Trò chuyện với mó nước “hiểu tiếng người” ở Cao Bằng

Tâm Am |

Ở bản Lũng Sạng (xã Hồng Quang, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng), trong một khu vực điệp trùng núi non, gần ruộng nương màu mỡ của bà con người Nùng, có một mó (mỏ, giếng, hố) nước nổi tiếng tên là Rằng Phặt. Nó thấm đẫm huyền thoại và dường như ẩn chứa trong mình một bí ẩn tâm linh hoặc khoa học kỳ thú nào đó. Mỗi khi bà con cần nước cho trâu uống, cần nước tưới hoa màu hay rửa chân tắm táp, thì chỉ việc đọc “thần chú” là nước ào ạt dâng lên.
“Vừng ơi, mở cửa!” là câu thần chú có thật?
Dưới các nếp nhà cổ sơ bằng ngói ống nâu trầm, bằng chất giọng thương mến chầm chậm của người Nùng, bà con sở tại vẫn gọi Rằng Phặt một cách lãng mạn là “mó nước hiểu tiếng người”. Còn nhà khoa học Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất thì thích thú gọi đó là hiện tượng “bẫy không khí”, khiến âm thanh có thể tác động làm suy chuyển vật chất, kiểu như trong cổ tích có câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa” là tự dưng ai đó có thể “dang tay mở khóa động đào” hoặc tìm lối cho Từ Thức đi vào Thiên Thai vậy.
Sau nhiều năm, với nhiều chuyến đi lại, tìm hiểu và đưa các nhà khoa học lên tận hiện trường nghiên cứu, tháng 4 năm 2017, chúng tôi lại tiếp tục về với mó nước Rằng Phặt. Tình cờ, trời sẩm tối, có ba nữ sinh lớp 10 đạp xe từ trường về và gặp chúng tôi ở lối mòn đi bộ dẫn xuống thung lũng có mó nước Rằng Phặt. Hỏi thăm thì rất buồn khi hay tin, ông Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang đã không may chết vì bệnh. Câu thần chú được chính ông Hải ghi nguyên văn vào sổ tay của tôi vẫn còn đây. Như sau: “Tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi Rằng Phặt. Sặc sìn sặc ngằn, lố!” (theo tiếng Nùng, đại ý: Tý là bé, là cô gái, đây là lời gọi các cô Xằm, cô Sỏi, cô Mỏi ơi; Rằng Phặt là tên mó nước; Sặc sìn sằn ngằn, là nó ăn trộm vàng ăn trộm bạc; lố là một hư từ, một từ gióng lên như một tiếng tri hô. Tóm lại, câu thần chú là lời tri hô, thông báo của bà con với 3 cô “thần giữ của” dưới mó nước, hãy dâng nước lên để bít lối đi vào hang vàng hang bạc. Chống lại bọn ăn trộm các quan tài mà bà con được truyền tụng là có xếp tầng tầng lớp lớp trong các lòng núi sâu).
Để trắc nghiệm truyền thuyết này, chúng tôi từng phỏng vấn hơn chục bà con trong khu vực, ai cũng nghe, cũng hiểu và cũng hồn nhiên ra mó nước gọi nước lên cho chúng tôi chứng kiến. Họ tin vào truyền thuyết và chúng tôi cũng tin rằng: Tri thức truyền miệng kia, câu chuyện nhuốm màu “cổ tích” kia, nó đã ra đời là phải có lý do của nó. Câu chuyện hang vàng núi bạc thì ở đâu cũng có. Nhưng tại sao họ lại nghĩ ra đủ ba cô thần giữ của với tên đầy đủ là Xằm, Sỏi, Mỏi? Bà