Trường. Dường như tự biết vậy là... khó coi, cuối năm 2010, huyện Tây Sơn bèn “cấp đổi theo hiện trạng” hơn 10ha núi An Trường từ giấy chứng nhận mang tên Võ Thị Nhâm (vợ ông Thạch) sang 2 giấy khác đứng tên Huỳnh Thị Ngã. Bà Ngã không ai khác hơn là mẹ ruột nguyên bí thư Thạch.

Chưa thông suốt”

Bên cạnh số người bị vạch mặt chỉ tên sai phạm, sự bức xúc của 127 hộ dân Bình Nghi (con số cao nhất đứng đơn khiếu nại tập thể) còn đổ dồn vào nhóm chức sắc khác (cũ và mới) như các ông Đỗ Văn Định (Chủ tịch UBND xã), Lê Chí Công (nguyên cán bộ Hạt Kiểm lâm Tây Sơn)... Trong lá đơn mới nhất, gửi đi ngày 5.5.2016, nêu lý lẽ “không đồng tình” với kết luận của Thanh tra Bình Định, 118 hộ ký tên cho biết: “Đất vốn là đất rẫy của người dân khai hoang; đối tượng nhận đất không thuộc diện dãn dân; diện tích giao cho họ là quá nhiều so với hộ bình thường”. Câu chuyện có nguồn cơn khá dài mà sự tùy tiện của chính quyền cơ sở và toan tính thực dụng, vụ lợi nơi một số cá nhân đã làm phát sinh chất chồng hệ lụy tới hôm nay.

Những năm 1977 - 1978, hàng trăm hộ dân Bình Nghi đổ xô vào khu vực Đất Thổ, Hóc Lác, Hóc Bé, Đồng Cẩm... khai hoang, vỡ hóa. Gần 200ha đất biến thành ruộng, rẫy trong thời buổi ngặt nghèo, khó khăn. Rồi diện tích trên được chuyển thành cây lâm nghiệp bởi “quy hoạch hợp tác xã”. Năm 1996, thôn 4, xã Bình Nghi ra đời theo dự án dãn dân, phát triển kinh tế mới (dự án 773) với 258 hộ dân. Bạch đàn đang xanh bị buộc chặt hạ, giao trả đất về cho xã. Không quyết định thu hồi nào được đưa ra. Tương tự là việc đo đạc, kiểm kê, đánh giá giá trị tài sản như quy định.

 

Những cánh rừng chưa hạ nhiệt 

Ông Nguyễn Bá Lương ở Thủ Thiện Hạ nhớ lại: “Không ai khiếu nại. Đúng hơn là bị cuốn vào không khí hừng hực, nước sôi nước nóng, chẳng người nào dám đứng ra khiếu nại. Giờ bảo chúng tôi tự nguyện là nói lấy được”. Mỗi hộ kinh tế mới được phân 7.500m2 đất các loại, trong lúc không ít “công bộc” của họ thì lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng tình trạng sáng tối nhá nhem, ráo riết tích góp đất đai. Vụ việc vỡ lỡ sau 2010, khi thông tin về những mảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc bất minh bị “lộ sáng”. Ban đầu chỉ vài người ỉ ôi, sau thì liên kết thành đoàn, thành toán, hết lên Phú Phong lại rồng rắn về tận Quy Nhơn. Ít nhất, đã có 3 cuộc thanh, kiểm tra hướng về Bình Nghi. Lần cuối cùng, từ kết quả 3 tháng làm việc của cơ quan thanh tra, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo thu hồi hơn 58ha đối với các trường hợp cấp giấy chứng nhận sai, lấn chiếm, giao đất không đúng thẩm quyền. Như đã nói, dân Bình Nghi chưa thực sự tâm phục khẩu phục. Trao đổi với P.V Lao Động qua điện thoại ngày 24.5, anh Nguyễn Quy ở thôn 3 gay gắt: “Chúng tôi không đòi hoa màu đã mất mà muốn được trả lại quyền sử dụng trên mảnh đất được tạo lập bằng mồ hôi nước mắt, bất kể chủ mới có vượt hạn mức hay không. Thật vô lý cho những ai ở tận đâu đâu, chẳng dính dáng gì tới dự án 773 lại ngang nhiên tọa hưởng thành quả không phải của mình”. Nhiều người đặt câu hỏi xung quanh khoảng trống trách nhiệm trong kết luận thanh tra: Thu hồi đất có kèm thu hồi hoa lợi phát sinh bất chính? UBND huyện Tây Sơn lẽ nào chỉ kiểm điểm do chậm kiểm tra, rà soát đơn thư tố cáo? Vậy việc chứng nhận, hợp thức hóa đất công thành đất tư hay quàng tên người này lên đất người khác thì sao? Ông Nguyễn Bá Lương lắc đầu ngao ngán: “Bà con chỉ được nghe thông báo nhanh kết luận thanh tra, thay vì phải đối thoại thẳng thắn, minh bạch. Người ta hẹn qua 30.4 sẽ báo cáo kết quả xử lý. Giờ là tháng mấy rồi?”.

