Tinh thần Tây Ban Nha

GHI CHÉP CỦA NHÀ VĂN DI LI |

Madrid đón tôi vào một ngày nắng cháy. Ngoi đầu lên mặt đất ở bến Sol, nơi sầm uất nhất Madrid với tượng con gấu đang kiễng chân - biểu tượng của thành phố, tôi mỉm cười thì thầm với mình trong ánh nắng gay gắt: Welcome to Madrid!

Cái khu Puerta del Sol ấy, không biết có khi nào mới đi ngủ. Tôi không thể chống mí mắt đến hết đêm để rình xem liệu người Madrid có chịu lên giường hay không. Thường là sau những quãng mất ngủ dài dằng dặc ở nhà, ở các cuộc hành trình này, tôi sẽ chìm vào giấc ngủ chỉ trong vòng một phút. Lúc kéo vali từ bến tàu điện ngầm Sol về khách sạn, tôi nhìn thấy Thái Hà bạn mình chạy ra đón. Hà và Hoàng đi bằng hàng không Air France, hạ cánh sau chúng tôi một tiếng nhưng giờ đã ngồi vắt vẻo ăn bít tết và uống soda chanh ở nhà hàng ngoài trời ngay dưới chân cư xá Madrid Motion. Là họ đi taxi nên về trước.

Vừa đến Madrid có một tiếng mà trông cả hai đã nhiễm “tinh thần Tây Ban Nha” rồi, ấy là bộ dạng rất đủng đỉnh và vui vẻ ngồi nhấm nháp bữa trưa dưới nắng trời vàng óng. Đến hôm sau thì tất thảy chúng tôi đều trở nên như vậy. Dường như sự vui nhộn đã ám vào từng viên gạch lát đường và những bờ tường cũ mòn của thành phố. Nhiều Việt kiều khi về nước hay chê Hà Nội, Sài Gòn lắm người, tôi bảo lắm sao bằng Rome, Istanbul và Madrid. Mấy đặc khu du lịch của thế giới ấy, ra quảng trường ngồi một lúc không hoa mày chóng mặt mới lạ.

1.

Trong đám đông không bao giờ ngừng chuyển động ấy, có lẽ đến ba phần tư là khách du lịch. Từ trung tâm Sol, có hàng chục nhánh tỏa về các hướng khác nhau hình thành nên khu phố đi bộ khổng lồ trải dài tới tận đại lộ Gran Via, cung điện hoàng gia và quảng trường Plaza Mayor. Trong tất cả các ngóc ngách cổ xưa ấy, người ta đi lại như đèn cù mà không có quãng nghỉ, và âm nhạc thì dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chiều hôm ấy có một ban nhạc biểu diễn ngay quảng trường Sol và cả ngàn người đứng xem say sưa với những chai bia lạnh trên tay. Từ phố Carmen, một cặp đôi chạc ngoài sáu mươi khoác vai nhau vừa đi vừa nhún nhảy và tiến dần ra quảng trường. Hai ông bà đều mặc soọc, thân hình đồng đều trên dưới một tạ, và khuôn mặt thì rất xấu xí với những rơi rụng của thời gian. Họ bước không được nhanh vì còn mải nhảy và hôn nhau. Tất nhiên, tôi chưa từng thấy cặp đôi lục tuần nào ríu rít hôn nhau giữa phố đông trước nghìn người qua lại.

Nhưng chẳng ai để ý tới họ, và họ cũng chỉ nhìn thấy mỗi nhau. Chỉ có tôi vô duyên đứng ngắm và về tả lại. Nhưng đấy chính là hai nhân vật điển hình của tinh thần Tây Ban Nha, mà sau này, mỗi lần nhớ về Madrid, họ sẽ xuất hiện trong ảnh não của tôi đầu tiên thay vì tượng Cervantes hay con gấu trèo cây, thậm chí cũng không phải đền đài cung điện lấp lánh và chợ cổ San Miguel náo nhiệt. Khoảnh khắc, tôi thấy họ đẹp đẽ biết bao, vẻ đẹp của thần thái ung dung, của sức sống mãnh liệt, của tình yêu lúc xế chiều mà ngào ngạt thanh xuân.