con kể, thỉnh thoảng lại thấy có đoàn người đánh xe đến đầu núi, đi bộ đem lễ vật xuống thắp nhang cầu khấn. Có người còn đem theo cả đuốc bằng đất đèn, dây thừng và lực lượng hùng hậu để thám thính lòng hang, nhằm tìm các quan tài bằng vàng và chứa đầy vàng. Tuy nhiên, dù khi nước của mó cạn chỉ còn một vũng đủ cho vài con trâu uống, thì khi kẻ xấu ập vào, nước vẫn réo ào ào trong bụng núi, rồi nước dâng lên bít hết lối vào hang vàng, bọn trộm sợ xanh mắt, người toàn bùn đất lóp ngóp ngoi lên.
Và hôm nay, ba cô bé học trò Linh, Hồng, Thắm vô tư lự xuống mó gọi nước cùng chúng tôi. Thắm bảo, cháu vẫn thường đi thả trâu và gọi nước về cho trâu uống. Có khi không gọi, chỉ dùng hòn đá nhỏ đập vào phiến đá to ở giữa lòng hố kia, rồi đọc khẽ “Tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi...” là các cô đã đẩy nước lên rồi.
Bé Linh bảo chúng tôi cắm cây cọc gỗ nhỏ đánh dấu. Rồi Linh cùng hai bạn cười khanh khách, má hồng rực, mỗi cháu cầm một hòn đá nhỏ và đập vào khối đá duy nhất ở giữa lòng mó nước. Câu “thần chú” vang lên trong trẻo. Nước từ từ dâng lên. Loang loáng ướt chân các cháu, ngập một phần cây gậy gỗ mà lúc cắm xuống, chúng tôi đặt máy quay cho thấy nó vẫn... ở khu vực khô ráo. Tuy nhiên, mải nói chuyện vài phút, quay ra thì nước đã len lén rút khỏi khu vực đó, trở về mực thấp như cũ. Chúng tôi từng đến Rằng Phặt vào mùa khô hạn, đi cùng nhiều người hiếu kỳ và hai ông tiến sĩ khoa học từ Hà Nội. Lúc đó, mó nước rất cạn, và việc nước dâng lên rõ ràng hơn nhiều. Từ “Không” thành “Có”. Khu vực đang tuyệt đối tĩnh lặng, khi có người đọc “thần chú” thì tiếng ầm ào xuất hiện rõ dần trong lòng hang. Rồi tiếng nước chảy, nước đùn ra cửa hang, bít hết lối vào.
Đã có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về câu chuyện “mó nước hiểu tiếng người”. Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng, chúng tôi cũng tuyệt đối tránh việc mê tín dị đoan hay bịa tạc các tình tiết xung quanh mó nước “bí ẩn” này. Bé Linh và hai cô bạn cũng có chính kiến rõ ràng: Cháu đã nhiều lần dắt trâu xuống uống nước ở mó. Bà con vẫn làm thế, vì ruộng cạn, sông suối ở xa, không uống nước ở Rằng Phặt thì uống ở đâu! Chúng cháu thấy rằng: Nhiều khi nước dâng lên theo chu kỳ. Tức là để mặc nó, im lặng theo dõi, rồi nước cũng tự réo, tự dâng lên. Rồi lại tự rút đi. Nhưng có một điều khác rất rõ rệt: Khi có âm thanh tác động vào khu vực lòng hang, thì nước dâng lên nhanh hơn, ngay cả khi chưa đến chu kỳ “dâng”! Liệu có phải cả hai yếu tố tự nhiên “trời sinh ra thế” và yếu tố tác động của âm thanh vào lòng hang đều làm nước dâng lên? Chúng tôi đã làm thí nghiệm nhiều lần, thì có vẻ giả thuyết này tương đối thuyết phục. Có lúc, ở chu kỳ nước vừa lên xong, đang