Ninh Thuận cận kề tái đói

LÂM HƯNG THƠ |

Ninh Thuận những ngày cuối tháng 5, những vườn nho, vườn táo xanh rì một thời "hái" ra tiền, nay thiếu nước nên lá co quắp chuyển màu. Những đàn cừu, dê, bò ốm trơ xương mỗi ngày phải lững thững "di cư" hết cánh đồng này đến cánh đồng khác để kiếm ăn, nước uống. Những người nông dân nghèo khó, nay phải mang sổ hồng, sổ đỏ - đi cầm cố, vay mượn để "cầm hơi"... cho cây trồng, vật nuôi và cho chính họ. Tại vùng tâm hạn đã công bố tình trạng thiên tai ở tỉnh Ninh Thuận, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những hình ảnh xót xa như vậy...


 

Đất đai khô khốc, người nông dân bất lực chưa tìm được cây trồng phù hợp để canh tác. Ảnh: Hưng Thơ. 

Nông dân chống hạn kiểu... đánh bạc 

Ở Ninh Thuận, xã Nhơn Hải của huyện Ninh Hải là địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán. Phía giáp biển, Nhơn Hải có trên 100ha đất nông nghiệp bị nhiễm mặn không còn sản xuất được, còn phía giáp núi, thì mạch nước ngầm và hồ cạn kiệt từ năm 2015. Vụ hè thu này, sản xuất ở đây ngừng trệ hoàn toàn. Thôn Khánh Tân được xem là túi hạn của Nhơn Hải, từ đầu đến cuối thôn xơ xác, khô khốc. Mỗi ngày, để giúp người dân chống khát, bộ đội phải vận chuyển nước về tận nơi để cấp cho từng hộ gia đình. Ông Nguyễn Tường (thôn Khánh Tân) chỉ vào đàn bò 13 con ốm nhom đang trệu trạo nhai rơm khô, nói rằng, mỗi ngày phải bỏ ra 40 nghìn đồng mua cỏ tươi để... bồi dưỡng cho bò. "Tôi trồng 5 sào cỏ, nhưng khô rang hết nên không có cho bò ăn, phải mua 5 xe rơm giá 6,2 triệu đồng, mỗi ngày mua thêm 40 nghìn cỏ tươi nữa. Không biết duy trì như thế này được bao lâu" - ông Tường cho biết. Nước để ăn, uống may mắn có bộ đội cung cấp. Nhưng nước cho gia súc thì ông Tường phải bỏ tiền mua liên tục. Cách đây mấy ngày, ông bỏ ra 300 nghìn mua 9 khối nước rồi đổ xuống cái giếng đã cạn nước. Tiếp đó, ông thuê thợ về khoan ngay dưới đáy giếng 3 lỗ hết 1,5 triệu đồng rồi hút nước lên cho gia súc uống. Vì không đảm bảo thức ăn, nước uống nên đàn bò của ông Tường ngày càng gầy đi, có con sau khi đẻ đã 8 tháng mà vẫn chưa chịu đực lại. "Bây giờ đầu tư là để cầm hơi cho đàn gia súc, chứ không thể có chuyện lời lãi" - ông Tường buồn thiu.

Tại thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2, nhiều vườn nho của nông dân vài năm tuổi bị thiếu nước, phải chặt bỏ vì không cứu được. 57 tuổi, ông Lê Phúc Thành (thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đã có hơn 23 năm gắn bó với nghề trồng nho. Những vụ mùa trước đây, lời lỗ ông Thành nhẩm vanh vách vì nằm trong dự tính. Nhưng 2 năm trở lại, nắng hạn làm mọi thứ đảo lộn, khiến một người có nhiều kinh nghiệm trong nghề như ông Thành đang dần buông tay. "Tôi trồng 8 sào nho. Chặt bỏ hết 5 sào rồi, còn 3 sào nhưng không rõ duy trì được bao lâu" - ông Thành nói, rồi tiếp tục rạp người xuống, nhổ từng gốc nho 3 năm tuổi trên nền đất cát khô khốc. Bao quanh vườn nho rộng 8 sào của gia đình ông Thành, có hệ thống máng dẫn nước bằng bêtông, ở cuối vườn chỉ vài máng có ít nước, số còn lại khô rang, cát phủ đầy. Để trồng được cây nho, chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt ở vùng này, gia đình ông Thành đã đầu tư đào 2 cái giếng "khủng" có độ sâu hơn 10 mét, rộng hơn 6 mét với chi phí trên 50 triệu đồng, để hút nước tưới cho vườn nho. Nhưng đợt rồi nước ở giếng này cạn, ông Thành thuê thợ về khoan ngay dưới đáy giếng 9 lỗ khoan, nhưng bây giờ chỉ có 1 lỗ cho nước trong tình trạng "thoi thóp".

Nếu không tìm được nguồn nước, 3 sào nho còn lại chắc chắn phải nhổ bỏ, nên ông Thành cùng 2 hộ dân khác cùng góp tiền thuê thợ về khoan giếng. Sau 9 ngày đêm cật lực, mũi khoan sâu xuống lòng đất hơn 80 mét nhưng mới có ít nước, dự kiến đến 100 mét thì nguồn nước mới được ổn định, nên các hộ dân ở đây đang đứng ngồi không yên. "Chi phí khoan giếng khoảng 80 triệu. Mỗi hộ sẽ góp gần 30 triệu. Nếu may mắn có nguồn nước tưới ổn định từ giếng khoan, sẽ cứu được 3 vườn nho của 2 gia đình, không thì coi như mất trắng và vướng nợ" - ông Đỗ Anh Quân, hàng xóm với ông Thành, than thở. Trước đó, để có tiền đào giếng chống hạn, ông Quân và ông Thành người thì tìm đến quỹ tín dụng, người thì cầm sổ hồng để vay vốn. Nay giếng đào cạn nước, sổ đỏ của hai gia đình chuẩn bị "đội nón" vào ngân hàng thế chấp, để vay tiền trả cho người khoan giếng.