Người Tây Ban Nha làm gì cũng phải có nhạc, ngay cả biểu tình cũng vậy. Ba ngày ở Tây Ban Nha, chúng tôi đụng cả chục đám biểu tình. Riêng khu vực gần cổng Alcala đã có năm cuộc biểu tình cùng lúc, không rõ để đấu tranh chống lại sự gì ghê gớm nhưng ai nấy đều hớn hở và sung sướng như đi chơi chứ không có vẻ gì là nghiêm trọng cả. Trong ấy có một đám biểu tình nhìn là biết rõ ngay nội dung, dù tôi chẳng hiểu chữ nào trên các biểu ngữ. Cả đoàn mặc đồng phục đỏ, lưng có in lon Coca và dấu gạch chéo. Tẩy chay Coca-Cola, rõ rồi. Nếu muốn đi thẳng đến nghĩa địa nhanh hơn thì xin cứ việc ngày nào cũng ních mỳ gói và Coca. Tôi đồng ý. Thấy chúng tôi chụp ảnh cùng, họ thích chí lắm, trao luôn cho mỗi người một biểu ngữ mà giơ lên chụp ảnh cho oách. Tất nhiên chúng tôi biết rõ nội dung là anti Coca nên yên trí giơ cao, chớ không phải chống lại một nhà chính trị (được cho là độc tài) nào đó của Tây Ban Nha. (Ấy là cái bệnh sợ cố hữu của người Việt Nam vậy). Thực là một đoàn biểu tình vui nhộn.

Biểu tình ở Madrid.

2.

Nhưng cuộc biểu tình kinh hãi nhất là của các tài xế taxi toàn thành phố. Chuyện bắt đầu từ cái xe bia. Hôm ấy đang đi trên phố thì tình cờ tôi nhìn thấy một chiếc xe bia. Ôi Beerbike. Ôi Pedal Bar. Tôi nhìn thấy nó lần đầu tiên ở Budapest, trong một buổi chiều đẹp trời trên khu phố cổ. Đó là một loại quầy bar di động có gắn bánh xe và bàn đạp dưới mỗi ghế ngồi. Khách ngồi được từ 12 đến 18 người, vừa uống bia vừa chu du khắp thành phố, thường là khách sẽ tự thửa đồng phục cho đẹp. Lúc ấy thò cổ ra ngoài kính xe, nghĩ sao mà họ sướng thế, đến uống bia mà cũng nghĩ ra cách hưởng thụ thế kia. Sau về tra trên mạng thấy cả bên Berlin, Amsterdam, Prague… cũng đều có Beerbike. Tôi chụp vội số điện thoại trên nóc quầy bar di động ở Madird và tối ấy là chiến dịch săn tìm Beerbike trên mạng. Google chỉ dẫn Beerbike đỗ ở ga Atocha và muốn đăng ký thì đặt online, hoàn toàn không có địa chỉ cụ thể. Anh chàng lễ tân, như mọi nhân viên khách sạn khác ở Tây Ban Nha, như toàn cõi Tây Ban Nha, hầu không bao giờ sử dụng tiếng Anh, mới bập bẹ chỉ cho tôi cách ra ga Atocha, bởi cái xe đó sẽ đỗ ở cổng Bộ Nông Nghiệp ngay đối diện nhà ga. Anh ta nhất định không giúp chúng tôi gọi một cú điện thoại từ máy bàn hay di động, với lời giải thích: “Di động tôi không có, còn máy bàn ư, sếp của tôi lúc nào cũng ngồi sẵn trên hai vai đây này, sẽ quở trách tôi vì tội đụng vào của công”.

Cú điện thoại một xu của anh ta trở nên vô cùng to tát, và sau đó tôi đặt tên cho anh chàng là Người đàn ông Keo kiệt nhất thành Madrid. Vì không có điện thoại liên lạc, hôm sau chúng tôi phải bắt tàu điện ngầm ra Atocha, nơi mà ở đó ai cũng nhẵn mặt cái Beerbike ấy nhưng không biết làm cách nào để đặt nó. Chiếc điện thoại Roaming của tôi không thể liên lạc được với máy chủ của Beerbike. Nhưng cuối cùng, trưa hôm ấy, Natasha gọi lại cho tôi khi nhìn thấy cuộc gọi lỡ. Cô là người quản lý xe bia và đồng thời cũng là… tài xế. Natasha hẹn 11 giờ trưa mai, chúng tôi quay lại cổng Bộ Nông nghiệp, cô sẽ đón chúng tôi ở đó. Giá thỏa thuận là 15 euro/người, nhưng chỉ có… nước ngọt, không bia.

