Trẻ vùng biên và ước mơ được học

CƯỜNG NGÔ |

Đường đến trường rộng vẻn vẹn 30cm, nơi học không có điện, nằm lưng chừng núi đá gần biên giới Việt - Trung; thiếu nước, thầy và trò ăn cơm độn ngô, sống trong lều tạm ghép từ những thanh tre xơ xác… Ngần ấy khó khăn không làm vơi đi “ước mơ học” của những đứa trẻ vùng biên trước thềm năm học mới.

Vượt hàng chục cây số đường rừng đến trường

Trước ngày tựu trường, chúng tôi cùng đoàn từ thiện Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng Lao Động “hành quân” lên một số điểm trường ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng.

Con đường từ trung tâm huyện Nguyên Bình vào đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thiệu Nguyên (điểm trường Khuổi Tông) của huyện chỉ độ 20km, nhưng do thời tiết xấu, ảnh hưởng từ cơn bão số 6 (bão Hato), đoàn xe công tác phải “đánh vật” với cung đường nhão nhoẹt bùn đất, lổn nhổn đầy đá hộc suốt 2 giờ đồng hồ.

Có mặt tại điểm trường Khuổi Tông lúc 16h ngày 24.8, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh 2 ngôi nhà cũ kỹ, ẩm mốc, rêu xanh loang lổ góc tường. Thấy đoàn từ thiện đến, học sinh mẫu giáo và tiểu học “nháo nhác” hẳn lên. Thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Hiếu “phân trần”: “Thấy ôtô tụi trẻ thích thú ấy mà. Các anh đi vào đây mới hiểu vì sao người dân trong xã lại khổ đến thế”.

Số hàng đoàn từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động mang đến, dù không nhiều, nhưng tụi trẻ rất háo hức, chúng xếp hàng thật nhanh, chờ đến lượt nhận quà.

Chị Ma Thị Hường (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A) cho biết: “Lâu lắm rồi, các cháu nhỏ không được nhận quà. Nhà trường có 145 học sinh với tỉ lệ 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các cháu đi học không phải đóng góp gì, mà muốn đóng góp cũng chẳng có, bởi bữa ăn thường ngày của gia đình toàn là cháo ngô, mèn mén (món ăn truyền thống làm bằng bột ngô của người Mông - PV) thì lấy đâu ra tiền đóng góp”.

Hầu hết học sinh ở đây phải vượt hàng chục cây số đường rừng mới có thể đến điểm trường. Dù nhà trường đã chuẩn bị bữa ăn bán trú nhưng do nhà quá xa nên một số học sinh người Mông, Dao, Tày phải “thủ” sẵn cơm độn ngô để lót dạ. Khó khăn như vậy nhưng chẳng thể cản được bước chân tụi trẻ đến trường.

Em Phùng Mùi Pu (sinh năm 2011, dân tộc Dao, học sinh lớp 1A, điểm trường Khuổi Tông) là một trong những điển hình của sự hiếu học. Nhà em ở xóm Khuổi Tông cách trường 3km đường rừng. Gia đình thuộc hộ nghèo nhất xã, có 8 anh chị em, bố mẹ làm nông. Dù thế, em Phùng Mùi Pu vẫn cố gắng đến trường học tập. Theo lời cô Ma Thị Hường (giáo viên chủ nhiệm) có những hôm trời mưa rất lớn, đường núi trơn trượt, em Pu vẫn đến lớp. “Đây là điều hiếm thấy ở những điểm trường vùng cao” - cô Hường nói.

Tuy nhiên, con đường đến lớp của em Phùng Mùi Pu ngày càng khó khăn hơn, bởi bàn tay viết chữ của em bị nhiễm trùng, không thể viết được. Khi sinh ra, em được bố mẹ buộc một một sợi chỉ đỏ vào tay với niềm tin về sức khỏe. Khi lớn lên, sợi chỉ siết chặt vào tay dẫn đến bị nhiễm trùng và mưng mủ. Gia đình em nhiều lần đưa đi bệnh viện khám, uống thuốc nhưng không thuyên giảm.

Em Phùng Chang Choi (anh trai Phùng Mùi Pu) cho hay, gia đình đã đưa Pu đi khám ở Bệnh viện huyện Nguyên Bình nhưng không khỏi. Các bác sĩ nói, để viết được chữ cũng như hoạt động bình thường, em phải mổ để lấy sợi chỉ ra. Chi phí mổ rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng.

