BÀI DỰ THI BÚT KÝ, PHÓNG SỰ 990 NĂM ĐẤT VÀ NGƯỜI NGHỆ AN

Thao thiết với Lam giang

GIAO HƯỞNG |

Mải miết về xuôi bằng thủy trình suốt hàng vạn năm lên thác xuống ghềnh không ngưng nghỉ, nước sông Lam vô tư dâng hiến nguồn sống cho muôn loài trên xứ Nghệ.

Vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát

Sông Lam về tới Bến Thủy mở rộng lòng đón thêm nguồn nước phía Nam. Ảnh: Giao Hưởng
Sông Lam về tới Bến Thủy mở rộng lòng đón thêm nguồn nước phía Nam. Ảnh: Giao Hưởng

Dòng lớn có hai nhánh đầu nguồn, nhánh Nậm Nơn trên đất huyện Quế Phong, nhánh Nậm Mộ trên đất huyện Kỳ Sơn, vượt bao ghềnh thác về hợp lưu tại Ngã ba Cửa Rào thuộc huyện Tương Dương. Từ đây dòng lớn mang các tên Thanh Long-Rào Cả- sông Lam, độc diễn hướng Tây Bắc-Đông Nam maratông xuyên xứ Nghệ.

Nếu du thuyền đưa ta khởi hành từ điểm đầu Nậm Nơn thì phải vượt 530 cây số, nếu khởi hành từ điểm đầu Nậm Mộ cũng phải qua 432 cây số thủy trình và đều xuyên 11 huyện thị của tỉnh Nghệ An gồm: Kỳ Sơn (hoặc Quế Phong), Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; 3 huyện thị của tỉnh Hà Tĩnh là Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân.

“Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh/ Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du

Sông đứng thành Hồng Lĩnh/Sông đi thành Ví Giặm trời xanh” (Sông Lam-TMH)

Hàng vạn năm thủy trình sông Lam nhận nước của nhiều khe suối, rạch ngòi... Sông nhận nước không vì mình mà dành cho ngút ngát ruộng đồng nương bãi thẳng cánh cò bay, tạo môi trường sống cho bao thế hệ người Nghệ cư trú dọc đôi bờ, đến nay có gần một triệu người gồm 6 dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Khơ mú, H’mông, Ơ Đu chung sống.

Sông bồi tụ những vùng quê trù phú trên bến dưới thuyền, một loạt địa danh và thắng cảnh nổi tiếng. Về đến khu vực Bến Thủy, sông Lam tiếp tục mở lòng nhận nước của hai nhánh Ngàn Phố, Ngàn Trươi từ phía nam được sông La mang đến. Ra tới Cửa Hội thì khẩu độ mặt nước đạt tối đa và hầu như không thay đổi, tại đây trước khi hết mình vào đại dương, sông Lam rũ bỏ mọi danh hiệu, mọi vinh hoa mà thời cuộc gắn lên ngực nó.

“Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát/Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi” (Sông Lam-TMH)

Chưa biết tên chữ Đan Nhai xuất hiện thời nào, theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, các văn bản cổ đều ghi cửa biển này là Đan Hay (hoặc Đơn Hay)-từ Nôm cổ. Có lẽ vì Đan Hay từ cổ bị mất nghĩa, các nhà Nho bèn Hán hóa thành Đan Nhai, trong khi bình dân thì lại thích dùng Cửa Hội thuần Việt với hàm nghĩa nơi hội nước của muôn vàn khe suối được dòng lớn mang về.

Tra từ điển không gặp, tôi gom những mẩu vụn về nghĩa tạm hiểu Đan Nhai là “bến đậu thuyền, địa thế đôi bờ bằng phẳng hữu tình không có núi non che chắn”. Dường như đất trời cũng phù hộ cho mấy nét nghĩa tôi gom nhặt qua hàng chục ngôi làng trù phú trải dọc đôi bờ. Theo hướng từ cửa sông về phía thượng nguồn ta gặp xêri làng cổ, mỗi làng như chiếc tổ kén đan bằng vô vàn sợi nước lung linh, tên làng mượn chữ “đan” của từ gốc “Đan Nhai”.

