Về một liệt sĩ anh dũng giải phóng Thổ Châu

LỤC TÙNG |

Tháng 5.1975, khi cả nước náo nức với “Ngày hội non sông thống nhất”, thì bè lũ diệt chủng Pôn Pốt, Iêng Sary đưa quân sang chiếm và chở toàn bộ người dân trên đảo Thổ Châu (xã Thổ Châu, Phú Quốc - Long Châu Hà, nay là xã Thổ Châu, Phú Quốc - Kiên Giang) đi biệt tích. Ngày 24-25.5.1975, các lực lượng vũ trang địa phương và Quân khu 9 tổ chức chiến đấu và giải phóng toàn đảo. Tuy nhiên, hơn 40 năm qua, vì nhiều lý do, cuộc chiến đấu hào hùng đầu tiên của Bộ đội cụ Hồ sau ngày độc lập như đang mờ dần...

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, chúng tôi muốn khởi đầu đánh thức sự kiện này từ câu chuyện liệt sĩ Nguyễn Đức Thuận.

Liệt sĩ không… mộ

Tháng 7, biển Tây Nam vào mùa “động”. Chiều Thổ Châu - quần đảo xa nhất trên vùng biển Tây của Tổ quốc - chìm trong cô tịch. Gió từ xa mang những con sóng bủa lên ghềnh đá dưới chân Bãi Ngự tạo âm vang nao lòng. Đã hơn 40 năm rồi, LS Nguyễn Đức Thuận vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đảo xa này...

“Tôi là người tận mắt chứng kiến cái chết của Năm Tràu Lóc” - trong “Nhà Đồng đội” giữa rừng sâu của khu vực Suối Bom (xã Cửa Dương, Phú Quốc), Thiếu úy Võ Văn Bình (Bình Sóc), cựu binh trận chiến Thổ Châu tháng 5.1975 - đã vào tuổi “xưa nay hiếm - gần như trở thành người khác khi nghe chúng tôi đề cập đến LS Thuận trong trận đánh năm xưa. Chuyện xưa nối nhau tràn về…

Năm Tràu Lóc là biệt danh đồng đội đặt cho Thượng sĩ Nguyễn Đức Thuận (SN 1954) xuất phát từ cách gọi “cá lóc” là “cá tràu” của người con gốc miền Trung.

Năm 1971, sau khi bị địch bắt và đưa từ miền Trung vào “Nhà lao Cây Dừa” (Phú Quốc) giam cầm, ông Thuận đã mưu trí vượt ngục rồi đã gia nhập Địa phương quân (huyện đội) Phú Quốc. Do có nhiều thành tích chiến đấu trong chiến tranh nên sau ngày thống nhất đất nước, ông Thuận được huyện đội Phú Quốc tuyển chọn vào lực lượng đi giải phóng Thổ Châu.

Ngày 25.5.1975, sau khi cùng các lực lượng hiệp đồng cơ bản giải phóng đảo Thổ Châu, lực lượng Địa phương quân gấp rút xuống tàu trở lại Phú Quốc làm nhiệm vụ mới. Trên đường đi ngang khu vực Đồn “Ba Góc”, phát hiện lô cốt địch nằm sát chân núi còn khá nguyên vẹn, ông Bình gọi chiến sĩ đến xem xét thì ông Thuận xung phong. Sau khi nã loạt đạn vào mà không thấy đáp trả, ông Thuận áp sát thì bất ngờ bên trong bắn ra một loạt đạn... “Tôi thấy Năm Tràu Lóc ngã xuống rồi lọt hẳn vào lô cốt”. Tiếc thương đồng đội, căm giận kẻ thù, ông Bình bắn phát B41 vào lô cốt. Sau tiếng nổ long trời, tất cả đã tan tành.