Phùng Chang Choi là con trai thứ 2 trong gia đình. Vì gia cảnh nghèo khó nên chàng trai 16 tuổi phải nghỉ học, phụ giúp bố mẹ công việc nhà, đi vác gạo thuê ở thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) để kiếm tiền. Tiền lương kiếm được, em đưa cho mẹ mua thức ăn cho các em. “Ngày nào nhà em cũng ăn cơm độn ngô với rau rừng, vài ba quả chuối xanh, quả sung và muối trắng. Thậm chí có những hôm còn không có rau ăn, phải ăn mấy quả bí tự trồng cho qua bữa” - Choi nói.

Phùng Chang Choi tâm sự, sau khi nghỉ học, em cảm thấy rất hối hận nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên em chấp nhận. Phùng Chang Choi mong muốn các em của mình học thật giỏi để thoát nghèo. “Nếu có cơ hội em sẽ tiếp tục đến trường, sau này học nghề để cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Những bông hoa cắm bản

Từ điểm trường Khuổi Tông ngược xuống huyện Thông Nông (huyện miền núi giáp biên giới Việt-Trung), phóng viên tìm về điểm trường Nậm Hùm, cách điểm trường chính Bó Thậu 10km. Để lên được điểm trường này, phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ qua vùng núi đá tai mèo đầy hiểm trở.

Điểm trường Nậm Hùm là ngôi nhà tạm vách nứa, chia làm ba ngăn, mỗi ngăn rộng chừng 5m2, trong cùng là nơi nghỉ và bếp ăn của giáo viên, ngăn giữa và ngoài là các lớp học ghép. Hiện tại có 3 giáo viên trẻ đang “cắm bản”, mang con chữ đến với trẻ em vùng cao.

“Các em đi học khó khăn nhưng vẫn đến trường rất đều” - cô Hoàng Hồng Anh (giáo viên cắm bản ở điểm trường Nậm Hùm) cho biết. Điều mà các thầy cô giáo trăn trở là nếp suy nghĩ đã hình thành bao đời nay của bà con dân tộc thiểu số là “học cũng ăn ngô ăn sắn, không học cũng ăn ngô ăn sắn”. Vì thế, những ngày đầu tiên đến điểm trường, lớp của cô Hồng Anh chỉ vài em, sau khi vận động, sĩ số tăng lên được 15 học sinh. “Tụi trẻ có tinh thần học tập rất cao, song, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hiểu biết hạn chế nên bắt con em nghỉ học” - cô Hoàng Hồng Anh tâm sự.

Với các em, để đến được trường học chữ đã khó, với những thầy cô giáo bám bản tại điểm trường Nậm Hùm lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với tâm huyết muốn đem con chữ đến với trẻ em vùng cao, các thầy cô chẳng quản ngại khó khăn vượt đèo, lội suối.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Hoàng Hồng Anh (ở Hà Quảng, Cao Bằng) xin lên điểm trường này để giảng dạy. Ngày đầu tiên đến trường nhận công tác, cô gái trẻ ngỡ ngàng trước ngôi trường tuềnh toàng hở cả 4 vách, lợp bằng mái fibroximăng, ngăn vách bằng những thanh tre, thanh trúc xơ xác, những học trò đen nhẻm, chân trần, tiếng Kinh chưa sõi. Lúc đấy, Hồng Anh thấy nản lòng, muốn bỏ núi rừng. Nhưng rồi khi nhìn ánh mắt ngây thơ của lũ học trò vùng biên, cô giáo trẻ thấy thương cảm. Hồng Anh bắt đầu tập cho mình quen dần với núi rừng, quen dần với những khó khăn để tiếp tục ở lại truyền con chữ cho học trò.

“Điều quan trọng của người thầy là truyền tải cho các em con chữ. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, còn phải dạy các em kiến thức xã hội, kỹ năng sống, bởi các em rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Được đóng góp một điều gì đó, dù nhỏ thôi, nhưng tôi thấy vui lắm!” - Hồng Anh chia sẻ.

Sau những tiết dạy, Hồng Anh cùng một số thầy cô lên rừng đào măng, hái rau dại để các em cải thiện bữa ăn”. Sống ở lều tạm, các thầy cô ở đây còn lo mùa mưa thì lũ quét, lũ ống, bởi các túp lều làm bằng tre, nứa, lợp lá, nằm sát nhau rất dễ bắt lửa. Đến giờ, Hồng Anh đã gắn bó với điểm trường Nậm Hùm được 4 năm. Niềm vui của cô gái trẻ này là gieo được con chữ đến với những đứa trẻ vùng cao. Nhiều học sinh đã xuống điểm trường chính để học và viết tiếp “giấc mơ học” đời mình.

CƯỜNG NGÔ
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.