Phải bịt được “lỗ hổng” trong kinh doanh vận tải (kỳ cuối)

NHÓM PV |

Như đã nói ở các kỳ trước, cốt lõi vấn đề để các xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định chính là “lỗ hổng” trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 mà Ban soạn thảo đã chuẩn bị hiện nay (sau hơn 3 năm và 4 lần chỉnh sửa) vẫn không giải quyết được những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến lộn xộn trong kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Thậm chí, còn nhiều “lỗ hổng” hơn trước....

Sai khái niệm, lẫn lộn giữa các loại hình vận tải

Như Báo Lao Động đã đề cập trong bài trước, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 quy định rõ có 5 loại hình vận tải hành khách bằng xe ôtô. Trách nhiệm của nghị định là phải cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện luật cho đúng với thực tế và bảo đảm hiệu quả. Tuy nhiên, Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 vẫn chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về các loại hình vận tải này.

Bộ Tư pháp chỉ ra, tại Điều 7 dự thảo nghị định quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại 1 địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ trường hợp sử dụng xe hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, người lao động đi học, đi làm). Trong thời gian 1 tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau là rất hợp lý đối với loại hình xe hợp đồng.

Tuy nhiên, dự thảo nghị định cho phép xe hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, người lao động (NLĐ) đi học, đi làm có thể thực hiện theo tuyến cố định, lặp đi, lặp lại điểm khởi hành và điểm kết thúc là chưa phù hợp với quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 68 Luật GTĐB: “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải”. Việc phân loại xe vận chuyển học sinh, sinh viên, NLĐ đi học, đi làm theo tuyến cố định vào loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng là không phù hợp (tại Điều 3 - PV). Đây là kẽ hở lớn nhất, vì nếu không định nghĩa đúng bản chất, cụ thể, rõ ràng về từng loại hình vận tải, thì sẽ dẫn đến ban hành quy định sai; không thể có giải pháp quản lý và chế tài quản lý đúng, phù hợp với từng loại hình.

Do đó, nghị định mới cần phải định nghĩa đúng bản chất và rõ ràng về 5 loại hình vận tải mà Luật GTĐB năm 2008 đã xác định và yêu cầu chính phủ phải cụ thể hóa để hướng dẫn triển khai thực hiện, cụ thể là: Đối với vận tải hành khách bằng xe buýt cần phân làm 3 loại, gồm: Xe buýt nội tỉnh; xe buýt kế cận; xe buýt đưa đón công nhân, học sinh và xe buýt du lịch; Đối với loại hình vận tải taxi, Luật GTĐB đã định nghĩa rõ tại Điều 66: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền”.

Hiện nay, taxi đã phát triển thêm loại hình taxi công nghệ, nhưng bản chất vẫn là taxi, là loại xe 7 chỗ ngồi trở xuống, hành trình theo yêu cầu của khách và tính tiền theo cự ly di chuyển... Do vậy, Grap taxi không phải và không thể là xe hợp đồng như dự thảo hiện nay quy định, bởi taxi công nghệ dùng hợp đồng điện tử bản chất vẫn thuộc loại hình taxi; Đối với xe khách tuyến cố định, là xe trên 9 chỗ, đi chung và bán vé lẻ, đi từ bến xe đến bến xe; Với loại hình vận tải hành khách bằng xe du lịch, Luật GTĐB quy định: “Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch”.

Như vậy, nghị định cần phải xác định rõ, kinh doanh vận tải khách du lịch có 2 loại: Thứ nhất, loại du lịch theo tuyến cố định là bán vé cho khách lẻ đi du lịch, quy định rõ điểm xuất phát và điểm đến chứ không phải thích đi đâu đón trả khách cũng được. Thứ hai, loại du lịch theo tour nhóm (Group Tour), là ký chung 1 hợp đồng và không được bán vé lẻ, địa điểm do đoàn khách yêu cầu; Còn vận tải hành khách theo hợp đồng, Luật GTĐB quy định “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải”.

