Với hậu duệ Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc

Tường Minh |

Lần mò mãi rồi tôi cũng tìm đến được phủ thờ Thoại Ngọc Hầu ở miền “Châu Đốc tân cương” – chữ dùng trong các văn bản triều Nguyễn chỉ thành phố Châu Đốc (An Giang) ngày nay – nơi còn lưu giữ hai tờ sắc và một tờ dụ của vua Minh Mạng liên quan đến Thoại Ngọc Hầu và gia đình. May mắn hơn, lần này tôi còn được gặp ông Nguyễn Khắc Chuẩn – một trong những hậu duệ của bên mẹ Thoại Ngọc Hầu đang đời đời thờ cúng và lưu giữ những tờ sắc, dụ này.

4 đời giữ sắc, dụ

Không giống với những “anh hai” Nam Bộ khác, chủ nhân của phủ thờ - ông Nguyễn Khắc Chuẩn còn quá trẻ so với tuổi ngoài 70 và phong thái thì nho nhã, nhẹ nhàng, lịch thiệp hiếm thấy. Ban đầu thấy lạ, nhưng sau lại nghe hợp lý bởi ông Chuẩn có đến hơn 40 năm sinh sống ở Mỹ, mới đây chỉ về định cư Việt Nam kiểu dưỡng già.

Sau 1975, khi đất nước vừa thống nhất, với cuộc sống khó khăn nên ông Chuẩn quyết định mang vợ và 2 con nhỏ lên thuyền vượt biển sang Mỹ. Đất đai, phủ thờ Thoại Ngọc Hầu được giao lại cho một người anh và hai người chị (tất cả đều không lập gia đình) của ông Chuẩn coi giữ, hương khói. Theo năm tháng, hai người chị và anh trai của ông Chuẩn lần lượt qua đời trong cảnh “vô tự”. Ông Chuẩn ở Mỹ cũng đến tuổi về hưu, hai con cũng yên bề gia thất bên đó nên đầu năm 2017, vợ chồng ông quyết định rời Mỹ về quê sống nốt những ngày cuối đời để hương khói cho phủ thờ.

Phủ thờ Thoại Ngọc Hầu, theo hồi ức của nhà báo Lục Tùng (Báo Lao Động) – một người bà con với bên ngoại ông Chuẩn từ những ngày thơ bé là “một tòa nhà nguy nga nhiều cây trái lớn nhất vùng Châu Đốc”. Đó là hồi ức của “bọn trẻ con nhà tranh vách đất” cách đây đã 30 chục năm. Bởi bây giờ, phủ thờ chỉ là căn nhà gỗ nằm lọt thỏm, lạc lõng giữa những căn nhà cao tầng chen chúc nhau. Bên trong cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài một án thờ có tượng Thoại Ngọc Hầu cùng hai tờ sắc, một tờ dụ nguyên gốc của vua Minh Mạng được cất giữ cẩn thận trong một cái tráp gỗ. “Đến tôi đã là đời thứ 4 lưu giữ cái tráp này” – ông Chuẩn nói khi thắp nhang cho “ngài Thoại”.

Những tư liệu gốc có giá trị lịch sử, văn hóa lớn

Ngạc nhiên là chính ông Nguyễn Khắc Chuẩn cũng không biết chính xác bên trong cái tráp đó chính xác là cái gì và nội dung như thế nào, chỉ biết đó là “mấy tờ vải màu vàng có chữ Hán”. Tuy nhiên, theo tiếp cận của một số nhà nghiên cứu, đó là một tờ dụ của vua Minh Mạng, đề ngày 1.7.1822 khuyên Thoại Ngọc Hầu không nên từ chức Bảo hộ Cao Miên: “Chính như ngươi, Nguyễn Văn Thoại, từ trước từng quen thuộc và hiểu rành về tình hình phong tục của nhân dân, cùng sự gần xa, khó dễ của sông núi tại các nước Xiêm, Miên, Lào. Vì vậy mới ủy cho ấn vụ Bảo hộ nước Cao Miên, lo liệu sắp đặt việc ngoài biên, từ lâu đến nay thật là xứng đáng với chức vụ... Nay đặc biệt ban cho ngươi một tấm mãng đoạn (hàng có thêu hình rồng, hình tôm) màu nâu, 2 tấm tất chi (hàng dệt bằng lông) màu hồng và màu lam cho mỗi thứ, dùng ban thưởng công lao đặc biệt. Ngươi nên vâng lãnh mà vẫn giữ y chức cũ để xứng với lòng tha thiết của trẫm đã biết chọn” - tờ dụ viết.

