Phận đời nghiệt ngã của nhà văn bán vé số

Cao Thùy Liên |

Tôi về đường Ngư Hải (phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) tìm bà Nguyễn Thị Sáng, tác giả của tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng”và không tin vào mắt mình khi chứng kiến bà thậm chí còn khó khăn hơn 20 năm trước khi phải kiếm cơm bằng nghề vé số.

Trước đó, năm 1996, khi bà Nguyễn Thị Sáng làm xôn xao văn đàn với cuốn tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng” và sau đó là điện ảnh với phim truyền hình  “Thầm lặng” (chuyển thể từ  tiểu thuyết "Tình yêu thầm lặng"), bà kiếm sống bằng nghề bán ốc vỉa hè. 

Cuộc đời lận đận, luẩn quẩn, nỗi đau chồng lên nỗi đau - phải chăng, đó chính là động lực thôi thúc bà viết lại cuộc đời mình từ thuở  bé đến khi tóc trên đầu đã điểm bạc - vẫn chưa thoát khỏi oan trái, cơ cực?

Tận cùng nỗi đau

Bà Sáng lớn lên ở xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) lúc đất nước còn chiến tranh. Bố đi chiến trường C, bà phải nghỉ học giữa chừng (lớp 4) để giúp mẹ làm việc nuôi các em.

17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà gia nhập thanh niên xung phong phục vụ chiến trường C. Trong những năm tháng hoạt động tại chiến trường, bà gặp lại ông Lâm, là người đã cứu bà thoát chết trong một trận bom hồi ở quê nhà. Tình yêu giữu bà và ông Lâm nảy nở từ đó.

Hết 3 năm hoàn thành nhiệm vụ, ra quân, bà Sáng được học lớp sơ cấp Thương nghiệp rồi về Công ty Chất đốt Nghệ An nhận quầy bán than. Bà gặp lại ông Lâm khi ông về phép chịu tang cha. Những kỉ niệm về mối tình đầu được đánh thức…

Thời gian sau khi ông Lâm quay lại chiến trường, bà Sáng tập trung vào công việc và yên tâm chờ đợi ngày ông Lâm trở về. Nhưng cũng chính lúc này, bà phát hiện đã mang trong mình giọt máu của người yêu.

Danh dự, uy tín, tương lai... bà chấp nhận đánh đổi tất cả để giữ lại con, chờ người yêu trở về, nhưng ông Lâm đã hi sinh sau đó. 8 năm sau, bà xây dựng gia đình, có thêm một người con nhưng cuộc hôn nhân không có hạnh phúc, người chồng đã bỏ rơi mẹ con bà.

Bà một mình nuôi con nhưng khốn nỗi, công ty bà đang làm việc bị giải thể, bà nhận quyết định nghỉ hưu sớm. Để có tiền nuôi con, ai thuê gì bà làm nấy từ gánh nước thuê, bốc vác đến dọn vệ sinh cho các cửa hàng. 

Ánh mắt bà xa xăm, như nhìn vào cõi hư không để nhớ về một quá vãng xa xôi, khổ đau đó: “Hồi đó, gánh một gánh nước được 5 hào, gánh 4 gánh nước mới được một cái bánh mì 2 đồng”. Cạnh cơ quan bà Sáng từng làm việc có một mảnh đất bỏ không, bà đến cuốc đất trồng rau rồi dựng một ngôi nhà nhỏ ở đó để chui vào chui ra. 

Đến năm 1995, thành phố có chủ trương giải tỏa hành lang giao thông. Bà kể: “Vào một buổi chiều, có 3 người đến nhà thông báo gia đình tôi làm nhà cư trú trái phép rồi yêu cầu tôi phải tự tay tháo dỡ, nếu không họ sẽ cho người đến phá bỏ. 10 ngày sau, mấy thanh niên đưa xe công nông đến, chẳng nói chẳng rằng, họ buộc dây thép vào nhà rồi giật đổ, lôi đi.
Những tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Thị Sáng 

Ngôi nhà của tôi chỉ còn trơ lại đống đổ nát. Ba mẹ con bơ vơ, không biết đi đâu về đâu, đành nhặt nhạnh ít thanh tre, nứa, lá dựng tạm túp lều trên nền nhà cũ sống ngày nào biết ngày đó.

Vừa bán quán, vừa viết “Cuộc đời của mẹ”

Khi phải đối mặt với sự nghiệt ngã của cuộc đời, đôi khi con người ta lại trở nên can đảm và dậy lên một niềm tin kì lạ nào đó. Tận cùng nỗi đau không khiến bà gục ngã, nó thôi thúc bà phải viết lại cuộc đời mình, để các con sau này hiểu thêm về mẹ và cảm thông cho mẹ.

Bà Sáng kiếm một tấm vải bạt che lên nền nhà cũ để mẹ con cư trú, rồi vừa kiếm ăn, vừa viết. Ngày, bà làm đủ mọi việc, tập bản thảo để sẵn một bên, hễ rảnh là viết. Đêm, trong túp lều leo lét ánh đèn, bà ngẫm về cuộc đời đầy gian truân, trắc trở của mình rồi cặm cụi, say mê viết “Cuộc đời của mẹ”.

Bà nói: “suốt 4 tháng vừa bán quán vừa viết, có đêm bên ngọn đèn dầu, tôi viết thâu đêm với hơn 300 trang viết tay trên những tờ giấy lộn, với những con chữ ngoằn ngoèo”.