10 rưỡi ngày hôm sau, khi chúng tôi bắt đầu khởi hành, Natasha gọi điện thông báo sẽ đến trễ 15 phút vì hàng loạt lý do liên quan đến “xe tải” và “taxi” mà sự ồn ào của ngã tư Gran Via khiến tôi không thể luận ra được điều gì. Ra khỏi tàu điện ngầm, chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng nổ. Không có xe qua lại. Chỉ rất nhiều xe đứng im một chỗ với biểu ngữ chăng đầy. Những tiếng nổ ùng oàng bủa vây tứ phía quanh khu vực nhà ga Atocha khiến chúng tôi nhận ra dấu hiệu của một cuộc biểu tình. 11 giờ 20 vẫn chưa thấy người lái xe đâu cả. Anh ta đâu thể vào đây như mọi ngày. Chỗ này bị phong tỏa mất rồi. Tôi vô cùng hoang mang. Tôi gọi cho Natasha, bảo đoàn của tôi có 14 người mặc áo cờ đỏ sao vàng đang đứng chờ ở cổng Bộ Nông nghiệp, tôi báo cho cô là xe không thể vào được đâu, vậy cô hãy bảo tài xế đi bộ đến đón chúng tôi ra chỗ đậu xe.

11 rưỡi. Vẫn không thấy bóng dáng tài xế, trong khi người xe tụ tập mỗi lúc một đông. Những tiếng nổ đinh tai ngày càng dày đặc, mà thoạt đầu tôi cho là tiếng súng của cảnh sát, nhưng sau mới biết do những người biểu tình gây ra, bởi họ bắt đầu đốt một băng pháo đùng ngay giữa phố. Thuốc pháo tỏa khói mù mịt. Tất cả náo loạn. Họ bật thêm những điệu nhạc dance từ loa thùng. Họ hò reo. Tôi nhận ra một chiếc taxi và tranh thủ tiến lại gần:

- Chiều nay chúng tôi cần ra sân bay. Đoàn có 14 người và rất nhiều hành lý, nên chúng tôi cần 5 xe.

- Gì cơ? Xin lỗi tôi không chạy được. Hôm nay taxi toàn thành phố biểu tình chống lại Uber. Không ai chạy xe hết.

Ôi Uber và Grab, những tài xế thân thiết và quý mến với mọi khách hàng nhưng bị toàn thể giới taxi truyền thống trên khắp Trái đất ghét bỏ. Thì ra đây là cuộc biểu tình phản đối của tài xế taxi toàn thành phố. Họ bắt đầu quấn biểu ngữ quanh xe.

- Contra Uber. Contra Uber - họ nhắc đi nhắc lại với tôi.

Đi xe bia ở thủ đô Tây Ban Nha.

3.

Vậy là chiều nay chúng tôi lại phải khuân những chiếc vali nặng trịch xuống tàu điện ngầm ư? Sao không ra sân bay ngày nào mà lại nhằm trúng ngày taxi đình công. Lần này thì tôi không thể cầm biểu ngữ của họ lên chụp ảnh như với Coca được. Chúng tôi mắc kẹt trong đám đông hỗn loạn. 11 rưỡi rồi. Tôi tiếp tục gọi cho Natasha, gào lên trong điện thoại vì đôi bên không thể nghe thấy nhau giữa tiếng nổ ùng oàng và nhạc nhảy nhức óc. Cô bảo cô đang gần đến nơi đây. Là cô chứ không phải tài xế nào khác. Một số người trong nhóm của tôi trở nên sợ hãi. Họ muốn bỏ cuộc và quay trở về khách sạn. Gần đây chẳng đã có bao nhiêu cuộc khủng bố đánh bom liều chết hoặc lao xe tải vào đám đông hay sao, mà cái không khí nháo nhác này thì đã giống hệt khủng bố rồi. Không, tôi quan sát khuôn mặt các tài xế taxi, y như lúc quan sát thái độ của các chiêu đãi viên hàng không khi máy bay vấp phải vùng thời tiết xấu mà lao đầu lên xuống như thể chuẩn bị rụng mất một cách. Nếu họ vẫn bình thản, ấy là tôi có thể yên tâm. Những người tài xế đang thản nhiên dán biểu ngữ vào thành xe, động tác chậm rãi tỉ mẩn dường như đang trang trí tiệc cưới, mặc kệ khói thuốc pháo bay mù trời và những tiếng nổ vẫn nối tiếp nhau không ngừng. Dù sao chúng tôi cũng bắt đầu rút lui khỏi đám đông (có vẻ rất) nguy hiểm để nấp vào trong một ngõ nhỏ.

