Từ đầm lầy lên cao tốc

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Chỉ còn 4 ngày nữa, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ thông xe. Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, rộng 6 làn xe hoàn thành đưa vào khai thác được nhiều người ví von như tấm vải lụa làm bừng sáng cả một vùng đất Đông Nam Bộ lâu nay vốn nhiều đầm lầy và bờ bụi.

“Dải lụa” của miền Đông Nam Bộ

Đi dọc tuyến đường cao tốc trước ngày thông xe, chúng tôi cảm nhận được không khí sôi động, nhộn nhịp của người dân ở các khu dân cư có đường chạy qua. Đâu đó, từ vùng vốn là đầm lầy đã mọc lên những ngôi nhà mới khang trang, một vài khu đô thị cao tầng, một vài mảng công viên xanh dịu mắt. Ông Thái Văn Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM nói, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có ý nghĩa rất lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ nay, xe vận chuyển hàng hóa từ cảng Cát Lái (Q.2, TPHCM) đi theo đường cao tốc đến Vũng Tàu, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung, miền Bắc sẽ được kéo giảm cự ly, giao thông thông thoáng hơn. Tuy phải đóng phí mỗi khi lưu thông, nhưng so với lợi ích lớn hơn là tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu thì doanh nghiệp vận tải vẫn chọn đi hướng đường cao tốc này thay cho trục đường xa lộ Hà Nội lâu nay vốn thường ùn tắc, tốc độ rùa bò. Nhìn chung cả doanh nghiệp vận tải cũng như doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải đều được hưởng lợi nhờ tuyến đường này.

Anh Nguyễn Văn Dậu - một người tài xế vui tính chúng tôi bắt chuyện bên đường - nói cụ thể hơn: “Lâu nay, chạy xe hợp đồng trên xa lộ Hà Nội về hướng Vũng Tàu, tớ kinh hãi nhất mỗi khi qua đoạn ngã ba Vũng Tàu, và đoạn qua khu vực Suối Tiên, kẹt xe hàng giờ đồng hồ. Giờ chạy đường cao tốc, vừa rút ngắn chiều dài đoạn đường, vừa tiết kiệm được hơn 1 giờ đồng hồ. Tớ phấn khởi lắm”. Anh Dậu giải thích thêm, nếu trước đây, từ TPHCM đi Vũng Tàu phải mất gần 3 giờ để đi hết đoạn đường dài 120km, thì nay đi trên đường cao tốc, khoảng cách rút ngắn xuống chỉ còn 95km và thời gian chỉ mất 1 giờ 20 phút.

Không cách xa tuyến đường TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là bao, nhiều người dân ấp Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cũng vui mừng vì “có cái đường cao tốc”. Bà Trần Thị Hạnh hồ hởi nói: “Bà con trước giờ toàn làm nghề nông mà sống, nghèo lắm. Đường sá thì toàn đường đất, xe cộ đi lại khó khăn. Nhưng, từ ngày xây dựng đường cao tốc, đường sá trong thôn, xã cũng được làm lại cho tiện thông ra đường cao tốc”. Theo bà Hạnh, bây giờ người dân trong xóm đi lại rất thuận lợi, việc đi lại hay chuyên chở cây trồng, hoa màu, vật nuôi cũng dễ dàng hơn. Hơn nữa, khi có đường cao tốc thì việc thông thương với các tỉnh, thành phố lân cận dễ dàng, nhanh chóng. Bà cười nói bằng giọng đặc Bắc, nghe thật vĩ mô: “Nước mình sắp giàu rồi nhể!”.

Giữa trưa và giữa đêm

Gần điểm nút giao thông Dầu Giây, nhóm công nhân gắn ta luy cũng cố gắng hoàn thành công việc giữa buổi trưa đứng bóng. Đội trưởng Lê Văn Hai cười thân thiện, hàm răng trắng lấp lóa trong nắng: “Làm việc giữa trưa hay nửa đêm là chuyện bình thường. Có những đêm, chúng tôi phải dùng ánh sáng từ máy phát điện để làm việc. Tuy chỉ là những chi tiết nhỏ, nhưng chúng tôi cũng muốn hoàn thiện trước ngày thông xe”. Anh Hai cho biết thêm, để kịp tiến độ, đội của anh đã phải tăng cường thêm 20 người và làm thêm giờ. “Anh em dân làm ruộng chân lấm tay bùn rồi nên khi vất vả thêm một chút thì chẳng ai phàn nàn gì. Ngược lại, anh em phấn khởi vì được hưởng thêm thu nhập từ những giờ tăng ca”. Cũng theo anh Hai, nhóm công nhân của anh vốn là người Đồng Nai nhưng được ưu tiên tuyển vào làm công nhân của công trình để giải quyết tạm thời việc làm sau khi giải tỏa đền bù đất nông nghiệp: “Phần đất Nhà nước giải tỏa để làm đường đa phần là đất ruộng. Cho nên, trước đây, anh em cũng chẳng mấy ai làm ruộng, toàn làm “thợ đụng” (ai thuê gì làm nấy). Có người thì làm ruộng, sống nhờ cá tôm. Rồi sau được nhận vào làm công trình, cũng có anh em mừng”.

