Phía sau tấm Huy chương Đồng tay nghề thế giới

Lê Tuyết |

Trần Nguyễn Bá Phước là thí sinh đạt thành tích cao nhất của Đoàn Việt Nam tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 với Huy chương Đồng nghề dự thi Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin.

Tôi có dịp trò chuyện với Bá Phước trước và sau cuộc thi, ngoài tinh thần cầu tiến, nỗ lực không mệt mỏi, ở cậu còn có nhiều điều thú vị, bất ngờ. 

Chơi trống, guitar và đai đen Karatedo

Phước cao lớn. Nhìn bức hình chụp cả Đoàn Việt Nam sẽ nhận thấy ngay điều đó. Nhưng đến khi Phước nói chiều cao và cân nặng thì tôi gần như “há hốc mồm”: 1m83 và nặng 92kg. “Nhưng trông em gọn gàng, không mập” - Tôi bảo.

Phước lý giải là do tập Karatedo từ bé, lên đai đen đã mấy năm, tham gia thi đấu khắp các giải từ quận đến quốc gia. Chỉ đến lớp 12, tập trung thi đại học nên Phước không theo nữa, Karatedo bây giờ trở thành môn thể thao rèn sức khỏe.

Cũng nhờ Karatedo nên 15 tháng tham gia khóa huấn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tay nghề thế giới ở Hàn Quốc, mỗi buổi sáng đi bộ 40 phút từ chỗ ở đến nơi luyện tập không phải là vấn đề lớn đối với Phước.

“Lâu lắm rồi em mới ngồi thư thả uống ly càphê sữa, nhiều kem. Tối qua, được ăn một tô miến gà do mẹ em nấu. Ngon tuyệt!” - Chàng trai 22 tuổi, khuôn mặt trông có vẻ… baby mỉm cười. Phước kể, những ngày dự thi ở Abu Dhabi (thuộc Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) - PV), món ăn yêu thích của cậu là mỳ gói.

Không có nhiều thời gian để chuẩn bị hành lý, Phước chỉ kịp nhét vào vali 10 gói mỳ với suy nghĩ “mỗi buổi tối một gói, phòng khi đói”. Tuy nhiên, khi sang nước bạn, 10 gói mỳ bị Phước “thanh toán” trong 4 ngày: “Abu Dhabi theo đạo Hồi nên họ cấm nhiều thứ, bữa ăn chỉ có thịt gà và cá hồi, giá cả lại rất đắt đỏ. Những ngày không đi thi, ở khách sạn thì mỳ gói là món quà vô giá từ Việt Nam. Những ngày đi thi, ăn tập trung ở căngtin, đa phần thí sinh Việt Nam chỉ cố nhét làm sao cho đầy bụng. Hơn nữa, khí hậu lại cực kỳ nóng rát, nhiệt độ dao động từ 35-40 độ C”.

Nói về lựa chọn nghề nghiệp khi thi đại học, Phước kể: Bố làm nghề quay phim đám cưới, liên hoan. Chính cái nghề của bố đã giúp Phước “bén duyên” với máy tính, công nghệ thông tin. Khi còn nhỏ, mỗi lần theo bố mang phim đi dựng, Phước khá thích thú với các thao tác của người thợ dựng phim trên máy tính nên học lỏm.

Khi Phước học lớp 8, bố đầu tư hẳn một máy vi tính cũ để tự dựng phim. Khi đó, Phước xung phong xử lý hình ảnh cho bố. Mỗi khi máy tính bị hư, Phước tự mày mò sửa chữa.

“Ba lần em sửa thì ba lần máy... hư nặng hơn. Em âm thầm mang ra tiệm quen nhờ ông anh cấp cứu. Mỗi lần như thế, ông anh lại chỉ cho em cách sửa đúng. Sau này thì em sửa ngon lành hơn, tất nhiên là bố em phải đổi máy tính mấy lần” - Phước cười, nhớ lại.

“Nhiệm vụ quan trọng trong 2 năm qua đã hoàn thành xuất sắc với tấm Huy chương Đồng, Phước có kế hoạch gì tiếp theo?” - Tôi hỏi. Phước liệt kê: “Tái khởi động nhóm Công tác xã hội, dạy Anh văn cho các bé. Em hát được, chơi trống được, gảy guitar được. Nhóm tụi em có 7 người nên dự định là tổ chức một đêm nhạc nhỏ nhỏ để gây quỹ tặng quà cho trẻ em khó khăn. Cố gắng tốt nghiệp đại học loại giỏi. Sau đó rồi tính tiếp.”

“Em chỉ là một cây non trong vườn ươm…”

Nói về tấm Huy chương Đồng quý giá, Phước bộc bạch: “Đây không chỉ là nỗ lực của em mà đó là sự góp sức của các thầy như thầy Bùi Đình Tiền ở trường ĐH Công nghiệp TPHCM, các chuyên gia ở Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung, bố mẹ…”.