Do đó, nghị định phải quy định đúng bản chất của xe hợp đồng không thể giống 4 loại hình kia, không được bán vé lẻ, đặt chỗ khách lẻ và thu tiền trực tiếp của khách lẻ, không được chạy theo tuyến cố định, không được quảng cáo xác định rõ điểm đến cố định như xe chạy tuyến cố định. Xe hợp đồng phải quy định đúng bản chất là xe chỉ được ký 1 hợp đồng, không theo tuyến cố định. Nếu doanh nghiệp (DN) muốn chạy theo tuyến cố định, bán vé lẻ thì phải chuyển sang loại hình vận tải xe khách tuyến cố định. Nếu cho xe hợp đồng được ký nhiều hợp đồng và được đi như tuyến cố định (không khống chế tỉ lệ dưới 30% hành trình lặp lại trùng nhau) thì loại xe này không khác gì xe tuyến cố định.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng, nếu quy định chỉ được ký 1 hợp đồng và khống chế tỉ lệ không quá 30% hành trình lặp lại là hạn chế quyền kinh doanh của DN. Đây là ý kiến không hiểu rõ bản chất, cố tình bảo kê cho các hãng xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định. Mặt khác, chúng ta có 5 loại hình vận tải để DN lựa chọn hoạt động chứ không phải chỉ có xe hợp đồng. Nếu DN thấy phù hợp với loại hình nào thì đăng ký hoạt động loại hình đó. Đăng ký xe hợp đồng thì tuân thủ chế tài quản lý loại hình xe hợp đồng, giống như đã vào bộ đội, công an thì tuân thủ mặc quân phục, ...

Như vậy, nếu quy định rõ bản chất của từng loại hình vận tải thì DN sẽ không thể lợi dụng “lỗ hổng” pháp luật để hoạt động “trá hình” nhức nhối như hiện nay. Đồng thời, nghị định mới có chế tài quản lý và xử phạt đúng, còn nếu không tiếp thu điểm này sẽ dẫn đến sai cơ bản.

Ngoài ra, căn cứ vào sự phân loại, định nghĩa đúng bản chất từng loại hình vận tải, thì dù có áp dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, vé điện tử..., chúng ta không thể quy taxi và xe hợp đồng, xe du lịch vào chung 1 dạng là xe hợp đồng như dự thảo hiện nay. Vì hình thức của hợp đồng, thanh toán bằng vé điện tử, bằng thẻ điện tử, hay bằng gì đi nữa chỉ là thủ tục hình thức, chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải. Điển hình, taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là loại hình taxi, chứ không thể chỉ taxi truyền thống mới là taxi, còn taxi công nghệ lại là xe hợp đồng.

Có thể thấy, dự thảo nghị định hiện nay chưa định nghĩa đầy đủ và đúng bản chất của 5 loại hình kinh doanh vận tải. Đây là kẽ hở lớn nhất hiện nay. Đề nghị ban soạn thảo phải sửa lại cho đúng cơ sở pháp lý và thực tiễn .

Ngại áp dụng công nghệ để tăng “lợi ích nhóm”

Hiện tại, dự thảo nghị định không có quy định áp dụng quản lý vận tải bằng phần mềm công nghệ thông tin (CNTT), dù đây là giải pháp căn bản, hiệu quả nhất để giải quyết tất cả các bất cập, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến lộn xộn, tiêu cực trong lĩnh vực vận tải đường bộ và chỉ có quản lý bằng phần mềm CNTT thì mới hiệu quả, chặt chẽ, đơn giản, tiện lợi cho cả DN và cơ quan quản lý, đảm bảo sự công khai, minh bạch, tránh tiêu cực. Đó cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị của tất cả các hiệp hội, DN vận tải, chuyên gia giao thông trong các cuộc họp bàn về sửa Nghị định 86, nhưng lại không được đưa vào dự thảo nghị định.

Có thể thấy rõ, quản lý bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử...

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định về quản lý tem, vé, thẻ, hoá đơn điện tử, dự kiến ban hành trong tháng 6.2018. Do vậy, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Công thương để có biện pháp quản lý đồng bộ ngay từ bây giờ, bảo đảm nghị định mới không bị lỗi thời ngay sau khi ban hành, tạo ra những công cụ thông minh để quản lý minh bạch, đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả.

Ở các nước tiên tiến, DN vận tải bắt buộc phải lắp camera kết nối GPS trên xe để giám sát cả phương tiện và người điều khiển phương tiện, hành khách. DN chỉ cần dùng điện thoại thông minh để nhập các thông tin vào phần mềm quản lý vận tải. Mọi thông tin GPS của các loại hình vận tải đều được công khai trên nền tảng Web, bất cứ ai cũng có thể vào xem và kiểm tra. Còn ở Việt Nam, hiện nay các quy định về quản lý còn nhiều bất cập tạo điều kiện cho DN và các lực lượng chức năng “tham nhũng”, trốn thuế, “xe dù, bến cóc” lộng hành. Lắp camera trên xe kết nối GPS để quản lý vận tải và xử phạt bằng công nghệ.

