Nông dân ngán ruộng, nông dân bám ruộng

HỮU LONG |

Ruộng đất bỏ hoang, canh tác cầm chừng do thiếu lao động … - thực trạng đang diễn ra tại một số làng nghèo Quảng Nam. Làng quê xứ Quảng bây chừ đi đâu cũng chỉ rặt người già và trẻ con lóc nhóc bởi thanh niên phần đi làm, phần vào khu công nghiệp làm việc cho “trắng da dài tóc”. Nhưng... lạ lùng thay, vẫn còn đó, những nông dân bám ruộng...

Tình cờ gặp ông Võ Trung Tỵ (56 tuổi, thôn Quý Phước, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trong khu vườn nhà giữa trưa hè oi ả, tôi hỏi thăm tình hình sản xuất sau 1 mùa đồng áng. Ông Tỵ mặt kham khổ, ngả lưng trên chiếc võng ngô đồng nói: “Tui làm ruộng vài năm nữa chắc cũng bỏ thôi. Chừ ra ruộng chỉ thấy mấy ông già, bà lão gặt lúa, nhổ đậu. Thế hệ bọn tui mai mốt mà già thì chắc ruộng đồng hoang hóa!”. Lời ông Tỵ trái với chuyện ông kể tôi nghe trong 1 cuộc trà dư, tửu hậu về cuộc đời “1 nắng 2 sương” để nuôi con cái thành tài…

Nhớ quá khứ

Đầu hè nhưng trời miền Trung nắng cháy da. Nóng ngột ngạt nhưng nông dân Quảng Nam vẫn tảo tần ra đồng gặt lúa, nhổ đậu mang về kho, chất đầy bồ. Tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, khác với cái rộn rã người nói, kẻ cười trên cánh đồng lúa trong trí nhớ thuở nhỏ của tôi, bây giờ trong thôn, ngoài đồng im ắng lạ thường.

“Có chi đâu mà lạ. Lạ lâu dần thành quen!” - ông Tỵ thở dài. Rồi ông lý giải: Thế hệ của ông trở về trước, cả đời chỉ biết “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” chắt chiu hạt gạo, củ khoai, đổi tiền nuôi xoay sở cuộc sống gia đình. Hồi đó, Bình Quý ai cũng nghèo nên nhà nào có ruộng vườn, trâu bò được người trong thôn cả nể. Đến đời của ông và nhiều người trong thôn, sự học ngắn ngủi nên vợ chồng tiếp tục bám vào đồng ruộng để có thu nhập đóng tiền học hành cho con.

“Làm nông sướng hay khổ?” Tôi chưa kịp trả lời, ông Tỵ đã nói đều đều: “Làm nông cực nhưng phải biết tính toán chi li!”. Rồi ông giảng giải: “Một năm 2 vụ lúa, đậu nhưng phải làm dặm. Làm dặm nghĩa là chăn nuôi kiếm thêm thu nhập. Mà có riêng thôn Quý Phước này đâu, xã Bình Quý ai cũng phải đi làm thêm: Phụ hồ, chẻ đá, làm đường cao tốc… mới mong có chút của nải dư dả xây nhà cửa, có tiền dựng vợ, gả chồng cho con…”

“Một đời cày ruộng nên anh nhìn tui mới 56 mà đã yếu đi trông thấy. Mấy mẫu ruộng cha ông để lại, chắc vài năm nữa mình già yếu, cho người ta thuê hoặc bỏ hoang chớ sức đâu mà mần nữa” - ông Tỵ nói, thở dài… “Đời tui tuy học hành không giỏi nhưng chưa từng lười biếng. Từ ngày có vợ rồi sinh 2 đứa con trai, tôi cày sâu cuốc bẫm, không quản ngại việc gì. Có người từng hỏi, động lực gì khiến tôi làm không ngày nghỉ, tôi bảo, đó là niềm vinh dự khi nhìn mấy đứa con ăn học thành tài, lập gia đình yên ấm! Chỉ có cái học mới bớt khổ, mới thoát khỏi việc đồng áng”.

Mong ước thế hệ sau bỏ ruộng của ông Tỵ không phải đa số, nhưng cũng đại diện cho không ít suy nghĩ của tầng lớp nông dân nghèo tại tỉnh Quảng Nam nhiều năm qua. Tôi không còn ngạc nhiên khi lớp trẻ “nhà quê” khi trưởng thành đều ra làm việc tại các thành phố lớn hoặc vào các khu công nghiệp chứ nhất quyết không theo nghề nông. Những làng quê nghèo như xã Bình Quý bình dị ngày nào giờ càng đìu hiu, xác xơ.

Ly tán

Đã qua rồi thời kỳ “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nghề nông không còn là con đường duy nhất thoát nghèo với thế hệ thanh niên hiện giờ ở Bình Quý. Chỉ cần rảo bộ từ xã ra thị trấn Hà Lam, có thể thấy ngay các tấm bảng tuyển lao động phổ thông, học nghề và xuất khẩu lao động nhan nhản. Hôm tôi về, anh Sầu - người Điện Bàn nhưng làm rể tại xã Bình Quý - tay ôm lỉnh khỉnh đống đồ ăn mua vội để kịp nấu bữa cơm cho mấy đứa con trong nhà.

