Trung tâm Nghị lực sống: Gia đình toàn những… người dưng

Cao Thùy Liên |

Ở Trung tâm Nghị lực sống (NLS - phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) có những “người dưng” với cơ thể không lành lặn đang sống đầy nghị lực trong một “gia đình” lớn dưới sự dìu dắt của một cô gái nhỏ nhắn...
“Tôi luôn phải sống trong sợ hãi, lo lắng và bằng tinh thần thép” - lời chia sẻ với đôi mắt rưng rưng của Nguyễn Thảo Vân (SN 1987), Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống – người chị cả trong ngôi nhà hơn 30 thành viên đều là những người khuyết tật khiến tôi có cảm giác đau nhói.

 

Vân vừa trò chuyện vừa làm việc trên laptop, đôi khi bị gián đoạn bởi những việc không tên cần cô giải quyết. Vân nhỏ nhắn, lại yếu, chỉ cần trở lạnh không kịp giữ ấm là viêm phổi. Nhưng chính con người mỏng manh đó đã cùng những cộng sự thân thiết lo từ cái ăn, cái mặc đến việc làm cho hàng trăm người từ khi Trung tâm NLS thành lập vào năm 2003 đến nay.

Trước đó, NLS vốn là một nhóm Nối vòng tay lớn chỉ có 7 thành viên, là nơi để những số phận kém may mắn gặp gỡ, chia sẻ chuyện buồn vui trong cuộc sống. Hồi ấy nhóm còn ở Nghệ An mà cơ sở không đâu khác chính là nhà riêng của bố mẹ anh em Hùng (Hiệp sỹ CNTT Nguyễn Công Hùng) và Vân.

Sau một thời gian hoạt động, rất nhiều người tìm đến nhóm, có cả những người ở tận Đăk Lăk, Sài Gòn… Tới năm 2008, những người quản lý trung tâm quyết định chuyển trung tâm ra Hà Nội. Đó cũng chính là thời điểm Vân và trung tâm đối mặt với những khó khăn... không hồi kết.

“Điên” với người điên…

Năm 2012, anh trai Vân là Hiệp sỹ CNTT Nguyễn Công Hùng đột ngột qua đời. Gánh nặng chồng chất bỗng chốc đặt lên đôi vai vốn đã quá ư nhỏ bé của Vân. Đáng ra, Vân sẽ đỡ vất vả hơn nếu cô bớt trăn trở về số phận của những con người kém may mắn như mình - bởi năm 2006, Vân đang là nhân viên của một công ty Đan Mạch với mức lương và cuộc sống khá ổn. Nhưng Vân nói: “Chính thời gian làm việc tại đây khiến tôi nhận thấy cơ hội việc làm cho người khuyết tật rất cao, chỉ cần họ chứng tỏ được năng lực thì sẽ rất nhiều công ty cần”.

Những năm đầu đến với trung tâm, mỗi người đóng góp 400 nghìn đồng cho mọi chi phí, người mang gạo, kẻ mang mắm, muối, những chi phí còn lại Vân và các cộng sự sẽ lo liệu. Những người quản lý, ai đi làm có lương thì đóng góp thêm. “Lo nhất là mỗi lần trả tiền nhà, cả trăm triệu chứ không ít. Hoa hết cả mắt.

Chưa kể mỗi tháng, trung tâm mất khá nhiều tiền để sửa cái này, thông cái kia. Riêng chậu rửa mặt thì sập liên tục vì các em phải vịn vào đó để tạo lực di chuyển khi sinh hoạt. Các em ngã bị thương phải lo băng bó, thuốc thang. Rồi những khi trái gió trở trời, đau ốm phải đưa các em đi bệnh viện. Bố mẹ các em không ở đây, mình như người giám hộ sao bỏ các em được”.

Thế nhưng, áp lực nhất với Vân chưa hẳn là vấn đề tài chính mà là những tình huống, hoàn cảnh học viên khiến Vân khó xử, thậm chí rơi nước mắt. “Hồi trước, trung tâm không đặt nặng tiêu chí học viên. Sau này, khi đã xác định là nơi đào tạo kỹ năng cơ bản cho người khuyết tật có cơ hội làm việc thì trung tâm chỉ tuyển sinh những người trong độ tuổi 15 -30, sáng mắt, hai tay tốt, tự chăm sóc được bản thân, biết đọc biết viết.

Tuy nhiên khi phụ huynh đưa con đến thì họ lại giấu những vấn đề về sức khỏe của con. Có học viên nói với tôi “Chị không nhận em, ngày mai em không còn trên đời này nữa”; có phụ huynh vừa nói vừa khóc nức nở “đây là nguyện vọng cuối cùng của cô chú, nay mai cô chú chết rồi em nó biết sống với ai”… lúc này vì quá thương cảm cho các em lẫn phụ huynh, tôi đành phải nhận nhưng sau đó là những ngày sống trong sợ hãi”.

Buổi học ngoại khóa của gia đình trung tâm NLS.