Cửa Hội-đảo Song Ngư nhìn từ làng Cổ Đan xã Phúc Thọ Nghi Lộc-Nghệ An. Ảnh: Giao Hưởng
Cửa Hội-đảo Song Ngư nhìn từ làng Cổ Đan xã Phúc Thọ Nghi Lộc-Nghệ An. Ảnh: Giao Hưởng

Mạn tả Lam thuộc Nghệ An có các làng Đan Hải nay là xã Nghi Hải, Đan Trang-xã Nghi Xuân, Cổ Đan-xã Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc), chừng ba chục cây số phía thượng nguồn làng Đan Nhiệm-xã Nam Hòa (huyện Nam Đàn). Mạn hữu Lam thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh có các làng Đan Hội-xã Xuân Hội, Đan Trường (hay Đan Tràng)-xã Xuân Trường, Xuân Đan-xã Xuân Đan, Đan Phổ-xã Xuân Phổ, Đan Hải-xã Xuân Hải, Đan Uyên-xã Xuân Yên …

Những làng ra đời muộn hầu như tên gọi không mang chữ “Đan” như Lộc Thọ, Phước Lợi thuộc xã Phúc Thọ, tên làng dù “không Đan” nhưng cư dân các làng trong vùng vẫn gắn kết chặt chẽ với nhau về huyết thống, nghề nghiệp, quan hệ xóm giềng. Đặc biệt cư dân các làng “không Đan” vẫn đậm và đủ những phẩm cách “đầu biển cuối sông, đầu sóng mũi gió”, nhờ đó mà gặp đồng hương vùng Cửa Hội, nghe chất giọng tôi xác định tương đối chính xác cố hương của người ấy nằm ở quãng nào trong vài ba chục cây số hạ lưu dòng Lam.

Sông núi quê hương

Ngọc phả Hùng Vương lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ, gần 10 ngàn chữ Hán, do Hàn lâm Nguyễn Cố phụng soạn năm 1470. GS Ngô Đức Thọ hoàn thành bản dịch 12/2001, cho biết, từ bình minh dựng nước, Kinh Dương Vương đã qua cửa biển Đan Nhai (xin tóm lược): “...Tuân chỉ Vua cha, Kinh Dương Vương, đem lính đi về phía nam xem phong thủy để chọn đất đóng quốc đô. Qua đất Hoan Châu Vua chọn vùng núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh (Hùng Lĩnh) dựng đô (dấu tích đến ngày nay vẫn còn). Hùng Lĩnh tất cả có 99 ngọn, xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống. Vùng này phong cảnh tươi đẹp, giáp cửa biển Hội Thống, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông...”

Ngàn Hống nằm trong ít địa danh được khắc lên Bách khoa thư cửu đỉnh lưu tại Huế.

Sự gắn kết về văn hóa được tôn đắp tiếp biến liên tục qua hàng ngàn năm lịch sử hình thành nên vùng văn hóa Hồng Lam. Từ dòng nhân văn thao thiết ấy, người Nghệ có lý khi chọn sông Lam núi Hồng để làm biểu tượng của xứ mình. Vùng này dưới thời Lý-Trần gọi là trấn Nghệ An, thời Hậu Lê gọi xứ Nghệ, đến triều Nguyễn đời vua Minh Mạng năm 1831 tách xứ Nghệ làm hai tỉnh, từ ấy mạn bờ bắc Cửa Hội thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An; mạn bờ nam thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Sách “Nghi Xuân địa chí”: “Những tháng cuối xuân sang hè, trời nắng tạnh, các loại thuyền đánh cá lớn nhỏ cùng với các thuyền buôn từ Bắc đến, vào cửa sông có hàng mấy trăm lần chiếc. Buồm thuyền no gió, dập dờn qua lại hàng đàn.

Chiếc như đi ra mà chính là vào, chiếc như rẽ trái mà kỳ thực là lách sang phải. Lớp vào trước đã vượt qua làn sóng, lớp đi sau còn lục tục nối theo, khác nào như đàn bướm vờn hoa, bầy cá đang dỡn nước, thật là một thắng lãm hiếm có”.

