Bút ký - Phóng sự dự thi về 50 năm chiến thắng Khe Sanh:

Tiền ra ngoài rẫy tiền mang tiền về…

ĐÀO TÂM THANH |

Vừa chạm mặt phố núi Khe Sanh, anh Nguyễn Văn Siêu - Giám đốc Agribank Hướng Hóa (thuộc Agribank tỉnh Quảng Trị) - đã giục: “Anh đi vùng bản với tôi, xem cây càphê, cây chuối, con heo, con dê, con bò… được triển khai theo phương thức dân vay, dân trồng, dân nuôi, dân hưởng lợi và dân trả tiền lãi cho ngân hàng nhanh, đúng, trúng, hiệu quả”.

Tôi nghe theo lời anh, xuôi đại lộ Hùng Vương mới mở, đi về phía những cánh rừng. 

Những đồng tiền “định cư” trong chuồng ngoài trại

Chưa ra khỏi thị trấn Khe Sanh, đã thấy màu xanh của những nông trại khỏa lấp cả một miền nắng gió, sinh sôi trên từng thớ đất bazan vạm vỡ. Ai đã từng đến Khe Sanh thời bời bom đạn, bây giờ thăm lại nơi này, không thể không nhận ra một véc- tơ rõ ràng của sự hồi sinh.

Dọc đường đi, anh Siêu cho biết, từ năm 1988, anh đã lên Hướng Hóa, làm cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank). Thời đó, để gùi tiền vào giải ngân cho dân vay ở Hướng Lập, Hướng Việt, cách trung tâm đến hơn 50 cây số, hay như Ba Tầng tầm 30 cây số, những cán bộ tín dụng như anh Siêu phải bỏ tiền vào balô, miệt mài cuốc bộ, trèo đèo lội suối, ngày đi đêm nghỉ.

Mà nào đã xong, khi dân nhận tiền rồi, lại phải vận động, hỗ trợ, tư vấn dân nên đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả; có khi còn cầm tay chỉ việc, làm mẫu cho dân biết để nghe theo. Nếu không quan tâm cho vay và tư vấn cách thức làm ăn tới nơi tới chốn, có trường hợp dân vay tiền xong, bỏ vào ống tre, gác trên mái tranh, ngày qua tháng lại đến hẹn xóc ống trả đủ tiền gốc cho ngân hàng vì loay hoay không biết làm gì để đồng tiền sinh lợi, tệ hơn là xâm tiêu vào đồng vốn gây nên nợ xấu.

Đã là đồng tiền tín dụng thì không được “du canh du cư” với người mà phải “định cư” trong chuồng, ngoài rẫy, quay vòng theo nông vụ, đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi sao cho thật hiệu quả để đem lại lợi nhuận, xốc dậy kinh tế gia đình, địa phương.

Chị Hoàng Thị Huyền, thôn Tân Vĩnh, Hướng Tân chăm sóc đàn gà. Ảnh: ĐTT.
Chị Hoàng Thị Huyền (thôn Tân Vĩnh, Hướng Tân) chăm sóc đàn gà. Ảnh: ĐTT.

“Trong ba lô chỉ 100 triệu đồng, nhưng chừng đó tiền thời điểm cách nay hơn 20 năm cũng lớn lắm. Thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, chúng tôi vào tận bản, cho dân vay chăn nuôi, trồng trọt. Mỗi con heo giống lúc bấy giờ chỉ có giá 50.000 đồng, con bò giống khoảng 500.000 đồng. Dân bản vay từng món nhỏ, khoảng 1 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế gia đình.

Bây giờ có dịp đi qua những vùng đất trước đây mình đã gùi tiền vào bản cho bà con vay, tận mắt thấy những mảnh ruộng lúa nước, cao su, càphê  xanh tốt, trâu bò, heo gà đàn đàn lũ lũ, chứng kiến cuộc sống người dân được cải thiện nhiều, tự dưng thấy phấn chấn trong lòng…”, anh Siêu bộc bạch.

Đến thôn Xary, xã Hướng Phùng, chúng tôi gặp anh Hồ Văn Phú - người trồng càphê có tiếng ở đây. Với nhiều hộ gia đình ở vùng Khe Sanh, Hướng Hóa, cà phê chính là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất. Bình quân mỗi hộ gia đình có từ 1-2 ha, hộ nhiều có từ 5-7 ha. Với nguồn thu nhập ổn định từ trồng càphê kết hợp chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống ổn định, khá giả.