Anh Nguyễn Minh Hùng - nhân viên bảo trì đường - sau ít phút trò chuyện cũng vội vàng giã từ chúng tôi để bước lên xe làm công việc. Anh cho biết, mình cũng là một người dân của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trước đây, anh gắn bó với đồng ruộng. Và khi một phần ruộng của gia đình dính dáng đến dự án, cần giải tỏa, anh nhận số tiền đền bù, đưa cho vợ “buôn bán đại” một vài thứ linh tinh để kiếm sống. Còn anh được nhận vào làm công nhân bảo trì cho công trình tuyến đường cao tốc. Đội của anh có 6 người, làm nhiệm vụ bảo trì đoạn đường khoảng 15 cây số. Trong những ngày rốt ráo chuẩn bị cho sự kiện thông xe đường cao tốc, đội nhận thêm 30 người, hầu hết là người địa phương: “Tôi không biết ở huyện khác thế nào, chứ người dân xóm tôi xin vào làm đường rất nhiều. Tuy lương chẳng gọi là cao nhưng ít nhất cũng không phải lên Sài Gòn làm công nhân, bớt vất vả vì sống cảnh xa nhà”.

Làm thơ trên đường cao tốc

Phải tất bật hoàn tất những chi tiết cuối cùng của công trình, điều chỉnh lại những cột đèn đường cao tốc, ông Phạm Hồng Sến tận dụng cả những giờ nghỉ trưa. Giữa lúc mặt trời đứng bóng, nắng chói chang, hơi nóng bốc lên từ mặt đường, ông nở nụ cười tươi, mắt nheo lại vì chói nắng: “Tôi chờ đợi ngày này lâu rồi. Suốt cả đời làm công trình, tôi chưa thấy tuyến đường nào đẹp như tuyến cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây. Nói thật, không nịnh đâu”.

Hơn 5 tháng nay, ông gắn bó với đoạn công trình đèo “mẹ bồng con” thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, là công nhân cơ khí điện. Ông bảo mình chẳng hiểu vì sao người dân lại đặt cho con đèo cái tên “mẹ bồng con” nghe thật kỳ lạ, nhưng nhờ nó mà tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dường như mềm mại hơn, giàu chất thơ hơn. Và ông đã… làm thơ. Bài thơ tên là “cao tốc lộ”. Đứng giữa con đường cao tốc, tay vẫn cầm mỏ lết, người công nhân già chậm rãi đọc thơ, giọng đầy tự hào: “Từ thành phố cha già dân tộc/ Ta đã đến dốc mẹ bồng con/ Mẹ vẫn bồng con nơi đèo dốc/ Thương mẹ nhiều ở nơi hoang vắng/ Các con sẽ đến thăm mẹ ngày đêm/ Ai cũng vội vã, mẹ vẫn cười/ Các con đi đi kẻo trời tối/ Đứa đi về phố biển Nha Trang/ Đứa lên phố núi cao nguyên hạ/ Đứa đi về quê cha đất tổ/ Xin báo cho cha mẹ gặp nhau/ Đường Sài Gòn nối tiếp Dầu Giây/ Ai thắp đèn sáng giữa trời tối/ Cậu bé caosu cũng mừng lây/ Đèn đường cao tốc sáng sáng mãi/ Sáng cả đời sau con cháu nhờ”.

Ông Sến giải thích bài thơ mà ông tự nhạo là “thơ con cóc”: “Bài thơ có nhắc nhiều đến cha mẹ. Nhưng cha mẹ là của cả dân tộc chứ chẳng của riêng ai. TPHCM là tên của cha già dân tộc. Và đèo mẹ bồng con cũng thấp thoáng tình mẹ đâu đó trong cái tên chân chất mà người dân địa phương đặt. Tuyến đường cao tốc này như hình ảnh người cha, người mẹ đỡ đầu cho những vùng đất xung quanh”.

Được khởi công vào tháng 10.2009, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h và tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỉ đồng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Dự án là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, tháng 1.2014, khoảng 20km đầu tiên (bắt đầu từ đường vành đai 2 - TPHCM đến quốc lộ 51 - Đồng Nai) của cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được thông xe trước.

 

 

 

 

NHÓM PHÓNG VIÊN
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.