CUỘC THI BÚT KÝ - PHÓNG SỰ VỀ 50 NĂM CHIẾN THẮNG KHE SANH:

Về một người anh hùng của trận đánh Khe Sanh

NGUYỄN NGỌC DIỄM |

“Đánh giặc xong là về nhà thôi. Tôi không nghĩ mình sẽ là anh hùng”.  Ông Nguyễn Văn Nhương (quê ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nói chân thành như vậy khi nhìn lại cuộc đời gần 30 năm binh nghiệp của mình. Ông Nhương đã tham gia 175 trận đánh, bắn rơi 13 máy bay, diệt 2 xe tăng và 54 tên địch, trong đó có chiến công tại sân bay Tà Cơn, góp công vào chiến thắng Khe Sanh lịch sử.

40 ngày đêm không ngưng tiếng súng

Năm 1965, mới 17 tuổi, Nguyễn Văn Nhương đã nộp đơn “Xin được cầm súng vào Nam đánh giặc”. Ông nhớ lại, cả 2 lần khám tuyển, ông đều bị loại vì quá thấp bé, không đủ cân. Nhưng với sự quyết tâm, cuối cùng ông cũng thuyết phục được hội đồng khám tuyển.

Sau 3 tháng huấn luyện, đầu năm 1966, chiến sĩ Nguyễn Văn Nhương được biên chế về đại đội súng máy 12,7 ly của Đoàn Hoa Lư, tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ. Nhiệm vụ chính của đơn vị ông là bảo vệ các cây cầu ở Thanh Hóa quê ông, trong đó có cầu Hàm Rồng huyền thoại. Đến đầu năm 1967, ông cùng đơn vị hòa vào đoàn quân Nam tiến để bắt đầu những trận đánh mới cùng với cuộc chiến hào hùng của cả dân tộc.

Anh hùng Nguyễn Văn Nhương ( người đứng) nói chuyện với Đảng ủy Sư đoàn 9, Quân đoàn 4
Anh hùng Nguyễn Văn Nhương (người đứng) nói chuyện với Đảng ủy Sư đoàn 9, Quân đoàn 4

Lần nào trò chuyện với chúng tôi, ký ức của những trận đánh năm nào lại dội về trong ông như không bao giờ vơi cạn. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, có tổng số 175 trận đánh mà ông đã góp sức vào những chiến công chung của đồng đội. Nhưng đậm sâu nhất, thể hiện sự dũng cảm, mưu trí nhất, làm nên kỳ tích vang dội của người anh hùng này có lẽ là gần 40 ngày đêm không ngưng tiếng súng của tháng 3 năm 1968 ở trận địa sân bay Tà Cơn trong chiến thắng Khe Sanh lịch sử.

Sân bay Tà Cơn (thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện nay) là một trong những căn cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 -1968 tại chiến trường Khe Sanh. Toàn sân bay Tà Cơn giống như một lòng chảo với bốn bề là núi non trùng điệp. Đây như là một pháo đài bất khả chiến bại với những điểm đặt hệ thống hỏa lực lý tưởng, cách với con đường 9 huyết mạch chưa đầy 3km. Nhưng trước sức mạnh của cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 7.1968, nơi đây đã trở thành chiếc ghế điện đối với liên quân của đối phương.

Một ngày bắn rơi 3 máy bay

Anh hùng Nguyễn Văn Nhương nhớ lại, trong chiến dịch đánh chiếm sân bay Tà Cơn năm ấy, lúc đầu, đơn vị bố trí khẩu đội pháo 12,7 ly cách sân bay trên 1.000m. Qua thực tiễn những trận đánh trước đó, ông cho rằng, nếu đặt xa như vậy sẽ không hiệu quả và chỉ bắn được những máy bay ở trên cao nên ông đã mạnh dạn đề xuất với chỉ huy đưa pháo vào cách sân bay 100m.