Để động viên Thoại Ngọc Hầu xả thân vì nước, sau lời chỉ dụ, vua Minh Mạng còn khéo léo truy tặng cha mẹ quá cố của ông 2 sắc chiếu vào ngày 22.7.1822. Lời dụ ban cho cụ bà Nguyễn Thị Tuyết cho thấy tình cảm trang trọng của nhà vua: “Trẫm nghĩ muốn biết gia đình phúc hậu thì phải ngược dòng tìm hiểu cội nguồn. Nước có ban ân là bởi theo tình mà đặt thành nghi lễ. Nay truy niệm đức lành của người đã khuất nên xuống chiếu để làm cho rạng ngời. Ngươi, Nguyễn Thị Tuyết, đã mất, là thân mẫu của Nguyễn Văn Thoại - Khâm sai Thống chế án thủ đồn Châu Đốc, lãnh ấn Bảo hộ nước Cao Miên. Ngươi đáng được liệt truyện khen hay, lương môn chép tốt... Ngươi là trang mẹ hiền, con ngươi là bề tôi tốt. Nay đem đạo hiếu mà trị đời, nên phải ban khen cho ngươi được vui nhuần ân huệ...”.

Trong khi đó, sắc chỉ ban cho cụ ông Nguyễn Văn Lượng có nội dung: “Ngươi trước kia làm chức Từ thừa là Nguyễn Văn Lượng, phụ thân của Nguyễn Văn Thoại, Khâm sai Thống chế án thủ Châu Đốc đồn, lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ. Tính hạnh ngay thẳng, hiền lành, thói quen dày dặn, cẩn thận... Nay đặc biệt tặng ngươi là Anh dũng Tướng quân, Khinh xa Đô úy, Thần sắc Vệ úy Nguyễn Hầu ban cho cáo mệnh. Than ôi! Trao ân dày đặc biệt, để hợp với tình muốn biểu dương; lộc báo đáp càng dày, vì vẫn dốc lòng vừa giúp nước”...

Theo nhà nghiên cứu Bùi Hữu Tâm – Tổ phó Tổ quản lý lăng Thoại Ngọc Hầu thì những sắc dụ vua ban cho gia đình Thoại Ngọc Hầu là những tư liệu gốc có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn. Các sắc, dụ này không chỉ cho việc nghiên cứu trường hợp danh tướng Thoại Ngọc Hầu và thân quyến nói riêng mà còn cả nhiều vấn đề về bang giao, xây dựng, xác lập, bảo vệ chủ quyền vùng đất Nam Bộ thời Nguyễn cũng như lịch sử Đông Nam Á giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX mà lịch sử ghi chép lẫn không ghi chép. “Hàng năm mỗi lần giỗ Thoại Ngọc Hầu và hai bà, chúng tôi đều tổ chức lễ rước những sắc, dụ này từ gia đình lên khu vực lăng rất trang nghiêm, long trọng” – ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Khắc Chuẩn. Ảnh: T.M

Những câu đố chưa có lời giải

Việc gia đình ông Nguyễn Khắc Chuẩn lưu giữ được những tờ sắc và dụ của vua Minh Mạng đến nay vẫn là một bí ẩn lịch sử. Bởi không lâu sau khi qua đời vào năm 1829, Thoại Ngọc Hầu bị dính vào một án oan khi quan Thị lang Tào Hình Bộ là Võ Du đi dò xét tình trạng dân Chân Lạp trở về đã báo cáo với quan Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt rằng Nguyễn Văn Thoại khi lĩnh chức Bảo hộ đã nhũng nhiễu người dân, Lê Văn Duyệt đem lời tố cáo ấy tâu lên triều đình, lập tức vua Minh Mạng ra lệnh tịch thu gia sản và giao cho Bộ Hình nghiêm trị.