Những nông dân như ông Thành, ông Quân ở vựa nho này, đang nỗ lực tìm mọi cách tự cứu mình trước thiên tai, nhưng do việc đào giếng, khoan giếng theo kiểu cầu may, không khảo sát nguồn nước ngầm nên người nông dân đang đứng trước một canh bạc... Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải nói rằng, để khắc phục tình trạng hạn hán, người dân tại xã đã khoan trên 500 cái giếng, nhưng đa số không có nước. "Người dân khoan nước theo dạng cầu may, không có khảo sát từ trước nên hiếm giếng có nước. Trong lúc đó, tại các cuộc giao ban chống hạn hàng tuần tại UBND huyện Ninh Hải, tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng khảo sát nước ngầm, giúp bà con giảm thiểu thiệt hại. Nhưng đã nhiều tháng trôi qua, vẫn chưa có đơn vị nào về tìm hiểu!" - ông Tâm nói.

Tái đói đã ở ngay trước mắt

Tôi hỏi nông dân Đỗ Anh Quân, đợt rồi nhận bao nhiêu ký gạo cứu đói, đã ăn hết chưa? Ông Quân méo miệng: Nhận được 60kg gạo cứu trợ, ăn hết từ tháng trước chứ còn đâu mà hỏi. Còn ông Lê Phúc Thành, thì nói, không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên không có gạo, nhưng thực tế hiện tại không chỉ nghèo, mà phải là quá nghèo vì còn còng lưng mang nợ nữa. "Nông dân như chúng tôi, chỉ thu nhập từ trồng nho hoặc chăn nuôi. Bây giờ không thu được đồng nào mà còn phải đi vay để cầm cự nữa, không nghèo thì là gì. Cái đói đã ở ngay trước mắt rồi" - ông Thành chia sẻ. Ông Phan Quang Thựu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận cũng nói rằng, những hộ đã được cấp gạo cứu đói trong đợt 1, chắc chắn sẽ tái đói vì có làm gì ra gạo đâu. "Bên Sở LĐTBXH đang rà soát để tiếp tục cấp gạo thiếu đói đợt 2 cho người dân". Nếu sau đợt 2 vẫn tiếp tục hạn hán, bà con vẫn tái đói thì sẽ thế nào? - tôi hỏi. Ông Thựu nói, "bà con đói thì phải tiếp tục kiến nghị xin cấp gạo cứu đói, trước mắt là thế".

 

Giếng nước đào của người dân chống hạn cho nho không còn giọt nước. Ảnh: Hưng Thơ. 

Cũng theo ông Thựu, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thì hiện tượng hạn hán tiếp tục kéo dài đến tháng 9.2016 với mức độ gay gắt, khốc liệt hơn năm 2015 và tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân tại tỉnh Ninh Thuận. Tính đến ngày 25.5, lượng nước tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện chỉ còn 28,11/192,21 triệu m3, đặc biệt 2 hồ chứa nước lớn là Ông Kinh và Tà Ranh không còn nước. Dẫn đến chuyện 4.099 hộ/16.149 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt, phải vận chuyển để "tiếp tế" hàng ngày. 30.922 hộ/130.283 nhân khẩu thiếu đói giáp hạt đã được Chính phủ cấp 1.954.245kg gạo cứu đói đợt 1. Về chăn nuôi, đến nay đã có 3.451 con gia súc bị chết do thiếu nước và thức ăn cạn kiệt. "Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp là nặng nề nhất. Tại tỉnh Ninh Thuận có đến hơn 1.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại lên đến 54,117 tỉ đồng. Trong đó, nho và táo là cây trồng bị ảnh hưởng nặng nhất, 29,631 tỉ đồng" - ông Thựu nói.

Trước diễn biến phức tạp trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều biện pháp, nhằm nỗ lực ứng phó với hạn hán. Lực lượng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Tỉnh đoàn, Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh mỗi ngày vận chuyển 47m3 nước/ngày để hỗ trợ cho người dân ở khu vực thiếu nước sinh hoạt. Tiến hành di chuyển trên 8.366 con gia súc đến các khu vực thuận lợi về thức ăn, nước uống và thực hiện giám sát, hướng dẫn phòng trừ bệnh cho đàn gia súc... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã thống nhất kế hoạch điều tiết nước với thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để duy trì mức xả nước cho Ninh Thuận, phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, nước cho sản xuất vụ hè thu 2016. Việc điều tiết nước tưới luân phiên giữa các hồ, đập và thực hiện phương án tưới tiết kiệm đang được các địa phương tại Ninh Thuận áp dụng.

Tuy nhiên, theo ông Thựu, những biện pháp trên chỉ là giải quyết trước mắt, về lâu dài tỉnh đang xây dựng các công trình thủy lợi lớn. "Ví dụ như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (huyện Bác Ái) dự kiến có công suất 219 triệu khối đang được triển khai xây dựng. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giảm bớt gánh nặng về việc thiếu nước" - ông Thựu thông tin.

 

LÂM HƯNG THƠ
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.