Anh hùng Nguyễn Văn Nhương( thứ 2 bên phải ) cùng vợ ( bên trái) cùng hai Trung tướng là đồng đội Nguyễn Đức Xê và Dương Thái
Anh hùng Nguyễn Văn Nhương (thứ 2 bên phải ) cùng vợ (bên trái) và hai Trung tướng là đồng đội Nguyễn Đức Xê và Dương Thái.

Thấy nguy hiểm nên đơn vị không đồng ý với đề xuất của ông nhưng sau rất nhiều lần thuyết phục, với sự quyết tâm cao độ, đề xuất của ông được chỉ huy chấp thuận. Theo ông, nếu đặt pháo ở sát đường băng thì khi máy bay lên cũng bắn được mà máy bay xuống cũng bắn được. Hiệu quả quá bất ngờ khi ngay ở trận đầu này, đơn vị của ông đã bắn rơi 17 chiếc máy bay trực thăng hiệu HU1A của địch, một chiến công vang dội trên bầu trời Khe Sanh-Quảng Trị khi ấy.

Trong 17 chiếc máy bay của địch bị bắn rơi ở trận này, riêng Nguyễn Văn Nhương bắn rơi 7 chiếc, trong đó có ngày ông bắn rơi 3 chiếc. Sau trận đánh này, toàn đơn vị đã phát động phong trào sâu rộng học tập, noi gương sự mưu trí, dũng cảm của chiến sĩ Nguyễn Văn Nhương và đặt cho ông cái tên: “Người chiến sĩ kiên trung”. Tuy nhiên, đơn vị thiệt hại khá lớn về người và vũ khí. Mặc dù anh em đơn vị bị thương nhiều nhưng ông vẫn ngày đêm quyết không rời trận địa.

Ông tâm sự: “Khi ấy, giữa cái sống và chết rất mong manh nhưng mình thầm nhủ là phải giữ trọn lời thề trước đảng kỳ khi ra trận là: “Còn người, còn vũ khí là còn trận địa”. Nếu rút thì địch sẽ giết hết”. Chính vì có Nguyễn Văn Nhương quả cảm, gan dạ nên đại đội của ông luôn đứng vững và chiến thắng trước mưa bom, bão đạn của quân thù.

Ông kể: Ngày 22.2.1968, Đại đội súng máy 12,7 ly cùng một số phân đội DKZ và bộ binh áp sát sở chỉ huy của Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ, bao vây với mục tiêu phá hủy hoàn toàn sân bay Tà Cơn, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch. Riêng khẩu đội do ông là xạ thủ số 1 nằm sát sân bay Tà Cơn, chỉ cách vài chục mét, có nhiệm vụ bắn trực tiếp không cho địch tiếp tế quân lương.

Đối phương coi khẩu đội này là cái gai trong mắt chúng, cần phải nhổ bỏ và chúng dùng B52, B57 trút xuống, rồi hàng chục xe tăng, xe bọc thép liên tục phản kích vào các trận địa của ta. Không hề nao núng, ông cùng đồng đội sử dụng các hỏa lực DKZ, cối 81, 82 đánh tan các cuộc phản kích của chúng.

Phát hiện ra trận địa của ta, đối phương tập trung hỏa lực, huy động máy bay thả bom. Một quả bom rơi sát trận địa làm cho một số đồng chí trong khẩu đội của ông bị thương. Bản thân ông cũng bị thương nặng nhưng vẫn cố bám trận địa. Lúc này, cơ số đạn còn rất ít, trong lúc đó máy bay địch lại liên tục quần thảo, rải bom, bắn phá. Ông đã nảy ra sáng kiến tháo rời băng đạn để không bắn liên thanh, mà bắn tỉa từng phát một, tiết kiệm đạn. Với số đạn ít ỏi, một mình ông đã bắn rơi 3 chiếc máy bay của địch rồi tự xé áo băng vết thương cho mình và đồng đội để tiếp tục chiến đấu.