Tôi tiếp tục gọi điện thoại và bắt đầu nổi cáu:

- Natasha, cô đâu rồi? Chúng tôi phải ra sân bay chiều nay và không thể tiếp tục đợi mãi trong cái đống 
này được.

- Tôi đang đứng trước cổng Bộ Nông nghiệp. Chị ở đâu? Nếu chị vội quá, chúng tôi có thể hoàn lại tiền.

Và trong khoảnh khắc hét lên qua điện thoại, chúng tôi nhìn thấy nhau. Tóc bạch kim trẻ măng vội vã tiến lại gần Áo đỏ và xin lỗi rối rít. Cô gái có vẻ quen thuộc với cái trò náo loạn này rồi. Natasha dẫn chúng tôi ra phía đầu phố. Ở đó bình yên tuyệt đối, ai vẫn làm việc nấy. Lác đác vài bà đi chợ sáng lững thững, chẳng ai buồn liếc mắt đến đám đông “khủng bố”. Xe bia kia rồi. Nó đang được một chiếc xe tải thả xuống đường. Chà, chiếc xe bia này không thể tự chạy được một mình, nó cần được vận chuyển bởi xe tải. Và cái từ “xe tải”, “taxi” được Natasha nhắc đi nhắc lại hồi sáng có nghĩa là “Taxi đình công, họ đã quây kín khu vực xe bia thường đỗ và vì vậy xe tải không thể chở xe bia vào được. Chúng tôi bị kẹt nên sẽ đến muộn một chút”.

Tất cả hớn hở lên xe, mỗi người một ghế quầy bar, chân chễm chệ lên bàn đạp. Natasha giúp chúng tôi bỏ đồ đạc lên giá đỡ bên trong rồi chỉnh tề ngồi vào ghế lái sau khi bật nhạc và phát cho mỗi người một lon nước ngọt. Không nhiều lựa chọn, Fanta, Coca và SevenUp. Nhưng ăn uống là phụ, chơi là chính chớ.

- Go! Go! Đi thôi - cô hét lên - mọi người đạp mạnh vào.

Tôi khởi động chân. Ôi sao nặng thế này. Xe chạy chậm như rùa bò. Nhạc đang rất bốc và trời thì rất đẹp, chúng tôi muốn nó đi nhanh hơn nữa.

- Cô cho xe chạy nhanh đi Natasha.

- Làm sao tôi cho chạy nhanh được, nó làm gì có động cơ. Mọi người phải đạp thôi.

Phút phấn chấn ban đầu qua đi. Ảnh chụp xong rồi. Clip cũng đã quay xong. Nước ngọt uống gần hết và con đường này đang lên dốc. Ngày xưa nó từng là một quả đồi thì phải. Tôi thấy mệt quá. Bàn đạp càng lúc càng nặng và chắc Natasha chưa từng thấy đội Beerbike nào đạp yếu như đội cờ đỏ sao vàng.

- Go! Go! Go! - Natasha hò hét cổ vũ và bật to nhạc lên, nhưng vô ích.