Vân cho tôi đọc bài viết về một học viên tên P. có tiêu đề “Nếu muốn hiểu về một người điên, hãy điên theo họ”. Chỉ trong 2 hôm sống tại trung tâm, P. đã “cho” cô trải nghiệm qua các thứ cảm giác “kinh hoàng”. Vì hi vọng trung tâm sẽ có “phép màu” nào đó cho con mình, phụ huynh đã giấu quản lý trung tâm tình hình sức khỏe của P., khiến cả trung tâm sau hai hôm “vật lộn” với em mới biết em mắc chứng hoang tưởng. Vân đã sống trong những câu chuyện không có thật của P., chơi cùng P. và như… điên cùng P. để em nghe lời. Rồi Vân hài hước mà như khóc: “Sợ lắm. Người ngợm thế này, em ấy mà tẩn cho một cái thì có mà…”

Nói rồi Vân cho tôi xem những bức ảnh cưới, những gương mặt lạ, những buổi liên hoan… và khoe: “Đây, động lực của tôi đây. Hơn 20 cặp đôi của trung tâm nên vợ thành chồng. Họ đẹp đôi phải không. NLS nhiều cháu lắm. Người này đang làm việc cho công ty ở Đức, anh này thì lấy vợ, có con, mua được nhà Hà Nội rồi. Từ lúc thành lập cho đến nay, NLS đã đào tạo được hơn 700 học viên với khoảng 70 – 80% học viên đi làm. Nhìn này, ai cũng xinh lung linh phải không?”

Những ước mơ đang cháy

Tôi đến thăm NLS khi các em học viên vừa ăn tối xong. Người quét nhà, người rửa bát. Mọi người tự phân công một cách nghiêm túc và khá tự giác. Nghe giọng thì biết các em đến từ rất nhiều vùng đất xa xôi, gặp nhau tại đây rồi hợp lại thành một gia đình. Ma Thị Huế (Thái Nguyên), cô gái 24 tuổi trong hình hài một đứa nhỏ tươi cười mời tôi uống nước: “Mọi người ở đây thương yêu nhau như ruột thịt. Ở đây, em được học tiếng Anh, học photoshop và kỹ năng sống. Ước mơ của em đơn giản lắm, đó là tìm được một công việc phù hợp với sức khỏe của em, theo em lâu dài để em có thể tự lo cho mình”.

Cạnh Huế là Phạm Phương Linh (SN 1997, Hà Nội). Cô bé có vấn đề trong giao tiếp “hễ nói to là run”. Linh từng đối diện với tử thần khi ở Sài Gòn, chân tay co rúm. Đôi mắt long lanh, Linh hồn nhiên khoe với tôi em thích làm thơ, còn đọc cho tôi nghe bài thơ về tình yêu em sáng tác. Rồi Linh hát, câu chữ lưu loát hơn khiến cả gian phòng như vui hẳn.

Trong lớp học viên mới nhập học này có hơn chục người. Người khiến tôi chú ý nhất là Lê Văn Đô (SN 1988 – Tuyên Quang) với ánh mắt buồn man mác. Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, Đô cùng 3 người nữa nhiễm chất độc da cam trong đó cô em út đã mất năm 2003. Mẹ Đô cũng vừa mất vì ung thư gan. Bị liệt toàn thân, từ năm 9 tuổi, Đô đã đến sống ở các trung tâm bảo trợ để phục hồi chức năng.

Khi nói về gia đình mình, chàng trai ấy cố tình nhìn sang một hướng khác: “Ban đầu, gia đình có đến thăm nhưng khi em chuyển đến các trung tâm xa hơn thì mọi người không đến nữa. Từ hồi mẹ mất, em muốn về nhà lắm, cho bố và anh cả đỡ trống trải. Nhưng về nhà không thấy mẹ lại thấy thiếu vắng vô cùng. Trước giờ chỉ có mẹ là người động viên em”.

Nói đoạn, Đô nhìn tôi cười: “Em không được buồn nhỉ? Em phải ở đây trang bị kiến thức. Sau này còn kiếm thật nhiều tiền. Chị biết để làm gì không? Em muốn xây trường cho các em trên đó. Hồi nhỏ đi học, khổ lắm”.

Những ước mơ của các em rất đẹp, thậm chí giản đơn khi chỉ cần một môi trường để vui sống và tôi biết, các em hoàn toàn có cơ hội biến những giấc mơ đó thành hiện thực bởi xung quanh em có những người như Vân và những cộng sự mà theo tôi nghĩ đã hi sinh rất nhiều thứ để hỗ trợ các em từng ngày. Như Phan Đình Bình (SN 1984, Nghệ An), người đột ngột từ bỏ vị trí giám đốc một công ty lớn để sang làm tình nguyện viên cho NLS sau khi tiếp xúc với Vân, với các em.

Như Nguyễn Việt Hoàng, người phải bán nhà, tăng ca để trị ung thư cho bố nhưng không bỏ một buổi dạy tiếng Anh nào ở trung tâm, còn dành thời gian đưa các em đi tham quan, tổ chức cho các em các buổi dạy tâm lý. Như cô Nguyễn Thị Ngân, người lặn lội ngồi 2 tiếng xe bus đến trung tâm dạy các em dù có khi buổi học chỉ có 4, 5 học viên nghe giảng. Và còn rất nhiều tình nguyện viên khác nữa…

Và quan trọng hơn, như chính tên gọi của trung tâm, các em có nghị lực sống – thứ nghị lực mà không phải người lành lặn nào cũng có được.

Cao Thùy Liên
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.