Anh hùng Nguyễn Văn Nhương ( đứng giữa) tại Đại hội Đảng bộ phường Diên Hồng
Anh hùng Nguyễn Văn Nhương (đứng giữa) tại Đại hội Đảng bộ phường Diên Hồng.

Chiến thắng Tà Cơn của ông cùng đồng đội đã góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta ở mặt trận đường 9 Khe Sanh, gắn chặt với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, góp phần quan trọng buộc Mỹ phải rút thang trút gánh nặng xuống chính quyền Sài Gòn, ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào vòng đàm phán Paris, khởi đầu một quá trình thất bại về chiến lược của Mỹ đối với chiến tranh tại Việt Nam.

Vẫn ấm nóng “Bộ đội Cụ Hồ”

Rời chiến trường Khe Sanh, ông tiếp tục trong cuộc hành quân bất tận của cả dân tộc vào Nam chiến đấu cùng đơn vị, Nguyễn Văn Nhương luôn thể hiện là người chiến sĩ đi tiên phong, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy nhưng luôn trong tâm thế của một người lính chiến đấu. Đầu tháng 8.1968 ông cùng đơn vị tham gia trận đánh Sở chỉ huy Chi khu Đăk Lập – Đăk Min, tỉnh Đăk Lăk.

Khi đang chỉ huy chiến đấu, hầm sập, ông bị thương đến bất tỉnh phải đưa về tuyến sau cấp cứu nhưng đi được nửa đường, tỉnh lại ông ra lệnh cho đồng đội quay trở lại tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Cuối năm 1968, ông chỉ huy đơn vị trực tiếp cho bộ binh tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn Không vận Mỹ ở Sóc Trăng, diệt 70 xe cơ giới của Mỹ, sau đó tiến công tiêu diệt các tiểu đoàn quân Mỹ ở mặt trận Lộc Ninh (Bình Phước).

Năm 1970, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch ở Đông Bắc (Campuchia), trong đó có trận đánh ở Đầm Be. Địch dùng xe tăng, máy bay, bộ binh và các loại  hỏa lực hòng san bằng trận địa của ta, song ông đã linh hoạt sử dụng súng 12,7 ly cùng súng bộ binh, B40, lựu đạn để chiến đấu chống trả các đợt phản công của địch. Đặc biệt, khi xe tăng địch tiến gần, ông đã dũng cảm ôm mìn chống tăng bò ra khỏi hầm lăn mìn vào xích xe tăng, làm cháy chiếc xe tăng chạy trước, sau đó ông quay trở lại hầm bình tĩnh sử dụng quả súng cối 40 ly cuối cùng bắn cháy tiếp chiếc xe tăng thứ 2, rồi sử dụng súng bộ binh, lựu đạn tiêu diệt bộ binh địch. 

Cuối năm 1972, ông được cử ra Bắc đào tạo cán bộ Chính trị ở Học viện trung-cao cấp. Năm 1973, ông được điều động làm chính trị viên Tiểu đoàn 22 (Quân khu 4). Sau đó, vẫn trên cương vị chính trị viên Tiểu đoàn 22, ông được tăng cường vào Tây Nguyên cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Hơn 40 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhương lặng lẽ, âm thầm sống và làm việc ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai với một cuộc sống bình dị, yên ấm và hạnh phúc. Ông đã kinh qua nhiều công việc ở địa phương nhưng bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong ông vẫn luôn tròn đầy, ấm nóng.

Chia tay anh hùng Nguyễn Văn Nhương trên phố núi Pleiku thân yêu, ông khẽ hát cho chúng tôi nghe bài hát “Tiếng hát trên đường quê hương” của nhạc sĩ Huy Thục viết về chiến thắng Khe Sanh - Đường 9 năm xưa: “… Trên đường 9 giờ em đi giặc sợ giặc lo. Trên đường đó, đường em đi chiến công từng ngày. Gùi trên vai đi chiến trường, qua Cam Lộ, em về Cù Dinh, nơi miền quê chiến thắng còn nghe tiếng ca rộn ràng”… mà càng thấy yêu thêm đất trời Quảng Trị quê hương.

