Tháo “mắt xích” trong cái vòng... nghèo bền vững

LÊ TUYẾT |

Đến giờ này, tôi không nhớ mình đã đi cùng với công đoàn, lãnh đạo TCty Điện lực Miền Nam bao nhiêu lần để trao những “Mái ấm công đoàn”, “Nhà tình nghĩa - tình thương” cho bà con nghèo ở 21 tỉnh, thành phía Nam, vì chỉ trong năm 2017, đơn vị này trao gần 200 căn với giá trị từ 50-60 triệu đồng/căn.

Thế nhưng mỗi khi tình cờ xem lại những bức hình mình đã chụp, mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời của bà con lại hiện ra rõ ràng với đặc điểm nhận diện chung “nghèo đến khó tin”. Thế nhưng, bất chấp cái nghèo, bà con vẫn sống hồn nhiên, yêu thương, luôn tin rằng sẽ một ngày “mình thoát cảnh nghèo bền vững”…

Công trình cuộc đời

“Từ ngày giải phóng tới giờ, chắc tối nay là đêm đầu tiên gia đình tui ngủ ngon. Trước giờ, mỗi khi trời mưa, cả nhà tui ra ngoài hiên đứng, không dám ở trong nhà vì sợ nhà sập. Bây giờ có nhà xây kiên cố, nền nhà cao cả thước so với mặt ruộng, mưa không sợ ngập, gió không sợ đổ.

Đời cũng lạ thiệt, ba má tui đặt tui tên Nhanh, chắc là mong cái gì cũng nhanh, lẹ mà phải gần hết cuộc đời mới có được cái nhà” - anh Phạm Thành Nhanh (ấp Bình Hòa, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, Long An) chuẩn bị sang tuổi 55, cười cười nói nói liên tục trong buổi nhận bàn giao căn nhà tình nghĩa, trái với vẻ ngoài ít nói, hiếm cười thường ngày.

Cha anh Nhanh là liệt sĩ, hy sinh trước ngày đất nước thống nhất. Má anh ở vậy nuôi bốn đứa con. Hai chị lớn có chồng, ra riêng, sống dựa vào sào ruộng, cộng với nghề “thợ đụng” nên chẳng khá nổi. Anh Nhanh là con trai duy nhất nên nhận nuôi má và chị gái không chồng đầu óc hiếm khi tỉnh táo.

Hôm nhận nhà, bà con xóm giềng đến khá đông để chia vui. Vợ anh Nhanh là chị Nguyễn Thị Lèo, hơn chồng một tuổi, lụi cụi cả buổi trong bếp. Tôi hỏi: “Hôm nay vui không chị?”, chị cười giòn tan, khoe: “Hôm nay nấu món lẩu bò, bò phai, lòng bò và hột vịt lộn mừng nhà mới”.

Tôi thắc mắc món “bò phai” là gì, chị lại nắm tay chỉ mấy đứa nhỏ, nói thật to: “Nhà có bốn đứa con lần lượt là Ngọc Minh, Ngọc Tâm, Thành Tài, Ngọc Giàu. Một đứa đi bộ đội, một đứa học cao đẳng, một đứa học lớp 6, đứa lớn nhất 21 tuổi nhưng khờ lắm, ở nhà mần mướn ở vườn thanh long”.

Chị toan nói về cái giường duy nhất với một đống quần áo cũ chất chồng thì bà cụ hàng xóm nắm lấy tay tôi, giải thích: “Tai vợ thằng Nhanh bị nghễnh ngãng sau một trận ốm hồi năm lên 10. Cháu hỏi gì phải nói to lên”. À ra thế, hèn chi hỏi món “lòng phai” chị ấy lại đi giới thiệu thành phần gia đình. Tôi cười. Chị Lèo nghe loáng thoáng, cũng cười theo.

Chị không thể nghe được người ta nói gì nên đi làm thuê người ta không nhận bởi trao đổi với chị mệt quá, mà nói to quá, người ngoài không hiểu tưởng đâu họ áp bức chị. Thế nên, bao nhiêu năm, chị quanh quẩn ở nhà nuôi bốn đứa con và chăm mẹ chồng. Mọi chi tiêu trong gia đình đều do anh Nhanh, người đàn ông nhỏ thó, mắt cận 5 đi-ốp đảm trách. Thu nhập chính của gia đình, đều đặn hằng tháng có lẽ là “tiền vợ liệt sĩ” và “tiền người già trên 90 tuổi” của bà nội, mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, ngoài ăn uống tằn tiện, bà còn để dành cho cháu đi học!

