Vay tiền tỉ, đóng tàu to để... nằm bờ

PHÓNG SỰ CỦA LÂM HƯNG THƠ |

Chưa bao giờ, các tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản của tỉnh Quảng Trị lại gặp khó khăn về thiếu hụt lao động như hiện tại. Nhiều tàu, dù biết mùa trăng, con nước đã lên, cứ dong tàu ra khơi là có cá tôm trở về, nhưng bất lực cuốn lưới, thả neo nằm ở cảng vì đỏ mắt cũng không tìm ra lao động; nhiều tàu khác, lại nhắm mắt tuyển bạn (người làm nghề trên biển) ở độ tuổi “U nghỉ hưu” để vớt vát...

Tàu lớn, nhưng thiếu bạn

Những ngày này, ngư dân các nơi tất bật ra khơi vì vụ cá Nam đã khởi động, nhiều tàu đã đánh bắt được nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, ở bến đậu tại khu phố 2 (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị), nhiều chiếc tàu có công suất khá lớn vẫn nằm im, còn chủ tàu thì sốt sắng đi tìm bạn.

Tàu vỏ gỗ QT 1918 của ông Nguyễn Văn Năng (SN 1963, trú tại khu phố 2, thị trấn Cửa Việt) neo ở bến này đã 5 ngày. Hỏi thì chủ tàu bảo, không biết neo bao lâu nữa, lý do là vì chưa tìm được bạn đi biển. Chiếc tàu này vừa được ông Năng nâng cấp theo Nghị định 67, có công suất hơn 400CV.

“Tui sửa tàu, nâng công suất lên để đánh bắt từ khoảng 200 hải lý đổ lại. Nâng cấp xong thì đi được một thời gian, trung bình mỗi chuyến lời được khoảng 40 triệu sau khi chia cho bạn và các chi phí. Sau 2 quý đã trả được ngân hàng 80 triệu đồng, nhưng bây giờ không có bạn, tàu nằm yên ở bến ri đây” - ông Năng, buồn thiu.

Chiếc tàu vỏ gỗ này cần có 12-14 lao động cho mỗi chuyến ra khơi, nhưng chuyến rồi chỉ có được 8 người, nay thì rơi rớt đi vài người nữa, nên tàu không thể xuất bến được. “Trước kia, chỉ lo không có tàu to và máy khỏe, giờ có cả rồi thì tìm không ra lao động. Cá thì ngoài kia, nhưng tàu nằm đây thì lấy gì trả nợ” - ông Năng chau mày.

Neo tàu suốt mấy tháng mùa đông vì không tìm ra lao động, ông Phan Thanh Đạo (trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) phải chuyển sang nghề khác để kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Ông Đạo là chủ tàu vỏ gỗ QT91243 được đóng mới theo Nghị định 67 với tổng mức đầu tư 11 tỉ đồng (vay ngân hàng 7 tỉ). Đưa vào sử dụng từ tháng 5.2016, đến nay, anh Đạo mới trả được gần 500 triệu đồng thì nằm bờ gần nửa năm vì không thể tìm được lao động. Sốt ruột, anh Đạo vay thêm 1,3 tỉ đồng để sắm bộ chụp mực, chuyển sang nghề ít lao động hơn.

“Trước kia tàu miềng làm nghề lưới vây rút, mỗi chuyến ra khơi ít nhất phải có 14 lao động. Bây giờ, chuyển sang chụp mực thì số lao động giảm xuống còn 8 người, nhưng khó lắm mới tìm đủ bạn” - anh Đạo nói.

Để “hút” bạn đi biển, anh Đạo áp dụng cách trả công mới, hậu hĩnh hơn lúc trước nhiều lần. Với mỗi lao động đi theo tàu, mỗi tháng được trả lương cứng 4-5 triệu đồng, nếu tàu đánh bắt được thì sẽ phân chia thêm sản lượng. “Mỗi tháng phải bỏ ra 40 triệu đồng để trả lương bất kể lời lỗ, ưu đãi như vậy nhưng tìm được lao động gắn bó với mình vẫn rất khó” - ông Đạo suy tư.

“U nghỉ hưu” cũng hiếm…

Ra khơi cách bờ 50 hải lý, sau 3 ngày tàu QT 93366 của ông Hồ Văn Anh (SN 1964, trú tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) đánh bắt được 1 tấn cá bạc má và cá sồng. Vào đến cảng Cửa Việt, thương lái đã đánh xe ôtô đến đợi sẵn để thu mua. Ở khoang chứa cá trên con tàu vỏ gỗ, xuất hiện 7 lao động tóc bạc trắng, hì hục đưa số cá lên bờ.

Thở hổn hển sau khi khuân hết số cá, ông Văn Anh cho biết, trên tàu có 11 lao động, trẻ nhất là 45 tuổi, còn lớn nhất là 62 tuổi. “Ở đây, 54 tuổi, tóc đã bạc trắng như mình vẫn thuộc diện lao động biển có độ tuổi trung bình” - ông Văn Anh cười mếu.

