Tìm nguồn nước chống hạn ở Tây Nguyên: Tai nạn chết người đang rình rập

PHÓNG SỰ CỦA ĐẶNG TRUNG KIÊN |

Trong cơn đại hạn, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã làm mọi cách, thậm chí bất chấp nguy hiểm để tìm nước cứu vườn cây - tài sản lớn nhất của họ. “Cuộc chiến” chống hạn không chỉ tiêu tốn tiền của, sức lực, mà còn cướp đi nhiều mạng người do những vụ tai nạn lao động liên tiếp xảy ra.

Xuống “âm phủ” tìm nước

Dưới cái nắng như rang, hàng chục người dân ở xã Cư Né (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) chen chúc đào, khoan. Tiếng máy móc đinh tai nhức óc nơi đầu nguồn con suối lớn cạnh đường Hồ Chí Minh. Giữa lòng suối cạn, những cái ao vuông ban đầu được thi công bằng máy múc, về sau hết nước nên người dân đào mãi, tạo thành những cái giếng sâu vài chục mét. Từ trên miệng giếng, tôi rùng mình khi thấy bên dưới có hai người đàn ông đang hì hục, bì bõm dùng máy khoan đục ngang vào lòng đất. Dây điện từ đâu kéo xuống, gắn vào chiếc máy khoan lúc chìm, lúc nổi trong mớ bùn nhão nhoét. Bám sợi dây trèo lên khỏi giếng, anh Lê Văn Hậu - trú thôn 6, xã Cư Né - hổn hển nói: “Đào sâu được 20 mét rồi, toàn bùn nhão chứ không có nước, do vậy tôi phải khoan ngang 11 mũi, trong đó 4 mũi sâu 100m để rút nước về”. Phía trên bờ, ở lưng chừng quả đồi, một chiếc xe công nông đang nhả khói. Hóa ra người dân phải dùng máy nổ chạy dầu diesel phát điện cho máy khoan, nếu có nước lại tiếp tục phát điện để chạy máy bơm. “Nếu không làm cách này thì phải đào thêm một cái hố sâu bên cạnh, rồi thả máy nổ xuống, khoét một lỗ vòi sang giếng hút nước lên, vì vòi bơm của máy nổ không thể dài hơn 10 mét được” - chị Nguyễn Thị Hải - vợ anh Hậu, nói.

Do quá nhiều giếng giữa lòng suối, mà giếng nào cũng khoan ngang cả chục mũi nên đụng nhau loạn xạ, giếng nọ thông giếng kia. Chỉ cần một giếng bơm, các giếng còn lại sẽ bị rút sạch nước nên người dân phải bốc thăm rồi chờ đến lượt bơm. “Tôi bốc trúng số 5, nhưng mới tưới đến người thứ 3 đã hết nước rồi, không may mắn thì chịu thôi” - ông Thái Hồng Vinh thởi dài. Tuy nhiên, ngay cả các giếng không thông với nhau, lượng nước vét được cũng không đáng kể. Bà con lại họp tiếp, tất cả cùng bơm, nhưng cùng đổ nước vào một giếng, rồi lần lượt tưới cho từng hộ. Nhưng như ông Vinh nói: “Lượng nước tích được sau 48 giờ của tất cả các giếng chỉ đủ cho máy bơm hoạt động… 30 phút, nghĩa là tưới được 30 phút lại chờ 48 giờ cho nước kịp rỉ ra. Nhóm tôi có 5 hộ, gom lại gần 4,5ha càphê, nếu cứ như vậy thì biết mấy năm mới tưới hết, chưa đến lượt càphê đã cháy rồi”.

 Dưới đáy giếng sâu 15m, người dân thôn 6, xã Cư Né đang khoan ngang hàng chục mũi, mỗi mũi dài hàng trăm mét để tìm nước ngầm tưới càphê. Ảnh: Đ.T.K

Tại xã Ea Sin (huyện Krông Búk), giàn máy khoan di chuyển từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào đang hoạt động hết công suất. Anh Nguyễn Văn Hào - một chủ giàn khoan ở Nghệ An - kể: “Chủ vườn có 1,2ha càphê, nhưng đây là cái giếng thứ 7 họ thuê tôi làm. Chi phí khoan mỗi giếng 30 triệu đồng, nếu không có nước thì chủ vườn chỉ trả chúng tôi một nửa tiền”. Còn chủ vườn - ông Hà Hữu Tào - nói: “Với 6 giếng không có nước, tôi đã mất hơn 100 triệu đồng rồi, nếu cái thứ 10 vẫn không có nước tôi mới bỏ cuộc”.

