Nữ công nhân làm giám đốc xí nghiệp!

LÊ TUYẾT |

Chị Hoàng Thị Kim Dung - Giám đốc Xí nghiệp May An Phú (thuộc Cty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn - Garmex Sài Gòn) là nữ lãnh đạo xuất thân từ một công nhân trực tiếp sản xuất đã và luôn biết cách để làm cho công ty làm ăn có lãi, thu nhập của công nhân được nâng cao.

Từng từ chối làm sếp vì mặc cảm trình độ 12!

Chị Kim Dung sinh năm 1966, vốn là người Thái Bình, bố mẹ di cư vào Sài Gòn những năm 54. Chị học hết lớp 12 thì nghỉ. Chị kể, gia đình hồi đó nghèo dữ lắm, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào nghề làm pháo. Mà cái nghề nguy hiểm vô cùng, thuốc pháo nổ, người dân ở Xóm Mới (quận Gò Vấp, TPHCM) cụt tay, mất chân, mù mắt là chuyện thường, lắm khi còn chết người. “Cái nghề nguy hiểm vậy nhưng không biết cách nào để thoát ra. Chị muốn học tiếp nhưng không có tiền nên cứ cố bám lấy”.

Cơ duyên đến với nghề may của chị bắt đầu khi anh trai của chị, vốn là cầu thủ, chơi cho đội bóng của TCty May Việt Thắng. Nhờ mối quan hệ của anh trai, chị Dung được gửi vào học nghề cắt may 8 tháng mà không phải đóng học phí. Chị tốt nghiệp với điểm thi 8,5. Những năm 90, ngành may chưa phát triển nhiều, không có nhiều công ty, xí nghiệp như bây giờ. Người nào học được nghề này, được xí nghiệp nhận vào làm là một điều may mắn!

Cho nên, với điểm tốt nghiệp loại giỏi, năm 1990, chị được Việt Thắng nhận vào làm việc với vị trí công nhân kiểm hàng. Nhớ lại những ngày đầu đi làm, chị bồi hồi: Xưởng may ở Thủ Đức, nhà ở Gò Vấp, phương tiện đi lại không có, sáng chị phải dậy thật sớm để đi nhờ xe buýt của công nhân dệt. 4h xe xuất phát ở trạm đầu tiên nên để đi theo được xe, 3h30 chị phải dậy.

Chị kể: “Lúc mới lên, xe chưa có người nên ghế vẫn còn trống, mình ngồi được một chút, tranh thủ ngủ thêm. Khi các công nhân dệt lên xe, nếu mình ngồi trúng số ghế của họ thì phải đứng lên, trả lại. Xe chạy lòng vòng qua các trạm, rất lâu mới xuống tới xưởng. 6h vào ca, 14h ra ca. Lại tiếp tục hành trình xe buýt, 16h về tới nhà. Hôm nào chị mệt quá, sáng dậy muộn, trễ xe là bố hoặc anh trai phải lấy xe đạp, vượt gần 20 chục cây số, chở lên tới xưởng”.

Làm việc tại Việt Thắng được 3 năm, chị xin nghỉ, nộp đơn xin thi tuyển vào Xí nghiệp may An Nhơn thuộc Garmex Sài Gòn để được gần nhà. Chị bảo, lúc đó chỗ làm mới cần tuyển tổ trưởng, chị ứng tuyển và được nhận. Chị gắn bó với Garmex Sài Gòn từ đó đến nay, trải qua các vị trí từ tổ trưởng - Phó Quản đốc - Phó Phòng Kỹ thuật kiêm Trưởng phòng phát triển mẫu - Quản đốc xưởng - Phó Giám đốc sản xuất xưởng may An Nhơn - Phó Giám đốc Xí nghiệp may An Phú và hiện tại là Giám đốc.

Ở vị trí nào, chị luôn cố gắng, nỗ lực hết sức mình. Chị bộc bạch: “Chính vì tôi không được học cao nên khi được lãnh đạo Garmex Sài Gòn bổ nhiệm vị trí quản lý, đồng nghiệp không phục, gây nhiều trở ngại”. Như lần chị được bổ nhiệm làm Phó quản đốc Xí nghiệp may An Nhơn, khi đó xưởng đã có một quản đốc và một phó quản đốc. Do chị còn trẻ nên các tổ trưởng và đồng nghiệp cô lập, mỗi lần chị đề xuất hay điều động nhân sự thường bị phản ứng.