Cũng rơi vào hoàn cảnh không tìm được lao động, nên đầu năm đến nay tàu QT 93366 mới ra khơi được 3 chuyến, nhưng vì 11 lao động trên tàu sức khỏe không có, nên mỗi đêm thay vì thả 3 mẻ lưới thì chỉ thả được phân nửa, nên cả 3 chuyến trở về chỉ mới đủ chi phí, chưa lời lãi được.

Ông Văn Anh theo nghề đi biển từ năm 28 tuổi, nhưng chưa có thời điểm nào lại gặp khó khăn vì thiếu bạn đi biển như hiện tại. “Đầu năm đến giờ, tàu tôi lỡ mất 4 chuyến vì thiếu bạn. Phải năn nỉ, nhờ vả từng người mới có được 11 lao động”.

Trong số 11 lao động đi trên tàu, có 2 người là anh em ruột thịt với chủ tàu, số còn lại cũng họ hàng loanh quanh khu phố. Đã lớn tuổi nhưng họ vẫn xuống tàu ra khơi, là vì nể chủ tàu, chứ thực tế ở lứa tuổi này, không còn đủ sức và sự dẻo dai để đánh vật với từng mẻ lưới và con sóng ở ngoài khơi xa nữa.

Ông Hồ Văn Hân (người thân ông Văn Anh) nói rằng: “Chúng tôi bám biển từ lúc còn thanh niên đến bây giờ. Chừ chỉ mong lớp trẻ có ai nối nghiệp để anh em chúng tôi được nghỉ ngơi. Chứ già ri rồi, không gắng gượng được lâu nữa”…

Nên dừng cho vay đóng tàu?

Chúng tôi đi dọc các khu neo đậu tàu thuyền ở thị trấn Cửa Việt, rồi cũng tìm ra tàu có lao động trẻ, nhưng con số chỉ đếm trên đầu… ngón tay.

Cũng là tàu vay vốn nâng cấp theo Nghị định 67, dù số tiền vay chỉ 1,2 tỉ đồng, nhưng ông Bùi Đình Chiến (SN 1974, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) đau đầu trước phương án trả nợ. Là bởi, tàu của ông đi nghề lưới cảng, cần 10 lao động, nhưng rồi thiếu lao động, phải chuyển sang lưới rê với 6 lao động.

Ở trên tàu của ông Chiến, lao động trẻ nhất năm nay mới 25 tuổi, là con trai của ông. Chúng tôi nói đùa rằng, ông Chiến có người theo nghề, không lo như những chủ tàu khác, nhưng chưa dứt câu, chủ tàu đã méo miệng.

“Tôi cũng dày công truyền kinh nghiệm đi biển cho đứa con trai. Nhưng giờ nó đòi đi xuất khẩu lao động nước ngoài để kiếm tiền. Nó mà đi, trên tàu còn có 5 lao động, lúc đó không biết làm sao” - ông Chiến thở dài. Con trai của ông Chiến thuộc dạng “hiếm” còn sót lại, bởi người trẻ biết đi biển ở vùng biển này rủ nhau đi sang trời Tây. Ở đó, họ cũng làm nghề biển trên các tàu nước ngoài, hoặc làm các công việc khác...

Ông Trần Văn Quảng - Chủ tịch UBND huyện Gio Linh - nói rằng, hiện, người lao động biển ở địa bàn độ tuổi trung bình từ 45-50 tuổi. “Lớp trẻ bây giờ đi biển rất ít, họ được học hành, đào tạo chuyên môn nên đi làm việc hoặc xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Việc bổ sung lao động cho nghề biển rất ít, trong lúc nguồn lao động đi biển hiện đã quá già” - ông Quảng nói.

Tại huyện Gio Linh, có 1892 người đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu tập trung ở 4 xã vùng biển như Cửa Việt, Gio Việt, Gio Hải, Trung Giang. Trước câu hỏi lao động trẻ không thiết tha với nghề đi biển ở quê nhà, số lao động hiện tại sẽ già đi thì sẽ như thế nào, ông Quảng nói rằng, chính quyền sẽ phải đánh giá lại thực trạng, định hướng tổng thể về số lượng tàu và nguồn lao động biển thiếu thừa như thế nào. Từ đó, sẽ cân nhắc trong việc cho đóng mới hay chỉ nâng cấp các tàu hiện tại.

“Bây giờ, nếu cứ phê duyệt cho đóng mới tàu trong lúc đội ngũ lao động không đáp ứng được, sẽ sinh ra lãng phí. Chúng tôi sẽ nhanh chóng đánh giá thực trạng, tổ chức hội nghị đánh giá, rà soát để từ đó có kiến nghị, chứ bây giờ chỉ mới nắm được chung chung thôi” - ông Quảng cho biết thêm.