Bá Phước được Samsung lựa chọn từ Hội thi tay nghề Quốc gia Việt Nam năm 2016, sau đó được gửi đi đào tạo tại ở Hàn Quốc trong vòng 15 tháng (từ tháng 7.2016 đến tháng 9.2017).

Với Phước, 15 tháng ở Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung (Hàn Quốc) là trải nghiệm đáng nhớ nhất về thái độ học tập, làm việc, rèn luyện sức chịu đựng trước áp lực công việc, cuộc sống.

Mỗi ngày, Phước thức dậy vào lúc 6h30. Đi bộ 40 phút để tới Trung tâm. Ăn sáng tại Trung tâm. Đúng 8h Phước phải ngồi vào vị trí và rời vị trí vào khoảng 21h, tuy nhiên, việc ngồi lại đến 22h hoặc 23h là chuyện khá bình thường nếu công việc chưa hoàn tất.

“Những ngày mới qua, lệch múi giờ và chưa quen với áp lực, em ngủ gật liên tục. Mỗi lần như thế, các thày đi qua, đập bàn gọi dậy. Những ngày mùa đông, tuyết rơi đầy, đường trơn và rét căm căm. 6h30 trời tối om. Trong lòng chỉ muốn bỏ hết để được ngủ thêm vì tối qua phải thức đến 23h, thế nhưng, chỉ thoáng qua thôi, em vẫn ngồi dậy và tiếp tục cuộc đi bộ 40 phút.

15 tháng tập luyện, em chưa đi trễ buổi nào. Khi khóa huấn luyện sắp kết thúc, em mới được thông báo là có xe buýt đưa đón từ ký túc xá đến chỗ làm và có thể dừng đi bộ. Nhưng khi đó em đi bộ đã quen, hơn nữa đi bộ là cách tốt nhất để mình vận động, bù cho cả ngày ngồi ở Trung tâm” - Phước kể, miệng cười, mắt híp lại.

Một lý do để Phước không bỏ buổi tập nào là bởi cùng tham gia khóa huấn luyện với Phước còn có một thí sinh Hàn Quốc. Đó là thí sinh được chọn từ 4 thí sinh xuất sắc nhất của Hàn Quốc ở 2 năm 2015 và 2016. Mỗi năm, Hàn Quốc đều tổ chức thi tay nghề để chọn 2 thí sinh này sẽ được gửi đến Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung.

Sau một năm sẽ loại 1. 2 thí sinh xuất sắc của 2 năm sẽ thi đấu với nhau để chọn 1 người xuất sắc nhất để tiếp tục tham gia huấn luyện để đi thi tay nghề thế giới. Ngày Bá Phước bắt đầu, thí sinh của Hàn Quốc đã đi được một chặng đường dài: “Khi tham gia huấn luyện, bạn ấy là đồng môn nhưng khi đi thi là đối thủ. Mình đã bắt đầu trễ thì càng không có lý do gì để lười biếng”.

“Kỷ luật nghiêm, giữ sự tập trung cao độ là điều khá quan trọng mà các thầy ở Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung đã rèn cho em” - Phước lý giải. Khuôn viên diễn ra cuộc thi tay nghề thế giới là một trung tâm triển lãm lớn nhất Trung Đông với tổng diện tích lên đến 130.000m2. Gọi là thi nhưng không phải ngồi trong phòng kín, các thí sinh được bố trí sát các lối đi với một bức vách cao chừng nửa mét.

Trong khi thí sinh làm bài thi thì nhà báo, chuyên gia, học sinh, sinh viên đến tham quan, nói chuyện, chỉ trỏ… nếu không quen sẽ bị mất tập trung ngay.

Khi tham gia huấn luyện ở Samsung, những tháng cuối, Phước được bố trí bàn huấn luyện ngay các lối đi của nhà máy, nhiều kỹ sư người Việt thấy Phước ngồi ở lối đi còn chọc “học dở nên bị phạt ra hành lang”. Hoặc tự rèn luyện mình qua các cuộc thi thử được tổ chức giống như với kỳ thi thực tế. Những cảm giác căng thẳng đang thi đấu chính thức được rèn luyện sau mỗi kỳ thi này.

Trong 15 tháng tham gia khóa huấn luyện, Phước được về nước 3 lần, tính cả lần về nước để chuẩn hành lý đi Abu Dhabi: “Ngày 1.10 em về Việt Nam thì Ban Tổ chức cuộc thi gửi về cấu trúc đề. Nhà ở ngay Sài Gòn nhưng em không về mà ở luôn trên trường để tập luyện với thày, thiết bị thì được Samsung gửi từ Hàn Quốc về. Sáng ăn mỳ gói, trưa mẹ em tranh thủ chợ nghỉ, chạy 15 cây số mang đồ ăn qua trường cho em. Hôm nào đói thì ăn hết, không thì để dành ăn buổi chiều. Đến ngày lên đường, em mới về nhà xếp hành lý ra sân bay”.

“Với một tiền đề khá tốt, em có nghĩ tới khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp?” - Bá Phước cười: “Nếu ra trường, được Samsung nhận vào làm việc như anh Nguyễn Duy Thanh (Người đạt Huy chương Đồng tay nghề cuộc thi giải pháp công nghệ thông tin ở cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 43 - PV), sẽ là cơ hội để em học tập, trưởng thành.

