Tết Độc lập ở biên cương:

Tình theo “bước đá, bước mây”

VÂN ANH |

Những ngày cuối tháng 8, nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đang hối hả trên nương cho kịp mùa gặt rộ. Những trảng lúa vàng, những nương bắp tím hòa trong sắc xanh của núi rừng phủ kín non cao, thung sâu chốn biên cương Đông Bắc. Bóng áo hoa đỏ rực, áo xanh đằm thắm của đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ thấp thoáng đâu đó trong dáng núi. Tiếng con chim Queng Quy hót vào lòng người làm hương quế, hương hồi cũng cuống quýt, nồng nàn ẩn trong nếp áo.

Chiêm ngưỡng đàn đá thần

Tình theo “bước đá, bước mây”, chúng tôi cùng Trung tá Bùi Đức Hạnh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh - đến với mỗi nếp sàn ấm áp trên sóng đá quê hương. Giữa núi đồi và những bản làng mờ xa, ngôi đình Lục Nà, nơi thờ “Khâm sai Đông đạo Tiết chế” Hoàng Cần nổi bật với lối kiến trúc nhà sàn của đồng bào Tày kết hợp với mái ngói âm dương, đôi rồng chầu nguyệt, mái đao đình cong vút… Vị tướng người Tày này đã cùng đội quân của mình là những trai bản Bình Liêu dùng gậy tre tả xung hữu đột đánh tan quân giặc xâm chiếm biên cương. Sau khi mất, tướng quân Hoàng Cần được vua sắc phong, còn nhân dân suy tôn ông là thành hoàng của một vùng.

Người thủ từ đang sửa sang, vệ sinh lại đình chuẩn bị để bà con trong huyện đến dâng hương nhân ngày lễ lớn. Trung tá Hạnh nói với chúng tôi rằng, lễ chính của đình Lục Nà thường vào dịp tháng giêng, nhưng chính quyền và bà con nơi đây vẫn đến chiêm bái vào dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Bởi vào tháng 11 năm 1945 tại ngôi đình này đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức để tuyên bố thành lập Chính quyền Cách mạng Lâm thời huyện Bình Liêu. Đây cũng là nơi Uỷ ban Hành chính huyện Bình Liêu (sau này là UBND huyện Bình Liêu) và Vệ quốc đoàn Bình Liêu (sau là Ban Chỉ huy quân sự huyện Bình Liêu) được thành lập. Trong những năm chống Mỹ, ngôi đình Lục Nà được trưng dụng làm nơi dạy Bình dân học vụ cho nhân dân các xã vùng cao của huyện.

Bác Vi Thân Bích ở xã Lục Hồn cho chúng tôi biết thêm một điều thú vị rằng: Vào ngày Tết Độc lập, ngoài việc đến dâng hương tại đình Lục Nà, nhân dân các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ ở Bình Liêu còn đến chiêm bái một bảo vật khác chính là “Đàn đá thần” được hình thành tự nhiên từ những hòn đá lớn gối liền với nhau trên đỉnh núi Cao Ba Lanh. Trong quy ước của bà con trước đây, khi phát hiện những biểu hiện bất thường, người phụ trách việc canh phòng sẽ gõ vào đàn đá để tạo nên những tiếng kêu ngân nga vang đi trong gió, truyền tin cho dân bản biết để chuẩn bị chống trả kẻ thù.

Phải đi gần trọn buổi mới đến được đỉnh Cao Ba Lanh để tận mắt ngắm nhìn “di sản” của đồng bào. Mấy người bạn đi cùng chúng tôi rủ nhau “checkin cột mốc thiên đường” mang số hiệu 1327. Choáng ngợp chính là từ duy nhất để chỉ cảm giác của tôi khi đứng giữa đỉnh cao, thu vào tầm mắt “muôn trùng nước non” như Bác Hồ đã từng cảm khái trong bài thơ “Đi đường”. Các bản Tràng Nhì, Hanh, Nà Kép của nước bạn Trung Quốc hiện lên như một bức tranh thủy mặc đầy lãng mạn giữa mây ngàn.

Cụ Dường Chống Hén, một già làng được kính ngưỡng nhất bản Phật Chỉ đưa chúng tôi đến đàn đá thần. Cụ cẩn trọng dùng một viên đá nhỏ cỡ nắm tay gõ vào đàn đá thần. Âm thanh từ “đàn đá thần” trầm đục và không có giai điệu cụ thể vang lên. Nhưng khoảnh khắc ấy đã cho tôi hiểu vì sao bà con nơi đây cho đó chính là khúc nhạc tuyệt vời nhất. Bởi có bài ca nào, khúc nhạc nào quý giá hơn lòng yêu nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ cõi bờ? Nghe tiếng đàn, gặp những người dân thuần hậu nơi đây, tôi thêm hiểu, đường biên giới trong lòng dân còn vững chắc hơn bất cứ loại vật liệu, ranh giới hữu hình nào khác.

Những cô gái Dao ở Bình Liêu chuẩn bị khăn áo cho ngày lễ hội.