Chưa hết, vào tháng 3.1838, cháu họ ông là Nguyễn Văn Quang, đang là tù phạm ở Gia Định, đã tham gia vào âm mưu vượt ngục chiếm thành, phản lại triều đình. Quang bị xử lăng trì. Thoại Ngọc Hầu liên đới bị truy đoạt các văn bằng, sắc phong đã cấp, tước luôn cả hàm ngũ phẩm. Với những sấm sét liên tiếp giáng xuống từ cửu trùng, con cháu vị công thần mấy đời phải sống cảnh khổ cực, tứ tán, thậm chí biệt tích mỗi người mỗi phương.

Và phải đến những năm 1960, khi nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu cho ra mắt tác phẩm “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang”, hậu thế mới biết được thông tin một người tên Nguyễn Khắc Cường- hậu duệ chi Nguyễn Khắc bên thân mẫu Thoại Ngọc Hầu, tức cụ bà Nguyễn Thị Tuyết - là người lưu giữ những chiếu dụ vua ban cho gia đình danh tướng này trên chiếc ghe bé nhỏ ẩn trốn trong kênh rạch. Vì sao dòng họ Nguyễn Khắc bên ngoại Thoại Ngọc Hầu lại lưu giữ được những tấm chiếu sắc của vua ban cho gia đình ông? Câu hỏi này chưa có lời giải đáp.

Sau năm 1975, tung tích những chỉ dụ vua ban cho gia đình Thoại Ngọc Hầu đi vào quên lãng. Mãi cho đến cuối năm 2016, một người bạn của ông Nguyễn Khắc Chuẩn là bác sĩ, nhà nghiên cứu Lâm Thanh Quang ở thành phố Châu Đốc đã công bố địa chỉ đang lưu giữ những sắc, dụ là gia đình bà Nguyễn Ngọc Điệp (chị ruột ông Nguyễn Khắc Chuẩn vừa qua đời), hậu duệ của ông Nguyễn Khắc Cường ngày xưa mà nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu từng tiếp cận.

Giờ thì tuổi tác, cộng với việc định cư lâu năm ở nước ngoài đã khiến ông Nguyễn Khắc Chuẩn nhớ nhớ quên quên. Có thể nói là ông gần như không có nhiều kiến thức và sự hiểu biết về Thoại Ngọc Hầu cùng những thăng trầm lịch sử của gia đình và vùng đất kéo dài gần 200 năm qua. Thậm chí, ngay cả gốc gác của mình, ông Nguyễn Khắc Chuẩn còn nhầm lẫn là hậu duệ của Thoại Ngọc Hầu dòng bà chính, tức bà Châu Thị Vĩnh Tế (trong khi thực tế ông là hậu duệ của dòng bên mẹ Thoại Ngọc Hầu).

Các con cháu của Thoại Ngọc Hầu hiện còn những ai, ở đâu, gia cảnh ra sao… chính ông Chuẩn cũng mịt mờ thông tin. Trong khi hỏi các nhà nghiên cứu ở An Giang thì được trả lời nghe nói hình như còn có người đang sống ở núi Sập (núi Thoại) nhưng không biết cụ thể thế nào. Những sắc, dụ và phủ thờ Thoại Ngọc Hầu, đến hết đời ông Chuẩn là chưa biết ra sao bởi hiện hai con ông đã yên bề gia thất tận bên Mỹ, trong khi dòng họ ông ở Việt Nam hiện chỉ còn mỗi mình ông đang ở tuổi xế chiều.

