Tình người trong bão lũ và những cái chết không đáng...

T.Minh - H.Long |

Chỉ tính đến ngày 7.11, tức 5 ngày sau khi bão số 12 chính thức vào biển Đông, toàn miền Trung đã có khoảng 69 người chết, 30 người mất tích. Và một phần không nhỏ trong con số 69 là những cái chết không đáng chết. Họ đáng ra được sống nếu như việc “tự quản tại chỗ” của chính quyền các địa phương tốt hơn.

Anh hùng bất đắt dĩ

“Anh hùng cứu 200 người trong bão biển” hay đại loại thế là những tít bài xuất hiện liên tục suốt mấy hôm nay trên báo chí và mạng xã hội viết về anh Nguyễn Bá Luân - Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và 7 đồng nghiệp đã dũng cảm lao mình ra biển cứu hơn 200 người ở Vạn Ninh (Khánh Hòa).

“Trước lúc bão số 12 đổ bộ đất liền, tôi cùng 7 người khác là nhân viên của công ty thu dọn vật dụng và đồ đạc tại công ty để tránh bão” – anh Luân nhớ lại.

Anh Luân (đứng giữa) trò chuyện với các nhà báo sau khi cứu 200 người. Ảnh: Dân Trí
Anh Luân (đứng giữa) trò chuyện với các nhà báo sau khi cứu 200 người. Ảnh: Dân Trí

“Lúc ấy gió ở vịnh Bắc Vân Phong đã lớn, chúng tôi phát hiện một số chủ lồng bè cố bơi vào bờ cầu cứu. Biết rằng có thể còn nhiều người đang mắc kẹt ngoài kia nên tôi cùng các nhân viên dùng 3 chiếc ca nô ra biển để cứu nạn”.

Theo anh Luân, cảnh tượng khi ấy, hoang tàn và đổ nát, tất cả mọi thứ nằm ngổn ngang, lộn xộn trên mặt nước. Phần lớn bè nuôi hải sản của người dân đều bị đánh chìm. Nhiều ngư dân bám víu vào thùng phuy hoặc bất cứ vật gì nổi trên mặt nước và họ đã cạn kiệt sức lực do gió và sóng biển đánh tới tấp.

“Chúng tôi dùng đèn pin, đèn pha dò tìm người gặp nạn. Hơn 30 phút sau, chúng tôi đưa được những người đầu tiên bị đuối sức vào bờ. Cứ hết chuyến này đến chuyến khác, chúng tôi tiếp tục quay ra cứu các ngư dân còn lại. Có khoảng 200 ngư dân bị gặp nạn được anh em đưa vào bờ an toàn", anh Luân nhẩm tính.

Ông Linh, một ngư dân may mắn được anh Luân cứu sống cho biết, do mấy chục năm chưa có bão đổ bộ vào vùng biển này nên người dân có phần lơ là, thiếu cảnh giác. Bên cạnh đó, lồng bè nuôi thủy sản là cả cơ nghiệp của ngư dân nên nhiều người vẫn bất chấp cơn bão, ra biển để bảo vệ lồng bè.

“Nhiều người dân phải trốn ngược ra bè giữa biển sau khi đã bị chính quyền bắt vào bờ tránh bão. Không trốn ra sao được khi hàng tỉ đồng nợ nần ngân hàng đang ngoài đó. Nếu gió cấp 7, cấp 8 thì việc họ có mặt tại bè sẽ cứu được cả cuộc đời” – ông Linh nói.

Nhưng không may cho ông Linh và người dân là "nếu so với cơn bão năm 1993 thì nó không là gì với cơn bão này. Gió to lắm, chỉ mấy phút mà những luồng gió đã xoáy mạnh, đánh chìm toàn bộ bè cá của người dân ở đây. Nhiều người trên bè bị rơi xuống biển mà chỉ biết bấu víu vào mấy chiếc thùng nhựa với hy vọng sống sót”.

"Tôi rơi xuống biển vào 6h sáng thì đến 14h chiều cùng ngày được cano của anh Luân ứng cứu. Lúc đó trên biển còn rất nhiều người giống tôi và được các anh ấy cứu kịp thời” – ông Linh kể lại.

“Thời điểm ấy chỉ có bộ đội biên phòng với người của chú ấy ra cứu người gặp nạn chứ không ai dám ra cả. Nếu không nhờ anh Luân và nhóm thanh niên, người làm cho anh ấy đến cứu hộ thì không biết bây giờ chúng tôi ra sao. Người dân ở đây biết ơn các chiến sĩ và người công ty Sơn Nam lắm”, chú Lơn, một trong những ngư dân may mắn được đưa vào bờ an toàn thời điểm đó cho hay.

Gặp chúng tôi, anh Luân tỏ ra xấu hổ khi những bản tin trên báo gọi mình là “anh hùng”. Anh bảo “đó là việc làm bình thường, nếu như trong hoàn cảnh đó, tôi tin rằng sẽ có nhiều người hành động như mình”. Và “đừng gọi đó là anh hùng, vì sẽ có rất nhiều người suy nghĩ như chúng tôi. Họ gặp nạn nên giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn là việc nên làm”.