Với một hoàn cảnh như thế nên anh Nhanh muốn nhanh cũng chẳng được. Hơn 40 năm qua từ ngày ba anh mất, với anh lo cơm nước cho mẹ ngày 3 bữa cùng với một đàn con đã được gọi là “làm tròn chữ hiếu”. Chỉ là đôi khi, mưa gió kéo đến nhìn mẹ già run lập cập, ngồi nép mưa, anh chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng, dù bản thân anh, mỗi đêm phải ngủ ngoài hiên, dành chỗ ấm áp trong nhà cho má, chị, vợ, con.

Bước lên thềm nhà cao cả mét, anh cười: “Căn nhà này là công trình lớn nhất cuộc đời tui. Từ nay, má tui sẽ yên tâm mà ngủ không phải bật mình dậy lúc nửa đêm khi trời đổ mưa”.

Cô Nguyễn Ngọc Bỉ ngồi giã mắm gừng cho bữa cơm tân gia. Ảnh: L.T
Cô Nguyễn Ngọc Bỉ ngồi giã mắm gừng cho bữa cơm tân gia. Ảnh: L.T

Cần 400.000 đồng để… khởi nghiệp

Gia đình anh Nhanh vẫn được xem là một hộ khá bởi có “thu nhập hằng tháng” của bà cụ ngoài 90 tuổi, có nhiều gia đình, sau một hồi hỏi chuyện, chúng tôi không tài nào hình dung được nếu là mình ở vào hoàn cảnh đó, chẳng biết đã và sẽ sống tiếp ra sao. Thế nhưng họ vẫn vui vẻ, vẫn cưới nhau, sinh con, rồi đèo bồng thêm cháu chắt, dì cậu.. sống hồn nhiên, lớn lên như con cá, mớ rau ở miền Tây sông nước này.

Người phụ nữ Khmer chống ghe đón chúng tôi qua đoạn sông ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) là cháu gái của bà Thạch Thị Sanh. 30 tuổi, chị có hai đứa con, một năm tuổi, một bốn tháng tuổi và một người chồng bị tật. Chồng chị miệng méo xệch, tay chân lèo khoèo, đi giật thọt, người yếu nhớt. Anh hiểu người khác nói gì nhưng không trả lời được.

Chị bảo, ngày còn con gái chị đi bán vé số, gặp anh rồi dắt nhau về nhà dì ruột ở. Nhà dì có cả thảy 9 người, sống chen chúc trong căn nhà lá rách tả tơi, giằng chéo tứ phía, hễ mưa là nước từ ngoài sông, ngoài ruộng tràn vào nhà. Thường ngày, khi ngủ, cả nhà chia nhau, người nằm trên tấm ván, người trải bạt nằm dưới nền đất, còn nếu trời mưa thì chen chúc nhau trên tấm ván… ngủ ngồi.

Từ ngày sinh con, chị không còn đi bán vé số dạo nữa mà việc đó giao cho chồng. Chị ở nhà làm đủ thứ, giặt áo quần thuê, cắt cỏ thuê, chống ghe thuê… Ngày nào được trời thương, cả vợ cả chồng cũng kiếm được hơn 100.000 đồng, đủ lo cơm áo, mắm muối cho cả gia đình gồm bà dì, vợ chồng chị, hai đứa con và một đứa cháu của của chị gái. Chị gái thôi chồng, sau lại lấy chồng khác, tự dưng thừa ra đứa con nên giao luôn cho chị nuôi.

“Muốn đi bán vé số phụ chồng mà bây giờ ở nhà nhiều con nít quá! Nhưng ở nhà thì cứ lo, nghĩ thương chồng chân cẳng yếu ớt đi cả ngày” - chị nói, nước mắt chực trào.

Một người trong đoàn công tác hỏi chị: “Có nhà rồi giờ có mong muốn gì khác nữa không?”, chị tần ngần một lúc rồi bảo: “Mong có ít vốn mở hàng bán trước nhà”. Lần này chúng tôi có chút im lặng hỏi đến vốn mà không giúp được gì thì kỳ quá. Rồi một người trong đoàn lên tiếng: “Vốn bao nhiêu thì đủ, chị sẽ bán hàng gì”.

Chị rụt rè: “Chừng bốn, năm trăm ngàn gì đó. Em dựng cái chòi lá chỗ đón khách đi ghe, lấy vé số về bán, rồi bán thêm nước ngọt…”. Chúng tôi thở phào, nếu chỉ có bốn, năm trăm ngàn, chúng tôi cấp vốn ngay cho chị.