Do đó, nghị định cần xác định cụ thể thời hạn đến năm 2020 bắt đầu áp dụng công nghệ quản lý vận tải. Khi đã có công cụ quản lý bằng công nghệ rồi, lúc đó gỡ bỏ hàng loạt các điều kiện quản lý thủ công như hiện nay theo đúng chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh của chính phủ. Chỉ có ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý thì mới bảo đảm khách quan, minh bạch, phòng chống tiêu cực trong xử lý vi phạm.

Thiếu quy chuẩn an toàn

Để bảo đảm điều kiện an toàn, phù hợp với loại phương tiện và người lái. Đồng thời, bảo đảm công bằng với các loại hình vận tải, phải quy định rõ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn đối với từng loại xe (dưới 9 chỗ, trên 10 chỗ, trên 30 chỗ và trên 45 chỗ - PV), điều kiện tiêu chuẩn bảo đảm an toàn của người lái. Phương tiện và DN đăng ký hoạt động các loại xe này phải bảo đảm chặt chẽ, công bằng tất cả các loại hình vận tải vì khi ra đường, khả năng gây tai nạn của các loại xe đều như nhau. Tuy nhiên, trong Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, xe hợp đồng lại không có các quy chuẩn đảm bảo an toàn.

Chính vì vậy, phải ban hành các quy chuẩn, điều kiện bảo đảm an toàn cho tất cả các loại hình vận tải và tránh được việc hạn chế quyền kinh doanh của các chủ thể. Bất cứ ai đáp ứng được các điều kiện an toàn đều có thể kinh doanh vận tải và điều kiện an toàn cũng chính là bảo tính mạng của hàng triệu lượt hành khách sử dụng các dịch vụ vận tải, theo tiêu chí “tính mạng con người là trên hết”.

Chưa đề cập đến kết cấu hạ tầng giao thông

Dự thảo nghị định cần cụ thể thể hóa Điều 51 Luật GTĐB, quy định từng loại hình vận tải có các điểm dừng đón trả khách, không chỉ là bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí như hiện nay. Đồng thời, cụ thể hóa Điều 42 Luật GTĐB về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông.

Cụ thể: Phải có điểm dừng cho taxi, tuyến cố định, du lịch, bởi hiện nay mới làm tốt điểm dừng dành cho xe buýt. Muốn làm được điều đó, phải đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó, đặc biệt ưu tiên xây dựng điểm dừng tuyến cố định (không có điểm dừng thì sẽ dẫn đến chỗ nào cũng chờ đón khách được và rất khó xử phạt - PV); xây dựng điểm dừng xe du lịch, taxi…, đảm bảo nguyên tắc kết nối giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường không.

Chúng ta đều biết, hậu quả của “xe dù, bến cóc”, xe khách “trá hình” là vô cùng nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, mỗi năm, nhà nước đầu tư hàng trăm nghìn tỉ đồng cho hạ tầng giao thông (tàu điện trên cao, tăng xe buýt, hệ thống kết nối giao thông công cộng…), nhưng lượng khách đi các phương tiện công cộng vẫn không tăng, thậm chí nhiều nơi còn giảm, gây lãng phí xã hội rất lớn. Nguyên nhân chính là do xe dù, bến cóc, xe trá hình vào nội thành đón khách khắp nơi, phá vỡ quy hoạch hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Không có điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính

Cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thuyết minh về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành nghị định. Đề nghị bổ sung nội dung này vào Tờ trình Dự thảo nghị định, báo cáo đánh giá tác động Dự thảo nghị định để chính phủ xem xét, quyết định.

Phối hợp liên ngành GTVT, tài chính, công thương…

Để xây dựng nghị định thay thế Nghị định 86, bảo đảm thực sự chặt chẽ, khoa học nhằm quản lý hiệu quả các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; vừa phòng chống “lách luật” để tổ chức “xe dù, bến cóc”, vừa phòng chống tình trạng “bảo kê” cho “xe dù, bến cóc” hoạt động, các giải pháp phối hợp :

Thứ nhất: Bộ GTVT sớm xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý vận tải hành khách bằng xe ôtô, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ 2020. Quy định lắp camera gắn với GPS phục vụ quản lý an toàn. Dữ liệu là cơ sở để Bộ Công an kế thừa phục vụ việc điều tra hoặc xử lý các vi phạm.

Thứ hai: Bộ tài chính thống nhất với Bộ GTVT giải pháp dùng công nghệ thông tin để quản lý doanh thu, kế thừa dữ liệu GPS và phần mềm đặt tại Bộ GTVT để quản lý thuế đối với các loại hình vận tải hành khách đường bộ.

