Vật vã chờ mổ

THÙY HƯƠNG |

Nhiều bệnh viện Trung ương và tuyến cuối ở Thủ đô Hà Nội thường xuyên quá tải, tình trạng bệnh nhân phải chờ mổ diễn ra phổ biến. Hầu hết, các bệnh nhân được chuyển từ các nơi về đây đều trong tình trạng nặng cần phải được phẫu thuật. Nhưng không phải cứ lên đến bệnh viện bệnh nhân được phẫu thuật ngay mà phải xếp hàng chờ đợi, chỉ những bệnh nhân quá nặng mới được phẫu thuật ngay.

Chờ 11 ngày mới được phẫu thuật

Bệnh viện (BV) Việt Đức, hầu hết tại các khoa, phòng đều đông bệnh nhân phải chờ đợi phẫu thuật. Tại Khoa Phẫu thuật thần kinh 2, khi chúng tôi tới, các phòng bệnh kín bệnh nhân. Do bệnh nhân quá đông, nên BV phải kê thêm giường bệnh kín cả hành lang. Mỗi giường một người, nhưng cũng có giường 2 người. Tới khoảng 11h30, cả phòng bệnh và hành lang thêm chật cứng bởi người nhà bệnh nhân vào thăm. Mỗi khi có người nhà vào thăm, mọi người lại phải thận trọng, lách từng bước một, sợ va vào người bệnh.

Giường bệnh ở đầu hành lang là bệnh nhân Trần Thị Lĩnh (52 tuổi, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) khuôn mặt khắc khổ, da đen sạm, tóc chớm bạc. Chăm sóc bà là cô con gái Nguyễn Thị Minh Tâm. Bà Lĩnh bị vỡ xương bánh chè chân phải và chấn thương phần mềm, đã nằm viện được gần 10 ngày, nhưng vẫn chưa được phẫu thuật. “Tôi phải chịu những cơn đau hàng ngày, bác sĩ vẫn chưa cho mổ. Tôi có hỏi, bác sĩ bảo, nhanh nhất cũng phải vài ngày nữa, bởi phải ưu tiên bệnh nhân nặng hơn”, bà Lĩnh nghẹn ngào.

Bà Lĩnh cho biết, bà bị tai nạn giao thông vào chiều ngày 28.4. Sau khi nhập viện, bà được xếp một giường ở hành lang khoa Phẫu thuật thần kinh và chờ được phẫu thuật. Thấy mình lâu đến lượt, bà dò hỏi những bệnh nhân nằm cùng phòng thì được biết, nhiều người còn nằm chờ đợi đã 10 ngày, 12 ngày, thậm chí 2 tuần vẫn chưa đến lượt. Vì vậy, bà đành tự động viên mình, thôi thì cố gắng chờ đợi. “Nhiều đêm đau lắm, tôi cũng chỉ biết bảo con chườm đá cho đỡ, chứ có có kêu thì bác sĩ cũng chỉ tiêm cho liều thuốc giảm đau thôi”, bà Lĩnh nói.

Gia cảnh khốn khó

Từ hôm bà Lĩnh bị tai nạn, cô con gái đầu từ quê lên ngày đêm chăm sóc mẹ. Nghe chúng tôi hỏi chuyện gia đình, bà khóc nấc, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt xạm đen. Bà kể: Sau khi kết hôn, vợ chồng bà sinh được hai người con. Cô con gái đầu đã lập gia đình riêng, cậu út vẫn đang học đại học. Thu nhập của gia đình 4 miệng ăn chỉ có một sào đất nông nghiệp. Nếu được mùa thì cho khoảng 2,5 tạ thóc, trừ chi phí cày bừa, thóc giống thì dư được 1 tạ. Vụ nào mất mùa, coi như công cốc. Vì vậy, để nuôi các con, chồng bà tranh thủ lúc nông nhàn đi phụ hồ, làm thuê, còn bà chạy chợ kiếm thêm đồng ra đồng vào.

Những tưởng cuộc sống của gia đình bà cứ thế trôi đi. Thế nhưng, tai họa ập xuống khi cách đây 8 năm, chồng bà bị ung thư đại trực tràng. “Từ khi bị bệnh, chồng tôi không làm được việc nặng. Chỉ cần anh nấu cơm được giúp vợ là tốt lắm rồi. Không những thế, mỗi tháng, chi phí thuốc men của chồng cũng phải vài triệu đồng, đó là chưa kể các chi phí khác”, bà Lĩnh lại khóc nấc.