Chị cầm 600.000 đồng, nước mắt trào ra, chồng chị thì run run, cố nói mấy từ: “Ráng bán đặng có lời để nuôi con, sẽ không để cụt vốn”. Nói rồi chị chống ghe, đưa chúng tôi qua đoạn sông. Đi một đoạn rất xa, ngoái nhìn lại vẫn thấy chị đứng đó, nhìn theo.

Những nơi chúng tôi đi qua đều là quê hương cách mạng, là những gia đình có chồng, có cha không tiếc máu xương hy sinh cho độc lập, tự do của tổ quốc nhưng nay vẫn còn loay hoay trong cảnh nghèo túng, cuộc sống tạm bợ.

Khi viết những dòng này, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh của cô Nguyễn Ngọc Bỉ (59 tuổi) ở ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, Long An. Cô ngồi giã nước mắm làm bữa cơm mừng tân gia sau hơn 40 năm hai má con tá túc trong căn nhà dột.

Nước mắt lưng tròng, giọng cô đứt quãng: “Cha tôi nguyên là xã đội trưởng, hy sinh năm 1968, tên ông được dùng để đặt cho một con đường của huyện này…”.

“Khi trao cho bà con căn nhà, chúng tôi không kỳ vọng sẽ làm thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận của những thành viên ở dưới mái nhà ấy, chúng tôi chỉ mong căn nhà sẽ tháo được một mắt xích trong cái vòng “nghèo bền vững” để bà con an tâm làm ăn”. Bà con còn khó khăn nhiều, nên chúng tôi cần cố gắng nhiều hơn nữa” - ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng GĐ TCty Điện lực Miền Nam.

Trong gần 10 năm thực hiện chương trình “Mái ấm công đoàn”, “Nhà tình nghĩa - tình thương”, Công đoàn TCty Điện lực Miền Nam đã trao cho bà con hơn 600 căn nhà.

LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Những môn thể thao truyền thống ngày Tết

Thanh Vũ |

Trong không khí náo nức của ngày Tết, các môn thể thao dân tộc chính là điểm nhấn gần gũi nhất, đặc sắc nhất với người dân.

Kỳ vọng từ cuộc đua phim Tết

NGỌC DỦ |

Có thể nói trong năm 2022, điện ảnh Việt có không ít sự mờ nhạt khi không có tác phẩm nào mang lại doanh thu vượt trội. Chính vì thế, đường đua phim Tết 2023 với 3 tác phẩm đến từ những nhà sản xuất có tay nghề đang được xem là sự kỳ vọng giúp vực dậy phòng vé tại các rạp trên toàn quốc.

Huấn luyện viên ngoại thích thú đón Tết ở Việt Nam

Thanh Vũ |

Các huấn luyện viên ngoại làm việc tại Việt Nam đã trải qua những ngày khó quên trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Khánh Hoà đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên năm Quý Mão

Thanh Hương |

Từ Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), du khách Trung Quốc trên chuyến bay thẳng của Vietjet đã “xông đất” sân bay quốc tế Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hoà) rạng sáng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán.

Nguyễn Huy Hoàng: Gạt làn nước xanh vươn tới đỉnh cao

HOÀI VIỆT |

Năm 2022 đã khép lại và nam tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng đã bước vào chu kỳ tập luyện mới của năm 2023. Không thể phủ nhận, Huy Hoàng là gương mặt thành công nhất của thể thao Việt Nam ở năm đã qua. Tuy nhiên, bản thân chàng vận động viên bơi của thể thao Quảng Bình và Đội tuyển bơi Việt Nam vẫn khá dè dặt, rằng mình vẫn phải tiếp tục nỗ lực hướng đến các đỉnh cao của năm 2023 đầy quan trọng.

Thành phố Móng Cái đang "dọn tổ đón đại bàng"

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh – Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái có diện tích lớn nhất trong các khu kinh tế của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các tiềm năng phát triển mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, đặc biệt là trong kinh tế biên mậu. Vậy thành phố vùng biên này đã, đang và cần làm gì để đón đầu cơ hội phát triển kinh tế biên mậu? Phóng viên Lao động đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Bá Nam – Bí thư thành ủy Móng Cái.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về ba bài học chính sách tiền tệ

Hương Nguyễn |

Năm mới 2023 với những mục tiêu, thách thức mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ những quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Những nhịp chèo đua thuyền dậy sóng sông Cà Ty, Phan Thiết mùng 2 Tết

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty là nét văn hóa riêng biệt của người dân TP. Phan Thiết vào chiều mùng 2 Tết hằng năm. Năm nay có 9 đội đến từ các xã, phường có ngư dân đi biển ở TP.Phan Thiết. Trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân, du khách đứng chật kín 2 bên bờ sông, các vận động viên ra sức chèo dậy sóng sông Cà Ty.