Những cái chết thương tâm

Trước tình hình hạn hán khốc liệt, nguy cơ trắng tay khi tài sản lớn nhất là vườn càphê chết cháy, người dân đã bất chấp nguy hiểm, tìm nước chống hạn bằng mọi giá. Mới đây nhất, ngày 22 và 24.3, tại xã thôn Thắng Thạch 2 (xã Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn lao động (TNLĐ), khiến ông Trần Văn Mười và anh Nguyễn Văn Chung tử vong, nguyên nhân đều là do máy bơm chập điện, ông Mười và anh Chung lội xuống nước sửa chữa và bị điện giật chết. Còn tại xã Ea Ngai - huyện Krông Búk, Đắk Lắk - cũng vừa xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng khiến 2 người dân thiệt mạng. Vào thời điểm sự việc xảy ra - ngày 17.2, 5 người dân ở xã Ea Ngai vào khu vực Suối Cụt đào mương dẫn nước về tưới càphê. Khi đào đến độ sâu 3m, rộng 5m thì toàn bộ phần đất bên trên bất ngờ sập xuống, 2 người bị vùi lấp chết tại chỗ là anh Nguyễn Văn Lĩnh (32 tuổi) và anh Võ Tấn Sơn (33 tuổi). Thương tâm hơn là trường hợp vợ chồng anh Trần Văn Tam (41 tuổi) và chị Đinh Thị Kim (36 tuổi) - trú tại xã Đại Lào (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng). Để cứu vườn càphê sắp khô cháy, trong khi không còn nguồn nước nào để tưới, anh Tam thuê máy múc đào một cái hồ rộng 120m2, sâu hơn 13m. Sáng ngày 6.3, anh Tam thắt dây an toàn rồi xuống hồ lắp ống tưới càphê, không may sợi dây bị tuột nên anh Tam rơi xuống, kéo theo chị Kim. Do mực nước dưới hồ sâu hơn 3m, bốn phía thẳng đứng, không có chỗ bấu víu nên hai vợ chồng chết đuối, đến trưa hôm sau mới được người dân địa phương phát hiện. Anh chị mất đi để lại hai con thơ - một cháu 14 tuổi và một cháu mới 8 tuổi.

Phần lớn người trồng càphê ở Tây Nguyên chỉ mong kiếm đủ nước để vườn cây không bị chết, chứ không hy vọng thu hoạch được gì, dù bao nhiêu tiền phân bón, xăng dầu và sức người đã... “hút sâu vào đất”.

PHÓNG SỰ CỦA ĐẶNG TRUNG KIÊN
TIN LIÊN QUAN

Thoi thóp sông Đồng Nai (kỳ 2): Mọi thủ đoạn “móc ruột” lòng sông

NHÓM PV |

Cách đây hơn 20 năm, con sông Đồng Nai hiền hòa uốn quanh, ôm tròn Cù lao Rùa, với những bến sông bình yên, tỏa rợp bóng cây bằng lăng…Vậy mà bây giờ, người dân sống ngay trên Cùa lao Rùa chỉ còn chua chát nói: “Bọn “cát tặc” đang từng ngày khoét rỗng ruột lòng sông. Chúng nó đang mỗi ngày bào mai một Cù lao Rùa… Đau lắm, nhưng chưa ai làm được gì để cứu sông, cứu cù lao”.

Thoi thóp sông Đồng Nai

PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA CỦA NHÓM PHÓNG VIÊN LAO ĐỘNG |

Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực. Chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh... Với lịch sử hình thành lâu đời và gắn liền với sự hình thành các vùng đất phì nhiêu vùng Đông Nam Bộ, các đô thị đang phát triển, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu cư dân ven hai bên bờ, trên suốt chiều dài gần 600km. Thế nhưng, chưa bao giờ sông Đồng Nai bị xâm hại nghiêm trọng như bây giờ! Sự khốc liệt này không còn là cảnh báo, mà đã phơi bày toàn diện chỉ sau vài năm các thủy điện vận hành, các đô thị phát triển ồ ạt... Phóng viên Lao Động thực hiện chuyến khảo sát dài ngày ngược xuôi từ thượng nguồn đến hạ du sông Đồng Nai.

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Thoi thóp sông Đồng Nai (kỳ 2): Mọi thủ đoạn “móc ruột” lòng sông

NHÓM PV |

Cách đây hơn 20 năm, con sông Đồng Nai hiền hòa uốn quanh, ôm tròn Cù lao Rùa, với những bến sông bình yên, tỏa rợp bóng cây bằng lăng…Vậy mà bây giờ, người dân sống ngay trên Cùa lao Rùa chỉ còn chua chát nói: “Bọn “cát tặc” đang từng ngày khoét rỗng ruột lòng sông. Chúng nó đang mỗi ngày bào mai một Cù lao Rùa… Đau lắm, nhưng chưa ai làm được gì để cứu sông, cứu cù lao”.

Thoi thóp sông Đồng Nai

PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA CỦA NHÓM PHÓNG VIÊN LAO ĐỘNG |

Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực. Chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh... Với lịch sử hình thành lâu đời và gắn liền với sự hình thành các vùng đất phì nhiêu vùng Đông Nam Bộ, các đô thị đang phát triển, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu cư dân ven hai bên bờ, trên suốt chiều dài gần 600km. Thế nhưng, chưa bao giờ sông Đồng Nai bị xâm hại nghiêm trọng như bây giờ! Sự khốc liệt này không còn là cảnh báo, mà đã phơi bày toàn diện chỉ sau vài năm các thủy điện vận hành, các đô thị phát triển ồ ạt... Phóng viên Lao Động thực hiện chuyến khảo sát dài ngày ngược xuôi từ thượng nguồn đến hạ du sông Đồng Nai.