Bà Trần Thị Lĩnh đang được người nhà chăm sóc tại BV Việt Đức. Ảnh: THÙY HƯƠNG

Chồng bệnh tật, mọi gánh nặng cơm áo của gia đình dồn lên vai bà Lĩnh. Để có tiền lo cho gia đình, bà nuôi gà, lợn rồi tiết kiệm sắm chiếc xe máy cà tàng để đi chợ. Hàng ngày, bà dậy từ 3 giờ sáng, đến chợ đầu mối lấy rau củ rồi mang đến các chợ cóc bán. Chừng khoảng 10h, việc buôn bán đã xong, bà lại tất tả về nhà dọn dẹp, lo cho chồng, con. Vất vả là vậy, nhưng mỗi buổi trừ chi phí, bà lãi được hơn 100 ngàn đồng. Số tiền ấy, một phần bà thuốc thang cho chồng, một phần lo chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Cũng bởi hoàn cảnh gia đình như vậy, nên ngày mưa cũng như ngày nắng, bà chẳng dám nghỉ buôn bán. Bởi nếu bà nghỉ, thì ngày hôm đó không có nguồn thu. Dù chồng bị ung thư đã 8 năm, nhưng gia đình bà Lĩnh không được bình chọn là hộ nghèo hay cận nghèo. Bà bảo, nhiều người cũng đề nghị địa phương xét cho gia đình bà diện hộ nghèo hoặc cận nghèo để BHYT đỡ chi phí thuốc men cho chồng. Tuy nhiên, địa phương không đồng ý. Trong khi đó, họ hàng gia đình hai bên đều khó khăn, chẳng giúp đỡ gì được cho vợ chồng bà.

Bị tai nạn, phải nằm viện, bà Lĩnh phải chi mỗi ngày tại Hà Nội chưa tính thuốc men cũng đã hết hơn 400 ngàn đồng. Bà xót lắm. Vì vậy, bà phải rất tiết kiệm chi tiêu. Cô con gái cũng khó khăn, khi mẹ ốm phải nghỉ việc chăm mẹ nên cũng chẳng có thu nhập. Mẹ con chỉ dám ăn chung một đĩa cơm cho tiết kiệm. “Từ khi tôi bị tai nạn, gia đình chẳng có đồng nào, lại còn thêm chi phí chữa bệnh. Gia đình đã phải vay bà con chòm xóm được ít tiền để chi phí điều trị. Mỗi ngày chờ đợi, là một ngày tôi thêm quắt ruột vì lo. Tôi chỉ mong mình nhanh chóng được phẫu thuật thôi”, bà Lĩnh ngậm ngùi.

Sau 11 ngày chờ đợi, đến ngày 9.5, bà Lĩnh gọi điện báo với chúng tôi, bà đã được các bác sĩ phẫu thuật.

150 cuộc phẫu thuật/ngày

Tại nhiều BV TƯ và tuyến cuối khác của Hà Nội, tình trạng bệnh nhân phải chờ mổ cũng phổ biến.

Tại nhà lưu trú BV K TƯ (cơ sở Tân Triều) hàng chục bệnh nhân vẫn đang phải chờ mổ. Chị Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) cho biết, chị bị u nang, khối u nằm ở mang tai đã lâu, gần đây mới phát triển và gây đau. Chị đi khám tại BV ở địa phương, bác sĩ cho biết u đó chèn lên dây thần kinh, phải phẫu thuật nên chuyển xuống BV K TƯ, tại đây, chị đã ở đây đến ngày thứ 4 vẫn chưa được phẫu thuật. “Nhiều người ở trong nhà lưu trú cũng đang phải chờ như tôi. Có người chờ 4 ngày, nhưng cũng có người đã chờ 7-8 ngày. Một ngày chờ ở BV, chi phí tốn kém hơn cho chúng tôi, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Bác sĩ chỉ định sao thì chúng tôi nghe vậy”, chị Hoa nói.