Phải chấp hành nhiệm vụ khẩn cấp, ông Bình chỉ kịp đánh dấu địa điểm, rồi xuống tàu trở lại Phú Quốc. Năm 1978 ông Thuận được công nhận LS. Còn ông Bình, do xin nghỉ phục viên để lo cuộc sống cho sáu người con nên chưa có dịp trở lại Thổ Châu.

Năm Tràu Lóc có mộ không và mộ nằm ở đâu? Câu hỏi nhói lòng của ông Bình đã thôi thúc chúng tôi đón tàu vượt hơn 90km đường biển ra Thổ Châu.

Lãnh đạo xã Thổ Châu gợi ý chúng tôi đến Nghĩa trang LS Phú Quốc. Chiều muộn, nghĩa trang bên triền đồi chìm trong tịch liêu. Quản trang Bùi Văn Cường cho biết: Nghĩa trang có 3.305 mộ, gồm ba mộ tập thể và 1.788 mộ khuyết danh. Trong số 1.517 mộ có tên thì không ai mang tên Nguyễn Đức Thuận. Tôi chợt nhói lòng khi nghĩ đến sự thật: Đã hơn 40 năm trôi qua, liệt sĩ của trận đánh giải phóng Thổ Châu vẫn “không chốn nương thân”...

Bơ vơ trên quê hương thứ hai

“Tuy chỉ gắn bó chưa tròn 5 năm, nhưng Phú Quốc như quê hương thứ hai của Năm Tràu Lóc. Bởi không chỉ sống, chiến đấu và hy sinh, nơi đây anh còn có một gia đình... - Thượng tá Phạm Văn Mận, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Phú Quốc - đồng đội của Năm Tràu Lóc trong trận đánh giải phóng Thổ Châu, chia sẻ - Anh Năm từng được ông Tám Nhựt (Nguyễn Văn Nhựt, SN 1921) nhận làm con”.

Từ thông tin này, chúng tôi về ấp Gành Gió (xã Cửa Dương, Phú Quốc). Nhưng đã quá muộn. Ông Nhựt mất từ nhiều năm qua, những người trong gia đình gần như không ai biết về Năm Tràu Lóc. Trong căn “Nhà tình nghĩa” do Nhà nước đầu tư cho thân nhân LS Thuận, bà Trần Thị Cảnh (79 tuổi) vợ ông Tám Nhựt xác nhận: “Chồng tôi từng kể, có nhận Năm Tràu Lóc làm con nuôi…”. Tất cả chỉ có vậy, bởi bà Cảnh từ Quảng Ngãi vào Phú Quốc vào năm 1977 và sau đó kết hôn với ông Nhựt sau khi người vợ đầu của ông Nhựt qua đời.

Sau khi nghe trình bày mục đích viếng thăm, bà Cảnh lặng lẽ bước tới nơi chứa đồ cũ bên hiên nhà, lôi từ giỏ nilon một xấp khung hình, bên trong là những tờ giấy úa màu thời gian. Và tôi không thể tin nổi những tờ giấy ấy chính là “Bằng Tổ quốc ghi công” và các danh hiệu cao quý Đảng, Nhà nước truy tặng cho LS Thuận.

Chúng tôi phải cố không bật thành tiếng nấc khi tận mắt thấy sự tréo ngoe giữa danh hiệu cao quý này với sự thật lịch sử. Trong lần trao đổi với chúng tôi về trận đánh Thổ Châu, Thiếu tướng Phạm Văn Chua - Phó Chính ủy Quân khu 9 - xác nhận: “Đó là trận đánh nằm trong chiến dịch do Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Quân khu 9 (cũ) giải phóng các đảo và đất đai của ta mà quân Pôn Pốt đã chiếm”.

