Quản lý cứng nhắc, Hội An không còn là di sản sống

Thùy Trang |

Hội An, nơi bình yên trong từng tiếng rao của một gánh chè đậu ván vọng lại giữa ban trưa. Nhiều người yêu và thương nhớ nơi này một phần vì lẽ đó. “Thế nên, mất những gánh chè, gánh đậu hủ, mất cả tiếng rao thì Hội An sẽ mất đi một phần linh hồn vốn đã quyện vào từng con đường, ngõ hẻm trên phố cổ”, ông Nguyễn Sự, người gắn bó với Hội An gần 60 năm, nói với giọng tiếc ngẩn ngơ.
Hàng rong trăm năm bị “hắt” khỏi phố cổ

 

Hội An những ngày đầu hè, nhiều du khách bước vào khu phố cổ đều ngoái nhìn chiếc xe bán tải cũ kỹ. Là xe của lực lượng trật tự đô thị. Họ đi dẹp, bắt mấy người bán hàng rong. Xe tới đâu, những người bán dạo hô hoán nhau, cả dãy người ôm hàng tìm chỗ trốn. Hết lượt này đến lượt khác. “Tôi chẳng hiểu họ đang muốn làm gì với phố cổ này nữa”, anh Hoàng - một người dân Hội An nói.

Một góc Hội An bình yên đang trở nên hiếm hoi trong mắt du khách 

“26 năm qua, tôi đi hàng nghìn lần trên các con đường phố cổ, nuôi sống gia đình bằng chiếc xe đạp với món kẹo tơ này nhưng chưa bao giờ thấy mình bị hắt hủi như bây chừ”, câu chuyện của ông Trình và cũng của nhiều người bán hàng rong khác. Những ngày qua, khi thành phố siết chặt việc cấm bán hàng rong trong khu phố cổ, họ bỗng nhiên trở thành một phần không thuộc về nơi này, những người sau gần nửa cuộc đời sống trên những góc phố Hội.

Vừa bán vừa canh chừng trật tự đô thị, chị Nguyệt nhìn nồi chè chưa vơi nửa, giọng buồn thiu, “họ không cho bán, nên cứ thấy xe tải hay người của phường đến là tôi phải gánh đi chỗ khác, riết rồi chẳng bán được. Phải đổ mấy gánh chè rồi. Khách đi thăm phố cổ mà giờ nói tôi gánh bán ở ngoài thì bán cho ai, khách ăn chè của tôi bao năm qua có làm sao mà giờ lại đuổi dời”.

“Cũng tại những người mới bày bán trên xe di động, mấy anh thanh niên bán chim giấy, đám hình xăm chèo kéo du khách chứ nào phải chúng tôi. Dẹp họ là đúng, thứ họ bán không thuộc về Hội An. Nhưng đuổi cả chúng tôi thì thiệt thòi quá”, ông Trình lý giải.

Nói là vậy, nhưng mỗi lần nhác thấy những người trật tự đô thị đến đầu đường, ông Trình lặng lẽ dắt chiếc xe đạp đi. “Tôi không muốn bị đuổi, sống mấy mươi năm, chúng tôi cũng có lòng tự trọng của mình. Chúng tôi không làm sai, các anh không cho bán nữa thì chúng tôi đi, nhưng là các anh đuổi chứ phố cổ này không hề chối bỏ chúng tôi”.

Gặng hỏi ông Trình nếu có một chỗ cho những người bán hàng rong buôn bán ngoài phố cổ, liệu ông có đi chăng, ông lắc đầu. “Cả trăm năm nay bao đời người Hội An mưu sinh bằng gánh hàng rong nơi phố cổ, cớ làm sao phải đi chỗ khác. Ăn cái bánh khoai, chén bánh lọc ở phố Hội này mới là thứ du khách thập phương muốn tận hưởng. Ra chỗ khác, chúng tôi đâu bằng nhà hàng, khách sạn. Nếu cấm hẳn, tôi cất xe, nghỉ bán”.

Ông Trình, người bán kẹo tơ 26 năm trên phố cổ, nay có lúc phải dắt chiếc xe đi vì thành phố siết chặt việc cấm bán hàng rong. 

Anh Hữu Xuân - chủ một quán trà thảo mộc trên đường Trần Phú cũng lắc đầu tiếc nuối. “Nhiều du khách không phải đến mua ly nước rồi đi, họ ngồi lại, hỏi chúng tôi về từng chuyện phố xưa. Không ít du khách từng ghé thăm Hội An nhiều lần bởi vì yêu mến điều đó. Tôi biết nhiều người đến đây chỉ để tìm ăn ly chè bắp Cẩm Nam, tìm món bánh vạc bên lề đường. Nay dẹp rồi thì chắc nhiều người sẽ ngơ ngác”.

Hội An, một trong số những điểm đến được nhiều du khách chọn làm nơi quay lại nhiều lần bởi những điều tốt đẹp vốn có. Vậy nhưng nhiều khách quen hôm nay sẽ chẳng còn thấy những hàng chè, bánh khoai ở gần sân hát Bài Chòi, ông già bán món kẹo tơ ở đường Nguyễn Thái Học cũng chẳng còn nữa. Thay vào đó là hình ảnh những người bán dạo với những thứ đồ chơi hiện đại hay cảnh một gánh chè vừa mời khách vừa chực chờ gánh chạy.

“Nghe ai đó nói Hội An không còn chỗ dung nạp hàng rong. Rằng hàng rong không phải là thứ để trình diễn… Tôi nghĩ chắc có sự nhầm lẫn nào đó”, anh Xuân nói với cái lắc đầu như chẳng tin lời ai kia. Nếu đó là lời của một người khách lạ thì chắc sẽ chẳng khiến một công dân Hội An như anh trăn trở. Nhưng nay, đó lại là lời của một người “dân mình”. “… hoặc là, họ thực sự không hiểu về phố cổ, về Hội An”.