Theo lãnh đạo BV Việt Đức, hầu hết các ca bị tai nạn giao thông được chuyển đến BV đều là những ca nặng, nguy kịch, đa chấn thương… phải mổ cấp cứu. Số bàn mổ thì có giới hạn, nên bệnh nhân phải xếp hàng chờ mổ. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân dù không quá nặng nhưng vẫn vượt tuyến, đặc biệt là trong và sau các ngày lễ có thời gian nghỉ dài, còn BV lại không thể từ chối bệnh nhân. Vì vậy, những bệnh nhân nặng, nguy cấp sẽ được ưu tiên mổ trước, trường hợp nhẹ hơn sẽ mổ sau. Tại BV Việt Đức, theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 1.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Hầu hết, bệnh nhân được chuyển từ các tỉnh đến trong tình trạng chấn thương nặng. Các khoa, phòng của BV mỗi ngày thực hiện phẫu thuật cho khoảng 150 bệnh nhân.

Còn BV K TƯ là BV tuyến cuối điều trị về ung thư. Vì vậy, bệnh nhân tại các tỉnh trong cả nước đổ về rất đông. Hiện nay, tại Hà Nội, BV có 3 cơ sở, gồm cơ sở 1 ở Quán Sứ; cơ sở 2 ở Thanh Trì và cơ sở 3 ở Tân Triều. Theo thống kê, chỉ riêng cơ sở 3, mỗi ngày đã tiếp nhận gần 300 trường hợp mới đến khám và điều trị. Ngoài ra, còn hàng trăm bệnh nhân khác đến điều trị theo chu kỳ. Do cơ sở vật chất của BV chưa đáp ứng được nhu cầu, nên nhiều bệnh nhân phải thuê nhà trọ ở bên ngoài để chờ mổ và điều trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Để giảm tải cho các BV TƯ, ngành y đã thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, đó là kêu gọi người dân tham gia BHYT (hiện đạt gần 80%); tăng số giường bệnh và mở thêm BV. Thời gian qua, một số cơ sở của BV TƯ, BV tuyến cuối đã được xây dựng như cơ sở 3 của BV K TƯ; cơ sở 2 của BV Nội Tiết TƯ; cơ sở 2 của BV Bệnh Nhiệt đới TƯ; cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức đang được xây dựng. Ngoài ra, ngành y đã triển khai mô hình BV vệ tinh tại nhiều tỉnh, thành; tăng cường thí điểm mạng lưới bác sĩ gia đình để chăm sóc những bệnh đơn giản, thông thường mà không cần phải đến BV. Đồng thời, thực hiện “Đề án về y tế cơ sở”; trong đó xây dựng chuẩn về trạm y tế quốc gia mới.

 

THÙY HƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Bất chấp lệnh cấm, quần áo vẫn phơi tràn lan Bệnh viện Bạch Mai

Cường Ngô |

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nghiêm cấm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giặt, phơi đồ vải trong khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên, tình trạng phơi quần áo vẫn diễn ra khá thường xuyên. Nguyên nhân được cho là do chi phí dịch vụ giặt là bệnh viện triển khai không hợp lý.

Bệnh viện Bạch Mai cấm giặt, phơi đồ trong bệnh viện

T.L |

Thông tin từ BV Bạch Mai cho biết, từ ngày 22.5, bệnh viện sẽ nghiêm cấm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giặt, phơi đồ vải. Bệnh viện cũng đồng thời triển khai dịch vụ giặt là giá rẻ trên tinh thần phục vụ người bệnh.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Bất chấp lệnh cấm, quần áo vẫn phơi tràn lan Bệnh viện Bạch Mai

Cường Ngô |

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nghiêm cấm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giặt, phơi đồ vải trong khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên, tình trạng phơi quần áo vẫn diễn ra khá thường xuyên. Nguyên nhân được cho là do chi phí dịch vụ giặt là bệnh viện triển khai không hợp lý.

Bệnh viện Bạch Mai cấm giặt, phơi đồ trong bệnh viện

T.L |

Thông tin từ BV Bạch Mai cho biết, từ ngày 22.5, bệnh viện sẽ nghiêm cấm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giặt, phơi đồ vải. Bệnh viện cũng đồng thời triển khai dịch vụ giặt là giá rẻ trên tinh thần phục vụ người bệnh.