Thế nhưng chị không nản: “Tôi phải chứng minh bằng năng lực của mình. Xuất phát là một công nhân, gắn bó với máy may, từng đường kim, mũi chỉ, nên tôi bắt đầu tìm tòi, cải tiến từ thao tác may, kết quả tôi cho ra đời cử gá giúp tiết kiệm chỉ, thao tác nhanh hơn, gọn, đẹp”.

Sau đó, chị lần lượt đề xuất các sáng kiến mới, điều phối kế hoạch, cân đối sản xuất từng chuyền giúp năng suất tăng lên, lương của chị em công nhân được cải thiện đáng kể… Chính sự nỗ lực không ngừng của chị và hiệu quả mang lại đã giúp chị xóa bỏ mọi nghi ngại, đồng nghiệp dần tin yêu.

“Đồng nghiệp tin yêu nhưng lúc đó tôi chưa tự tin về bản thân mình. Khi lãnh đạo Garmex Sài Gòn cho gọi tôi lên nói chuyện về việc bổ nhiệm tôi làm Phó Giám đốc Xí nghiệp may An Nhơn. Tôi đã nhiều lần từ chối vì nhìn mặt bằng chung, lãnh đạo các xí nghiệp đều có trình độ thấp nhất là đại học, có người đi du học về.

Tôi thì chỉ bằng lớp 12, hơn nữa lãnh đạo các phòng ban, cấp dưới đều có trình độ. Cấp trên nhiều lần thuyết phục, giải thích bởi ban giám đốc bổ nhiệm nhân sự dựa vào năng lực chứ không nhất thiết phải có bằng cấp. Khi đó tôi mới tự tin hơn” - Chị Dung chia sẻ.

Không có “bằng” nào đáng giá hơn “bằng lòng”

Năm 2009, Garmex Sài Gòn tiếp quản xưởng may Jeetung (Hồng Kông), tiền thân của Xí nghiệp may An Phú bây giờ. Thời điểm đó, tình hình sản xuất của Jeetung gặp nhiều khó khăn, công nhân đình công, lãn công liên tục. Đang là Phó Giám đốc Xí nghiệp may An Nhơn, chị được điều chuyển sang làm Phó Giám đốc phụ trách xí nghiệp may An Phú. “Đó thực sự là một thử thách!” - chị Dung nhớ lại.

Thời gian đầu ban giám đốc Garmex Sài Gòn bố trí người hỗ trợ, đến năm 2011, chị chính thức giữ vị trí Giám đốc Xí nghiệp may An Phú. Từ đó đến nay, dù chị luôn tự nhận mình không được học hành nhiều thế nhưng chính thực tế công việc đã dạy chị làm thế nào cho hợp lý, cho công ty làm ăn có lãi, thu nhập của CN được nâng cao. Liên tục trong nhiều năm liền, Xí nghiệp may An Phú luôn là đơn vị dẫn đầu về thành tích sản xuất, đảm bảo thu nhập cao cho người lao động trong hệ thống Garmex Sài Gòn.

“Tôi biết xuất phát điểm của mình có hạn nên tôi không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để được học hỏi thêm. Tôi tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn do ngành Dệt may, Garmex Sài Gòn tổ chức trong, ngoài nước, học cách quản lý từ các doanh nghiệp nước ngoài, học từ thực tiễn sản xuất, học từ nhân viên của mình, đăng ký đi học thêm ở các trường…” - Chị Dung liệt kê.