Vẫn biết Thoại Ngọc Hầu bây giờ sông núi đã mượn tên và dân thương dân lập đền thờ ở khắp nơi để đời đời hương khói, trong khi lăng mộ thì đã trở thành di tích cấp quốc gia. Nhưng hầu chuyện ông Chuẩn, nhớ về quá khứ, nghĩ đến tương lai, lòng không sao kìm được một cảm giác ngậm ngùi...  

Tường Minh
TIN LIÊN QUAN

Thoại Ngọc Hầu - người sông núi mượn tên

Tường Minh |

Đã không ít lần lang thang hai bên bờ sông Thoại – núi Sập; đã từng ngồi ghe trên dòng Vĩnh Tế dọc biên giới Tây Nam; đã đặt chân lên “Tân Lộ Kiều Lương” nối Châu Đốc – Núi Sam… Đã lê la hầu khắp những địa danh liên quan đến Thoại Ngọc Hầu – người con siêu việt của Quảng Nam đã được sông núi mượn tên, nhưng vẫn không thể nào hình dung hết cách đây hơn 200 năm, Thoại Ngọc Hầu và lớp lớp những lưu dân đã khai phá vùng An Giang – Châu Đốc sầm uất ngày nay như thế nào…

Thái Bình: Bắt giam giám đốc đăng kiểm đường thủy nội địa cùng 3 thuộc cấp

TRUNG DU |

Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 11 - Cục Đăng kiểm Việt Nam và 3 đăng kiểm viên dưới quyền vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn.

Chiêu lừa đảo chiếm đoạt tiền nhằm vào tài khoản quảng cáo Facebook

Mạnh Cường |

Vì một chút lơ là, chị Nguyễn Thị Hoài (Nam Định) đã bị kẻ gian lừa mất hơn 3 triệu đồng. Đáng nói, đây là một chiêu lừa mới của kẻ gian, thường nhắm đến các tài khoản quảng cáo Facebook.

Không có căn cứ giải quyết vụ công ty nợ bảo hiểm xã hội tại Bắc Ninh

Bảo Hân |

Về nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, hiện nay, do pháp luật của Việt Nam chưa có quy định và hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp doanh nghiệp có người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bỏ trốn, nên các cơ quan chức năng không có căn cứ để giải quyết.

Khởi công cải tạo tuyến kênh dài nhất TPHCM

MINH QUÂN |

TPHCM - Sáng 23.2, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng được khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2025 giúp chỉnh trang đô thị, cải thiện đời sống cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực.

Lứa cầu thủ trẻ trưởng thành dưới bàn tay của ông Philippe Troussier

AN NGUYÊN |

Lứa cầu thủ tham dự SEA Games 32 tới đây cũng chính là những "viên ngọc thô" mà huấn luyện viên Philippe Troussier từng mài giũa ở các đội tuyển trẻ.

Châu Á được dự báo là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu 2023

Song Minh |

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, những khó khăn kinh tế đang giảm bớt ở Châu Á mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của châu lục này trong năm 2023.

Podcast: Con yêu sớm, cha mẹ trăn trở

Nhóm PV |

Việc có nên đồng ý cho con yêu sớm hay không là nỗi trăn trở của biết bao người làm cha mẹ. Có những người chọn đồng hành cùng con, đồng ý cho con có những trải nghiệm tình cảm thời học sinh. Nhưng có những người lại không.

Thoại Ngọc Hầu - người sông núi mượn tên

Tường Minh |

Đã không ít lần lang thang hai bên bờ sông Thoại – núi Sập; đã từng ngồi ghe trên dòng Vĩnh Tế dọc biên giới Tây Nam; đã đặt chân lên “Tân Lộ Kiều Lương” nối Châu Đốc – Núi Sam… Đã lê la hầu khắp những địa danh liên quan đến Thoại Ngọc Hầu – người con siêu việt của Quảng Nam đã được sông núi mượn tên, nhưng vẫn không thể nào hình dung hết cách đây hơn 200 năm, Thoại Ngọc Hầu và lớp lớp những lưu dân đã khai phá vùng An Giang – Châu Đốc sầm uất ngày nay như thế nào…