Chú Nhương là một chiến sĩ dũng cảm

Ngày 28.5.2010, ông Nguyễn Văn Nhương được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, những đồng đội của ông trận đánh Khe Sanh năm xưa vẫn còn sống như Trung tướng Nguyễn Đức Xê - nguyên Giám đốc Học viện Lục quân; Trung tướng Dương Thái - nguyên Chính ủy Quân khu 7 cùng với ông đã thành lập Ban liên lạc Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh Quân khu Trị Thiên khu vực tỉnh Gia Lai với trên 300 hội viên vẫn gặp nhau hàng năm và vào những dịp kỷ niệm thành lập Trung đoàn, Sư đoàn đầy ý nghĩa.

Còn đại tá Vũ Quang Chiêm - nguyên Chính ủy Trung đoàn, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch Khe Sanh - hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh qua điện thoại đã rất xúc động khi nói về cán bộ thuộc cấp của mình: “Chú Nhương là một chiến sĩ dũng cảm, đánh giặc mưu trí, dám một mình kéo pháo sát vào sân bay Tà Cơn để bắn, không ai ngăn được… anh em mất tin nhau từ sau trận đánh ấy, mãi đến năm 2010, nghe tin chú ấy được phong anh hùng, tôi mừng mà không cầm được nước mắt…”.

 
 
 
 
NGUYỄN NGỌC DIỄM
TIN LIÊN QUAN

Người trở về từ chảo lửa Khe Sanh

QUANG ĐẠI - CÔNG SANG |

Đã 50 năm, đại úy Hồ Văn Xang (khóm 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày đạn lửa nơi chiến trường Khe Sanh ác liệt. Sau những năm tháng thanh xuân cùng với đồng đội làm nên chiến thắng hào hùng, ông trở về đời thường gây dựng lại màu xanh trên mảnh đất đã bị cày nát bởi bom đạn, say mê thổi những điệu khèn tình tứ của đồng bào Vân Kiều....

Giọt mồ hôi ở lưng trời Khe Sanh

Yên Mã Sơn |

Ngồi ở tầng 8 của Green- tòa nhà cao nhất vùng Hướng Hóa (Quảng Trị), bên ly càphê rang xay Arabica, ngắm bốn bề màu xanh của cây càphê đang mùa lốm đốm hoa trắng mà lòng rào rạt, bâng khuâng cảm giác như đi lâu giờ thấy bóng quê nhà.

Báo Lao Động mở cuộc thi Bút ký - Phóng sự nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh

BLĐ |

Báo Lao Động phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc thi “Bút ký - Phóng sự nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh” trên Lao Động Điện tử.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Người trở về từ chảo lửa Khe Sanh

QUANG ĐẠI - CÔNG SANG |

Đã 50 năm, đại úy Hồ Văn Xang (khóm 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày đạn lửa nơi chiến trường Khe Sanh ác liệt. Sau những năm tháng thanh xuân cùng với đồng đội làm nên chiến thắng hào hùng, ông trở về đời thường gây dựng lại màu xanh trên mảnh đất đã bị cày nát bởi bom đạn, say mê thổi những điệu khèn tình tứ của đồng bào Vân Kiều....

Giọt mồ hôi ở lưng trời Khe Sanh

Yên Mã Sơn |

Ngồi ở tầng 8 của Green- tòa nhà cao nhất vùng Hướng Hóa (Quảng Trị), bên ly càphê rang xay Arabica, ngắm bốn bề màu xanh của cây càphê đang mùa lốm đốm hoa trắng mà lòng rào rạt, bâng khuâng cảm giác như đi lâu giờ thấy bóng quê nhà.

Báo Lao Động mở cuộc thi Bút ký - Phóng sự nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh

BLĐ |

Báo Lao Động phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc thi “Bút ký - Phóng sự nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khe Sanh” trên Lao Động Điện tử.