Trả lời bằng... im lặng

Rồi cũng tới lượt chúng tôi chưng hửng như ông Lương. Dường như có một “công thức” nào đó được xác lập nhằm vô hiệu hóa những câu hỏi “tọc mạch”, liên quan tới vụ bê bối đất đai ở Bình Nghi. Ghé trụ sở xã, nhìn thần sắc kém vui nơi Phó Chủ tịch Văn Ngọc Quế, tôi liền dự cảm một kết cục... bất thường. Y như rằng, trở ra sau màn thỉnh thị ý kiến Chủ tịch Đỗ Văn Định, món quà ông Quế dành cho tôi là câu đãi bôi xin lỗi: “Anh thông cảm, vấn đề này phải được huyện cho phép phát ngôn (!?)”. Chạy lên UBND huyện, Chánh văn phòng Nguyễn Thị Thống yêu cầu phóng viên để lại câu hỏi, địa chỉ email và hứa hồi đáp “vào đầu tuần sau, vì mấy anh đi vắng”. Tôi không chút nghi ngờ, hẹn hò kia, thực ra, chỉ là lời nói gió bay.

 

 

 

Xuân Nhàn
TIN LIÊN QUAN

Mạnh tay với “ma men”: Giới thiệu là em Phó Chủ tịch huyện cũng không thoát

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội đang tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm hình thành thói quen “Đã uống rượu bia - không lái xe”.

Dự kiến Sử thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc: Học sinh nửa mừng nửa lo

Đức Trung - Ngọc Chi |

Thông tin dự kiến đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng nhận được sự quan tâm lớn từ phía các học sinh. Dù vẫn còn nhiều lo lắng vì áp lực tăng thêm nhưng nhiều học sinh cũng đã sẵn sàng thay đổi phương pháp học sử để có được kết quả tốt nhất.

Khởi tố, bắt giam Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình

TRUNG DU |

Bà Trần Kim Thúy (53 tuổi) - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình - vừa bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Mặt bằng lãi suất giảm: Có 500 triệu chọn gửi tiết kiệm ở đâu?

KHƯƠNG DUY |

Nếu có 500 triệu đồng chưa biết gửi tiết kiệm ở đâu để nhận lãi suất cao, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Man United của Ten Hag đã kiên cường cả khi không có đủ quân số

VIỆT HÙNG |

Chứng kiến một số trụ cột chấn thương hoặc bị treo giò, người hâm mộ Man United từng lo lắng họ có thể không vượt qua được giai đoạn khốc liệt này.

Người nổi tiếng bị cắt ghép hình ảnh để quảng cáo sản phẩm: Hãy lên tiếng đúng lúc, đúng cách

NGỌC DỦ |

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo nhiều nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng đã cắt ghép hình ảnh thầy thuốc, nghệ sĩ, ca sĩ đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều chiêu trò ngày càng tinh vi khiến người dùng hiểu nhầm về công dụng sản phẩm, thậm chí nhầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh, gây nhiều tác hại. Về phía nghệ sĩ, nếu bị nhãn hàng lợi dụng tên tuổi hay nhãn hàng không minh bạch trong hợp đồng khiến hình ảnh của nghệ sĩ bị ảnh hưởng, nghệ sĩ hoàn toàn có quyền kiện nhãn hàng.

Người đàn ông đánh nam shipper gãy hai tay khai còn từng doạ "đâm chết" nạn nhân

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Ông Trương Đình Nhạt, người đã đánh gãy 2 tay shipper khai rằng, do nghi ngờ anh shipper lấy sợi dây chuyền của vợ nên ông đã dùng tuýp sắt đánh gãy 2 tay shipper.

Ép mua bảo hiểm: Chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu hình sự

ĐÌNH TRƯỜNG |

Tối ngày 21.2, Bộ Tài chính ra thông cáo cho biết đã lập đường dây nóng để nhận phản ánh về tình trạng người dân bị ép mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng.