Niềm vui học chữ ở Hang Hớt

K’LIỆP |

Lớp học có hàng chục người với đầy đủ lứa tuổi, có người đã lập gia đình và con cái, thậm chí có người ở tuổi “gần đất xa trời”… Mỗi tuần 3 buổi họ đều đặn lên lớp để học con chữ. “Xưa bố mẹ không cho đi học vì nhà nghèo. Bây giờ các cháu ở nhà nó hỏi, mình không biết gì để bày. Sợ mình tuổi cao quá rồi, theo học không nổi, chứ ngày nào còn được đi học thì cứ học, học để biết chữ mà bày cháu nó” - bà Liêng Hot Ka Put (61 tuổi) nói.

Con đường từ UBND xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) dẫn về thôn Hang Hớt khoảng chục cây số, nhiều đoạn đường đang thi công, vào mùa mưa nên lầy lội, khó đi… Khó khăn là thế, nhưng các giáo viên, cán bộ Đoàn xã, huyện Lâm Hà vẫn phải lặn lội hơn 1 giờ đồng hồ để đem từng con chữ đến với bà con. Mong ước của họ là dạy người dân nơi đây biết đọc, biết viết, xóa mù chữ…

Nhọc nhằn đưa “học sinh” đến lớp

Tại thôn Hang Hớt, lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số được khai giảng vào cuối tháng 8.2017. Lớp học do Huyện Đoàn Lâm Hà phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng xã Mê Linh tổ chức dạy và sẽ cấp giấy chứng nhận cho bà con sau khi lớp học kết thúc. Lớp học sẽ kéo dài trong thời gian 6 tháng. Được biết, tại huyện Lâm Hà, thôn Hang Hớt, Cổng Trời, Buôn Chuối… là những địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Lớp học xóa mù chữ thôn Hang Hớt được mở mỗi tuần 3 buổi vào tối thứ ba, tư, năm và hai giờ đồng hồ mỗi buổi tại Nhà Văn hóa thôn. Tại đây có đủ trang thiết bị như bàn ghế, bút, thước cùng phấn trắng, bảng... Lớp học này có trên 53 người là đồng bào Cil theo học, với 1 người dạy và 4 đoàn viên hỗ trợ, học từ 18 giờ đến 20 giờ. Những người theo học nơi đây được dạy học chữ, dạy học toán cộng trừ…

Chúng tôi theo chân anh Liêng Hót Ha Mak (22 tuổi) - Bí thư Chi đoàn thôn kiêm lớp trưởng của lớp học xóa mù chữ thôn Hang Hớt. Trước 18 giờ anh đã lục đục mở cửa, dọn bàn ghế và trực nhật để đón những người “bạn học” đủ mọi lứa tuổi. Anh Ha Mak cho biết: “Khi có thông báo mở lớp học xóa mù chữ cho đồng bào trong thôn, tôi rất mừng. Bà con sắp được học con chữ, họ sẽ biết viết, biết đọc…”.

Việc lớp học xóa mù chữ đến với bà con là niềm vui của những người cán bộ địa phương. Thế nhưng, để vận động người dân đến học chữ không đơn giản. Sau khi đi gõ cửa từng nhà, hỏi từng người thì Ha Mak biết trong thôn còn rất nhiều người chưa biết chữ, nhất là các bậc phụ huynh. “Tôi đến hỏi những người này và vận động đi học thì họ tỏ thái độ khó chịu vì nghĩ rằng tôi có ý coi thường họ nên mới đi hỏi như thế, một số người nghĩ rằng tôi có mục đích xấu…” - anh Ha Mak nói.

Quyết tâm không từ bỏ, Ha Mak bỏ cả công việc nhà, nhiều lần đến từng nhà vận động bà con. Do nhận thức của đa số người dân địa phương còn hạn chế nên anh Ha Mak gặp vô vàn khó khăn. Có gia đình thấy anh tìm đến nhà là lẩn trốn, không muốn tiếp xúc vì họ không muốn đến lớp. Có gia đình còn thẳng thừng nói: Học làm gì, học có ra cơm để ăn, áo để mặc được không? Lên nương, lên rẫy bẻ ngô, gùi sắn còn hơn. Nhiều người đi học cái chữ mà có khá hơn chúng tôi đâu. Học không giàu được đâu!… Và nhiều câu khó nghe hơn nữa.

Rất may anh Ha Mak là người địa phương nên việc đi vận động, thuyết phục những người mù chữ lên lớp học chữ dễ nhận được sự đồng cảm hơn. Thấy Ha Mak là cán bộ thôn đi vận động bà con học chữ, nhiều người đã đăng ký tham gia lớp học, với gần 60 người.

Chứng kiến sự háo hức của bà con lúc bước vào lớp học, chúng tôi tin lời của Ha Mak, rằng bà con vẫn rất muốn đi học, chẳng qua là còn nhiều rào cản. Ngay từ buổi học đầu tiên, mọi người tới sớm chờ đợi tới giờ học, ai cũng vui vẻ và mong chờ những bài học mới. Để được kết quả này, đằng sau đó là công lao của các cán bộ đến vận động.

Hướng dẫn người dân học chữ
Hướng dẫn người dân học chữ

61 tuổi mới được học chữ…

Tại lớp học xóa mù chữ Hang Hớt, phần lớn “học sinh” là những người đã có tuổi. Và đặc biệt hơn, có tới 90% là… phụ nữ. Chị Ka Diên (19 tuổi) và mẹ là bà Lơ Mu Ka Dang đã ngoài ngũ tuần. Không được may mắn như những thanh niên trẻ trong thôn, Ka Diên và mẹ chưa từng được đến trường. Ngày đầu cùng con gái tới lớp, bà Ka Dang vô cùng ngại ngùng, thậm chí còn ngồi cách xa con, người đầu, người cuối lớp.

Trong độ tuổi thiếu nữ đôi mươi, Ka Diên và những cô bạn gái khác cũng có những rung động đầu đời, em bẽn lẽn bảo: “Họ gọi điện thì em nghe được, chứ nhiều khi nhắn tin em chẳng hiểu nội dung gì, như thế kỳ lắm. Rồi đến cả ai gọi em cũng chẳng biết nữa”.

Trên bảng, giáo viên vừa nắn nót viết từng chữ, số vừa giải thích với cả lớp cách viết làm sao cho đúng kích thước để số, chữ đều và đẹp. Cuối lớp, vài người phụ nữ địu con nhỏ, chốc chốc lại chạy ra ngoài vì đứa trẻ khóc ré lên đòi sữa mẹ. Người phụ nữ địu con nhỏ nói: “Cháu nhỏ nó hay khóc, ngồi đây nếu nó khóc to quá thì mình ra ngoài, khỏi ảnh hưởng đến các thầy cô và cả lớp”. Nói rồi chị cười, lặng lẽ cúi xuống vỗ về con và nắn nót viết những con số sao cho tròn trĩnh.

Cùng cảnh, anh Kliêng Ha Dong (37 tuổi) cho biết, đi học là điều anh mong mỏi bấy lâu bởi tuổi thơ của anh là những ngày chỉ biết theo cha mẹ lên nương rẫy, không biết trường lớp là gì. Với anh Ha Dong, đi học là để biết đọc, biết viết tên vợ và con. “Biết chữ ra ngoài đường không sợ bị lạc, đi bệnh viện là biết mình khám phòng nào, bệnh gì, uống thuốc nào cho đúng như bác sĩ dặn nữa chứ” - anh Ha Dong tâm sự.

Trong lớp học, người lớn tuổi nhất là bà Liêng Hot Ka Put (61 tuổi). Từ nhỏ, người phụ nữ này không được đi học, suốt ngày chỉ biết lên nương rẫy trồng ngô, khoai… để mưu sinh. Đối với bà, học chữ là niềm vui. “Xưa bố mẹ không cho đi học vì nhà nghèo. Bây giờ các cháu ở nhà nó hỏi, mình không biết gì để bày. Sợ mình tuổi cao quá rồi, theo học không nổi, chứ ngày nào còn được đi học thì cứ học, học để biết chữ mà bày cháu nó” - bà Liêng Hot Ka Put (61 tuổi) nói.

Đến lớp học chữ đã góp phần nâng cao nhận thức để ổn định trật tự địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, thôn Hang Hớt có nhiều người dân còn nhận thức kém dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp xảy ra. Ngày 8.8.2016, trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng Kiểm lâm của Trạm Quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (tỉnh Lâm Đồng), bị một đám rất đông người cầm theo nhiều hung khí chặn đường. Tại đây, hàng chục đối tượng cầm dao phát, kiếm, mã tấu… lao vào tấn công dữ dội lực lượng bảo vệ rừng. Hậu quả, 2 cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban, gồm: Ông Nguyễn Ái Tĩnh (49 tuổi) bị tử vong tại chỗ và ông Tân Khoa bị chém trọng thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trước sự việc trên, chính quyền địa phương và các cấp ban ngành liên quan đã nhiều lần đến địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho bà con. Và việc người dân địa phương này, được đến lớp học chữ đã góp phần nâng cao nhận thức để ổn định trật tự địa phương.

K’LIỆP
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.