Bão lũ miền Trung ngoài thiên tai còn có “nhân tai“. Ảnh: T.L
Bão lũ miền Trung ngoài thiên tai còn có “nhân tai“. Ảnh: T.L

Ngoài thiên tai còn có nhân tai

Chỉ tính đến ngày 7.11, tức chỉ 5 ngày sau khi bão số 12 chính thức vào biển Đông, toàn miền Trung đã có 69 người chết, 30 người mất tích, 1.358 nhà sập đổ, 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng. Trước đó chưa đầy nửa tháng – tính đến cuối ngày 16.10, đã có 75 người chết, 28 người mất tích trong đợt mưa lụt lớn, xả lũ, sạt lở. Gia sản trôi theo 10.362 con gia súc, 301.449 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, chưa kể hàng nghìn hecta lúa màu mất trắng. Rồi một tháng trước nữa là 6 người chết, 37 người bị thương trong bão số 10.

“Chúng ta đang đối mặt với hiểm họa” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thốt lên như vậy trong cuộc họp với các tỉnh miền Trung chiều 5.11. Hiểm họa là “nhiều hồ đã đầy nước, bị sự cố sẽ là thảm họa”. Là thủy điện đồng loạt xả lũ khiến thiên tai chồng với nhân tai. Là theo thống kê của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT), cả nước có trên 2.900 hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng với tổng dung tích trên 65 tỷ m3. 65 tỷ m3 tương đương với lượng nước dùng trong nông nghiệp trong vòng một năm trên toàn quốc, tương đương 7,8% tổng lượng nước mặt trung bình năm của Việt Nam.

Và tại cuộc họp chiều 5.11, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cảnh báo: “Ở Bắc Trung Bộ, hồ chứa lớn đã đầy 70-90%, hồ chứa nhỏ 100% đã đầy nước. Nam Trung Bộ hồ chứa cũng trong tình trạng đầy 80-100%, mực nước và lưu lượng tăng rất nhanh”.

Hiểm họa, là chính con người góp phần tạo ra cho mình khi rừng tiếp tục bị đốn hạ, chuyển đổi rừng thành đất làm dự án, từ thủy điện, du lịch tâm linh, khách sạn, đến biệt phủ, công viên nghĩa trang… Mới đây, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ NN-PTNT viết trên một tờ báo: “Từ những năm 1995, chúng ta đã phá bỏ diện tích rừng lớn cho triển khai quy hoạch thủy điện, và kinh nghiệm cho thấy dù có đầu tư tiền để tái sinh thì cũng phải 50 năm mới phục hồi, mới ngăn được dòng chảy mỗi lần lũ xuống”.

Hiểm họa đến từ việc “giá như” của sợi dây kinh nghiệm. Ví như cơn lũ dữ ở Bình Định năm trước, đã có những cái chết không thể vô duyên hơn như một thanh niên bơi ra nhà ông trưởng thôn để báo cáo việc nhà mình đã sập và bị lũ cuốn trôi. Hay một bà mẹ trẻ là công nhân trên đường đi làm về thì bị lũ ngăn lại ở đập tràn. Thay vì quay lui tìm chỗ trú qua đêm thì bà mẹ trẻ này quyết tâm về nhà với chồng con và bị lũ cuốn trôi 6 ngày sau mới tìm thấy xác.

Hay như hôm 6.11 ở xã Nam Giang của huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), núi đã lở và hai vợ chồng trong lúc hỗn loạn đã không thể nào “lôi” theo được cô con gái là nữ sinh lớp 11 đang còn ngủ ngon trên giường. Và một gia đình ước tính thấy nhà mình không an toàn lắm nên xin qua nhà hàng xóm để tránh lũ. Tuy nhiên số phận run rủi, đêm ấy núi lại sạt lở đổ xuống ngay nhà ông hàng xóm. Và thế là cả hai gia đình bị vùi lấp trong bùn đất.

Có thể những phận người vừa kể sẽ không sớm từ bỏ thế gian này nếu như các địa phương ngoài phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) còn quán triệt thêm tại chỗ thứ 5 là “tự quản tại chỗ”. Tự quản một cách quyết liệt và sẵn sàng dùng biện pháp mạnh nhất để đưa cho bằng được người dân đến nơi an toàn.

Một lỗ hổng không hề nhỏ về công tác điều hành và sự chuẩn bị của chính quyền các địa phương đã lộ ra sau hai trận bão – lũ nối liền nhau ở miền Trung những ngày qua. Những thiệt hại không thể đong đếm về con người và tài sản có nguyên nhân đến từ “ông trời”, nhưng không thể không nhắc đến sự chủ quan, chưa lường trước hết mọi tình huống của con người.

T.Minh - H.Long
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.