Liệt sĩ Thuận “hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ biên giới Tây Nam”, nhưng trên Bằng “Tổ quốc ghi công” lại ghi nhận Nguyễn Đức Thuận là liệt sĩ “hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” và ngày hy sinh lại viết là 15.4.1975, tức trước thời điểm hy sinh trên thực tế khoảng 1 tháng. Có thể sai số này không quá lớn, nhưng sai lệch cả giai đoạn lịch sử. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân LS mà còn ảnh hưởng đến sự thật lịch sử, nhất là trong bối cảnh tư liệu về cuộc chiến đấu oai hùng này vẫn còn ngổn ngang khó có thể giáo dục cho tuổi trẻ hôm nay hiểu: Ngay sau ngày hòa bình, lịch sử dân tộc vẫn đầy máu và nước mắt để thấm thía nỗi đau tổn thất về chủ quyền biên giới để từ đó xây dựng cho mình chuẩn bị cho mình hành động.

Lòng tôi cuộn lên nỗi xót xa vô hạn. Vì đâu đến nông nỗi này? Tìm hiểu, làm việc với nhiều cơ quan chức năng, bước đầu chúng tôi xác định mọi chuyện bắt nguồn từ chuyện “cắt tuất liệt sĩ”: Cụ thể, ngày 26.2.2010, Sở LĐTBXH Kiên Giang ra Quyết định 31/QĐ-LĐTBXH cắt tuất LS đối với ông Nhựt và thu hồi số tiền trên 45 triệu đồng vì cho rằng ông Nhựt đã nhận sai tuất của ông Nguyễn Văn Mau (đã mất năm 1979) - người đến nay ngay cả cán bộ nghiệp vụ Sở LĐTBXH Kiên Giang cũng chưa xác định là ai, có quan hệ gì với LS Thuận và hiện thân nhân ở đâu. Sau sự cố này, ông Nhựt suy sụp tinh thần, lâm bệnh rồi mất. Bà Cảnh và các con chung với ông Nhựt, phần không hiểu biết, phần vì thiếu tình thân với LS Thuận, phần vì cuộc mưu sinh, nên xao nhãng việc thờ cúng…

Giá như sau khi “cắt cái cũ”, ngành LĐTBXH Kiên Giang tích cực đi tìm “cái mới” thay thế, như truy tìm thân nhân, quê quán, thì có lẽ LS Thuận sẽ không rơi vào cảnh “bơ vơ” thế này.

Trước hết, lập mộ gió cho LS Thuận

“Đó là cuộc chiến oai hùng - Thiếu úy Võ Văn Bình nói về sự quả cảm LS Thuận và những đồng đội của ông trải qua trong cuộc chiến không cân sức - Lính bộ đi đánh trên biển, quân số mỏng, hỏa lực thiếu, còn địch thì quân số và quân lực mạnh gấp nhiều lần”. Quân Huyện đội Phú Quốc chỉ có 11 chiến sĩ và theo kế hoạch tác chiến, chỉ làm nhiệm vụ “đuổi” địch để bộ đội chủ lực của Quân khu 9 tổ chức đánh. “Tuy nhiên đến giờ G, phía địch thay đổi bố phòng nên địa phương quân lại đổi vai “bất đắc dĩ” thành lực lượng chiến đấu chủ lực - ông Bình, nhớ lại - nhờ các chiến sĩ có kinh nghiệm chiến đấu và gan dạ nên đã dễ dàng chuyển từ bị động sang chủ động và áp đảo kẻ thù…”. Trong dòng ký ức tự hào có một chi tiết xúc động: Lúc đó biển Tây đang chuyển mùa, sóng to, gió lớn. Nhiều chiến sĩ nằm liệt vì say sóng biển. Thậm chí có người nôn thốc nôn tháo, nhưng vừa lên bờ đã chiến đấu ngay.