Cũng cảnh ấy nhưng qua ánh nhìn của cụ Bùi Dương Lịch thì “Tạo hóa nan cùng hỗn độn sơ” (hỗn độn nằm ngoài ý hóa công).

Bồi lắng của sông bao la của biển cho tôi cảm nhận đất trời chọn nơi địa mạo tôn nghiêm để mở cửa sông-cửa biển, dần các thế hệ cư dân vùng quê đầu biển cuối sông tôn đắp bề dày văn hóa có bản sắc không thể hòa tan.

Cư dân vùng sông nước sớm theo cha anh vào lộng vươn khơi, sớm biết buông dầm cầm chèo mưu sinh, tự giác tạo lập cho mình tâm thế ăn sóng nói gió đứng mũi chịu sào, nghề nghiệp đặc thù buộc họ tôn đắp điểm tựa bên trong, xác lập tư thế vững vàng sẵn sàng vượt lên hiểm nguy rình rập ở phía trước.

Họ quan niệm đất có thổ công sông có hà bá, sức mạnh của tự nhiên (và của siêu nhiên) là bất khả kháng với con người. Muôn sự tại Tâm, khéo ăn thì no khéo nằm co thì ấm, họ biết sống hòa hiếu với các loài để mình được yên, nên cư dân vùng sông nước có tín ngưỡng thờ Thần đậm đặc là điều dễ hiểu.

Cũng khẩu độ mặt nước không đổi ấy, dân làng Cổ Đan nhìn ra thì gọi là “cửa sông”, khi ngồi thuyền từ đảo Mắt nhìn vào thì gọi là “cửa biển”. Suốt đời gắn với sông biển mà định hướng sự vật hiện tượng chính xác đến như thế ai mà không tâm phục khẩu phục!

“Trời hào phóng mây trắng

Đất tằn tiện ngô khoai...

Sông thao thức sóng tràn bờ bắc

Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ nam

Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc

Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang”

(Sông Lam- TMH)

Suốt mấy trăm năm tầng lớp thống trị láo nháo đẩy vạn chài vùng Cửa Hội xuống hạng “dân ngu khu đen”, mãi đến năm sáu mốt khi “đỉnh cao muôn trượng” hiện về trong thơ Tố Hữu, đám mục đồng làng bên sang làng tôi vẫn bêu riếu “Te te lái lái không bằng dái học trò”, đội nhóc làng tôi đáp trả “Chữ nghĩa văn chương không bằng xương cá lẹp”. Bảy, tám tuổi, các nhóc vạn chài đã vươn ra biển, chúng quen chịu sóng gió, không quen chịu xúc phạm, thế rồi “ta-địch” lao vào ẩu đả, cả hai phe binh cua tướng ốc đều vêu máu đầu, chẳng ai phân xử vẫn hòa cả làng.

Bồi tụ văn hóa đôi bờ

Ông Nguyễn Đình Ngũ thủ từ Đền Vạn - Cửa Rào cùng tác giả bài viết dâng hương tưởng nhớ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài. Ảnh: PV
Ông Nguyễn Đình Ngũ thủ từ Đền Vạn - Cửa Rào cùng tác giả bài viết dâng hương tưởng nhớ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài. Ảnh: PV

Khi mưu sinh trên mặt nước thì phải ăn sóng nói gió, về sống giữa cộng đồng thì hào hiệp nghĩa tình. Người quê tôi tôn trọng hai mặt tích cực/tiêu cực của tự nhiên, sự thân thiện với môi trường sống được thể hiện qua tiếp nhận có chọn lọc giá trị tinh túy của sông của biển để làm thành bản sắc văn hóa sông Lam. Ngư dân vùng sông Lam sớm thờ Thần sông Thần biển, thờ các vị tiền liệt có công giữ biển giữ sông.  Đặc biệt là tâp tục thờ Cá Ông (Nhân ngư), căn theo tuổi tác của cá mà kính cẩn xưng cá Ông cá Bà, cá Cô cá Cậu. Đầu thế kỷ 20, các túc Nho làng Lộc Thọ, xã Phúc Thọ có bài “Văn tế Cô Cá” nổi tiếng khắp vùng.