“Thiếu lao động đi biển trên các tàu, thuyền hiện nay vẫn là bài toán khó mà địa phương chưa giải quyết được” - đó là nhận định của bà Dương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị.

Theo bà Yến, yêu cầu của người dân vùng biển là phải có thanh niên trai tráng đi biển, nhưng hiện tại, người trẻ đi xuất khẩu lao động hết, dẫn đến tàu, thuyền nằm bờ.

“Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất kinh tế, mà việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta cũng ảnh hưởng” - bà Yến nói.

Khi vụ cá Nam đã và đang đến gần, mang theo câu hỏi vì sao lao động biển những năm gần đây vắng bóng thì các chủ tàu, chính quyền giải đáp rất rõ ràng. Nhưng làm thế nào để lao động biển trở lại, và vài năm tới đây, khi số lao động biển hiện tại già đi, ai sẽ tiếp tục nghề biển bao đời của cha ông, thì câu trả lời rất xa xăm…

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.300 tàu, thuyền đánh bắt, thu mua hải sản, vậy trong số đó có bao nhiêu tàu thiếu lao động, không chủ động được nguồn lao động và phải lay lắt tìm bạn từng ngày hoặc nằm bờ bữa nay, bữa mai. Nếu không được khảo sát, đánh giá và có biện pháp, thì chỉ vài ba năm nữa, khi những chủ tàu như ông Anh, ông Chiến, ông Đạo… chân không còn vững để tiến ra biển khơi được nữa, ai sẽ tiếp bước nghề biển mà bao đời cha ông để lại?.

PHÓNG SỰ CỦA LÂM HƯNG THƠ
TIN LIÊN QUAN

Tàu tiền tỉ nằm bờ, ngư dân vá lưới thuê kiếm ăn từng bữa

LAM PHƯƠNG |

Xã biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) mấy ngày nay xôn xao chuyện ông Trần Văn Liên (54 tuổi) đã thắng trong vụ kiện Cty đóng tàu vỏ thép vì con tàu vừa xuống nước đã hỏng máy. Tòa tuyên ông Liên thắng kiện đòi 2,8 tỉ đồng, nhưng chưa biết khi nào ông mới lấy được tiền, đi biển. Hôm nay, lưới đi biển giăng khắp từ trong nhà ra tận ngoài sân để hai vợ chồng ông đan, vá thuê kiếm cơm bữa...

Ngư dân phải là chủ thể trực tiếp với con tàu

THUỲ TRANG |

“Nhiều ngư dân hiện nay chưa được trực tiếp tham gia vào quy trình đóng tàu, giám sát con tàu trong khi họ là chủ tàu. Đó là điều vô lý và chính việc này đã gây ra những bất cập trong thời gian qua. Vì vậy, ngư dân phải là chủ thể trực tiếp với con tàu”, ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam - nhấn mạnh.

Đóng tàu vỏ thép kém chất lượng: Doanh nghiệp dọa “kiện” đăng kiểm và ngư dân

KHÁNH VŨ |

Ngày 1.8.2017, tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định 67/CP (NĐ67), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu và vai trò của cơ quan kiểm tra, giám sát, đăng kiểm. Khi xảy ra sự cố, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm”.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Tàu tiền tỉ nằm bờ, ngư dân vá lưới thuê kiếm ăn từng bữa

LAM PHƯƠNG |

Xã biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) mấy ngày nay xôn xao chuyện ông Trần Văn Liên (54 tuổi) đã thắng trong vụ kiện Cty đóng tàu vỏ thép vì con tàu vừa xuống nước đã hỏng máy. Tòa tuyên ông Liên thắng kiện đòi 2,8 tỉ đồng, nhưng chưa biết khi nào ông mới lấy được tiền, đi biển. Hôm nay, lưới đi biển giăng khắp từ trong nhà ra tận ngoài sân để hai vợ chồng ông đan, vá thuê kiếm cơm bữa...

Ngư dân phải là chủ thể trực tiếp với con tàu

THUỲ TRANG |

“Nhiều ngư dân hiện nay chưa được trực tiếp tham gia vào quy trình đóng tàu, giám sát con tàu trong khi họ là chủ tàu. Đó là điều vô lý và chính việc này đã gây ra những bất cập trong thời gian qua. Vì vậy, ngư dân phải là chủ thể trực tiếp với con tàu”, ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam - nhấn mạnh.

Đóng tàu vỏ thép kém chất lượng: Doanh nghiệp dọa “kiện” đăng kiểm và ngư dân

KHÁNH VŨ |

Ngày 1.8.2017, tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định 67/CP (NĐ67), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu và vai trò của cơ quan kiểm tra, giám sát, đăng kiểm. Khi xảy ra sự cố, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm”.