Thật kì diệu. Những trang cuộc đời tưởng chừng chỉ viết để cho con cháu, ai ngờ lại được Nhà xuất bản Thanh niên in thành tiểu thuyết lấy tên “Tình yêu thầm lặng” năm 1996. Năm 1997, cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Trần Mạnh Cường chuyển thể thành phim truyện “Thầm lặng”  với 2 tập.

Sau khi cuốn tiểu thuyết được chuyển thể, dựng thành phim, nhiều văn nghệ sỹ đến thăm, thấy ba mẹ con bà Sáng sống quá cơ cực nên đã giúp đỡ để mẹ con bà “chụm” lại căn nhà. Khi tiểu thuyết được xuất bản, bà và các con chưa kịp vui mừng đã phải đối diện với những sóng gió mới – làn sóng ghê gớm của dư luận...

Thói đời, khi người khác làm được những việc tưởng chừng không thể, những kẻ ích kỉ thường sinh ra ghen ghét, đố kị. Khuôn mặt bà Sáng buồn rầu, ánh sáng từ chiếc đèn học chiếu rõ những nếp nhăn nheo: “Họ vu cho tôi cái tội ăn cắp bản thảo của người khác rồi sửa tên tác giả là tên mình để gửi đi xuất bản. Những câu bóng gió xa xôi tôi nghe thấy mỗi khi ra chợ thường là “suốt ngày biết đến mấy con ốc, mớ rau, biết cái gì mà bày đặt tiểu thuyết này nọ.

Bà Nguyễn Thị Sáng chụp ảnh lưu niệm với Đạo diễn Trần Mạnh Cường – người chuyển thể tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng” thành phim “Thầm lặng” 2 tập

Thậm chí có người còn xông vào nhà tôi hỏi tôi về quyền viết, quyền xuất bản, bắt bẻ tôi việc không viết đơn xin phép Ban liên lạc TNXP trước khi viết... Khổ. Tôi viết bằng cảm xúc và những gian truân có thật của đời mình. Không được học hành đến nơi đến chốn, đến thế nào là một “tác phẩm văn học” tôi cũng chưa hình dung ra thì tôi biết lấy gì mà trình với họ”. 

Một thời gian dài, bà Sáng buồn bã, thẫn thờ khi hàng ngày phải nghe những lời không hay, con cái thấy thương mẹ, quyết không cho mẹ viết lách gì nữa. Dù nhiều khi cảm xúc dâng lên, bà muốn viết, viết để giải tỏa tâm trạng, viết để giãi bày nỗi lòng nhưng nghĩ đến những lời nói xa xôi, bà sợ rước họa vào thân nên không viết nữa.

Vẫn còn những niềm vui...

Bà Sáng nhìn tôi cười hiền lành, khuôn mặt rạng rỡ khi nói đến hiệu ứng của tác phẩm. Bà bảo: “Tôi chưa từng nghĩ những gì mình viết ra sẽ được in thành tiểu thuyết. Tôi cũng không nghĩ, cuộc đời tôi có lúc lại được trải qua những giây phút hạnh phúc lớn lao khi được bạn đọc đồng cảm, yêu mến đến vậy.

Từ khi ra sách, độc giả người Việt ở Nga, Nhật liên tục gọi điện về, độc giả trong nước khắp Bắc – Trung – Nam cũng hỏi thăm thường xuyên, động viên tôi. Nhiều khi cầm máy điện thoại, tôi nghe trong điện thoại phát ra câu hỏi thân thương vô cùng – cô Sáng ơi, cô Sáng tác giả Tình yêu thầm lặng phải không? Tôi vui mừng, cảm động muốn khóc. Nhiều người nhận tôi là cô, là mẹ, tình cảm lắm”. 

Cuốn tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng” bán rất chạy. Hồi bà còn bán ốc, bên cạnh gian hàng, bà kê một cái bàn để sách cho người đọc mua. Bà nói, có ngày bà bán được cả trăm cuốn.

Trong tận cùng nỗi đau, ai cũng có thể trở thành nhà văn để tự khóc cho riêng mình

Năm 2002, tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng” tái bản 2000 cuốn. Trong vòng một tháng, 2000 cuốn sách đã bán hết veo. Bà Sáng dự định xin phép tái bản 3000 cuốn nữa. Năm 2007, bà xuất bản tiếp cuốn “Cuộc đời của mẹ” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành.

Không chỉ viết tiểu thuyết, bà Sáng còn là tác giả tiểu phẩm kịch, thơ pha hài “Lão nông tri điền” do các nghệ sỹ đoàn dân ca Nghệ An dàn dựng nhân kỉ niệm ngày thành lập bộ đội biên phòng Nghệ An 3.3.2009 và là tác giả của tập thơ “Ngõ nhà tôi” với gần 70 bài thơ vừa được Hội Nhà văn thẩm định cấp giấy phép xuất bản.

Trong tâm hồn người đàn bà chỉ biết chạy chợ, hàng ngày đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, khổ đau chồng chất như bà Nguyễn Thị Sáng vẫn bừng lên những cảm xúc mãnh liệt, thăng hoa để viết nên câu chuyện đời mình đầy nhân văn, cảm động lòng người đến vậy.

Trong tận cùng khổ đau, một người lao động cũng có thể trở thành nhà văn, tự khóc cho nỗi đau của riêng mình...

Cao Thùy Liên
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".