“Mấy ông anh ngồi chơi, tui tranh thủ nấu ít đồ ăn cho 2 đứa nhỏ” - anh Sầu từ phía bếp vội giải thích với khách. Hơn 2 năm rồi, nhà vắng bàn tay người phụ nữ nên trông bừa bộn, ám mùi ẩm mốc. Mà cũng đúng cho cái cảnh “gà trống nuôi con” bởi từ ngày vợ Sầu đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, 2 đứa nhỏ anh đành đưa về nội, ngoại trông giữa. Mấy ngày lễ, về quê ngoại nhưng chẳng có thời gian thu dọn nhà cửa, vườn tược. Nghỉ đâu được 1 ngày, bạn bè gọi bù khú, anh đều từ chối, nấu được bữa cơm nhà rồi lại đèo đứa con gái út ra Điện Bàn gửi nội trông. Sau cùng, quay trở lại công việc làm công nhân may khó nhọc.

“Mẹ bọn hắn đi xuất khẩu làm thì thu nhập cao nhưng chi phí bên nớ đắc đỏ, ăn chi cũng tiết kiệm tối đa, may ra mới có tiền gửi về nhà. Mà rứa đã may, có đi xuất khẩu lao động may ra mới có chút vốn liếng, chứ làm ruộng biết đời nào nở mày nở mặt với thiên hạ” - nói rồi anh Sầu tự động viên bản thân: “Nhiều lúc nghĩ, vợ chồng tui còn trẻ đã chia ly ngàn kilomet, ai chẳng buồn. Chỉ thương mấy đứa con thiếu tình yêu của cha mẹ nên chắc sẽ bù đắp cho sắp nhỏ sau này nhiều hơn.”

Tự tìm hướng đi

Tình cảnh người bỏ ruộng, kẻ dứt áo ra đi để không rơi vào cái đói nghèo nơi quê nhà đã bắt đầu xuất hiện tại Quảng Nam khoảng chục năm trở lại đây. Cứ đà này vài năm nữa, nếu người nông dân không có sự thay đổi trong cách thức làm ăn, ruộng đồng rồi bỏ hoang phí...

Nói thế, nhưng tại xã Bình Quý, người dân vẫn thường kể nhau nghe câu chuyện lão nông Nguyễn Trường Sơn (thôn Quý Phước) mang giống lúa đen từ bên Ấn Độ về trồng thử nghiệm nhưng lấy tiền thiệt. Ngồi trò chuyện với tôi, ông Sơn khẳng định, ông là nông dân rặt nhưng không nghèo! Bằng chứng là con cái trong nhà đều được ông cất nhà tiền tỉ tại TP.Đà Nẵng.

Ông Sơn kể, thời trẻ, ông cũng làm lúa, trồng đậu, khoai… tại địa phương nhưng thu nhập bấp bênh. Khoảng 3 năm về trước, ông được Cty CP Hưng Trung Việt đưa đi thăm quan các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước. Từ chuyến đi này, ông nhận thấy, giống lúa đen sản xuất hữu cơ dù khá mới mẻ nhưng có thể mang về trồng thử nghiệm tại quê nhà.

Sau khi tập hợp 1 nhóm nông dân chung chi hướng, đầu năm 2018, ông Sơn thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý với 11 xã viên. Để các xã viên an tâm sản xuất, ông Sơn cam kết sẽ hỗ trợ miễn phí tiền phân bón, lúa giống... và bao tiêu sản phẩm. Ghi nhận suy nghĩ táo bạo của nông dân xã Bình Quý, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ cho Công ty CP Hưng Trung Việt xây dựng, cấp mã QRCode cho sản phẩm lúa đen sản xuất hữu cơ.

Ông Sơn cho biết, lúa đen là giống lúa thảo dược có nguồn gốc bên Ấn Độ. Khi đưa về Việt Nam, phần nhiều người nông dân trồng giống lúa này đều thất bại bởi thời gian thu hoạch ngắn hơn lúa truyền thống, trong khi quy trình trồng phải tuần thủ chặt chẽ theo tiêu chuẩn VietGap. “Lúa đen năng suất thấp nhưng giá thành cao, 1kg gạo của nó có giá 70 ngàn đồng/kg trong khi gạo truyền thống giá cao từ 15-20 ngàn đồng/kg. Tôi tin rằng, trong tương lai, trồng lúa đen sẽ mở ra hướng làm giàu đầy mới mẻ đối với người nông dân” - ông Sơn khoe.

Khó khăn của hợp tác xã hiện nay là gì, tôi thắc mắc. Ông Sơn cho rằng, đầu ra là vấn đề khiến hợp tác xã đang căng óc suy nghĩ. Hiện, hợp tác xã ông Sơn đang liên kết với các doanh nghiệp tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội trong việc bao tiêu sản phẩm. Nhưng muốn phát triển bền vững, tạo dựng thương hiệu trong lòng người dân, ông Sơn mong muốn được tạo điều kiện để xã viên có cơ hội tập huấn, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong các hội chợ nông sản, Festival làng nghề truyền thống…

Quảng Nam giờ đây thay đổi nhiều so với cách đây vài chục năm nhờ các khu công nghiệp hình thành tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Sự phát triển là điều tất yếu nên người nông dân như ông Sơn, ông Tỵ tôi gặp theo thời gian phải tự thay đổi hoặc bị đào thải trên chính mảnh đất ông cha ngàn đời để lại.

HỮU LONG
TIN LIÊN QUAN

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Những công trình cổ xưa nhất thế giới hút du khách

Vân Hoa |

Bên cạnh Những bức tượng bí ẩn ở Đảo Phục Sinh hay Đại kim tự tháp Giza, nhiều công trình kiến ​​trúc thế giới vẫn đứng vững sau nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.