chờ thời gian để tự rút, các cháu gào thét, đập đá chát chúa, lội cả chân xuống mó để khoắng (như mọi khi các cháu vẫn làm), nhưng nước không hề dâng lên tiếp. Mà phải chờ một lúc khá lâu lời “thần chú” mới hiệu nghiệm. Có lẽ, ở chu kỳ nước rút xuống, mó vẫn “hiểu tiếng người”, nhưng phải chờ xuống hết đã, thì nó mới tiếp tục dâng lên, bít cửa hang, ngăn chặn những kẻ định đột nhập ăn trộm vàng bạc?!
Còn nhớ, cách đây vài năm, chủ tịch xã Hồng Quang bấy giờ là anh Nông Bình Phương dẫn chúng tôi xuống “trò chuyện” với mó nước Rằng Phặt. Anh bảo, xã có 12 khu hành chính (xóm) của người Nùng, ai cũng biết chuyện Rằng Phặt “hiểu tiếng người”. Và trước khi kẻ xấu có ý định chăng dây, chui xuống lòng núi tìm quan tài vàng, trước khi sự đào bới làm cho mó nước bị bồi lấp nông như hiện nay, thì mỗi lần “nghe tiếng gọi”, nước dâng lên nhiều và tiếng nước réo to lắm. Tức là việc “hiểu tiếng người” cụ thể hơn nhiều.
Mó nước sẽ mãi mãi “hiểu tiếng người”, nếu không bị đào bới!
Việc giải ảo câu “thần chú” về việc người ta chôn các quan tài vàng bạc khổng lồ rồi lừa giết ba cô Xằm, Sỏi, Mỏi xuống để làm thần giữ của có lẽ đã xong. Bởi vì, không cần gọi đích danh tên ba cô, nước vẫn cứ lên. Tức là, cốt sao có tác động âm thanh, gõ chiêng la chũm chọe hay gào thét hò hú đều được. Nhưng tại sao bà con sáng tác ra huyền thoại hay và kỳ bí thế, để làm gì? Chỗ này thì chưa lý giải nổi, tri thức của nghìn năm lịch sử chúng ta không thể nào coi thường, cho dù bây giờ ta chưa hiểu hết.
Còn về việc tác động âm thanh khiến chu kỳ nước dâng lên hạ xuống bị ảnh hưởng, nước có lên khi được “gọi”, TS Vũ Cao Minh gọi đó là các cái “bẫy không khí”. Các “túi” khí tồn tại trong lòng hang, khi có âm thanh, thậm chí có sức gió rít luồn vào, nó sẽ giải phóng năng lượng, đẩy hoặc hút nước lên. Nước từ các khe, mạch ngầm trong hang núi đá vôi ở vùng đất kỳ vĩ núi non này sẽ được gom về, khi bẫy không khí “nổ” vì âm thanh hay xung lực nào đó. Thậm chí, nhiều âm thanh do nhiều người đến quá, có thể gây nhiễu các “ứng nghiệm” lên xuống của mó nước. Thí nghiệm tại hiện trường của TS Vũ Cao Minh cho thấy, một tiếng gọi có thể làm nước ở Rằng Phặt dâng lên tới 16cm và việc nhiễu là có thật! Văn liệu địa chất thế giới, theo ông Minh, chưa từng có trang nào nói về hiện tượng kỳ lạ này. Nhưng, người ta có thể liên tưởng, chuyện này từng xảy ra ở các giếng dầu, khi dầu ra ít, lúc ra nhiều vì ở mỗi thời điểm, các yếu tố tác động đến các “bẫy không khí” trong lòng đất khác nhau. TS Nguyễn Hữu Hùng (Hội Cổ sinh Địa tầng Việt Nam), lên Rằng Phặt nghiên cứu, cũng có quan điểm tương tự.
Thêm một lần chúng tôi cắm que, làm thí nghiệm, chứng kiến nước dâng lên khi các cô gái đọc bài khấn truyền thống