Kể lại những ngày mới chuyển từ công nhân lên làm Phó quản đốc rồi làm Phó Phòng Kỹ thuật kiêm Trưởng phòng phát triển mẫu, chị Dung thật thà: “Lúc đó vốn liếng của tôi là kinh nghiệm từ thực tiễn và các sáng kiến, cải tiến được áp dụng mang lại nguồn lợi cho xí nghiệp, tôi hoàn toàn mù tịt về tiếng Anh, máy tính, trong khi đó công việc yêu cầu tôi phải đọc tài liệu tiếng Anh, tiếp xúc với khách hàng người nước ngoài rồi tính đơn giá, phát triển mẫu… nhân viên của tôi khi đó hơn 20 người, ai cũng giỏi. Nên tôi phải đi học”.

Dù công việc trên xưởng đã chiếm hết thời gian, chị vẫn cố gắng sắp xếp đi học tiếng Anh, vi tính vào mỗi buổi tối. Thứ 2; 4; 6 học tiếng Anh, thứ 3; 5; 7 học vi tính. Liên tục trong 2 năm, chị đọc và sử dụng thành thạo tiếng Anh, vi tính. Đến giờ, mỗi buổi tối, sau khi ở xưởng về, dù không còn đến trường, chị vẫn duy trì thói quen đọc và học thêm.

Để huy động cán bộ, anh chị em cùng tham gia cải tiến, đóng góp ý tưởng, năm 2015, chị thành lập Ban cải tiến. Từ ban cải tiến này, nhiều ý tưởng ra đời góp phần cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Không những thế, nữ giám đốc Hoàng Thị Kim Dung luôn chú trọng xây dựng đội ngũ quản lý, lãnh đạo từ công nhân. Dưới thời chị, nhiều công nhân trưởng thành và trở thành cán bộ quản lý ở xí nghiệp may An Phú, An Nhơn và nhiều đơn vị khác của Garmex Sài Gòn.

Gần 30 năm gắn bó với nghề may, hết lòng vì công việc, chị cũng “lơ đãng” luôn chuyện lập gia đình. Ngấp nghé tuổi ngũ tuần, người đàn bà đẹp, da trắng, dáng xinh mới tìm thấy hạnh phúc của riêng mình, dù có muộn mằn.

Hôm tôi ghé xí nghiệp, chị nhất quyết mời tôi ở lại ăn cơm. Suất cơm của giám đốc hôm đó có rau muống xào, canh riêu cá, thịt kho. Nếu là bữa cơm của một người lãnh đạo gần 1.400 công nhân thì có vẻ giản dị nhưng nếu đó là bữa cơm của tất cả công nhân thì có phần thịnh soạn.

Chị bảo: “Ở đây, tất cả mọi người đều ăn những suất ăn giống nhau bất kể là sếp hay lính. Bởi chỉ có như vậy, mình mới biết bữa ăn ngon dở thế nào, từ hạt cơm không được dẻo hay canh nấu hơi mặn để nhắc nhở nhà bếp để điều chỉnh”.

Chị Dung chia sẻ: “Tôi có được vị trí, công việc như hôm nay, phần nhiều là nhờ cấp trên của mình đã dìu dắt, tạo điều kiện. Mình có may mắn như vậy thì phải biết chia sẻ may mắn đó với người lao động của mình.

Ở xí nghiệp may An Phú, điều tôi tự hào nhất chính là đảm bảo cho công nhân của mình sống được bằng lương và bản thân tôi được anh chị em công nhân ủng hộ. Là người không được học hành nhiều nên tôi rất coi trọng bằng cấp, chuyện đi học, thế nhưng quan trọng hơn hết thảy là sự bằng lòng của anh chị em”.

Chị Hoàng Thị Kim Dung gương mặt nữ duy nhất trong 10 gương mặt đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVII năm 2017 do LĐLĐ TPHCM trao tặng. Chị Dung có nhiều sáng, kiến cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Đơn cử như Cải tiến chuyền may làm lợi 1 tỉ 116 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho người lao động tăng lên hơn 1 triệu đồng/người/tháng; Sáng kiến, cải tiến “Bỏ đánh số, tách cây vải theo thẻ bài” giúp tăng thu nhập cho người lao động lên gần gấp đôi (hơn 14 triệu đồng/người/tháng)… Chị Kim Dung được UBND TPHCM, LĐLĐ TPHCM, Công đoàn cấp trên tặng Bằng khen Lao động giỏi, sáng tạo nhiều năm liền…

LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.