Đừng để Hội An nay chỉ để nhớ!

“Lần đầu tiên đến Hội An, tôi yêu nó vô cùng bởi sự bình yên, những con người thân thiện, nhưng đó là chuyện của 5 năm trước. Bây giờ tôi không còn quay lại nữa”, anh Sven, một người Đức chọn Hội An làm nơi sống và làm việc trong nhiều năm qua nói với giọng hoài niệm. Câu nói khiến cho chính những người chẳng phải công dân Hội An như tôi cũng cảm thấy buồn! Nhưng tất cả đều có lý do, Sven kể với giọng đầy thắc mắc về những quán bar mở nhạc ầm ĩ mọc lên trên những ngôi nhà cổ. Hàng trăm quán lưu niệm nằm san sát với những mặt hàng y hệt nhau - thứ không thuộc về phố Hội.

“Tôi biết nhiều du khách đến Hội An lưu lại cả 10 ngày nhưng chỉ đến phố cổ 1 - 2 lần. Họ nói rằng nơi đó không còn nhiều thứ để họ nhìn ngắm, cảm nhận và thu hút họ trở lại. Những món ăn Hội An trong các nhà hàng, khách sạn đã được chế biến theo khẩu vị của khách nước ngoài. Hương vị thực sự của Hội An đã bị mất. Con người nơi đây vẫn thân thiện nhưng nó không còn xuất phát từ bản thân họ nữa mà là vì mưu sinh”, anh Sven nói thêm.

“Du khách đến Hội An không phải nó quy mô, hoành tráng. Họ đến vì con người, cảnh quan, không gian nơi đây mang lại sự bình yên. Điều được bao thế hệ người Hội An gìn giữ cả trăm năm qua”, ông Sự lý giải về một phần hồn rất riêng của Hội An, thứ đã từng làm say đắm bao người.

“Vậy nên, cấm hàng rong - thứ đã hình thành và tồn tại cùng bao đời người phố cổ là đánh mất một phần linh hồn của Hội An. Cũng như việc một người Hội An kỳ kèo với vị khách nào đó cũng vô tình làm mất đi hình ảnh con người nơi đây. Vậy nên, hơn ai hết mỗi người Hội An phải hiểu rõ con người, văn hóa của mình để không bị lạc, rồi đánh mất lúc nào chẳng hay” - ông Sự giãi bày.

Chính những con người Hội An và những hoạt động buôn bán bình dị đã làm nên giá trị của phố cổ lâu nay 

Vậy để hiểu, hàng rong Hội An với những gánh chè, đậu hủ, mỳ Quảng được các bà các mẹ quẩy gánh đi khắp các con phố, có lúc dừng lại, dọn ra vài cái ghế ở góc đường đã thành chỗ quen. Một gánh chè xí mà (mè đen) của ông lão già cũng trở thành hình ảnh biểu trưng cho sự bình yên phố Hội. Để đến nay, con cháu của họ vẫn lưu lại những gánh chè, thúng bánh vạc, mâm bánh lọc. Qua từng gánh hàng rong, con người Hội An toát lên vẻ bình dị, chân chất. Từ gánh hàng đó, họ nuôi sống cả gia đình nên bao đời người bán buôn đều trân trọng từng vị khách, chẳng chèo kéo ai vì sợ phiền lòng một người giúp mình mưu sinh.

“Hội An đã từng làm rất tốt, lưu giữ những hình ảnh đẹp với du khách, bây giờ vẫn có thể làm được - ông Sự nói với sự kỳ vọng đến tha thiết về những điều Hội An đang ở mấp mé giữa còn và mất - tôi biết có không ít người dân nhập cư, làm ăn buôn bán ở Hội An. Đôi khi họ chưa hiểu hết về Hội An, làm không đúng với văn hóa của nơi đây. Rồi nhiều người trẻ ở đây cũng vậy, họ chưa hiểu rõ về nguồn cội của mình để trân quý và gìn giữ”.

Anh Sven sau những cái lắc đầu trong câu chuyện về Hội An hôm nay cũng chẳng giấu sự mong chờ. “Các bạn phải biến Hội An trở thành một bảo tàng sống. Ở đó có không gian Hội An cổ xưa, có đời sống bình yên của những người dân Hội An thực sự. Hãy phô diễn cho du khách về những điều thế giới công nhận về Hội An. Hãy cho họ xem cách làm một cái bánh tráng hay một chiếc lồng đèn. Họ sẽ thích thú và yêu nơi này như chính tôi nhiều năm trước”.

Nói là mong chờ bởi một người lạ từng yêu Hội An như Sven giờ đây đang nhắc đến phố cổ như một điều để nhớ. Nỗi nhớ chẳng phải là những ngôi nhà cổ vô tri vô giác mà là một không gian phố thị được gìn giữ từ những điều nhỏ nhất. Nơi sự thân thiện của mỗi con người xuất phát từ chính bản thân họ, nơi không có cảnh chiếc xe bán tải cũ kỹ chạy chầm chầm đuổi bắt những hàng rong - điều đã sống cùng phố cổ cả trăm năm.

Hội An hôm nay vẫn tấp nập khách tây, khách ta, người mua kẻ bán. Và vẫn còn đó, những người dân Hội An như ông Sự, anh Xuân đang mong chờ những thay đổi tích cực từ mỗi con người nơi đây. Để Hội An không chỉ là để nhớ!

Thùy Trang
TIN LIÊN QUAN

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.