Tại đầu nguồn và cuối nguồn sông Lam dân vạn chài lập thờ hai danh tướng thời Lý, Trần. Đình làng Hội Thống bên bờ nam Cửa Hội dựng năm 1659 thờ Thái úy Tô Hiến Thành (1102-1179) triều vua Lý Anh Tông. Ông văn võ song toàn công minh chính trực, nhiều lần dẹp loạn trong nước, nhiều lần cùng vua mang đại binh nam chinh đẩy đuổi quân xâm lược Chân Lạp, Chiêm Thành, mở mang cõi bờ. Không thuộc tôn thất, ông vẫn được nhà Lý đặc cách phong tước Vương, sau khi mất được sắc phong “Thượng đẳng thần”. Đền Vạn trên ngọn đồi Ngã ba Cửa Rào thờ tướng Đoàn Nhữ Hài (1280-1335) thời Trần. Ông người làng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Năm 1335 quân Bồn Man tràn sang giết hại dân Nghệ, Thượng hoàng đích thân cầm quân, giao Đoàn Nhữ Hài làm Đốc tướng chỉ huy quân sỹ chiến đấu. Trận chiến lớn diễn ra tại Ngã ba Cửa Rào, tướng Đoàn Nhữ Hài cùng nhiều binh sỹ bỏ mình tại đầu nguồn sông Cả. Tiếc thương vị tướng xả thân vì nước vì dân, Thượng hoàng, Vua Trần Anh Tông cùng ngư dân ở thượng nguồn tiến hành Lễ tế, lập thờ Ngài tại điểm đầu của dòng lớn: Sông Lam.

GIAO HƯỞNG
TIN LIÊN QUAN

Sâu thẳm, mênh mông sông Hiếu ở miền Tây xứ Nghệ

VĂN HIỀN |

Mênh mông đất đai, đồi núi, dằng dặc sông suối, sâu thẳm và bất tận nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Đó là miền Tây xứ Nghệ, mời gọi du khách, các nhà đầu tư đánh thức, khai mở những tiềm năng, giá trị của Đất và Người. Một trong số đó là dòng sông Hiếu...

Chát mặn mồ hôi hạt muối xứ Nghệ

TRẦN HỮU VINH |

Những hạt muối mặn mòi vị biển, mặn chát vị mồ hôi, người làm muối xứ Nghệ quê tôi phải gồng mình dưới nắng nóng gió Lào nhưng tâm hồn họ luôn lạc quan, yêu đời và son sắt như câu ca dao có tự ngàn xưa: “Tay bưng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Lam giang – trầm tích và hồn cốt xứ Nghệ

CÔNG KIÊN |

Trải dài trên không gian địa lý của xứ Nghệ từ thuở khai thiên lập địa, sông Lam chảy mãi trong tâm tưởng của người dân xứ sở gió Lào và kết đọng thành dòng chảy lịch sử của một vùng quê văn hiến.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Sâu thẳm, mênh mông sông Hiếu ở miền Tây xứ Nghệ

VĂN HIỀN |

Mênh mông đất đai, đồi núi, dằng dặc sông suối, sâu thẳm và bất tận nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Đó là miền Tây xứ Nghệ, mời gọi du khách, các nhà đầu tư đánh thức, khai mở những tiềm năng, giá trị của Đất và Người. Một trong số đó là dòng sông Hiếu...

Chát mặn mồ hôi hạt muối xứ Nghệ

TRẦN HỮU VINH |

Những hạt muối mặn mòi vị biển, mặn chát vị mồ hôi, người làm muối xứ Nghệ quê tôi phải gồng mình dưới nắng nóng gió Lào nhưng tâm hồn họ luôn lạc quan, yêu đời và son sắt như câu ca dao có tự ngàn xưa: “Tay bưng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Lam giang – trầm tích và hồn cốt xứ Nghệ

CÔNG KIÊN |

Trải dài trên không gian địa lý của xứ Nghệ từ thuở khai thiên lập địa, sông Lam chảy mãi trong tâm tưởng của người dân xứ sở gió Lào và kết đọng thành dòng chảy lịch sử của một vùng quê văn hiến.