 

Ba học sinh lớp 10, người xã Hồng Quang này đã giúp chúng tôi kiểm chứng bí ẩn chưa có lời giải về mó nước nổi tiếng Rằng Phặt

Đặc biệt, TS Lê Trọng Thắng, một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này tại Trường Đại học Mỏ Địa chất thì: Có thể trong lòng núi khu vực Rằng Phặt có hệ thống bồn chứa và xi-phông nối tiếp nhau, thông với nhau. Cái nọ đầy thì tràn sang cái kia theo chu kỳ. Nhưng vì trong lòng núi kín, nên có các khối không khí bị áp lực thay đổi khi mỗi bồn chứa đầy hoặc vơi (nước chiếm chỗ hoặc nhường chỗ cho không khí, túi khí). Vì thế, nước ngầm tích tụ đủ một “bồn chứa ngầm”, nó thông sang bồn chứa khác, các túi khí thay đổi “diện tích” và tạo áp lực đẩy nước ra hoặc hút nước vào hang. Khi có tác động của âm thanh, túi khí thay đổi, việc “hiểu tiếng người” là dễ hiểu. Vì áp lực không khí này, cho nên, khi nước lên xuống đều có bọt khí trong mó nước Rằng Phặt.

Ông Thắng kết luận: “Theo chúng tôi, thiên nhiên luôn tạo nên những điều kỳ diệu. Muốn đánh giá khách quan hiện tượng mó nước Rằng Phặt, cần có sự nghiên cứu đầy đủ mới có thể đưa ra được kết luận đúng đắn. Nếu hiện tượng “Hiểu” tiếng người đã từng xảy ra, do các tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng khí, đến nay không còn biểu hiện nữa, thì chắc rằng sau thời gian nào đó, quá trình này sẽ được tái lập, và mó nước sẽ lại “Hiểu” được tiếng người. Tuy nhiên, nếu con người đào bới hoặc làm thay đổi các điều kiện tự nhiên vốn có trong khu vực, thì Mó nước sẽ mãi mãi không còn “Hiểu” được tiếng người nữa. Bởi vậy, để có những đánh giá đúng, chính quyền địa phương cần có giải pháp theo dõi và bảo vệ mó nước này”.

Tâm Am
TIN LIÊN QUAN

Kỳ lạ chiếc giếng khoan châm lửa là bốc cháy ở Quảng Trị

Hưng Thơ |

Chiếc giếng khoan nhà ông Trương Xuân Hiến, 56 tuổi, trú tại thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã 10 năm nay cứ mồi lửa ở miệng giếng thì xuất hiện ngọn lửa cao đến nửa mét.

Khởi tố, bắt tạm giam thiếu tướng Đỗ Hữu Ca

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh hôm nay (22.2) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đỗ Hữu Ca – nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Khởi tố, bắt giam kẻ dùng tuýp sắt dài hơn một mét đánh shipper gãy 2 tay

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Chỉ vì phí ship 30.000 đồng dẫn đến tranh cãi mà một cặp vợ chồng ở Quảng Ngãi đã dùng tuýp sắt, ghế inox đánh một nam shipper gãy 2 tay.

Chưa có đường tránh phục vụ mở rộng Sân bay Điện Biên

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Một tuyến đường dân sinh có hàng nghìn phương tiện lưu thông mỗi ngày sẽ bị đóng để làm Sân bay Điện Biên. Tuy nhiên, hiện đường tránh vẫn chưa được xây dựng.

Đàm phán giá thành công 64 biệt dược, tiết kiệm hơn 2.000 tỉ đồng

Thùy Linh |

Ngày 22.2, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã đàm phán giá với 69 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn. 64 loại biệt dược đã được đàm phán giá thành công, tiết kiệm hơn 2.000 tỉ đồng.

Thực nghiệm hiện trường vụ mẹ ruột tiếp tay cho người tình xâm hại con gái

L.N |

Tuyên Quang - Cơ quan công an đánh giá vụ án bé gái 10 tuổi bị xâm hại tình dục đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, cần phải xử lý nghiêm.

2 cán bộ phường bị khởi tố vì chiếm đoạt tiền hỗ trợ lũ lụt của dân

LÊ PHI LONG |

QUẢNG BÌNH - Ngày 22.2, tin từ Công an thị xã Ba Đồn cho biết, một kế toán và một thủ quỹ của Văn phòng UBND phường Quảng Phúc vừa bị khởi tố về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tuyển nữ Việt Nam chạm trán Bồ Đào Nha ở World Cup 2023

Thanh Vũ |

Bồ Đào Nha là đối thủ cuối cùng của đội tuyển nữ Việt Nam ở vòng bảng World Cup nữ 2023.

Kỳ lạ chiếc giếng khoan châm lửa là bốc cháy ở Quảng Trị

Hưng Thơ |

Chiếc giếng khoan nhà ông Trương Xuân Hiến, 56 tuổi, trú tại thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã 10 năm nay cứ mồi lửa ở miệng giếng thì xuất hiện ngọn lửa cao đến nửa mét.