Theo thống kê, diện tích càphê chè ở xã Hướng Phùng chiếm 60% tổng diện tích trồng càphê của huyện Hướng Hóa. Tổng số hộ trồng càphê trong vùng trên 1.250 hộ. Những năm qua, các hộ gia đình nơi đây đã mở rộng diện tích trồng càphê, vay vốn Agribank để chăm sóc, cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cây.

Gia đình anh Phú từ Vĩnh Thái, Vĩnh Linh lên Hướng Phùng lập nghiệp từ năm 1998. Khởi đầu trên quê mới là những chuỗi ngày kiên khổ, những người đàn ông cứng dạ như anh Phú phải vượt qua thiếu thốn đủ bề để có thể trụ lại nơi này. Bắt tay trồng cây càphê, người dân phải đối diện với cái sự thiếu “hai trong một”: Thiếu tiền mua giống cây và phân bón, chung quy vẫn là thiếu đồng vốn đầu tư để khởi nghiệp.  

Agribank Hướng Hóa đã kịp thời đến với người dân, vận dụng cho vay tín chấp số tiền 2 triệu đồng/hộ. Khi đã bắt đầu có thu nhập từ cây càphê, dần dà, gia đình anh cũng như người dân quanh vùng mua thêm đất rẫy để mở rộng diện tích, kết hợp với chăn nuôi để có thêm thu nhập.

Anh Hồ Văn Phú bên ngôi nhà khang trang của mình ở thôn Xary, Hướng Phùng, Hướng Hóa. Ảnh: ĐTT.
Anh Hồ Văn Phú bên ngôi nhà khang trang của mình ở thôn Xary, Hướng Phùng, Hướng Hóa. Ảnh: ĐTT.

Ngân hàng này cũng đã tăng dần mức cho vay đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của các hộ gia đình, đủ trang trải chi phí chăm sóc vườn cây cũng như thu mua càphê khi đến vụ. Dù giá càphê có xuống thấp đi nữa, theo tính toán của anh Phú, vẫn có lợi hơn trồng lúa như ở một số vùng đồng bằng. Với mức giá bình quân 6.000-7.000 đồng/kg càphê, trừ chi phí chăm sóc cũng có lãi.

Bây giờ, anh Hồ Văn Phú đã là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi của xã Hướng Phùng.

Giàu khó nhọc nên… bền vững

Mặc dù đã có đặt cuộc hẹn, nhưng khi vào thăm nhà anh Hồ Minh Đức ở khóm 7, thị trấn Khe Sanh, chúng tôi cũng phải chờ đợi ít lâu vì anh bận cho… heo ăn. Anh Đức là người dân tộc Vân Kiều, có bản quán ở xã A Túc, năm 1980 cả nhà ra Khe Sanh ở. Sau khi lập gia đình, anh Đức vào khóm 7 lập nghiệp.

Trên diện tích 3.000 mét vuông đất, anh vay vốn ngân hàng trên 600 triệu đồng, cộng với nguồn vốn tự có tổng cộng gần 2 tỉ đồng, đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín để chăn nuôi heo. Với 40 con heo nái, 300 con heo thịt được chăn nuôi theo quy trình khoa học, lộ trình làm ăn đang hanh thông thì dịch bệnh và sự nóng lạnh thất thường của giá cả một lần nữa thử thách bản lĩnh của người đàn ông 45 tuổi này.

Cơn "bão giá heo" đã bắt đầu manh nha từ tháng 10.2016. Vào thời điểm ấy, thay vì tăng giá theo quy luật thị trường do cận kề Tết Nguyên đán, giá thịt heo lại bắt đầu chu kỳ giảm giá. Càng cận Tết, giá thịt heo hơi càng giảm, ở nhiều nơi chỉ còn 25.000-30.000 đồng/kg, người chăn nuôi bắt đầu rơi vào cảnh thua lỗ nặng. Tình trạng này kéo dài qua đến năm 2017.

Không còn cách nào khác, anh Đức phải thu hẹp quy mô, tập trung nuôi 10 con heo nái và 95 con heo thịt để tận dụng cơ sở vật chất hiện có và cầm cự chờ thời. Bây giờ, khi mọi chuyện đã bắt đầu tốt lên, anh Đức quyết định tu bổ lại chuồng trại, dự định đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để tái đàn.

“Hồi còn chăn nuôi nhỏ lẻ, ngân hàng cũng đã cho tôi vay 200 triệu đồng để khởi nghiệp. Bây giờ tái đàn cũng phải trông cậy vào đồng vốn của Agribank Hướng Hóa thôi. Sau nhiều thử thách, tôi nghiệm ra rằng, trong sản xuất, kinh doanh, nếu không có tiền, ngân hàng có thể cho vay vốn, nhưng nếu không có niềm tin thì không đâu cho anh vay niềm tin để tiếp tục vực dậy và phát triển sự nghiệp làm ăn. Hiện tại, tôi tin là mình sẽ thành công với mô hình chăn nuôi quy mô này”, anh Đức chia sẻ.

Mô hình chăn nuôi heo của anh Hồ Minh Đức, khối 7, Khe Sanh, Hướng Hóa. Ảnh: ĐTT.
Mô hình chăn nuôi heo của anh Hồ Minh Đức (khối 7, Khe Sanh, Hướng Hóa). Ảnh: ĐTT.

400 triệu đồng là số tiền mà vợ chồng anh Trần Hữu Quyện- Hoàng Thị Huyền ở thôn Tân Vĩnh, xã Hướng Tân vay vốn từ Agribank Hướng Hóa để lập nghiệp.

Năm 1994, từ quê hương Vĩnh Linh lên Hướng Tân sinh sống, anh chị chỉ có bàn tay trắng và khát vọng đổi đời trên quê mới. Có vốn vay, cộng với sự cần cù, chịu khó, anh chị đã đầu tư vào trồng 2.500 cây cam, 500 cây ổi, chăn nuôi gần 100 con gà đẻ trứng, mở cơ sở dịch vụ Anh Quyện chuyên bán gà đồi, gà giống các loại, ấp trứng thuê… Cuộc sống của gia đình anh chị từ đó mà có bước khởi sắc hơn, có của ăn của để.

Ở Hướng Hóa bây giờ, không chỉ những anh Đức, anh Quyện, chị Huyền mà còn rất nhiều người nữa đã giàu lên nhờ gốc rễ thương khó, kiệm cần. Từ vùng đồng bằng Triệu Hải và nhiều nơi khác, sau ngày đất nước hòa bình, người dân đã chọn Hướng Hóa làm quê hương mới, “họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” như trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm.

Với bản tính cần cù, chịu khó, lao động, sáng tạo cộng với nguồn vốn tín dụng kịp thời, hiệu quả, người dân Hướng Hóa đã giàu lên từ từ, góp phần làm cho quê mới nhuận sắc từng ngày. Đây là cái sự giàu hàm chứa nhiều dành dụm vất vả, lao nhọc nhưng bền vững, chỉ đến với những người bén việc, ưa làm, những người không để tầm nhìn bị che chắn bởi tư duy chật hẹp và núi non điệp trùng.

Ông Hoàng Minh Thông - Giám đốc Agribank Quảng Trị - cho biết: “Giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính ở nông thôn, thời gian qua Agribank Quảng Trị đã triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng của nhà nước, dành ưu tiên cho phát triển kinh tế “tam nông”. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 75%. Mức dư nợ bình quân cho vay hộ sản xuất từ chỗ chỉ 270.000 đồng/hộ vào thời điểm năm 1989 lên 150 triệu đồng/hộ vào năm 2017".

50 năm sau ngày giải phóng (9.7.1968- 9.7.2018), huyện miền núi Hướng Hóa đã vượt qua đói nghèo, lạc hậu, vươn lên ấm no, giàu có, tạo lập cuộc sống ngày càng đàng hoàng hơn, văn minh hơn. Trong công cuộc đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Quảng Trị (Agribank Quảng Trị) luôn đồng hành với đất và người Hướng Hóa, góp phần làm nên những thành tích đáng tự hào trong đổi mới, xây dựng quê hương". 

“Với việc hỗ trợ đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các nguồn vốn tín dụng, trong đó Agribank chiếm phần quan trọng đã đóng góp thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề “tam nông”, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tín dụng Agribank Quảng Trị tiên phong trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần quan trọng để đổi mới bộ mặt nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương…”, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính.

  
ĐÀO TÂM THANH
TIN LIÊN QUAN

Những cái bắt tay từ hai nửa bán cầu

ĐÌNH GIÁO |

Họ là những người từ hai nửa bán cầu. Lịch sử đã tạo nên Khe Sanh và giữa họ là hố ngăn cách dằng dặc hàng thập kỷ, để rồi vượt qua hố ngăn cách ấy, như là sự sắp đặt của cuộc sống, Khe Sanh trở thành nơi gặp gỡ với những cái bắt tay nồng ấm của cả ba thế hệ người Mỹ và Việt Nam - người lính, con của họ và mẹ của họ.

Khe Sanh – những mùa 20 tuổi

LÊ THỊ HIỆP |

“Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn/ Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa”. Đại úy Lê Trọng Vớt (thôn Bái Sậy, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) kể lúc xưa từng có cuốn sổ cũ ghi những câu thơ, những bài hát của tuổi trẻ như thế.

Dựng thương hiệu cho Khe Sanh

TRẦN ĐĂNG |

Địa danh Khe Sanh đã quá quen thuộc đối với nhiều người Việt Nam, vì nó gắn với chiến công lẫn đau thương mất mát trong chiến tranh. Sau cuộc chiến, có một lớp người sinh ra và lớn lên tại đây, muốn mọi người biết đến Khe Sanh dưới một lăng kính khác: Làm ra những sản phẩm mang thương hiệu đủ mạnh để bạn bè nhớ đến mình.

Di cung hoán số của “thầy” bắt ma Cao Anh chỉ là tà thuyết

NHÓM PV |

Trao đổi với Lao Động về các hoạt động thu tiền làm lễ di cung hoán số, trục vong và bắt ma, giải âm binh diễn ra rầm rộ trong suốt thời gian qua tại Linh Quang Điện của người đàn ông tự xưng là “thầy” Cao Anh, thầy Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM - khẳng định: Đây chỉ là tà thuyết.

Bình Dương: Tạm giam 2 Phó giám đốc và 2 đăng kiểm viên để điều tra hành vi nhận hối lộ

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đang thực hiện lệnh khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 2 Phó giám đốc và 2 đăng kiểm viên Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61-08D, điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Mở visa, tăng chi tiêu của khách quốc tế để du lịch Việt Nam bứt phá

Thanh Chân |

TPHCM - Chính sách visa của Việt Nam đã có nhiều thay đổi kể từ sau dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn còn tồn đọng điểm nghẽn, ảnh hưởng đến việc đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tìm giải pháp tăng chi tiêu của khách quốc tế nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam bứt phá.

Dự án Khách sạn 5 sao Mường Thanh Cà Mau có nhiều vi phạm

Quang Việt |

Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Tổ hợp Trung tâm Thương mại, Khách sạn 5 sao Mường Thanh Cà Mau, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng có nhiều vi phạm.

Thiết bị y tế độc quyền, báo giá gấp đôi gấp ba, có bị coi là thổi giá?

Thùy Linh |

Với tình huống trang thiết bị y tế độc quyền, báo giá có thể lên gấp 2-3 lần so với giá nhập khẩu như vậy liệu báo giá đó có bị coi “thổi” giá không?

Những cái bắt tay từ hai nửa bán cầu

ĐÌNH GIÁO |

Họ là những người từ hai nửa bán cầu. Lịch sử đã tạo nên Khe Sanh và giữa họ là hố ngăn cách dằng dặc hàng thập kỷ, để rồi vượt qua hố ngăn cách ấy, như là sự sắp đặt của cuộc sống, Khe Sanh trở thành nơi gặp gỡ với những cái bắt tay nồng ấm của cả ba thế hệ người Mỹ và Việt Nam - người lính, con của họ và mẹ của họ.

Khe Sanh – những mùa 20 tuổi

LÊ THỊ HIỆP |

“Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn/ Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa”. Đại úy Lê Trọng Vớt (thôn Bái Sậy, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) kể lúc xưa từng có cuốn sổ cũ ghi những câu thơ, những bài hát của tuổi trẻ như thế.

Dựng thương hiệu cho Khe Sanh

TRẦN ĐĂNG |

Địa danh Khe Sanh đã quá quen thuộc đối với nhiều người Việt Nam, vì nó gắn với chiến công lẫn đau thương mất mát trong chiến tranh. Sau cuộc chiến, có một lớp người sinh ra và lớn lên tại đây, muốn mọi người biết đến Khe Sanh dưới một lăng kính khác: Làm ra những sản phẩm mang thương hiệu đủ mạnh để bạn bè nhớ đến mình.