Anh em kết nghĩa cùng vui ngày Độc lập

Vui nhất trong những ngày này có lẽ chính là hơn 100 hộ của đồng bào Mông thuộc hai bản Cốc Phương và Na Lốc 4 thuộc xã biên giới Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ngày Tết Độc lập truyền thống của đồng bào đang đến gần, cũng là lúc những đồi dứa bạt ngàn đang ủ mật thơm nức một vùng rừng vắng. Nhìn hai bản nhỏ vùng biên đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đang tràn ngập sống hôm nay, khó hình dung rằng từng có một thời kỳ dài, Cốc Phương là một vùng đất trắng, vùng đồi núi hoang vu chỉ có dấu chân muông thú.

Tiếng loa vang vang giọng nói của ai đó bằng tiếng Mông khiến chúng tôi hết sức chú ý. Thượng tá Trần Quốc Khải - cán bộ Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai, nguyên Đồn trưởng đồn biên phòng Bản Lầu - giải thích đó là bản tin thông báo về tình hình thời tiết và những hoạt động nhân dịp Tết Độc lập, trong đó đặc biệt có nội dung chính quyền và nhân dân tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sẽ sang chúc mừng và giao lưu văn nghệ với bà con bản Cốc Phương.

Thì ra bản Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá chính là địa phương đầu tiên ký biên bản kết nghĩa trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thể hiện nguyện vọng của nhân dân là được thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết dân tộc, thân tộc giữa nhân dân hai bên biên giới, cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Tiếng loa mà chúng tôi được nghe chính là cặp loa chung của hai bản được treo trên cây, mỗi loa hướng về một bên biên giới, để thông báo những công việc chung. Phát thanh viên nói bằng tiếng Mông, ngôn ngữ cả 2 bên cùng nghe hiểu để thông báo tình hình thời tiết, kế hoạch sản xuất hoặc các gia đình có việc tang ma, hiếu hỉ… Hai bản cũng có một chiếc trống chung để dùng vào những ngày lễ tết hoặc sinh hoạt văn hóa, thể thao.

Đồng chí Vương Thị Phương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu - chia sẻ rằng, các thôn bản sau khi kết nghĩa đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền hai bên để phát triển kinh tế - xã hội. Phía bạn đã chuyển giao kỹ thuật và cung cấp các loại giống cây trồng, phân bón… cho các thôn bên ta phát triển sản xuất nông nghiệp. Đầu ra của sản phẩm do phía bạn phụ trách. Bản Lầu trở thành địa phương đi đầu trong việc đưa cây ăn quả chủ lực như chuối, dứa về với các thôn bản vùng biên và các thôn nội địa với diện tích lên đến hàng nghìn hécta. Với tổng thu nhập toàn xã hơn 60 tỉ đồng mỗi năm, từ một xã nghèo với nhiều núi đồi hoang hóa đến nay Bản Lầu không chỉ là điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp mà còn là điểm sáng văn hóa trên biên giới.

Anh Giàng Chúng - Trưởng bản Cốc Phương - hoàn thành nhiệm vụ “phát thanh viên” của bản tin “quốc tế” đón chúng tôi tại Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt-Trung. Đây là công trình do Bộ Quốc phòng Việt Nam xây tặng và toàn bộ bàn ghế, trang bị trong Nhà Văn hóa được Bộ Quốc phòng Trung Quốc trao tặng. Đã có rất nhiều anh chị em của đội văn nghệ bản quây quần ở đây chuẩn bị các tiết mục dân ca, dân vũ chào mừng Tết Độc lập. Hai năm qua, nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng hằng ngày, hằng tuần để bà con trao đổi những thông tin về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, là nơi giao lưu của nhân dân hai bên biên giới vào những dịp lễ, tết và những vụ mùa thắng lợi.

Giàng Chúng vừa nhận một cuộc điện thoại từ ông Vương Chính Phúc - Tổ trưởng tổ Tam Bình Bá bên kia biên giới - thông báo kế hoạch sang thăm hỏi, chúc mừng Tết Độc lập của bà con nhân dân tổ Tam Bình Bá nên rất phấn khởi. Anh bảo năm nào bạn cũng sang chúc mừng ta, nhưng Tết Độc lập năm nay của bà con người Mông ở Bản Lầu sẽ vui hơn mọi năm bởi vừa được mùa chuối và dứa, những người anh em bên kia biên giới tới chúc mừng cũng đông hơn mọi năm nên bản Cốc Phương đã chuẩn bị rất chu đáo. Anh nhẩm tính có lẽ phải mổ đến 3 con lợn, mấy chục con gà và các sản vật địa phương để tỏ thịnh tình đón khách gần xa.

Trên đường về xuôi, tôi cứ vấn vương mãi gương mặt hồn hậu của những người dân biên giới với tình yêu cuộc sống mộc mạc và bình dị. Trong ngày hội của non sông, từ những nơi rất xa, chúng tôi đã chìm đắm trong điệu khèn diệu vợi, trong men rượu cần chuếnh choáng. Những câu chuyện cha ông ta bảo vệ Tổ quốc và người dân biên cương hôm nay đang vươn lên làm chủ cuộc sống mới đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc quyết tâm của các dân tộc đã kiên gan gìn giữ nét văn hóa của cộng đồng mình dù trải qua chiến tranh, ly loạn hay những thiếu khó, cam khổ nơi xa xôi, khắc nghiệt.

VÂN ANH
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.