Đi xe bia sao khổ thế. Nó không sung sướng như lúc tôi nhìn thấy Beerbike chạy ngoài đường, xe bon bon và người thì cứ việc ngồi trên xe nốc bia mà chém gió. Rất nhiều người dừng lại xem chúng tôi. Họ cũng thấy cái sự hưởng thụ này ra chiều sung sướng lắm, in như tôi từng thèm muốn ngắm nhìn những chiếc xe bia trước đó vậy. May thay lúc quay đầu trở về bến, xe đi xuống dốc và chúng tôi không cần phải đạp. Chúng tôi chỉ đạp từ đầu phố đến cuối phố rồi vòng lại, vậy thôi. 
Hết tiền.

4.

Tôi bắt tay cảm ơn Natasha rồi chào tạm biệt. Hồi lâu vẫn thấy cô gái tóc bạch kim ngồi yên trên ghế lái và tự uống một lon Fanta. Hóa ra cô chờ xe tải đến. Chiếc xe bia không có động cơ, nó không thể tự chạy đi đâu được. Nhưng mà… thôi thì có phải ai cũng được ngồi xe bia đâu. Muốn đi xe bia, phải huy động được hơn chục người lận. Và đi xe bia ở Madrid, cũng chính là đang hưởng thụ cái tinh thần Tây Ban Nha vậy.

Người Tây Ban Nha vui nhộn nên họ sở hữu rất nhiều lễ hội, mà toàn là lễ hội ngộ nghĩnh, kỳ quặc và tốn kém như lễ hội ném cà chua La Tomatina ở Bunol với hơn một tấn cà chua tươi bị hóa thành chất lỏng; lễ hội ném trứng và bột mỳ Els Enfarinats ở Ibi với 1.500 quả trứng và 300 cân bột; lễ hội ném kẹo La Merengada ở Catalonia; lễ hội ném nho ở Pobla del Duc với gần trăm tấn nho; lễ hội xịt rượu vang ở Haro với hàng ngàn lít rượu đi tong. Tây Ban Nha được mệnh danh là quốc gia có nhiều lễ hội ném đồ ăn nhất thế giới. Những lễ hội chơi trò “ma bùn” này rất được ưa chuộng bởi sự vui vẻ của nó, và cả lòng kiêu hãnh nữa, khi người Tây Ban Nha từ thuở xa xưa đã ngầm phô diễn sự giàu có và thịnh vượng: Chúng tôi không chỉ đủ ăn, chúng tôi thừa đến mức mang ra nghịch chơi.

Tinh thần Tây Ban Nha còn thể hiện ở việc người xứ bò tót vô cùng tự hào về ngôn ngữ của dân tộc mình, ngôn ngữ quan trọng thứ hai trên thế giới với hơn 400 triệu người sử dụng, đến độ không ai thèm học ngoại ngữ và ngoài người trực quầy thông tin du lịch ở cổng hoàng cung thì Natasha là cô gái Tây Ban Nha duy nhất tôi chứng kiến có thể sử dụng tiếng Anh tương đối thành thạo. Trên phương diện này thì người Tây Ban Nha cũng tệ chả kém gì người Trung Quốc. Không ở đâu giữa Madrid người ta có thể tìm thấy ngoại ngữ. Thậm chí trong bảo tàng vũ khí của cung điện hoàng gia, một trong những bảo tàng quan trọng nhất nước mà chủ yếu dành cho khách du lịch, chỉ duy nhất tiếng Tây Ban Nha trên các biển chú dẫn. Ai đọc được thì đọc, còn không hiểu thì thôi, về mà học… tiếng Tây Ban Nha. Lễ tân khách sạn bốn sao cũng đánh vật với tiếng Anh một cách khốn khổ, còn các nhân viên khách sạn Palacios của tôi, một khách sạn chuyên phục vụ khách du lịch bụi ngoại quốc kiểu khách sạn phố tây Đề Thám và Ngõ Huyện, đều chỉ có thể nói chuyện với khách bằng cách khua chân múa tay. Thú thực là tôi cũng nể họ, vì lòng kiêu hãnh dân tộc mà có thể chịu đựng được việc ngày này qua ngày khác nói chuyện bằng tay với khách hàng chứ nhất quyết không chịu bỏ ra ba tháng theo học lớp tiếng Anh cấp tốc vào buổi tối.

GHI CHÉP CỦA NHÀ VĂN DI LI
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.