Dù bỏ ra nhiều ngày truy tìm, nhưng tôi vẫn chưa tìm được nguyên quán, thân nhân của LS Thuận. Tìm đến Phòng Người có công (Sở LĐTBXH tỉnh Kiên Giang) với hy vọng tìm từ hồ sơ lưu trữ chút manh mối. Dù cán bộ chuyên trách tận tình giúp đỡ, nhưng kết quả chỉ là nỗi buồn. Bởi ngay cả tài liệu “gốc” là “Giấy Báo tử” số 477 KG do Trung tá Phan Bình Găng (BCH Quân sự Kiên Giang) ký ngày 25.12.1976, lại thể hiện nguyên quán của liệt sĩ Thuận rất mơ hồ: “Bình Định - Quảng Ngãi”. Ông Găng đã mất từ mấy năm trước, hồ sơ lưu cũng chẳng còn gì hơn…

Kiên Giang chiều nín gió, lòng tôi ngập nỗi tiếc thương. Một nhà báo kỳ cựu gợi ý với tôi rằng: Trong lúc chờ tìm được thân nhân để thực hiện việc thờ tự đúng theo đạo lý cổ truyền, trước mắt, có thể lập mộ gió cho LS Thuận tại nghĩa trang Phú Quốc để mọi người có thể nhang khói. Bởi đó không chỉ là nghĩa cử sưởi ấm vong linh LS mà còn là sự tôn trọng sự thật. Tôi cũng nghĩ vậy, xin mượn lời triết gia người Thụy Sĩ - Henri Frederic Amiel - gởi đến người có trách nhiệm tỉnh Kiên Giang thông điệp: “Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại; nó còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng”.

LỤC TÙNG
TIN LIÊN QUAN

Tuổi 20 bám đá Vị Xuyên

GIANG HẢI |

Trên đài tưởng niệm tại cao điểm 468, những ngày tháng 7 này, những câu hát của nhạc sĩ Trương Quý Hải vang vọng: “Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu... Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào”. Ai nghe, nước mắt cũng trào ra…

Những người lính Hà Nội cảm tử qua hồi ức một cựu chiến binh

Hồ Đại Đồng |

Báo Lao Động nhận được bài viết của một cựu chiến binh - ông Hồ Đại Đồng, thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 “lính mũ sắt”, chủ yếu là những người con Hà Nội, tham gia đánh trận Chư Tan Kra ác liệt và thương vong bậc nhất ở Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ.

Người thương binh già “truyền lửa” dân ca

HỮU NHÂN |

Điệu dân ca mượt mà phát ra từ lồng ngực của người thương binh già Võ Duy Khánh làm mê đắm lòng người. Chân trái teo tóp do bị thương bởi vướng mìn của Mỹ nhịp theo tiếng đàn, mắt mơ màng như đang ru hồn vào mộng, gần bước sang tuổi bảy mươi, ông vẫn cần mẫn truyền niềm say mê dân ca cho thế hệ trẻ…

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Tuổi 20 bám đá Vị Xuyên

GIANG HẢI |

Trên đài tưởng niệm tại cao điểm 468, những ngày tháng 7 này, những câu hát của nhạc sĩ Trương Quý Hải vang vọng: “Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu... Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào”. Ai nghe, nước mắt cũng trào ra…

Những người lính Hà Nội cảm tử qua hồi ức một cựu chiến binh

Hồ Đại Đồng |

Báo Lao Động nhận được bài viết của một cựu chiến binh - ông Hồ Đại Đồng, thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 “lính mũ sắt”, chủ yếu là những người con Hà Nội, tham gia đánh trận Chư Tan Kra ác liệt và thương vong bậc nhất ở Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ.

Người thương binh già “truyền lửa” dân ca

HỮU NHÂN |

Điệu dân ca mượt mà phát ra từ lồng ngực của người thương binh già Võ Duy Khánh làm mê đắm lòng người. Chân trái teo tóp do bị thương bởi vướng mìn của Mỹ nhịp theo tiếng đàn, mắt mơ màng như đang ru hồn vào mộng, gần bước sang tuổi bảy mươi, ông vẫn cần mẫn truyền niềm say mê dân ca cho thế hệ trẻ…