Đã là tuổi trẻ, ai cũng mơ ước sẽ tạo ra những sản phẩm mang đến giá trị cho cộng đồng, nhưng trước khi bắt đầu em cần phải tích lũy kinh nghiệm, học cách làm việc nhóm, cách quản lý... ở những môi trường chuyên nghiệp. Còn bây giờ, em chỉ là một cái cây trong vườn ươm, cần học hỏi nhiều”.

Có mặt từ rất sớm ở sân bay để đón 2 thí sinh do Samsung huấn luyện tham dự cuộc thi nghề thế giới lần thứ 44 là Trần Nguyễn Bá Phước và Nguyễn Văn Tuấn (Chứng chỉ Nghề xuất sắc nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD), ông Nguyễn Văn Đạo - Phó TGĐ Samsung Việt Nam - chia sẻ: Lần thứ 2 tham gia huấn luyện thí sinh tham dự cuộc thi tay nghề thế giới, chúng tôi tự hào đã góp một phần công sức vào thành quả hôm nay của các thí sinh. Nguyễn Duy Thanh hiện đang làm việc tại Samsung và cũng là người trực tiếp tham gia huấn luyện cho Bá Phước. Chúng tôi muốn tạo điều kiện thêm cho các em, một cơ hội phát triển nghề nghiệp với công việc tại Samsung Việt Nam. Samsung sẽ tiếp tục đồng hành với các bạn trẻ và hy vọng sẽ đổi màu huy chương ở cuộc thi tay nghề lần tới.

Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Gia tăng hoạt động giết mổ heo lậu vào dịp Tết

Nhóm PV |

TPHCM - Mặc dù đã được Báo Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng giết mổ heo lậu, sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng các điểm giết mổ lậu trên địa bàn phường 12, Quận Gò Vấp (TPHCM) vẫn tái vi phạm, hoạt động giết mổ heo lậu càng nhộn nhịp hơn vào những ngày cận Tết.

Chủ tịch Hà Nội kiểm tra trận địa pháo hoa khu vực hồ Hoàn Kiếm

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đến kiểm tra công tác ứng trực lực lượng làm nhiệm vụ tại trận địa pháo hoa phục vụ nhân dân đêm Giao thừa tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Một ngày dạo vòng quanh TPHCM - thành phố không ngủ

Chí Long |

Được mệnh danh là "thành phố không ngủ" của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh ẩn chứa vô vàn điều bất ngờ, thú vị chờ du khách khám phá.

Trận địa pháo hoa sẵn sàng cho đêm giao thừa

NHÓM PV |

11 giờ sáng ngày 30 tháng Chạp, mọi công tác chuẩn bị tại điểm bắn pháo hoa số 5 (Đảo Dừa công viên Thống Nhất, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dần hoàn thiện đến những khâu cuối cùng. Với sự tham gia của 200 người thuộc 17 lực lượng, trận địa pháo tại điểm công viên Thống Nhất  đã sẵn sàng phục vụ người dân ngắm pháo hoa vào giao thừa.

Mỹ Tâm, Trịnh Kim Chi và sao Việt quây quần bên nồi bánh chưng ngày 30 Tết

DI PY |

Ngày 30 Tết, các nghệ sĩ như NSƯT Trịnh Kim Chi, ca sĩ Mỹ Tâm, hoa hậu Hà Kiều Anh... dành thời gian bên gia đình, gói bánh chưng, bánh tét.

Người lao động xa quê: Nỗi nhớ được gói kín lại vì một tương lai tốt hơn

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Nhiều năm xa quê hương vào Nam lập nghiệp, sinh sống, đã dần quen với những cái Tết xa quê hương, thiếu đi những giờ phút quây quần sum họp ngày Tết, những người lao động xa quê luôn mang trong mình niềm khắc khoải nhớ nhà.

Tây Ninh sẽ xin xây dựng cảng hàng không và cơ chế đặc thù để phát triển

Huân Cao - Duy Tú |

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh được xem là tỉnh đi sau trong thu hút đầu tư so với TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... Trong năm mới 2023 và những năm tiếp theo, Tây Ninh hứa hẹn sẽ có những đột phá mới trong thu hút đầu tư để "hòa nhịp" cùng với các tỉnh. Nhân dịp năm mới 2023, PV Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh xoay quanh vấn đề này.

Chi hàng triệu đồng đốt vàng mã dịp Tết: Quá lạm dụng và lãng phí

MINH HÀ |

Vào dịp Tết người dân thường có phong tục đốt vàng mã để bày tỏ sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Một số người thậm chí còn bỏ ra hàng triệu đồng để mua vàng mã với quan niệm "trần sao âm vậy". Theo các chuyên gia văn hóa, đốt vàng mã là một nét văn hóa của người Việt, tuy nhiên nếu quá lạm dụng sẽ gây lãng phí và nhiều hệ lụy.