Các điểm nóng chưa “hạ nhiệt”
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), trong 7 tháng đầu năm 2014, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm, tịch thu hơn 3.000m3 gỗ, tịch thu hàng trăm phương tiện, xử lý hình sự 24 vụ, chuyển cơ quan điều tra 44 vụ...
Các địa phương đã thống kê được 230 đầu nậu (trong đó Đắc Nông có 110, Đắc Lắc 59, Gia Lai 36, Lâm Đồng 25), 151 lâm tặc chuyên nghiệp, 473 xe độ chế vận chuyển gỗ lậu. Cơ quan chức năng đã tham mưu UBND tỉnh giao công an theo dõi, xử lý số đầu nậu, lâm tặc và phương tiện này, bước đầu có chuyển biến tích cực.
Lâm tặc lộng hành trong rừng Krông Nô (Đắc Nông) |
Trong đó, Đắc Lắc đã thí điểm xử lý phương tiện độ chế, vận động ký cam kết không sản xuất, sử dụng phương tiện độ chế tại huyện Buôn Đôn - nơi có Vườn quốc gia Yók Đôn. Tỉnh Đắc Lắc cũng có 12 cơ sở chế biến gỗ không còn hoạt động, 7 cơ sở bị tạm đình chỉ, 2 cơ sở bị đình chỉ và tỉnh Đắc Nông đã đình chỉ 20 cơ sở do không có nguồn gỗ hợp pháp...
Tuy nhiên, các điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trong khu vực biên giới, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên vẫn chưa “hạ nhiệt”. Việc phối hợp giữa các tỉnh có rừng giáp ranh chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức, nên các khu rừng giáp ranh - chủ yếu là rừng đặc dụng, phòng hộ có nhiều gỗ quý hiếm, giàu trữ lượng - đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Đặc biệt là vùng giáp ranh M’Đrắc (Đắc Lắc) với Ninh Hòa (Khánh Hòa), Sông Hinh (Phú Yên) và Bắc Bình (Bình Thuận) với Di Linh và Đức Trọng (Lâm Đồng)... Công tác quản lý cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ tại một số địa bàn còn thiếu chặt chẽ, nên còn nhiều cơ sở hợp thức hóa gỗ lậu, gian lận hồ sơ để tiêu thụ gỗ trái pháp luật.
Mặc dù đã thống kê các đường dây khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ lậu, song chính quyền một số nơi chưa quyết liệt chỉ đạo triệt phá. Vì vậy, các đối tượng này vẫn tiếp tục hoạt động và có nơi, có lúc coi thường luật pháp, đặc biệt là các băng nhóm hoạt động kiểu “xã hội đen”... Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, việc xử lý hình sự trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế. Số vụ chuyển xử lý hành chính, không tìm ra đối tượng vi phạm chiếm tỉ lệ lớn, số vụ tồn đọng còn nhiều, nên gây dư luận xấu trong xã hội, lực lượng bảo vệ rừng và người tố cáo không yên tâm.
Phải quyết liệt chống tiêu cực
Ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông - cho rằng: “Lúc trước bảo do chủ rừng và ngành lâm nghiệp, bây giờ cả hệ thống chính trị vào cuộc mà chỉ giảm được chừng đó. Tôi nghĩ đây là hiện tượng xã hội khó ngăn chặn, có một loạt vấn đề kinh tế đặt ra với người dân mà chúng ta chưa xử lý được”.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đào Xuân Liên thẳng thắn chỉ rõ: “Nạn phá rừng ở Tây Nguyên có phần lỗi lớn từ các lực lượng thực thi pháp luật. Vành đai biên giới là chỗ người lạ không vào được, vậy mà cả đoàn xe cộ, máy móc kéo đi ầm ầm. Chúng ta phải soát xét lại đội ngũ cán bộ mới giải quyết được”.
Trước thực trạng trên, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên chỉ đạo công tác bảo vệ rừng quyết liệt hơn; tăng cường chấn chỉnh, chống tiêu cực ngay trong lực lượng kiểm lâm. Việc bố trí cán bộ thực hiện các nhiệm vụ nhạy cảm như kiểm tra lâm sản, xử lý vi phạm, xác nhận lưu thông lâm sản... cần được coi trọng, để tránh thông đồng với lâm tặc.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ và công an các tỉnh Tây Nguyên lập chuyên án điều tra, triệt xóa các đường dây lâm tặc, các băng nhóm bảo kê “xã hội đen”, xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng...
Tin bài liên quan