Thứ ba: Bộ GTVT thống nhất với Bộ TTTT, Bộ VHTTDL, sửa đổi các quy định, không để các hãng xe hợp đồng du lịch đi tuyến cố định trái với đăng ký (hiện nay có hàng nghìn nhà xe hợp đồng du lịch ngang nhiên vi phạm). Xử lý nghiêm các công ty du lịch tiếp tay cho DN vận tải hợp đồng lợi dụng kẽ hở tổ chức gom khách lẻ, bán vé cho hành khách dưới mọi hình thức.

Thứ tư: Bộ Công thương phối hợp với Bộ GTVT bổ xung quy định đăng ký quản lý đối với DN thương mại điện tử, ban hành chế tài xử lý nghiêm hàng nghìn DN vận tải trá hình đang bán hàng dịch vụ vận tải trái phép trên mạng (tương tự như kimh doanh hàng giả - PV).

Thứ năm: Các chế tài xử phạt phải đủ sức răn đe, kiên quyết thu hồi phù hiệu xe hợp đồng, giấy phép kinh doanh đối với xe hợp đồng và DN kinh doanh xe hợp đồng, nếu tổ chức bán vé dưới mọi hình thức (bản chất hành vi này là kinh doanh trái phép - PV).

Những năm qua, nhà nước đã ban hành 3 nghị định, hàng chục thông tư về quản lý vận tải hành khách bằng xe ôtô nhưng chưa xử lý được vấn nạn “xe dù, bến cóc” và xe khách “trá hình”. Còn nhớ, khi ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP, lãnh đạo Bộ GTVT đã khẳng định, “xe dù, bến cóc sẽ không còn đất sống”, nhưng thực tế, vấn nạn này càng nhức nhối hơn dẫn đến Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 86, Báo Lao Động kiến nghị, Bộ GTVT là cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị hợp lý và kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến, đồng thời triệt để chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng nghị định theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy, nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP mới thực sự chặt chẽ, hiệu quả và xứng tầm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp “lách” qua “lỗ hổng” Nghị định 86

NHÓM PV |

Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, thay thế Nghị định 91 và Nghị định 93 của Chính phủ, sau hơn 3 năm thực hiện, đã xuất hiện nhiều “lỗ hổng” trong hoạt động quản lý, kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Vụ xe hợp đồng "trá hình" chạy tuyến cố định: “Bất lực” trong xử lý!

NHÓM PV |

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, tính đến nay, sở này đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho 53.181 xe ôtô, trong đó dưới 9 chỗ là 34.562 xe. Còn tại Hà Nội, số lượng xe được cấp phù hiệu hợp đồng là 40.730 xe, trong đó có 25.780 xe hợp đồng dưới 9 chỗ, số còn lại là xe hợp đồng trên 9 chỗ. 

Xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định: “Nuốt trọn” cả nghìn tỉ đồng tiền thuế

NHÓM PV |

Mỗi ngày, hàng nghìn chiếc xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định vẫn ngang nhiên “oanh tạc” khắp các tuyến đường trên địa bàn cả nước. Trong khi đó, cơ quan chức năng “bất lực” trong việc kiểm soát. Đâu là nguyên nhân dẫn đến các nhà xe này “lộng hành”, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước?

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Doanh nghiệp “lách” qua “lỗ hổng” Nghị định 86

NHÓM PV |

Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, thay thế Nghị định 91 và Nghị định 93 của Chính phủ, sau hơn 3 năm thực hiện, đã xuất hiện nhiều “lỗ hổng” trong hoạt động quản lý, kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Vụ xe hợp đồng "trá hình" chạy tuyến cố định: “Bất lực” trong xử lý!

NHÓM PV |

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, tính đến nay, sở này đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho 53.181 xe ôtô, trong đó dưới 9 chỗ là 34.562 xe. Còn tại Hà Nội, số lượng xe được cấp phù hiệu hợp đồng là 40.730 xe, trong đó có 25.780 xe hợp đồng dưới 9 chỗ, số còn lại là xe hợp đồng trên 9 chỗ. 

Xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định: “Nuốt trọn” cả nghìn tỉ đồng tiền thuế

NHÓM PV |

Mỗi ngày, hàng nghìn chiếc xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định vẫn ngang nhiên “oanh tạc” khắp các tuyến đường trên địa bàn cả nước. Trong khi đó, cơ quan chức năng “bất lực” trong việc kiểm soát. Đâu là nguyên nhân dẫn đến các nhà xe này “lộng hành”, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước?