Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Bản thân tôi trăn trở, Giáo hội cũng đang rất nỗ lực...”

nhóm PV |

Tiếp theo các ý kiến của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lao Động có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) để kết thúc loạt phóng sự điều tra “Trụ trì uống rượu tây, nhắm tiết canh!” đăng trên Lao Động suốt hơn 2 tuần qua.

 Thưa Thượng tọa, trước các vấn đề “nóng” , gây nhiều bức xúc trong dư luận mà báo Lao Động phản ánh, GHPGVN nghĩ gì và sẽ làm gì để chấn chỉnh?

- Trước hết, tôi xin khẳng định: GHPGVN (dưới đây gọi là GH) không phải không biết và không phải không làm gì trước các vấn đề đó. Ví dụ, ngày 26-27.6.2015, GH đã tổ chức hội nghị Tăng sự toàn quốc, trong 13 ban ngành của GH thì có Ban Tăng sự quản lý việc tăng ni. Hội nghị đã nói thẳng các vấn đề tồn tại, nhìn nhận các vấn đề thực trạng sinh hoạt tăng ni trong toàn quốc hiện nay để đưa ra nghị quyết nhằm tăng cường quản lý, chấn chỉnh sinh hoạt của tăng ni.

Tất nhiên, chúng ta cũng không nên tìm những trường hợp cá biệt, đem xâu chuỗi lại để quảng đại quần chúng nghĩ rằng đó là hiện tượng phổ biến. Đành rằng, các phóng viên đã điều tra từ thông tin mà dư luận phản ánh. Những trường hợp cá biệt đấy thường rơi vào các nhà sư rất trẻ, qua đó thấy thế hệ trẻ và thế hệ già có khoảng cách khác nhau, đó chính là thực trạng mâu thuẫn trong quá trình vận động phát triển, GH không phải không ý thức được vấn đề đấy. Đấy là vấn đề của xã hội. Tôi có nói, kinh tế thị trường không chừa bất cứ một góc nhỏ nào trong đời sống xã hội này cả, cái cánh cửa màu nâu khép hơi hờ thì nó cũng vẫn cứ vào.

Về vấn đề “ăn uống” của các vị sư, đạo Phật lại không coi chuyện ăn uống là mục tiêu mà coi nó cũng như mọi thứ - chỉ là phương tiện, vì nếu không ăn thì về thực tế là chúng ta không tồn tại cơ thể. Mà cơ thể ấy, trong đạo Phật gọi là cái giả tạm của thân tứ đại. Cơ thể vật chất mà, cần phải duy trì. Cái chính trong đạo Phật đó là hấp thụ cái tinh thần, tinh hoa, hấp thụ sự hướng thượng, giải thoát mới là quan trọng. Cho nên đạo Phật chỉ coi chuyện ăn uống là phương tiện để con người duy trì, không nhắm vào mục đích hằng ngày sống chỉ nghĩ đến ăn uống. Chuyện vật chất với đạo Phật luôn luôn phải theo hướng là “tri túc thường lạc” - tức là làm sao mình không quá coi trọng vật chất. Ví dụ, tôi có thể dùng mọi thứ, cái ipad này là của chủ tịch một công ty, khi tôi đi lễ, người ta biếu, tôi dùng cho đến bây giờ thôi. Chứ tôi không phải dốc tâm, lao tâm khổ tứ vào chuyện đó.

Đạo Phật là chủ trương ăn chay để trau giồi tinh thần từ bi

 Vậy, ví dụ như trường hợp sư Thích Thanh Mão và Thích Minh Thịnh ở Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên), như thầy nói, có thể ăn mặn mà đầu vẫn nghĩ... thanh, như vậy là thanh, đúng không ạ?

- Không. Thứ nhất, tôi khẳng định, 2 trường hợp này tôi đọc trên báo mới biết, và cho đến lúc này tôi chưa có thời gian để gặp trực tiếp. Tôi có nói Ban Trị sự Phật giáo Hưng Yên xem sự thật có chuyện đó đúng hay không.

 Họ trả lời thế nào, thưa Thượng tọa?

- Hiện nay ở Hưng Yên chưa có phản hồi chính thức. Nhưng thầy Thanh Quang ở Ban Trị sự tỉnh Hưng Yên có nói với tôi là có một số hiện tượng đúng như phản ánh.

Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn thư, chúng tôi cũng xin phép được nói thẳng với quý thầy, Báo Lao Động không hề “vạch lá tìm sâu”. Như từ đầu đã nói, chúng tôi cùng cộng tác viên tình cờ đến hai ngôi chùa ở Mễ Sở và chứng kiến hai câu chuyện đều gây sốc ...

- Câu chuyện hôm nay giữa thầy và các anh các chị, không phải để kết luận đúng sai, hay để phủ nhận chuyện đó. Tôi cũng không phủ nhận chuyện nó đúng hay sai. Tôi đồng ý là các anh chị không cố tình “vạch lá tìm sâu”. Nhưng vấn đề tôi muốn trao đổi về phương pháp luận tiếp cận vấn đề và tính mục đích của sự xâu chuỗi những hiện tượng cá biệt đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của số đông quần chúng trong xã hội với một tôn giáo có bề dày lịch sử và có sự ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đến sự ổn định của xã hội. Trong khi Phật giáo có những đóng góp lớn cho đất nước, dân tộc mà đã được ghi nhận cụ thể, thực tế.

Những hiện tượng báo Lao Động phản ánh, như các hòa thượng đã nói rồi, các hành vi kia (ăn tiết canh, uống rượu cả chai, phá di tích, hành hung người…) hoàn toàn không đúng. Dưới góc độ là người quản lý, tôi cảm ơn các anh chị đã cho chúng tôi biết thêm về các hiện tượng này để chúng tôi cũng phải điều tra thêm nữa. Tôi chỉ muốn trao đổi với các nhà báo về phương pháp luận, cách tiếp cận, cách đặt câu hỏi và vấn đề của các anh chị đối với các hiện tượng đã nêu. Đạo Phật tốt, nhưng cái cách mình chạm vào những cá nhân rất cá biệt, có thể là vô tình thôi, làm cho người đọc hiểu chưa đúng về bản chất vấn đề tốt đẹp của giới tăng ni cả nước đã làm được. Tôi muốn nói lại là tôi cảm ơn sự đóng góp và GH không phải là không ý thức được những việc đó. Bản thân tôi là người rất trăn trở những chuyện đó. GH cũng đang phải làm hết sức. Hôm nay, các anh các chị đến đây, thầy cũng cảm ơn sự trăn trở của anh chị, nhưng hãy phản ánh cho xã hội biết rằng đó là những hiện tượng cá biệt, và GH đã làm, đang làm để giải quyết những việc đó. Trường hợp cá biệt - xã hội nào cũng có, trong gia đình của chúng ta cũng thế, có những đứa con bảo nó không nghe.

Những ai “sinh hoạt” không đúng mức sẽ chịu kỷ luật từ Ban Tăng sự của Giáo hội

Với những vi phạm như thế, liệu chúng ta có chế tài hay có thông lệ để xử lý dứt điểm và kiên quyết, nếu các đối tượng vi phạm quá mức và các vi phạm ấy mà nó lặp đi lặp lại?

- Có chứ, GH có cả một hệ thống luật của Phật chế từ xưa, 2000 năm nay, bộ luật, tất cả các thầy phải học, 2 lần hàng tháng các thầy phải tụng giới để mà nhớ, mà nhắc mình. Bên cạnh đó GH có hiến chương, có quy định cụ thể, “Nội quy Ban tăng sự T.Ư”, nội quy đó quy định về việc sai trái phải kỷ luật. Giáo hội cũng đã có văn bản hướng dẫn thành lập Ban công tác kiểm tăng gồm: Ban tăng sự, Ban kiểm soát, Ban pháp chế để chấn chỉnh sinh hoạt tăng ni, tự viện. Tại sao chúng tôi phải lập những ban đó, để kiểm tra nếu ai sinh hoạt không đúng mức, là phải kỷ luật chứ.

Trở lại vấn đề báo Lao Động nêu, những hiện tượng cá biệt là thực sự buồn. Trường hợp cháu bé bị nhốt ở chùa Thiên Tâm ở Hưng Yên thì sư cô nuôi cháu đã bị GH ra hình thức kỷ luật rồi. Đầu tiên là tạm thời đình chỉ trụ trì, nhưng do chính quyền địa phương, một bộ phận nhân dân có ý kiến, cuối cùng chuyển sang hình thức 10 năm không được nhận đệ tử, vì thầy đấy, sư phụ của thầy đấy nói là thầy đang bị bệnh nên Giáo hội Hưng Yên yêu cầu phải tìm cơ sở bảo trợ xã hội hoặc đưa cháu về gia đình để nuôi.

Chúng tôi có tiếp tục đưa ra những vi phạm mới và có tính hệ thống của nhà sư Thích Đàm Khoa ở chùa Trăm Gian, Chương Mỹ, Hà Nội…

- Thầy Đàm Khoa báo Lao Động cũng đã từng nêu vấn đề ra cách đây mấy năm rồi. Hiện nay trong thực trạng có những mâu thuẫn trong bảo tồn di tích. Chùa Trăm Gian - điều tôi buồn là những cái cổ kính bị bỏ đi như bậc thang đá cổ kính ấy. Cái thứ hai là bức phù đem sơn lại, hai cái đấy là rất buồn. Có một mâu thuẫn là các sư thích không gian sử dụng phải đẹp, hoành tráng nhưng lại không chú ý về bảo tồn di sản văn hóa. Mình phải trân trọng cái cổ kính nghìn năm của di tích, vì cái bản sắc, cái giá trị xưa cũ của nó, mới là sức mạnh, là giá trị quý báu nhất. Còn tính về cái hiện đại công nghệ, chúng ta dễ gì so bì được với thế giới. Chúng ta cần coi trầm tích văn hóa trong di sản đó chính là cội nguồn sức mạnh. Chuyện ở chùa Trăm Gian thì đã rồi, nhưng…

Còn chuyện thượng tọa Thích Thiện Văn đánh người “dạy người bằng đòn roi” quá mạnh tay như chúng tôi đã phản ánh, được biết ngày 8.12 quý thầy lên Bắc Giang làm việc để xử lý vụ việc này?

- Tôi đã gọi thầy Thích Thiện Văn (Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Giang) rồi, thầy ấy chối bỏ là không phải dùng gậy. Tôi bảo thầy Văn phải nói thật xem sự thực thế nào. Thày Văn bảo là không đánh bằng gậy như báo chí phản ánh, mà chỉ đánh bằng cái roi để cạnh đấy (?). Tôi yêu cầu thầy Văn làm báo cáo cho tôi trình bày hết các vấn đề đó. Chuyện thầy Văn, chúng tôi sẽ xem xét nghiêm khắc và khách quan nhất. Nếu báo Lao Động có tài liệu về việc thầy Văn đánh người và đánh nhiều người (như các nhà báo nói), cung cấp cho chúng tôi. Nếu một Thượng tọa đánh người, độc đoán như vậy, nếu đúng, không thể chấp nhận được.

- Xin cảm ơn Thượng tọa!

 

 

 

nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.